Ánh Liên (VNTB)
Thỉnh thoảng người viết cố gắng tìm kiếm một điểm tốt hoặc một khía cạnh phản ánh sự tốt đẹp của công an nhân dân (ít nhất là trong lĩnh vực hình sự – chống ma túy). Nhưng dường như chừng đó vẫn chưa đủ để xoa dịu sự phẫn nộ đối với các hành vi có phần thô bỉ đối với những nhà đấu tranh, nhà hoạt động nhân quyền.
Nhà văn Đào Tiến Thi, người mới đây đã mô tả hành trình đầy khó khăn của nhóm nhân sĩ tri thức về Đồng Tâm (điểm nóng đất đai), từ việc bị đe dọa, dựng hiện trường tai nạn giả cho đến việc bị bỏ rơi tính an toàn ngay trong trụ sở công quyền.
Dễ dàng nhận ra câu chuyện đó là hành xử thô bỉ, bởi huy động cả một lực lượng vũ trang (có thường phục và không thường phục), làm đủ mánh khóe để đánh chặn lớp người già, lớp sĩ phu của xã hội, chỉ bởi vì họ,… muốn về Đồng Tâm thăm người.
Nhóm người già đó có vũ trang không? Họ có âm mưa chiến lược, chiến thuật? Họ có số lượng lực lượng đông đảo? Họ đi với tùy viên đại sứ quán? Không – tất là không! Tuy nhiên, trong mắt ‘an ninh’, họ là những ‘đối tượng hiểm nguy’, và vì tính hiểm nguy có phần phóng đại một cách thô kệch đó nên cuối cùng chuyến đi thăm bình thường của những cụ già đã trở thành chuyến đi bão táp.
Không có quá nhiều lời giải thích, biện hộ về hành vi nêu trên của lực lượng an ninh – công an viên đối với nhóm cụ già về với Đồng Tâm. Bởi càng giải thích, càng biện hộ, nó càng cho thấy tính kệch cỡm của một lực lượng chứa đựng sự ‘kiêu binh’.
‘Quyền nực’ – với quan điểm có nó sẽ san bằng tất cả vẫn là một ý chí xuyên suốt trong đội ngũ này, và có giải thích nhiều đến mấy nó vẫn sẽ không suy chuyển. Bởi tính cơ chế làm nên ‘quyền nực’, và tính ‘quyền nực’ lại làm nên kiêu binh vẫn đang tồn tại.
Cụm từ Công an nhân dân là một cụm từ đẹp, thực tế là nó rất đẹp, và ở một góc độ nào đó nên hiểu là nó xuất phát từ ‘nhân dân mà ra’. Nhưng biến dị của cơ chế khiến những con người từ nhân dân này ra trở nên thoái hóa, biến chất, lạnh lùng, xuyên tạc,… thành ra nhiều người trong xã hội ngày càng ghét cái màu áo này. Ở một mức độ nào đó, nó có phần tạo ra sự đối đầu giữa chủ thể này với nhân dân.
Một sỹ quan công an bảo tôi:
– Xin bác ngồi một chỗ cho, đừng đi lại nữa, “dân” người ta bức xúc, chúng tôi không đảm bảo an toàn cho bác được đâu!”
– Ô, ông vừa nãy là “dân” ư? Các ông có cho người dân vào trong sân này đâu. Chúng tôi vẫn đang làm việc trong sân ủy ban này mà ông bảo “không dám đảm bảo an toàn”, thế nghĩa là các ông chứa côn đồ trong sân này à?
[Trích dẫn: VNTB – Từ Đồng Tâm đến Phúc Lâm: ba cây số, hai “tai nạn”]
Đây có phải là sự xuyên tạc? Không, đó là sự thật đầy trớ trêu đang tồn tại trong xã hội này. Hãy xem, nếu có một cuộc ‘trưng cầu’ dân mạng xã hội về việc ghét hay không ghét lực lượng công an nhân dân, thì số ghét nó sẽ áp đảo hoàn toàn, kèm theo những phản hồi đay nghiến.
Đáng lý ra, Bộ Công an phải có một ban/phòng theo dõi phản ứng dư luận xã hội để tiến tới kịp điều chỉnh lực lượng này theo hướng tốt hơn. Nhưng có vẻ Bộ chưa thực sự quan tâm đến thế, dẫn đến tình trạng cực kỳ tồi tệ là khi một công an viên xảy ra vấn đề, thì thay vào sự thương xót, nó lại là sự vui mừng trong người dân.
Sự vui mừng đó là bộc phát, và nó sẽ không kiểm đếm được. Tuy nhiên, nó là sự tích tụ của rất rất nhiều cái cảm nhận xấu về lực lượng công an, và khi một công an viên bị thương tích thì lập tức một người dân biểu thị sự phấn khởi.
Câu chuyện này là mối nguy? Chính xác là nguy cơ. Vấn đề là, Bộ Công an đã nhìn nhận ra đúng và đủ vấn đề chưa? Bởi quyền lực hiện tại của Bộ Công an là rất lớn, tuy nhiên nó không phải là duy trì một cách mãi mãi. Trong khi đó, hố sâu về sự hòa hợp giữa nhân dân với lực lượng công an ngày càng giãn rộng, và điều này sẽ tích tụ như một khối khí metan chờ đến ngày phát nổ. Hãy nghĩ xa hơn về đặc tính dân tộc, một dân Việt có thể nhẫn nhục, nhưng một dân tộc Việt cũng có thể phẫn nộ và cuồng sát khi mâu thuẫn trở nên quá lớn, trong bối cảnh sự bao dung còn là một khái niệm còn khá mơ hồ trong đặc tính người Việt.
Hội ý xong, trên đường đi ra, một ông đắc chí, vung tay nói: “Chúng ta có quyền “nực”. Ai chống “nại” chúng ta “nà” chúng ta xử “nuôn” nhé. Nhớ đấy, phải sử dụng quyền “nực” vì chúng ta có quyền “nực!”
[Trích dẫn: VNTB – Từ Đồng Tâm đến Phúc Lâm: ba cây số, hai “tai nạn”]
Người viết đang đe dọa? Người viết đang làm lệch mối quan hệ giữa công an và nhân dân? Không! Mà đó là sự thật, một sự thật hiển nhiên trong xã hội, mà như đã đề cập phía trên, là bản thân lực lượng công an nhân dân có chịu nhìn nhận hay không? Hay là vì tính ‘quyền nực’ lớn nên nó che kín cái hiện thực xã hội đang diễn ra trước mắt.
Rõ ràng, câu chuyện mà Nhà văn Đào Tiến Thi tường thuật phải xem như một bài học cho phép lực lượng công an nhân dân, ít nhất là thực thi bằng được tính ‘lễ phép’ với nhân dân. Hãy ứng xử người dân bằng chức trách và vai trò bảo hộ cuộc sống, chứ không phải là chuyên quyền – độc đoán để rồi gây ra nỗi sợ trong nhân dân. Hãy tạo một hình ảnh công an viên thân thiện với người dân, với cán cân pháp luật thăng bằng thay vì những ‘chiêu trò, nghiệp vụ’ như những nhóm người đi ngược lại giá trị nhân quyền, đạo đức và ứng xử xã hội.
Những quan điểm trên, lực lượng Công an có thể làm rất tốt, và người dân cũng kỳ vọng vào sự thay đổi, và vấn đề trước mắt hãy thôi tự hào tính ‘quyền nực’!
A.L.
VNTB gửi BVN.