Cơ cấu “quan” Đảng vẫn theo đường lối xưa cũ

RFA

Tổng bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng (thứ hai, phải), Nông Đức Mạnh (thứ nhất, trái) tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 1 năm 2016.

Tổng Bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng (thứ hai, phải), Nông Đức Mạnh (thứ nhất, trái) tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 1 năm 2016.

Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 vào ngày 12 tháng 5 kết thúc một tuần làm việc với 3 vấn đề: xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, nhân sự cấp chiến lược của Đảng; cải cách tiền lương; và chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu.

 Nhân sự Đảng vẫn cũ

Quy hoạch cán bộ “cấp chiến lược”, nguồn nhân sự cấp cao, quan trọng cho bộ máy Đảng và chính quyền là một đề án quan trọng của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mục tiêu được nói nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, và chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, suy thoái đạo đức của đảng viên.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống – một cựu đảng viên, nhà quan sát chính trị cho rằng, Nghị quyết về công tác cán bộ, nhân sự của Đảng lần này sẽ không hơn gì những lần trước và có ít tác dụng “sửa sai” và ngày càng tệ, bởi không thể sửa sai bằng phương pháp sai.

“Có 1 nguyên lý nói rằng, để sửa chữa được sai lầm thì phải dùng nguyên lý khác với nguyên lý sinh ra cái sai lầm ấy. Vậy cái nguyên lý nào đã sinh ra cái sai lầm trong công tác cán bộ? Chính là cái chuyên chính vô sản, chính là cái toàn trị của Đảng, chính là việc đặt Đảng lên trên pháp luật, chính là việc Đảng không phát hiện được rằng Đảng hiện nay là đảng chính trị cầm quyền thì phải khác đảng cách mạng”.

Chia sẻ quan điểm với Giáo sư Cống, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình – một cựu cán bộ trong quân đội đánh giá, công tác nhân sự của Đảng khó có sự thay đổi về căn bản.

“Từ trước đến nay vẫn thế, vẫn theo những nguyên tắc, quy trình, tiêu chuẩn như thế và vẫn trong hệ thống trong Đảng bố trí cán bộ. Bây giờ chắc vẫn thế nếu không thay đổi, thì làm sao có cái gì khác”.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, cách thức tuyển chọn cán bộ của Đảng hiện nay có thể sẽ chọn nhầm những kẻ cơ hội, chứ không phải những thành phần tinh hoa của đất nước, do cơ chế bầu cử còn hạn chế, nhiệm kỳ trước quyết định nhân sự nhiệm kỳ sau. Mặt khác, cơ chế hiện nay dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.

“Cái đường lối xây dựng cán bộ, chuẩn bị cán bộ, rồi lập ra các trường, các lớp để đào tạo cán bộ nguồn – cái cách ấy là thay một sai lầm này bằng một sai lầm khác mà thôi. Thay cho cái việc người ta chạy chức, chạy quyền, thì người ta chạy vào cho được cái chỗ để mà được cơ cấu. Cách làm của Đảng thì tôi thấy rất khó để chọn được người tinh hoa. Quan trọng là chọn được người tinh hoa”.

Bà Nguyên Bình có mối nghi ngại về tiêu chuẩn của cán bộ “cấp chiến lược” và cũng giống như Giáo sư Cống, bà Bình cho rằng, sẽ khó có thể tìm được người tinh hoa để đưa vào đội ngũ cán bộ, nếu như không đi vào thực tế xã hội, mà chỉ do đảng ủy các cấp làm công tác quy hoạch cán bộ.

“Bây giờ không hiểu là 600 cái vị mà người ta lựa chọn ra làm cán bộ cấp chiến lược thì có những tiêu chí gì, thì tôi chưa nghe thấy tiêu chí gì. Nhưng mà tôi nghĩ, với người sắp xếp như ông Trọng thì sẽ có 3 tiêu chí chính: một là trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin, hai là trung thành với Đảng, ba là trung thành với chủ nghĩa xã hội”.

Một trong những biện pháp để chống các biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ đảng viên mà ông Nguyễn Phú Trọng từng nói tới là “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp” – tức là cơ chế kiểm soát quyền lực. Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, trên thế giới đã có mô hình tam quyền phân lập, hoặc dùng lực lượng phản biện, đối lập để kiểm soát quyền lực; còn tại Việt Nam, cơ chế kiểm soát quyền lực hầu như không có tác dụng.

Giáo sư Cống đưa ra kiến giải rằng, Đảng Cộng sản hãy từ bỏ sự độc quyền toàn trị, mở rộng dân chủ, từ bỏ việc Đảng cao hơn pháp luật; cải thiện cơ chế bầu cử một cách thực sự dân chủ, công bằng, để từ đó biến Quốc hội thành cơ quan đối trọng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Lại đổ lỗi cho ‘phản động’

Kênh Quốc phòng Việt Nam thuộc Truyền hình Quân đội, trong chuyên mục “nhận diện sự thật” ngày 11/5/2018 đã quy kết: trên mạng xã hội “các thế lực thù địch, phản động, những kẻ cơ hội” đã đưa ra những thông tin “xuyên tạc”, “tung tin vịt” nhân sự kiện Hội nghị Trung ương 7, nhằm những mục đích “chống phá” Đảng cộng sản và chính quyền.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, Đảng nên “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nên đối thoại với những người có ý kiến, quan điểm trái ngược, thay vì gọi họ là “thế lực thù địch, phản động”.

“Cái việc mất lòng tin là chính tại Đảng gây ra chứ! Chứ nếu như Đảng hoàn toàn trong sạch, Đảng hoàn toàn chính đáng, Đảng hoàn toàn thực sự vì dân, để cho người ta nói lên sự thật thì người dân càng tin yêu chứ! Thành ra, cái này là sự vu cáo. Nếu dân đọc lề trái, biết được cái bê bối, sai trái của Đảng, thì người ta mất lòng tin. Đấy là tất nhiên”.

Từ hiện tình xã hội trên báo chí chính thống và những gì người dân đang hàng ngày trải qua, Đảng tốt hay xấu, quan chức tốt hay xấu, người dân đều rõ cả. Do vậy, thay vì chống “luận điệu xuyên tạc”, trấn áp ý kiến trái chiều, thì Đảng nên tôn trọng các giá trị dân chủ – nhân quyền – pháp quyền và chứng minh Đảng trong sạch, vì quyền lợi của người dân, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-vietnamese-govt-still-follow-the-old-communist-system-structure-05162018105352.html

This entry was posted in Chính trị, Đảng CSVN. Bookmark the permalink.