Đại diện của Ban Vận động Văn đoàn Độc lập nói với BBC rằng “nên lấy làm mừng” về văn bản của Ban Tuyên giáo lệnh đề nghị “rút toàn bộ tác phẩm của nhà văn có tên trong Văn đoàn Độc lập ra khỏi sách giáo khoa”.
Mạng xã hội rò rỉ một văn bản đề ngày 15/3 do ông Võ Văn Phuông, phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, “đề nghị Ban Cán sự Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ đạo rút toàn bộ tác phẩm của các tác giả tham gia tổ chức Văn đoàn Độc lập ra khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn mới”.
Văn bản cũng nêu: “Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới phải bám sát định hướng của Đảng. Sách giáo khoa Ngữ văn mới phải thể hiện sâu sắc nội dung giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc và chủ nghĩa nhân văn cao cả”.
“Trước một văn bản như thế này, nên lấy làm mừng! Chỉ mong từ nay, tất cả những chỉ thị kiểm duyệt văn chương đều có văn bản. Để cho các thế hệ sau hiểu được, chứ mọi chuyện cứ thì thụt trong bóng tối thì quả thực phải kêu như Nguyễn Trọng Tạo: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi. Câu trả lời thật không dễ dàng chi!”.
‘Hết ý kiến!’
Hôm 27/3, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt, ông Hoàng Dũng, thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, nhà nghiên cứu ngôn ngữ và cũng là giảng viên ở TP. Hồ Chí Minh, bình luận: “Đã có không ít nhà văn tên tuổi bị trục xuất khỏi văn đàn, tác phẩm bị tiêu hủy, mà có phải ai cũng may mắn có một văn bản như thế đâu”.
“Thì đấy, giấy trắng mực đen Ban Chấp hành Hội Nhà văn chỉ ra quyết định truất ba năm hội tịch Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán nhưng mãi 30 năm sau hội tịch của họ mới được phục hồi!”
“Còn Nguyễn Mạnh Tường từ năm 1957 đến 1993, không biết do lệnh của ai, hoàn toàn bặt tiếng, không có một tác phẩm nào được in, cho dẫu là một bài báo nhỏ!”
“Chuyện xửa chuyện xưa? Không, chuyện nảy chuyện nay đấy: một bài đăng báo không vừa ý một quan chức có trách nhiệm quản lý, là có thể bị bóc tức khắc, đôi khi chỉ cần một cú điện thoại, thậm chí – người ta đồn – một cái tin nhắn!”
“Cho nên, trước một văn bản như thế này, nên lấy làm mừng! Chỉ mong từ nay, tất cả những chỉ thị kiểm duyệt văn chương đều có văn bản. Để cho các thế hệ sau hiểu được, chứ mọi chuyện cứ thì thụt trong bóng tối thì quả thực phải kêu lên như Nguyễn Trọng Tạo: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi. Câu trả lời thật không dễ dàng chi!”.
“Tôi hiểu là văn bản của Ban Tuyên giáo là áp dụng cho sách giáo khoa phổ thông sắp tới, chứ không phải sách giáo khoa hiện hành. Mà dự thảo Chương trình Ngữ văn như đã công khai trên báo chí thì chỉ quy định sáu tác phẩm bắt buộc, trong đó có duy nhất một tác phẩm văn học hiện đại là ‘Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh’.
“Còn các nhà văn khác, kể cả người thuộc Văn đoàn Độc lập là nhà văn Nguyên Ngọc, xuất hiện trong phần các văn bản gợi ý, tức người viết sách giáo khoa có thể đưa vào hay không”.
Ông Hoàng Dũng cũng nói thêm: “Về cách hành xử của chính quyền với Ban vận động Văn đoàn độc lập và giải Văn Việt của tổ chức này, tôi chỉ có thể nói: “Hết ý kiến!”.
“Nói thế này thì gần sự thật hơn: người ta muốn đẩy Ban vận động Văn đoàn Độc lập đến chỗ đối trọng với Hội Nhà văn của nhà nước”.
“Rất nhiều nhà văn có tên trong Ban vận động Văn đoàn Độc lập đồng thời cũng là hội viên của Hội Nhà văn đấy chứ. Nhưng tháng 5/1995, sau việc lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam chỉ thị loại bỏ khỏi danh sách đi dự Đại hội lần thứ 9 những ai là thành viên Ban vận động Văn đoàn Độc lập, tước bỏ một trong những quyền cơ bản của hội viên, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người cầm bút thì nhiều người trong số đó mới tuyên bố từ bỏ Hội Nhà văn Việt Nam”.
“Chúng tôi là chúng tôi, trước sau không “đối trọng” với bất kỳ ai cả”.
“Còn chuyện vượt qua rào cản kiểm duyệt, định hướng của bất kỳ ai, tổ chức nào, không cứ là của Ban Tuyên giáo thì đó chẳng phải nguyên tắc và là – ở Việt Nam – ước mơ của người cầm bút hay sao?
Trả lời câu hỏi của Ben Ngô – “Khái niệm tự do sáng tác có tồn tại ở Việt Nam hay không?”, ông Hoàng Dũng đáp: “Tôi tưởng anh hỏi: “Người Việt Nam có tự do hay không?”
Cùng thời điểm, nhà văn Nguyễn Quang Lập viết trên trang cá nhân:
“Ba câu hỏi gửi Ban Tuyên giáo Trung ương:
-
1. Đã có công bố chính thức của Đảng và Nhà nước về Văn đoàn Độc lập là tổ chức phản động hay không?
-
2. Đã có văn bản của Nhà nước cấm Văn đoàn độc lập hoạt động không?
-
3. Một tổ chức không bị cấm hoạt động cũng không bị đảng nhà nước công bố đó là tổ chức phản động thì các thành viên tham gia tổ chức đó có phản động không, có phạm pháp không?
“Tôi không phải là thành viên của Văn đoàn Độc lập, cũng không có tác phẩm trong sách giáo khoa. Chẳng qua thấy chuyện nực cười và phi lý mà lên tiếng”.