Chính trị ảnh hưởng đến tất cả chúng ta

 

(Trích Chương 1 – Phần 1 sách CHÍNH TRỊ BÌNH DÂN của Phạm Đoan Trang)

Phạm Đoan Trang

Điều đầu tiên cần khẳng định là trong một xã hội tôn trọng đa nguyên, thì mọi người đều được tự do thích, theo đuổi, hoặc không thích, không theo đuổi cái gì đó. Nghĩa là người có thể đi làm kinh doanh, kẻ thì dấn thân cho sự nghiệp khoa học, một số khác lại đam mê nghệ thuật. Không nhất thiết ai cũng phải lao vào các hoạt động “vì cộng đồng” hoặc phải hăng hái đọc báo, xem tivi, nghe đài, hăng hái bàn luận về những vấn đề vĩ mô… Không phải nhất định chỉ có xả thân và cống hiến, “là con của vạn nhà, là em của vạn kiếp phôi pha” thì mới được xem là có “thời thanh niên sôi nổi” và tươi đẹp. (Nhưng tất nhiên, cũng phải thừa nhận là giữa các ngành nghề, các nhóm công việc khác nhau, có những nghề mang lại sự thú vị cao hơn cho người thực hành chúng – mà chính trị là một trong số đó). Song, có một khoảng cách giữa thái độ không thích, không quan tâm, không dây dưa (đó là quyền của bạn, và là điều được chấp nhận, trên tinh thần đa nguyên), và sự kém hiểu biết về chính trị (có thể dẫn đến sự vô cảm). Chính trị là quá trình ra quyết định và thực thi quyết định đó trong một nhóm, một cộng đồng bất kỳ, có thể ở quy mô một xã hội, đất nước. Bạn sẽ thấy ngay rằng, mâu thuẫn, xung đột là một phần tất yếu của quá trình ấy; hay nói cách khác, một trong các đặc điểm của chính trị là sự mâu thuẫn, xung đột. Chẳng quyết định nào, chẳng chính sách nào có thể đạt được đồng thuận. Vấn đề của tất cả mọi người là làm thế nào để giảm bớt tác hại của mâu thuẫn, xung đột ấy, dù không phải là triệt tiêu nó; nhưng đấy là chủ đề của những bài viết khác. Ở đây, chúng ta biết rằng chính trị thì phải mâu thuẫn. Một nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ, ông Austin Ranney (1920-2006), từng viết: “Chắc chắn, trong bất kỳ xã hội nào, cũng có rất nhiều mâu thuẫn trong những lĩnh vực ngoài chính trị, như kinh tế, học thuật, thể thao, và hôn nhân. Cái chính là không một xã hội nào – truyền thống hay hiện đại, tiến bộ nhiều hay ít, dân chủ hay độc tài – lại hoàn toàn không có mâu thuẫn chính trị cả. Và trong xã hội hiện đại, mọi mâu thuẫn xoay quanh vấn đề giá trị (cái gì tốt hay xấu, tốt nhiều hay tốt ít, xấu nhiều hay xấu ít, lợi hay hại, nên hay không nên… – ND) sớm muộn đều trở thành mâu thuẫn chính trị”. Mà cuộc sống của bạn thì lại luôn đầy những xung đột, mâu thuẫn phải giải quyết. Nói cách khác, bạn luôn phải đối diện và xử lý mâu thuẫn. Thế nghĩa là dù làm gì, bạn cũng không thoát khỏi tầm ảnh hưởng của chính trị được đâu. Ngay trong lớp bạn, trường bạn, Ban Giám hiệu thay toàn bộ giảng viên từng du học ở Liên Xô bằng giảng viên học ở Mỹ về, đã là một quyết định chính trị ảnh hưởng đến bạn rồi. Bạn vận động thầy cô, bạn bè, để nam và nữ sinh viên đều có thể bơi chung bể trong môn thể dục hoặc ngược lại, nhất định phải tách riêng họ ra, đã là làm chính trị rồi. Trong cơ quan, bạn khen ngợi anh A, ném đá chị B, dìm cô C, nâng chú D, để cho sếp chú ý đến bạn hơn một chút, hoặc để các đồng nghiệp yêu quý bạn hơn, đều là làm chính trị cả. Kể cả bạn quyết định không tham gia bè phái, chỉ tập trung chuyên môn thôi, đó cũng là một quyết định có tính chất chính trị và ngay cả khi ấy thì bạn cũng vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ sếp, từ đồng nghiệp, từ các chính sách của cơ quan. Chính trị bao trùm như thế. Vấn đề là điều ấy không xấu như bạn nghĩ. Nếu bạn vận động thành công để trường lớp, cơ quan, tổ dân phố, ra những chính sách có lợi cho bạn và những người bạn ưu ái, thì bạn sẽ thấy chính trị tốt quá, phải không? Và có một nghịch lý thú vị mà Austin Ranney chỉ ra, là trong khi người ta khinh ghét chính trị gia, coi chính trị là bẩn thỉu, thì người ta cũng lại ngưỡng mộ các vị lãnh đạo nhà nước, các nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ, và luôn thấy họ đẹp, họ đúng, họ sáng suốt… Vậy vì sao bạn không quan tâm đến chính trị? Nó ảnh hưởng đến bạn kia mà. Vâng, bạn hãy quan tâm đến nó, nhưng… ĐỪNG LÊN ÁN NGƯỜI VÔ CẢM.

P.Đ.T.

Nguồn: https://www.luatkhoa.org/…/Chinh-tri-binh-dan-Tai-ban-lan-1…

—————–

Luật Khoa: Cuốn Chính trị bình dân được xuất bản qua trang thương mại điện tử Amazon với mức giá 20 USD (tương đương khoảng 450.000 đồng). Bản điện tử cũng được xuất bản trên Smashword với giá 5 USD (tương đương khoảng 120.000 đ).

Như tác giả đã nhiều lần thông báo trên Facebook cá nhân, toàn bộ số tiền bán sách được chuyển cho Quỹ Lương Tâm, một quỹ từ thiện được lập ra để giúp đỡ gia đình các tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

Nếu đọc bản PDF và muốn trả tiền mua sách, bạn đọc có thể gửi tiền tới Quỹ Lương Tâm theo tài khoản ngân hàng:

Nguyễn Quang A

Số tài khoản: 0541000287869, Vietcombank Chương Dương, Hà Nội

Hoặc tài khoản Paypal: quyluongtamvn@gmail.com.

Chúng tôi đề xuất mức giá đối với bản PDF là 50.000 đồng.

Bạn đọc ở các nước khác Việt Nam có thể đặt mua bản in cuốn này trên Amazon (https://www.amazon.com/Chinh-Tri-Binh-Dan-Vie…/…/ref=sr_1_1…) hoặc liên hệ với bà Mạc Việt Hồng (Ba Lan) qua Facebook (https://www.facebook.com/viethong.mac).

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.