Vì sao đảng phải ‘hợp nhất 5 đoàn thể vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam’?

Thiền Lâm

Việt Nam – Cali Today News –  Đây là một tin không hề đáng vui mừng dành cho đội ngũ “cánh tay nối dài của đảng”, vô tích sự và chỉ chăm chăm ăn tiền thuế của dân.

Vào đầu tháng Tư năm 2018, Ban Tổ chức Trung ương đã công khai 4 đề xuất trong đề tài nghiên cứu về “đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội”.

Có 4 phương án được đề xuất trong đề tài trên, bao gồm:

Phương án một là giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, sẽ có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức; nhà nước giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.

Phương án hai, nhất thể hóa chức danh Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho các đơn vị này; trước mắt thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Phương án ba, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị – xã hội gồm Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh thành các ban của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và xã.

Phương án cuối cùng là hợp nhất Ban Dân vận và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Người đang nắm giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương là ông Phạm Minh Chính – ủy viên bộ chính trị “thường” nhưng lại được xem là “sủng thần” của Tổng bí thư Trọng, thậm chí gần đây còn có dư luận cho rằng ông Chính về thực chất đã nằm trong “tứ trụ mới” của Bộ Chính trị.

Phạm Minh Chính có nguồn gốc là Bí thư Quảng Ninh – địa danh không chỉ nổi tiếng về nạn hủy hoại môi trường tự nhiên và làn sóng du khách Trung Quốc đang biến địa phương này thành “Phố Tàu”, mà còn có thành tích là nơi đi đầu trong hệ thống chính trí về thí điểm và sau này là triển khai chủ trương ‘nhất thể hóa” – tức nhập hai chức danh bí thư và chủ tịch chính quyền cấp huyện làm một.

Với bề dày thành tích như vậy và khi được đưa về làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính có thể được xem là một nhân vật “có trọng lượng” trong những đề xuất của ông.

Đề tài nghiên cứu “đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” diễn ra trong bối cảnh chủ trương “tinh gọn biên chế” và “giảm 10% biên chế” của Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 đang được triển khai một cách chậm chạp trước đây và gia tốc tăng dần về sau này.

Nếu kế hoạch trên được triển khai theo đúng yêu cầu, con số công chức và viên chức lẫn đối tượng không chuyên trách ở các cấp bị tinh giảm sẽ lên đến 250 ngàn người – chiếm gần 10% trong tổng số gần 3 triệu công chức viên chức.

Một trong những đối tượng sẽ bị tinh giản là các hội đoàn chính trị – xã hội.

Trong tình hình ngân sách xuất hiện nhiều dấu hiệu cạn kiệt từ cuối năm 2015 và kéo dài liên tục trong hai năm 2017 và 2018, đã rộ lên nhiều chỉ trích trong nội bộ đảng đối với hiệu quả hoạt động của một số tổ chức chính trị – xã hội lớn, bao gồm các nhân tố Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nếu trước đây kinh phí dành cho các tổ chức chính trị – xã hội trên thường không được lôi ra bình phẩm, thì nay ngay cả một số tờ báo nhà nước cũng bắt đầu bình luận mang màu sắc giễu cợt, châm biếm và chỉ trích. Chỉ riêng 6 tổ chức chính trị – xã hội trên đã “ngốn” hơn 1 nghìn tỷ ngân sách mỗi năm.

Không phải “chỉ có” 14.000 tỷ đồng được ngân sách vung cho các tổ chức chính trị – xã hội như một số báo đài đưa tin, mà một đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) còn cho biết nguồn lực xã hội được rót vào các tổ chức công chiếm tới 1,7% GDP của cả nước, tức là tương đương với hơn 71.000 tỷ đồng.

Nhiều người đánh giá rằng so với nguồn kinh phí rất lớn nhận được hàng năm từ bầu sữa nhà nước, công sức và hiệu quả của các tổ chức chính trị – xã hội trên bỏ ra là hoàn toàn bất tương xứng. Còn nếu nhìn từ góc độ ngân sách được cấu tạo bằng tiền đóng thuế của dân và tiền vay mượn nước ngoài mà các đời dân chúng phải nai lưng gánh chịu, sự thể còn trở nên tàn nhẫn hơn nhiều.

Một nhà phản biện độc lập ở Việt Nam bức bối: đã đến lúc các tổ chức chính trị – xã hội trên nên chấm dứt hoạt động, nếu còn biết liêm sỉ.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống – một tiếng nói bất đồng ở Việt Nam – còn nói thẳng rằng cần suy nghĩ đến việc giải thể Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhưng dĩ nhiên, sẽ không có chuyện đảng để cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải giải tán, mà sẽ lặp lại cơ chế “tái sắp xếp” như nhiều năm trước, tức “gom” một số cơ quan làm một. Vào lúc này, cơ chế đó càng có tính thời thượng khi đáp ứng chủ trương “nhất thể hóa”.

Trong hai năm 2016 và 2017, kinh phí ngân sách cấp cho nhiều hội đoàn nhà nước đã giảm đến một nửa hoặc đến 60% so với trước đây. Chẳng hạn Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2017 đã phải than vãn bị cắt một nửa kinh phí và có nguy cơ phải giải thể.

Trong bối cảnh đó, những “cánh tay nối dài của đảng” như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nằm trong diện bị cắt giảm ngân sách như một phương cách không thể nào khác hơn.

Rất có thể đề tài nghiên cứu về “đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” của Ban Tổ chức Trung ương sẽ được Tổng bí thư Trọng ưu ái cho “ứng dụng kết quả” sớm. Theo đó và cũng giống như chiến dịch “cải tổ” Bộ Công an đang diễn ra, khối đoàn thể chính trị – xã hội sẽ lâm vào cảnh “ghế rất ít, đít rất nhiều”, kéo theo yêu cầu bắt buộc phải sáp nhập nhiều ghế vào một ghế, dẫn đến cảnh tượng nhiều quan chức hội đoàn sẽ phải hưu non hoặc bị hạ cấp, thậm chí phải “ra đường” – một dạng thân phận hoàn toàn trái ngược với cảnh trước đây ung dung ăn thuế của dân nhưng chỉ biết “hót” theo đảng.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.