Cuộc đàm phán về khu vực chồng lấn “vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ” giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp tục bế tắc qua 9 vòng đàm phán suốt từ năm 2012 đến nay.
Hôm 18 Tháng Ba, 2018, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) loan tin: “Từ ngày 15 đến 16 tháng Ba, đàm phán vòng 9 nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vòng 6 nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra tại thành phố Đà Nẵng”.
Bản tin TTXVN thuật lại rằng: “’Trong bầu không khí hữu nghị, thẳng thắn và xây dựng, hai bên đã trao đổi ý kiến’ và ‘khẳng định nghiêm túc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước’, trong đó có ‘Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển’; tuần tự, tiệm tiến thúc đẩy đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và hợp tác cùng phát triển trên biển theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”.
Không thấy có chi tiết nào hoặc kết quả gì của cuộc họp được loan báo. Người ta chỉ thấy TTXVN kể rằng: “Kết thúc cuộc họp, hai bên đã ký biên bản đàm phán”. Diễn dịch ra, cuộc đàm phán suốt 7 năm qua vẫn dậm chân tại chỗ vì vướng cái “Lưỡi Bò” của Trung Quốc.
TTXVN nói hai bên “nhất trí sớm tổ chức đàm phán vòng 10 nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vòng 7 Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Trung Quốc”.
Ba tháng trước, vào các ngày từ 11 đến 14 tháng Mười Hai, 2017, Việt Nam và Trung Quốc đã họp với nhau vòng thứ 10 , đàm phán ở Bắc Kinh “các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển”. Cơ quan thông tấn nhà nước CSVN cũng chỉ lờ mờ hai bên “bày tỏ hài lòng đối với kết quả thực hiện trong năm 2017, đề ra chương trình công tác trong năm 2018 đối với các dự án hợp tác: Nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocene khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang; Hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ; Triển khai hợp tác thả giống và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ”.
Ngày 25 tháng Mười Hai, 2000, Hà Nội và Bắc Kinh ký hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ nhằm xác định biên giới lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ. Đây là kết quả sau nhiều đợt đàm phán kể từ năm 1973. Hiệp định này thay thế Công Ước Pháp-Thanh 1887.
Hiệp ước có 11 Điều, trong đó Điều II xác định 21 điểm nối tuần tự từ cửa sông Bắc Luân ra đến cửa Vịnh chia Vịnh Bắc Bộ ra làm hai [2]. Cửa Vịnh lấy đường thẳng từ đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam đến mũi Oanh Ca, đảo Hải Nam, Trung Hoa. Hai bên cũng ký một hiệp định về hợp tác nghề cá và có một khu vực đánh cá chung trong vịnh Bắc Bộ.
Nhưng phiá ngoài vịnh Bắc Bộ, Việt Nam vẫn xác nhận chủ quyền biển đảo đối với quần đảo Hoàng Sa và xa hơn về hướng Đông Nam là quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh thì vẫn ngang ngược dựa vào mấy vạch nối lại giống hình “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% Biển Đông rồi nói của Trung Quốc “từ thuở xưa”, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tại The Hague, Hòa Lan.
Tháng Sáu, 2017, Tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã giận dỗi bỏ về nước không dự “Giao lưu biên giới” đợi ông ta đến chủ tọa sau khi đe dọa Hà Nội nếu không từ bỏ việc thăm dò dầu khí tại lô 136-3 tại khu vực phía Đông Nam Vũng Tàu 200 km thì Bắc Kinh sẽ đánh chiếm các vị trí của Việt Nam tại Trường Sa.
Hà Nội đã phải hủy ngang hợp đồng thăm dò với công ty Rapsol và mối quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh đột ngột căng thẳng. Sau đó, cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều cố gắng tránh làm mối quan hệ xấu đi. Nhờ vậy, đến Tháng Chín, 2017 thì ông Phạm Trường Long quay lại Lai Châu để “giao lưu”.
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/viet-trung-dam-phan-ve-khu-vuc-chong-lan-vinh-bac-bo-van-tac/