BVN không có những chuyên gia về phong thủy, địa mạch và đối với lĩnh vực này trước sau chỉ có thể “kính nhi viễn chi”. Nhưng nhu cầu muốn hiểu biết về phong thủy, cụ thể là phong thủy Thăng Long, trong bạn đọc lại rất cao. Bởi vậy, xin đăng dưới đây hai ý kiến của KTS Trần Thanh Vân, tuy đối tượng khác nhau nhưng cùng một chủ đề, để đáp ứng nguyện vọng của nhiều người đang cần tìm biết những chuyện ít nhiều bí ẩn xung quanh lịch sử thắng cảnh Hồ Tây hàng nghìn năm qua, cũng như câu chuyện đang ầm ỹ bấy nay về Dự án quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến 2030, có xem xét đến thời điểm mà hầu như tất cả chúng ta đều không còn cái quyền bênh vực hay bác bỏ dự án này nữa, vì đã… đi về bên kia thế giới (2050). Phải nói, lắt léo của các đại đại dự án loại này của Nhà nước ta là ở chỗ ấy. Nói chung ai ôm được túi tiền thì cứ tha hồ mà… phá. Làm gì sống được đến ngày ấy đâu mà lo phải chường mặt ra trước vành móng ngựa.
Bauxite Việt Nam
Đọc bài viết của nhà giáo Hà Văn Thịnh với câu hỏi chua chát “Tại sao Chính phủ đưa ra cái gì cũng bị dân phản đối?”, tôi đã có ngay câu trả lời trong đầu mà không dám nói ra. Tôi giành hai ngày đi tìm bằng được Thầy tôi để hỏi Thầy lần cuối.
Thầy mắng:
– “Xưa nay cái gì bà cũng quyết đoán, cũng khẳng định, tại sao lần này bà cứ ngập ngừng như thế?”
Tôi trả lời:
– “Tại đây là việc tối hệ trọng, mà thầy thì không cho con nêu tên thầy, nên con cứ ngập ngừng mãi vì con chưa đủ kiến thức để lý giải”.
Thầy lại mắng:
– “Thì đó. Ta đã gác kiếm không hành nghề xem Âm Dương ngũ hành nữa vì ta không muốn tên tuổi ta lại ồn lên, bọn gian thương và bọn tham quan lại đến tìm ta hỏi các ngón nghề để kiếm tiền và chạy chức. Nếu ta mà bày sai cho chúng thì ta ngu dốt, nhưng nếu ta bày đúng cho chúng thì ta mắc tội nhiều hơn”.
Tôi đành ra về không dám nhắc tên Thầy nữa mà chỉ xin tường thuật ra đây câu chuyện tôi đã được tiếp kiến Thầy:
Năm 2006, tôi và Giáo sư Vũ Đình Cự bàn nhau dấy lên một cuộc vận động trong giới trí thức KIẾN NGHỊ VỚI NHÀ NƯỚC PHỤC HỒI TÊN THĂNG LONG cho Thủ đô của chúng ta nhân dịp 1.000 năm Thăng Long. Anh Cự thì nguyên là Phó Chủ tịch Quốc hội nên sẽ phát biểu tại những hội nghị quan trọng, còn tôi thì viết bài trên báo giấy Người Hà Nội và trên báo điện tử VietNamNet và viết bản kiến nghị gửi tới TỨ TRỤ TRIỀU ĐÌNH.
Mặt khác, chúng tôi cũng đã chuẩn bị một cuộc Hội thảo Khoa học long trọng tại Văn Miếu và mời GS Vũ Khiêu đọc bài diễn văn khai mạc. Chúng tôi đã gửi tài liệu hoặc đã trực tiếp gặp rất nhiều học giả tiếng tăm như Nhà văn Tô Hoài, GS Hoàng Tụy, GS Vũ Khiêu, GS Vũ Tuyên Hoàng (nay đã mất) Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Chủ tịch LHHVHNT Hà Nội nhà thơ Bằng Việt, GS Sử học Phan Huy Lê, TTK Hội KHLS Việt Nam Dương Trung Quốc… Đặc biệt Hội KHLS sẵn sàng đứng ra tổ chức Hội thảo KH, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn viết thư riêng yêu cầu Hội KHLS Việt Nam phải sớm tổ chức Hội thảo Khoa học PHỤC HỒI TÊN THĂNG LONG, nên tình hình càng khả quan hơn. Anh Dương Trung Quốc yêu cầu tôi chuyển cho anh những tư liệu đã chuẩn bị để anh sắp xếp sử dụng khi cần… Ai cũng ủng hộ cả, thế nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có hội thảo vì không ai dám quyết định.
Nhưng rồi thời gian cứ trôi qua, năm 2007 Hàn quốc vào làm QH Đô thị Sông Hồng, mọi người bận nghiên cứu ý kiến phản biện để bác bỏ QH phi thực tế đó. Năm 2008 thì cả nước rộn lên về Nghị quyết Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, rồi dồn dập rất nhiều dự án phi lý xuất hiện như Hầm đường bộ xuyên qua hồ Tây, Tòa nhà EVN 13 tầng ở hồ Hoàn Kiếm, Dự án thép Vân Phong, Trung tâm Thương mại cao 17 tầng ở chợ Âm Phủ, Khách sạn Novotel on the Park…
Đến hôm nay thì hai vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đang khuấy động nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài: Dự án cao tốc Bắc Nam và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Nhận định về hiện tượng này, Thầy tôi chỉ nói gọn một câu:
– “Người nói làm gì có người nghe mà chẳng cãi nhau”.
Rồi Thầy giải thích:
– “Hà Nội thuộc hành thủy, là nước. Việt Nam thuộc hành hỏa, là lửa. Thủy hỏa tương khắc. Thủ đô càng mạnh, thủy càng vượng thì hỏa càng bị diệt, đất nước càng lao đao. Cãi nhau là không tránh khỏi. Chỉ có cách phục hồi tên THĂNG LONG, hành thổ, tên đất nước Việt Nam, hành hỏa, hỏa thổ tương sinh, đất nước ta mới yên hàn thịnh vượng”.
Để cho tôi vững tin hơn, Thầy tôi giải thích thêm thế này:
– “Năm 1010 kinh đô tên Thăng Long, hành thổ. Đất nước tên Đại Việt, hành hỏa. Hỏa thổ tương sinh. Hai triều đại Lý Trần 400 năm phát triển thịnh vượng.
Từ thế kỷ XV đến XVIII vua Lê đổi tên kinh đô là Đông Đô [1], hành mộc, nhưng Hoàng thành vẫn là Thăng Long, hành thổ. Mộc thổ tương khắc nên triều đình phân hóa, vua tôi lủng củng, anh em chia lìa, Nam Bắc phân tranh.
Tuy vậy, tên đất nước vẫn là Đại Việt, hành hỏa, sau thế kỷ XVII đổi là Việt Nam [2] cũng là hành hỏa. Hỏa thổ tương sinh, hỏa mộc cũng tương sinh nên đất nước vẫn phát triển mở rộng xuống phía Nam.
Năm 1802 vua Gia Long lên ngôi lập kinh đô ở Phú Xuân, Huế, thành Thăng Long bị đập phá và bị hạ thấp hơn kinh thành Huế.
Năm 1831 vua Minh Mạng lập ra tỉnh Hà Nội, hành thủy. Thành Hà Nội chỉ là một trấn thành.
Trong 179 năm, nước ta bị gần 80 năm người Pháp đô hộ và tuy nước VNDCCH thành lập ngày 2/9/1945 lấy Hà Nội làm Thủ đô nhưng ta đã trải qua 5 cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Nhật, chống Mỹ, chống Trung Quốc rồi lại chống Trung Quốc, chưa kể nội bộ trong nước luôn luôn có cãi nhau, đánh nhau bằng súng đạn và không súng đạn ngày càng trầm trọng… Nếu ta chưa phục hồi tên Thăng Long thì còn loạn ly.
Mặt khác, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu “Gia Long” tức “nhà giàu”, như vậy nhà vua chỉ quan tâm đến sự sung túc mà không quan tâm đến thế con rồng bay lên trời cao nữa.
Vả lại vào thời đó có một số kẻ nịnh nhà vua, sợ việc nhắc đến âm tiết “long” (rồng) thì phạm húy nhà vua nên mỗi khi có việc liên quan đến âm tiết “long” họ đều phát âm thành “lung”.
Hai chữ “long” và “lung” viết ra gần giống nhau nhưng nghĩa thì khác hẳn: “Long là rồng”, “lung thêm bộ trúc là lao tù, là cái lồng tre”. Chính bởi lẽ đó, các sĩ phu Bắc Hà mới uất hận vì chuyện phạm húy này lắm”.
Thầy tôi bảo hãy suy nghĩ để hiểu tại sao khi Vua Khải Định sang Pháp thì Nguyễn Ái Quốc lại viết vớ kịch Con rồng tre và tại sao khi ngồi ở nhà lao Quảng Tây, Nguyễn Ái Quốc lại làm bài thơ chiết tự có câu “Nhà lao mở cửa ắt rồng bay”.
BÂY GIỜ ĐÂY TA PHẢI LÀM GÌ?
TTV
Chú thích của BVN:
[1] Theo chúng tôi, tên Đông Đô là do nhà Minh đặt khi họ xâm lược Đại Ngu dưới triều Hồ (nhà Hồ đổi Đại Việt thành Đại Ngu) trong hai năm 1406-1407. Sau này khi khôi phục được đất nước, nhà Lê lên ngôi lại trở lại với quốc hiệu Đại Việt, và Kinh đô cũng trở lại là Thăng Long.
[2] Trong các bộ sử chính thức thì không thấy có quốc hiệu này từ thế kỷ XVII.
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Thắc mắc xung quanh bí ẩn Hồ Tây và trả lời của KTS Trần Thanh Vân
Kính gửi Kiến trúc sư Trần Thanh Vân!
Thưa KTS,
Bài viết có tên Cao Biền tấu thư đại lý kiểu tự gửi kèm theo đây cháu sưu tầm trên mạng (http://thanhtanvien.com/bavi/index.php?option=com_content&view=article&id=1143:cao-bin-tu-th-i-ly-kiu-t&catid=116:a-linh&Itemid=530), rất mong Kiến trúc sư thẩm định giúp xem có đúng là nhân vật Cao Biền của Trung Quốc muốn phá phong thủy trấn quốc của Đại Việt hay không. Và theo ý KTS, hiện tượng ngày 11-9-1955 sóng gió Hồ Tây nổi lên làm chết 4 người trong đoàn văn công Cáp Nhĩ Tân Trung Quốc sang Hà Nội biểu diễn trên Hồ Tây là hiện tượng bất thường của thời tiết hay có gì bí ẩn? Phải chăng trận cuồng phong do Đại Việt hiển linh phá âm mưu của Tàu mượn cớ cho đoàn văn công sang biểu diễn hữu nghị để che mắt cho một kế hoạch yểm bùa hiểm độc phá hoại địa linh của Việt Nam? Rất mong hồi âm của KTS, cháu xin cảm ơn!
Sát Thát
KTS Trần Thanh Vân trả lời
Cám ơn các bạn,
Qua BBT mạng Bauxite Việt Nam, các bạn đã gửi cho tôi một tài liệu hay về Cao Biền và hỏi tôi về sự kiện CƠN LỐC HỒ TÂY xẩy ra chiều ngày 11/9/1955.
1- Tôi nói về cơn lốc Hồ Tây trước.
Tôi là người chứng kiến hiện tượng kinh khủng ấy khi tôi còn là con bé thiếu nhi quàng khăn đỏ, là người vinh dự được cử đến tặng hoa và tặng khăn quàng đỏ cho cô diễn viên múa điệu Hoa sen của Đoàn văn công Tề Tề Cáp Nhĩ Khương Nãi Tuệ. Cơn lốc xảy ra, Khương Nãi Tuệ chết mang theo chiếc khăn quàng đỏ của tôi tặng. Nhiều người dân Hà Nội sống quanh Hồ Tây đã từng chứng kiến hoặc nghe kể về cơn lốc khủng khiếp này. Nó khủng khiếp vì hôm đó là một chiều thu nắng đẹp. Dân Tây Hồ nháo nhác rủ nhau đi xem Văn công TQ biểu diễn trên sân khấu nổi ở gần Phủ Tây Hồ. Bỗng nhiên mây đen ập đến , trời tối sầm lại, ba chiếc thuyền gỗ bay lên rồi rơi xuống vỡ tan tành. Tôi nhớ đêm hôm đó trời tối đen như mực (25/7/Ất Mùi ) người ta huy động đèn pha, đèn ô tô và đủ loại thuyền bè đến tìm vớt xác. Tất cả có 4 người thiệt mạng, ngoài diễn viên múa Khương Nãi Tuệ và nghệ sĩ thổi sáo Phùng Tử Tồn còn có hai người nữa. Mộ của họ ở nghĩa trang Bất Bạt huyện Ba Vì. Nhiều năm sau đó tôi vẫn nghe dân Hà Nội bàn tán về chuyện này, nói rằng có kẻ âm yểm bùa Hồ Tây nên bị Trời phạt. Thế nhưng không có báo chí nào nói về chuyện đó như dân bàn tán. Sau này, khi TS Nguyễn Văn Túc, chuyên gia hàng đầu về nước ngầm đến hỏi tôi về chuyện đó, tôi đã kể tỉ mỉ cho ông nghe. Nghe tôi kể xong, TS Túc xác nhận nước sông Hồng và nước Hồ Tây vẫn thông nhau, hôm xảy ra tai nạn mực nước sông Hồng cao hơn nước trong hồ. Áp suất chênh lệch tạo ra hiện tượng cột nước vọt lên là dễ hiểu. Nhưng tại sao lại xẩy ra vào lúc văn công Trung Quốc đang biểu diễn thì chỉ có Trời mới biết. TS Vật lý Nguyễn Thế Hùng, quân của ông Đào Vọng Đức thì khẳng định dứt khoát phải có kẻ sờ soạng táy máy dưới đáy hồ nên mới có cột nước vọt lên như thế. Riêng tôi, là nhân chứng, tôi chỉ kể, không bình luận.
Cũng nhân đây xin quảng cáo tập sách rẩt giá trị Thăng Long Hà Nội, Đất-Nước ngàn năm của các tác giả Trần Văn Việt, Vũ Công Ngữ và Nguyễn Văn Túc đã hoàn thành. Tôi rất cám ơn TS Nguyễn Văn Túc thay mặt nhóm tác giả đã tặng “mở hàng” cho tôi Chương 1 và Chương 8 của tác phẩm.
Năm 2004 KTS Lý Thái Sơn đã đọc tham luận trong Đại hội QT của UIA tại Bắc Kinh đề nghị sửa lại luận thuyết ĐỊA THỦY chứ không phải PHONG THỦY như TQ vẫn gọi, vì PHONG là hệ quả của ĐỊA MẠCH VÀ THỦY MẠCH. Tôi là người đầu tiên khai thác tài liệu của nhóm Lê Văn Xương, xin giới thiệu lại bản đồ Địa Mạch đó.
2- Xin chuyển sang chuyện Cao Biền.
Muốn biết về Cao Biền, xin các bạn trao đổi với TS Nguyễn Xuân Diện Phó GĐ Thư viện Hán Nôm VN. Theo tôi biết thì ông này (Cao Biền) không phải người Hán và chẳng thích thú gì thói bá quyền của người Hán. Cho nên ông ta mới gọi Hồ Dâm Đàm là “não thủy – nơi người tài không bao giờ hết” và chính ông ta đã mưu phản nhà Đường, việc đó khiến cho Thiền sư Vạn Hạnh lưu tâm và đã dạy dỗ Lý Công Uẩn có kiến thức uyên thâm về Phong thủy Thăng Long trước khi Di đô về Thăng Long. Mặt khác, tuy Cao Biền có viết Tấu thư kiểu tự theo lệnh của vua Đường thật, nhưng cuối cùng trước tác đó vẫn rơi vào tay quân Lam Sơn. Tôi còn đoán rằng tuy Lê Lợi đã trả lại cho nhà Minh để thể hiện giao hảo nhưng dứt khoát trước khi trao trả đã có người chép lại cả rồi. Bởi vậy tôi nghĩ rằng Cao Biền tuy là giặc nhưng cũng có công lớn với nước ta. Chỉ có thể nói ngắn gọn như thế.
Xin tạm biệt
TTV
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập