KTS Trần Đình Bá: Tôi lo họ sẽ “mua nhầm” đường sắt

Từ bấy lâu nay chúng ta đang phải đối mặt với một chứng bệnh trong ngành giáo dục và khoa học, đã trở thành căn bệnh nan y khó chữa, đó là chứng “đạo văn”. Đạo văn ở đây chỉ chung tất cả các tình trạng ăn cắp tri thức từ mức độ ý tưởng cho tới sản phẩm; tình trạng này lan tràn gần như khắp ngành nghề, nhưng ở cấp độ thấp. Lần này, xem chừng chúng ta có thể truy được một manh mối khác, ở cấp độ cao hơn, ít nhất cũng là cấp Bộ.

Thông qua lời cáo buộc của KS Trần Đình Bá, thì nhóm “chuyên gia” soạn thảo Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam đã biến tướng ý tưởng của ông từ việc đề xuất cải tiến đường sắt hiện tại thành đường tàu nhanh, nới rộng kích cỡ ra 1.435m. Nếu hiểu “biến tướng” cũng chính là một thủ pháp của “đạo”, thì căn bệnh nan y “đạo văn” là thẳng tuột từ cấp cao nhất đến thấp nhất mất rồi.

Tuy nhiên, cũng theo lời KS Bá, các “chuyên gia” này lại có thêm “sáng kiến” biến nó ngay thành một siêu dự án tỷ tỷ đô la. Điều này hé lộ cho chúng ta một manh mối nghi ngờ thứ hai, tại sao phải có “sáng kiến” vĩ đại như thế?

Không có bằng chứng trực tiếp, nhưng nếu lấy các dữ kiện gián tiếp làm “gương chiếu yêu” thì cũng phần nào nhìn ra được chân tướng ấy. Nào là PMU18, nào là dự án xa lộ Đông-Tây, nào là dự án tiền polymer… tất cả đều có “mùi” của tham nhũng và hối lộ. Nhưng lạ lùng hơn nữa, là với những siêu dự án có “yếu tố nước ngoài” thì được lèo lái theo hướng nào là chuyện bên ngoài, chúng ta không có liên quan, hay chỉ để tham khảo… Và những tệ nạn tham nhũng này nên nhớ là toàn liên quan với cấp cao cả.

Trong khi nhiều ý kiến đóng góp, phân tích rạch ròi can gián chân thành, có cả ý kiến từ những chuyên gia đường sắt cao tốc thứ thiệt từ ngoại quốc; kể cả những tổ chức quốc tế được xem là tiềm năng có thể cho vay cũng đã đánh tiếng ngoảnh mặt, nhưng gần như nhóm những người ủng hộ vẫn rất kiên trì “giữ vững lập trường” quyết thuyết phục QH thông qua cho bằng được siêu dự án này.

Chúng ta phải truy cho ra nguyên nhân sâu xa đằng sau sự “ủng hộ quyết liệt” đó là gì. Không thể nào dung chứa những ý tưởng điên rồ để rồi tiền nong thất thoát vào một “nhóm lợi ích”, mà con cháu phải nai lưng ra trả nợ cho các bậc tiền nhân đổ đốn của mình.

Nguyên Đình

Ông Trần Đình Bá cho rằng dự  án đường sắt cao tốc (ĐSCT) là “biến tướng” từ một sáng kiến của ông. Chỉ những người mơ mộng mới dám “ước mơ” siêu dự án này sẽ thành hiện thực.

Tôi rất lo họ sẽ "mua nhầm" đường sắt đấy!

Tôi rất lo họ sẽ "mua nhầm" đường sắt đấy!

Sáng kiến của tôi bị “biến tướng”

Ông có quan tâm đến vấn đề ĐSCT?

Có chứ. Đó là “chuyên môn” của tôi mà.

Ông có đồng tình với việc xây dựng ĐSCT?

Tôi không đồng tình!

Vì sao vậy?

Vì sao ư? ĐSCT 300km/h tốn kém lắm. Nó không phù hợp điều kiện dân cư, không phù hợp với văn hóa tập quán của người Việt Nam. Tôi có sáng kiến là chỉ mở rộng khổ tiêu chuẩn 1.435 và điện khí hóa, tốc độ 150 – 200km mà thôi. Loại tàu này phổ dụng ở châu Âu và Trung Quốc. Nó rất kinh tế và an toàn. Hành trình từ TP HCM ra Hà Nội chỉ 12 – 15 tiếng là lý tưởng lắm rồi.

Tôi cũng đã từng nghe nói ông có sáng kiến mở rộng và hiện đại ĐSVN?

(Cười) Ý tưởng của tôi có từ năm 2004. Khi đó tôi đã gửi đến Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình sáng kiến đề xuất mở rộng để hiện đại hóa đường sắt. Lúc đó, đường sắt khổ hẹp 1m của ta đã gây ra nhiều vụ lật tàu làm nhiều người chết và bị thương. Sáng kiến của tôi lúc đó là mở rộng khổ kỹ thuật để hiện đại hóa ĐSVN bằng loại tàu hỏa khổ 1.435 tiêu chuẩn, tốc độ 150 – 200km/h. Sáng kiến này sẽ giúp giảm thiểu những thảm họa như tàu S1, E1 và giải quyết bài toán quá tải về giao thông, giảm tải cho quốc lộ 1.

Vậy sao sáng kiến đó của ông không được triển khai? Phải chăng nó không hợp “lòng dân”?

KTS Trần Đình Bá hiện là Hội viên Hội Kinh tế vận tải đường sắt Việt Nam. Ông là tác giả đoạt giải quốc gia về hiến kế “Mở rộng đường sắt  để giảm thiểu tai nạn giao thông và hiện đại đường sắt Việt Nam” năm 2008 do Bộ GTVT và  UBATGTQG tổ chức. Ông Bá cũng vừa viết thư cho Chủ tịch QH về sáng kiến của mình và xin trình bày dự án đối chứng.

Thật đáng tiếc. Không phải nó không được triển khai. Nhưng đã có người “biến tướng” sáng kiến đó của tôi. Từ việc chỉ là khẩn cấp mở rộng hiện đại hóa đường sắt họ đã biến thành việc phải mua ĐSCT tốc độ 350km/h. Sáng kiến của tôi chỉ tốn 4,5 tỷ USD họ đã nâng nó lên thành hàng chục tỷ USD!

ĐSCT là một sự ảo tưởng

Vậy tại sao ông chỉ ủng hộ việc mở rộng để hiện đại đường sắt chứ không phải “mua mới” hoàn toàn ĐSCT?

Vì nó hoàn toàn khác nhau. ĐSCT tốc độ 350km/h là một sự ảo tưởng vì nó đắt nhất thế giới nhưng lại không tiện dụng! Tôi đã phản đối ý tưởng này rất gay gắt ngay từ đầu. Nhưng đáng tiếc là nó vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Đáng tiếc hơn là nó đã trở thành siêu dự án ĐSCT trị giá 56 tỷ USD.

Hình như ông “đang buồn”?

Tôi rất buồn. Làm sao tôi có  thể không buồn! Sáng kiến mở rộng và hiện đại hóa đường sắt của tôi đã “được” người ta biến tướng! Họ thổi lên thành một dự án vượt quá sức tưởng tượng của người Việt Nam. ĐSCT đắt tiền lắm! Trung Quốc làm 1.000km tốn hết 1.000 tỷ nhân dân tệ. Nó tương đương 292 tỷ USD. Ta làm gấp rưỡi họ thì làm sao kham nổi. Nó có thể lên tới 450 tỷ USD đấy. Siêu dự án này sẽ biến Việt Nam thành nước sở hữu tuyến ĐSCT 300km/h dài nhất thế giới!

3 năm – 4,5 tỷ USD là xong

Theo sáng kiến của ông, đường sắt tốc độ 150 – 200km/h sẽ được mở rộng và điện khí hóa trên nền đường sắt cũ. Kế hoạch này liệu có khả thi?

Đường sắt tốc độ 150 – 200km/h xây trên nền của đường sắt khổ hẹp là việc làm nâng cấp hiện đại. Đó là cách làm thông minh vì “trẻ hóa” được hệ thống đường sắt cũ đã lạc hậu. Trung Quốc đã mở rộng thành công 74.000km đường sắt loại này trở thành đường sắt tiêu chuẩn quốc tế và điện khí hóa cơ mà. Có gì cản trở đâu!

Liệu loại tà vẹt mà ông đưa ra có đảm bảo kỹ thuật cho việc hiện đại đường sắt để tăng tốc và tăng năng lực vận chuyển?

Tà vẹt cho loại đường này khá đơn giản. Chỉ là tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực, tiêu chuẩn châu Âu khổ 1.435 là được. Nó có 3 hàng ray để mở rộng được khổ kỹ thuật mà không làm cản trở lưu thông. Sau đó là duy nhất chỉ có một khổ 1.435 hoạt động vĩnh cửu.

Đối với những nơi có địa hình phức tạp như khu đông dân cư, đô thị, thành phố… việc hiện đại hóa đường sắt tốc  độ 150 – 200km/h có nguy hiểm cho người đi lại gần khu vực đó? Bài toán này giải quyết thế nào?

(Cười) Tàu của tôi không phải là tàu cao tốc 300km/h. Nó chỉ là đường sắt thường tốc độ 150 – 200km/h nên rất an toàn. Nó đi qua nội đô hay vùng nông thôn đều được. An toàn lắm.

Ông nghĩ sao khi có người cho rằng làm xong đường sắt cao tốc Bắc – Nam 300km/h, đường sắt cũ coi như bỏ?

ĐSCT 300km/h tốn kém và không chở được hàng hóa thì tôi mới khuyên là đừng làm. Nếu Quốc hội có quyết cũng không đủ sức làm đâu. Phải có 450 tỷ USD hãy mơ tới. Mô hình đường sắt tôi đưa ra phù hợp cho mọi thời đại và phù hợp cho tất cả các nước từ giàu đến nghèo.
Vậy thời gian mở rộng và hiện đại đường sắt theo hiến kế của ông có phức tạp không và kéo dài khoảng bao lâu?

Chỉ 3 năm là xong. Mà tiết kiệm lắm. Chỉ 4,5 tỷ USD.

Giấc mơ viển vông

Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc hiện đang gặp phải rất nhiều sự phản đối. Ông thấy cái sự phản đối ấy có chính đáng không?

Chính đáng. Đó là một giấc mơ viển vông vượt quá khả năng của chính mình. Loại đường này chỉ phù hợp với những nước đại cường quốc lắm của dư tiền. Nước ta còn nghèo làm sao mơ ước được. Dự án 56 tỷ USD chúng ta sẽ không thể nào kham nổi. Chỉ ngay việc giải ngân tiền xin vay cũng đã mất trên 20 năm rồi. Món hàng này chỉ chở được người. Nó không chở được hàng hóa mới đau chứ (cười)!

Ngoài ra, nếu làm dự án này, việc vỡ nợ sẽ khó tránh khỏi. Lúc  đó chúng ta và các thế hệ con cháu tha hồ phải thắt lưng buộc bụng!

Vậy tại sao vẫn có không ít người ủng hộ?

ĐSCT 300km/h là mơ ước của tất cả. Nhưng phải hiểu thấu đáo về loại đường này. Cho đến nay nhiều người còn mơ hồ chưa hiểu hết ĐSCT 300km/h và nhầm lẫn với việc mở rộng để hiện đại đường sắt tốc độ 150 – 200km/h tiết kiệm và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Như tôi theo dõi qua các phiên họp Quốc hội, một số đại biểu cũng nhầm lẫn giữa hai loại đường sắt này.

Tôi rất lo họ sẽ “mua nhầm” đường sắt đấy! Nếu thế, đó sẽ  là một sai lầm không thể cứu vãn mà nhiều chuyên gia nước ngoài khuyên chân thành “chớ trèo cao mà ngã đau”!

Vâng. Xin cảm ơn ông về những chia sẻ. Thực lòng tôi cũng không dám bình luận gì vì đó không phải “chuyên môn” của tôi!

Cần phân biệt rõ mở rộng để đường sắt hiện đại đạt tốc độ cao từ 150 – 200km/h khác hoàn toàn với đường sắt cao tốc! Thế giới phân loại ĐS theo tốc  độ như sau: Dưới 120km/h gọi là ĐS tốc độ thường – loại này chở được hành khách và hàng hóa. Từ 120 – 160km/h được gọi là ĐS tốc độ vừa. Chở được hành khách và hàng hóa. Từ 160 – 200km/h gọi là ĐS tốc độ cao cũng chở được hành khách và hàng hóa. Từ 200 – 350km/h được gọi là ĐSCT. Trên 350km/h gọi là ĐS siêu tốc chỉ chở được hành khách mà thôi không thể nào chở được hàng hóa.

NT

Nguồn: http://bee.net.vn/channel/1988/201006/KTS-Tran-Dinh-Ba-Toi-lo-ho-se-mua-nham-duong-sat-1756129/

This entry was posted in giao thông. Bookmark the permalink.