Vì sao PetroVietnam bất ngờ nói ‘Biển Đông phức tạp’?

Thiền Lâm

Cali Today

Vietnam – Cali Today News –

Có thể cho rằng lần đầu tiên chủ thể chỉ là một doanh nghiệp thuần túy kinh doanh như PetroVietnam (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) nêu ra… nhận định chính trị.

Ngày 3/4/2018, trang web PetroVietnam đăng tải nội dung: “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 với những dự báo đầy khó khăn, thách thức đối với hoạt động dầu khí”. Ngoài nguyên nhân do giá dầu thô tiếp tục diễn biến khó lường, “tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí cũng như ảnh hưởng đến việc kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô còn mở của Tập đoàn”.

Hiện tượng PetroVietnam đăng tải nhận định về “tình hình biển Đông dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp” là bất bình thường, bởi từ trước tới nay theo thông lệ trong hệ thống chính trị một đảng ở Việt Nam, việc phát hành công khai những quan điểm và dự báo chính trị là thẩm quyền mang tính độc quyền của các cơ quan đảng và nhà nước chứ không phải của doanh nghiệp. Bởi thế, rất nhiều doanh nghiệp lớn của nhà nước vẫn thường nêu dự báo sản xuất và kinh doanh trên cơ sở các yếu tố và thông số kinh tế và xã hội chứ không mang tính chính trị vì sợ bị chính quyền “tuýt còi”. Ngay cả khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động ở Việt Nam cũng thường rất thận trọng với những báo cáo mang tính dự báo có đề cập đến yếu tố chính trị.

Vậy vì sao PetroVietnam lại “xuất thần” với dự báo chính trị về “Biển Đông phức tạp” mà còn được cả các hãng thông tấn quốc tế như Reuters và VOA chú ý đến dự báo bất thường này?

Hiểu một cách đơn giản, PetroVietnam phải lên tiếng vì… sợ trách nhiệm.

Nhiều năm trước, PetroVietnam còn là một doanh nghiệp đầu đàn về nộp ngân sách nhà nước, có thời điểm tỷ lệ nộp ngân sách của doanh nghiệp này lên tới gần 10% số thu ngân sách trong năm. Tuy nhiên càng về sau này, doanh thu và lợi nhuận của PetroVietnam càng giảm khiến tỷ lệ nộp ngân sách cũng giảm theo.

Từ năm 2016 đến nay, PetroVietnam còn bị sa vào cảnh “tang gia bối rối” khi hàng loạt lãnh đạo của tập đoàn này bị truy tố và xử tù vì tham nhũng, trong đó có cả một ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng – người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên của PetroVietnam.

Trong khi đó, ngân sách nhà nước liên tiếp bị hụt thu với một trong những nguyên nhân chính là thực trạng giảm thu trong xuất khẩu dầu thô. Từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 – 60.000 tỷ đồng. Chính sự giảm sút này đã khiến ảnh hưởng đến “thành tích thi đua” và cũng khiến lung lay ghế của dàn lãnh đạo PetroVietnam.

Không chỉ “tang gia bối rối” bởi chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng, PetroVietnam còn bị “hoàn cảnh khách quan” làm mất đi cơ hội khai thác dầu khí để làm lợi cho tập đoàn này lẫn tăng số thu cho ngân sách.

Hiện nay, PetroVietnam đang có hai dự án lớn về dầu khí – liên doanh với một công ty Tây Ban Nha là Repsol khai thác mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính, và liên doanh với hãng dầu khí khổng lồ của Mỹ là ExxonMobil để khai thác mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đây là vài tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách Việt Nam đang cạn kiệt. Nếu Repsol và ExxonMobil khai thác thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.

Thế nhưng “hoàn cảnh khách quan” đã không cho phép PetroVietnam cùng với các đối tác ung dung khoan dầu. Vào tháng Bảy năm 2017, vài trăm tàu Trung Quốc đã bao vây khu vực Bãi Tư Chính để gây sức ép, buộc Reposol phải lặng lẽ rút khỏi nơi này mà không thể khai thác thêm. Đến tháng Ba năm 2018, một lần nữa Trung Quốc lại gây sức ép buộc chính quyền Việt Nam phải yêu cầu Repsol rút lui, cho dù vì thế mà Việt Nam có thể phải bồi thường cho Repsol đến 200 triệu USD.

Ngay cả dự án Cá Voi Xanh cũng đang bị Trung Quốc gây sức ép mà có thể phải ngừng khai thác…

Là một tập đoàn kinh tế then chốt của nhà nước và còn được xem là một doanh nghiệp có vai trò lớn trong nền kinh tế quốc gia, PetroVietnam và giới lãnh đạo của tập đoàn này đương nhiên tiếp cận được một số kênh thông tin về tình hình chủ quyền và an ninh quốc gia, đặc biệt là nắm được những động thái mới nhất trong quan hệ Việt – Trung mà có thể tác động không nhỏ đến hoạt động khai thác dầu khí của PetroVietnam.

Sau khi đã gây sức ép tại mỏ Cá Rồng Đỏ vào tháng Ba năm 2018, đến cuối tháng đó Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Hà Nội với tối hậu thư “cùng hợp tác khai thác”.

Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.

Nếu chấp nhận “hợp tác cùng khai thác dầu khí” với Trung Quốc theo lối nói không thèm úp mở của Vương Nghị, Việt Nam sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và PetroVietnam dĩ nhiên phải chia sẻ một phần, nếu không nói là một phần lớn, lợi nhuận cho tên kẻ cướp đó.

Rất có thể, đó là nguồn cơn thứ hai khiến giới lãnh đạo PetroVietnam bắt buộc phải lên tiếng trên trang web của tập đoàn này, như một cách thông tin cho quốc tế và cầu cứu các quốc gia đối tác như Mỹ và Tây Ban Nha.

T.L.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Biển Đông. Bookmark the permalink.