Tuần này là sự trở lại của Trực Ngôn với những vui buồn trong phát ngôn và hành động của các nghị sĩ và nghệ sĩ Việt Nam.
Trung tâm hành chính Ba Vì – Màn trình diễn của các ảo thuật gia?
Hà Tây đột nhiên biến mất và rồi hiện ra với bộ mặt khác: Hà Nội. Người dân không phản đối chính sách ngày ấy. Nhưng cho tôi nói thật: họ không hiểu lý do cho dù chúng ta ra rả thuyết trình. Bây giờ khi đi qua hai thành phố Sơn Tây và Hà Đông, nhiều người vẫn ngơ ngác và mang trong lòng nỗi ám ảnh về hai thành phố chết trẻ nhất trên thế gian này. Bởi một chính sách lớn như sát nhập cả một tỉnh Hà Tây, một vùng đất của văn hóa vô cùng đặc sắc, vào Hà Nội mà hình như chẳng ai biết.
Vì thế, mới có chuyện người ta cứ “làm lễ” cho hai thị xã nói trên thành hai thành phố để rồi chưa đầy 9 tháng sau người ta lại đọc lời vĩnh biệt hai thành phố ấy.
Chuyện Hà Tây trở thành Hà Nội chưa kịp nguôi đi bởi thời gian thì người dân lại sững sờ khi chứng kiến màn trình diễn mới: Chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì.
Trong một cuộc thảo luận ở Quốc hội mới đây, những đại biểu QH cấp “đại cử tri” như Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Quốc Anh, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng… đã phải kêu lên trước màn trình diễn ấy.
Chủ tịch Hội Luật gia Phạm Quốc Anh nói: “ Đó cũng là cách tạo cớ cho kẻ đầu cơ tăng giá đất đai. Có người còn bảo, nhiều cán bộ có trang trại lớn ở Ba Vì, muốn có đồ án này để đẩy giá lên, bán đi ôm tiền vào túi”.
Câu nói này đúng là của một người đại diện cho dân. Vì đó là ý nghĩ của dân không chỉ khi có dự án chuyển TT hành chính quốc gia lên Ba Vì mà đó là ý nghĩ đã có từ biết bao năm nay rồi trước biết bao dự án. Thử hỏi có người dân nào được sở hữu những miếng “đất vàng” như thế không? Chúng ta có dám công khai những vùng đất đẹp nội ngoại thành Hà Nội đang thuộc về ai không? Tôi tin nhận định của đại biểu Phạm Quốc Anh. Xin đa tạ sự trung thực của ông.
Quả thực như đại biểu Nguyễn Văn Thuận thì nói như một tiếng thở dài não ruột: “Phải tạo chuyển biến rõ rệt nội đô cho đàng hoàng. Nội đô hiện nay cứ nay đào mai bới. Nhà cổ khi bảo giữ, lúc nói phá, không nhất quán“.
Chỉ cái việc thiết thực trước mắt và không khó khăn gì lắm mà chúng ta cũng không làm ra hồn thế mà cứ bàn đến chuyện 100 năm sau. Nhưng ngẫm ra thì chẳng có gì ngạc nhiên. Bởi đó chỉ là màn diễn của các ảo thuật gia biến một vùng đất xa xôi thành một thế giới vàng… cho họ. Và đây đâu phải lần đầu tiên họ thể hiện màn trình diễn đó!
Quá nhiều đại biểu Quốc hội đã phân tích hợp tình hợp lý nhưng hình như vẫn chẳng có dấu hiệu gì thay đổi. Họ thấy một sự bất bình thường trong chuyện này. Có đại biểu phải kêu lên như một sự bất lực “Họp Thường vụ QH, tôi đã nêu câu hỏi, Bộ trưởng Xây dựng đã giải trình nhưng tôi vẫn chịu, không hiểu”.
Không chỉ mình đại biểu kia không hiểu. Nhân dân cũng không hiểu vì sao lại thế cho dù họ hiểu vì sao người ta làm thế.
Ôi, các ảo thuật gia! Các ngài đã biến ruộng đồng của nhân dân thành sân golf, biến công viên thành khách sạn, biến hồ nước thành mặt bằng, biến 1 giường bệnh viện cho 1 bệnh nhân nằm thành một chiếc giường khổng lồ chứa được 3, 4 bệnh nhân, biến một trung tâm văn hóa thành khu chung cư cao cấp, biến nông dân nhiều khu vực thành những thị dân vô nghề nghiệp, biến những người chỉ sau một đêm có đến mấy bằng Cử nhân, Thạc sỹ…
Và nhân dân, những khán giả với hàng trăm, hàng nghìn lo toan, vất vả, thiếu thốn… đang đợi một ngày được các ngài biến giấc mơ giản dị của họ thành hiện thực.
Hội chứng IQ ở Việt Nam
Suốt mấy ngày nay, có biết bao nhiêu người Việt Nam đang đi trên đường, đang ăn trong quán, đang uống cà phê, đang cố thoát ra khỏi nạn tắc đường kẹt xe, đang đu mình trên ròng rọc qua sông đến trường, đang nhễ nhại mồ hôi vì mất điện, đang tìm cách chạy trường chạy lớp cho con cái, đang cười nói với bạn bè hoặc đang khóc lóc… bỗng chợt dừng lại, ngẩn ngơ rồi cứ sờ nắn đầu mình giống một người mù sờ nắn một vật thể lạ.
Có nguồn tin cho rằng việc sờ nắn đầu mình là do một căn bệnh lạ vừa tràn đến Việt Nam. Các chuyên gia của Viện Vệ sinh Dịch tễ học Hà Nội nháo nhào tìm nguyên nhân căn bệnh. Nhưng họ đã thất bại. Cuối cùng người tìm ra bệnh lại là các nhà báo. Đó là căn bệnh mang tên IQ.
Căn bệnh này sinh ra từ các cuộc tranh luận trong Quốc hội về việc xây đường sắt cao tốc ở nước ta. Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội trái ngược nhau và có vẻ bất phân thắng bại.
Người ví xây đường sắt cao tốc giống như sự xuất hiện của một chàng trai trong truyện cổ để đánh thức nang công chúa “tiềm năng” của tỉnh mình đang ngủ trong rừng. Mà tỉnh nào cũng có một nàng công chúa “tiềm năng” đang ngủ li bì mà chưa biết cách nào cho nàng thức dậy. Thế là ai có cơ hội phát biểu đều kêu gọi hãy xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở tỉnh mình là hợp lý.
Người ví làm đường sắt cao tốc như xây móng nhà cho con cháu tương lai. Người bảo con cháu sẽ còng lưng, è cổ ra mà trả nợ. Có người lại bảo lên miền núi mà xem tàu cao tốc. Đó là việc các em học sinh phải dùng ròng rọc để qua sông đi học giống như các ninja Nhật Bản.
Nhưng cuối cùng, đại biểu Trần Tiến Cảnh kết luận: “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm… Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây”.
Nếu ông Trần Tiến Cảnh là dân thường thì việc quả quyết của ông “các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc” cũng chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng ông đang là đại diện của nhân dân. Chẳng lẽ ông đại diện cho nhân dân ủng hộ một việc mà con cháu của nhân dân chắc chắn sẽ phải tối mặt cày cấy và nuôi vịt để trả nợ nhiều đời vì món tiền “khổng lồ” xây dựng đường sắt cao tốc.
Thiển nghĩ, nếu đại biểu QH nào đó không hiểu được vấn đề QH bàn luận thì “im lặng” là thể hiện lòng yêu nước, thương dân có hiệu quả nhất của họ.
Viết đến đây, Trực Ngôn tôi lại nhớ đến một đại biểu QH vốn người xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ là ông Ấn. Ông Ấn là đại biểu QH và trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, như ông ấy kể, là ông ấy ăn trầu hết 1000 quả cau (đại biểu QH Ấn nghiện ăn trầu mà) nhưng không phát biểu một lần nào vì “mình biết gì đâu mà phát biểu”. Ông Ấn là một người yêu nước, thương dân. Chứ ông ấy không biết gì mà cứ phát biểu thì… than ôi.
Một đại biểu QH tôi biết cũng yêu nước bằng cách không phát biểu gì vì không biết gì. Đó là một diễn viên Chèo của Hà Tây cũ. Khi tiếp xúc cử tri trong cuộc bầu cử QH năm ấy, đến đâu bà cũng chỉ nói “Em xin hát một điệu Chèo phục vụ bà con” vì bà đâu có biết nói về những vấn đề an sinh hay chiến lược phát triển văn hóa. Thấy bà mộc mạc, chân thành thế là nhân dân bỏ phiếu cho bà làm đại biểu QH.
Và trong nhiệm kỳ của mình, bà cũng không phát biểu một lời nào. Nhưng bà không được hát Chèo ở trong các kỳ họp QH. Chẳng lẽ ở Hội trường Ba Đình bà lại đứng lên hát một điệu Chèo về chính sách giáo dục hay quốc phòng ư. Ví dụ: Này bà con ơi… Sao ? Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ ? Không xưng danh thì ai biết là ai… Này i..i…à…í i.. ì, tôi.. đang đứng i..i.. ở Hội trường ì..i..i.. Nhưng nhân dân cũng công nhận bà là người yêu nước, thương dân vì không phát biểu gì.
Đại biểu Trần Tiến Cảnh nói “Việt Nam không phải nước nghèo”. Đấy là ông Cảnh nói nhé chứ không phải tôi. Vậy nước ta là nước gì? Không nghèo thì là giàu chứ gì hay là không giàu không nghèo chăng? Thôi chuyện này cũng chẳng nên nói thêm, mệt lắm rồi, trời lại đang nóng bức, điện lại đang cắt, đường lại đang tắc.
Nhưng hơn 50 tỉ đô la cho đường sắt cao tốc đâu phải chuyện đùa! Trong khi ấy, cơ sở hạ tầng của ngay Hà Nội này tồi tệ đến nhường nào. Đấy là chưa nói đến các vùng ngoại ô và vùng sâu vùng xa. Rồi tàu cao tốc cứ chạy tít mù nhanh nhất nhì thế giới còn nhân dân cứ dùng ròng rọc mà bay qua sông, cứ mặc áo mưa cho dù “trời không mưa nhưng cứ mặc áo mưa” để khỏi bụi, cứ bơi giữa thủ đô khi có một cơn mưa mùa hạ, cứ 3,4 bệnh nhân nằm chung một giường bệnh cho tình cảm, cứ đưa con đến siêu thị chơi vì không có công viên, vườn trẻ… thế nhé.
Một hành động để… mua vui cuối tuần
Nếu cứ viết Phát ngôn và Hành động mãi, Trực Ngôn tôi e rằng mình có thể bị stress vì mệt quá. Mệt vì tâm lý và tình cảm của mình cứ bị tấn công đột ngột giống như những cú sốc. Quả thực, chuyện TT hành chính quốc gia, chuyện đường tàu cao tốc, chuyện đặt hàng rào phân cách rồi lại gỡ ra, chuyện dự báo 3 năm nữa giáo dục đại học sẽ tốt lên, chuyện “anh về đây theo đường dây nào?” (Câu hỏi mà TS Hồ Bất Khuất đưa ra trong bài viết của mình về Bộ GD và ĐT được người dân chọn lựa làm câu hỏi chung cho mọi ngành vì đúng quá) làm tôi thực sự quá mệt.
Nhưng đâu phải mình tôi mệt. Qua theo dõi thấy các đại biểu QH còn mệt hơn nhiều vì cứ tranh luận mãi, chất vấn mãi mà chưa thấy hé lộ điều gì. Mệt vì mình chỉ thích nói những chuyện vui mà niềm vui hiếm quá.
Chính vì thế mà phần cuối này, Trực Ngôn xin trích bài viết của nhà thơ, hoạ sỹ Trần Nhương về đại hội nhà văn khu vực các tỉnh phía Bắc cho bạn đọc và cho cả cá nhân Trực Ngôn được giải trí một chút. Sau đây là nguyên văn bài viết của nhà thơ, họa sỹ Trần Nhương:
Thế là 5 năm trôi vèo như một thoáng mây qua cửa. Năm năm trước vào năm 2005 Đại hội diễn ra tại Yên Bái. Lần này giữa mùa hè nóng bức, các nhà văn ra biển Đồ Sơn để họp mặt. Thật là sáng kiến. Hình như Đồ Sơn vừa làm các nhà văn dịu dàng trước gió biển vừa làm họ nóng bừng trước những con sóng lẳng lơ.
Lâu lâu có buổi gặp mặt thật đầm ấm và đông đủ. Tôi gặp lại các bạn từ Lai Châu đến Ninh Bình. Chả biết thảo luận bàn bạc được gì không nhưng cứ bắt tay nhau một cái là sướng.
Nói vậy, nhưng ngẫm lại tôi vẫn hơi buồn vì hình như các nhà văn chúng ta không mấy người can dự vào đời sống xã hội đang nóng bỏng. Rất ít tiếng nói cùng nhân dân. Các nhà văn gần như người ngoài cuộc, e dè, sợ hãi một cái gì đó. Chúng ta đang tự bằng lòng với cái khuôn khổ mà lâu nay chúng ta bị tự do trong đó. Khi văn chương, nhà văn không đi cùng nhân dân, tất bật cùng họ, lo lắng cùng họ, không lên tiếng giúp họ tìm được quyền sống công bằng thì văn chương và thiên chức nhà văn hình như chưa trọn.
Cỗ xe Đại hội VIII đã bắt đầu vận hành. Mở đầu là đại hội khu vực Miền Bắc, tiếp đó là Bắc Miền Trung diễn ra tại Quảng Trị. Trung bình cứ 2 ngày một đại hội khu vực, làm sao để cuối tháng 6 là xong bước này. Vất vả thật, thương cho Chủ tịch và anh em cơ quan chạy như tầu hỏa cao tốc suốt dải đất nước dằng dặc.
Sáng 9-6-2010 đúng lúc khai mạc đại hội thì cúp điện. Đình Kính nói với phụ trách nhà khách Hải Yến liệu mà đi phong bì cho điện lực nếu không BTC sẽ cắt 30% tiền thuê đấy. Nhưng rồi điện vẫn cắt. Dự đại hội có cả đồng chí Ban Tuyên giáo, đồng chí Phó chủ tịch Hải Phòng cũng cùng chịu nóng với các nhà văn.
Người ta có chạy máy nổ tạm cho hội trường nhưng vài cái quạt không thể vơi đi cái nóng.
Đại hội sắp khai mạc, tôi nhìn các nhà văn đang toát mồ hôi. Có lẽ các vị đang lo lắng cho đất nước chăng?
Rồi cũng cứ chơi nóng mặc nóng, đại hội vẫn kiên cường cho đến 11 giờ trưa. Nhiều đại biểu bỏ ra ngoài, Pờ Sảo Mìn đi cùng Đinh Công Diệp, Phạm Xuân Trường kéo Nguyễn Tiến Lộc, Trần Nhương, Phạm Viết Đào đi uống nước dừa.
Tham luận có nét nhất là của nhà văn Trần Quốc Tiến (Nam Định) nhan đề Cái ngưỡng của văn chương đâu rồi. Đó là những lời nói tâm huyết của ông [vì chưa xếp chữ kịp nên Trực Ngôn sẽ đưa lên sau]. Còn mọi việc tiến hành và phát biểu vẫn xưa như thế kỷ trước. Ôi những người trí thức vào loại tiên tiến mà vẫn ngựa quen đường cũ…
Kết thúc buổi sáng là bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự cho ban chấp hành gồm có: Đình Kính (Hải Phòng), Thúy Quỳnh (Thái Nguyên), Bình Nguyên (Ninh Bình). Thế ra ở đâu giới thiệu đấy không được với sang các vùng khác, hình như cũng không ổn theo kiểu chào cờ xã ta. Chiều nay sẽ thăm dò chức Chủ tịch Hội. Chắc lại Hữu Thỉnh vì ông vẫn chưa oải, say việc, thích làm việc…
Buổi chiều tham luận của nhà thơ Đỗ Thị Tấc nói các nhà văn hãy về với các bản làng, thủy điện nhỏ, cây cao su đang giết chết các vùng văn hóa, các văn hóa tộc người. Người dân tộc cần một cánh rừng bên nhà cho chôn cất, cho miếng ăn. Chị nói vừa rồi chị về bản đã phải đi xe máy ra đầu bản để đi tè. Khổ thế, miền núi Tây Bắc đã bị mổ thịt. Xin lưu ý các bạn các thủy điện nhỏ đến 90% do Trung Quốc trúng thầu và xây dựng. Từng ngõ ngách bản nhỏ đều có người Tầu thì kinh hoàng…
Chủ tịch Hữu Thỉnh nói về bầu BCH, số lượng nên có đủ khoảng 15 người để có thường vụ. Người BCH phải có năng lực quản lí, có sức tập hợp để hội ta ấm áp, đoàn kết. Cứ oánh nhau như Thái Lan thì khách du lịch cũng bỏ đi. Nhà nước không tiếc tiền, có đoàn kết mới xin được tiền. Nhà văn Đình Kính đề nghị BCH cũ nên để lại 3 người Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Trần Đăng Khoa và giới thiệu một số nhà văn 3 miền có cả ông Bùi Công Minh chưa hội viên…
Nhà thơ Dư Thị Hoàn nói về việc Hội đã có nhiều hoạt động giao lưu với thế giới, hóa giải với các nhà văn cựu binh Mỹ. Với các nhà văn người Việt chúng ta chưa hòa giải được bao nhiêu. Hãy mở rộng để các nhà văn người Việt toàn thế giới gặp nhau hiểu nhau hơn, không phân biệt hai bên nữa…
Cuối chiều oi nồng lại nhiều ý kiến rất hay của Kim Chuông và các đồng nghiệp khác. Họ chê một số báo chí của Hội kể cả website rất cổ lỗ, mờ nhạt. Có mấy ý kiến nhắc đến biểu dương Trannhuong.com tại đại hội này nhưng nhà cháu ngại cái anh cá thể mà các bác nêu tên nhà cháu giữa nơi đại hội tưng bừng thế này mặc dù nhà cháu sướng trong bụng nhưng sợ Hội chả thích gì…
Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh lên tổng kết đại hội rất hùng hồn, rất phấn khích như Đại hội VIII đã thành công rực rỡ… Nghe nói ông ăn vội bữa liên hoan rồi phi thẳng lên Nội Bài để kịp bay vào Huế rồi ra Quảng Trị chỉ đạo Đại hội Bắc Miền Trung sẽ diễn ra ngày 11-6-2010. Gần 70 tuổi Hữu Thỉnh dẻo dai thật…
Lời bình nhỏ: Qua những dòng đơn giản và ngắn ngủi của nhà thơ, họa sỹ Trần Nhương, bà con đã thấy được phần nào chân dung nhà văn Việt Nam ta chưa ạ?
T. N.
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-06-11-cac-ao-thuat-gia-va-hoi-chung-iq-o-viet-nam