Phạm Chí Dũng
Phép thử thứ hai – cũng là một phép thử lớn về mức độ hiện tại cùng tương lai ngắn hạn về đàn áp nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam – vừa kết thúc.
Phép thử thứ hai
Nữ nhà báo Phạm Đoan Trang – tác giả của cuốn sách “Chính trị bình dân” và là đối tượng chính của chiến dịch “triệu tập và câu lưu” của Công an Hà Nội trong nhiều ngày của tháng Hai năm 2018 – đã không thể bị công an khởi tố và tống giam.
Hoàn toàn dễ đoán rằng bộ Công an và Công an Hà Nội rất muốn không chỉ tống giam mà còn đưa ra xử án nặng nề đối với nhà báo Phạm Đoan Trang, đặc biệt cô vừa nhận được giải thưởng nhân quyền Homo Homini (Từ Con người Đến Con Người) năm 2017 do tổ chức People In Need ở Cộng hòa Séc trao tặng.
Vào cuối năm 2016, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an bắt giam vì nhiều bài viết của cô phản đối thảm họa xả thải của Nhà máy Formosa ở 4 tỉnh miền Trung. Đến tháng 3/2017, cô được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh tặng danh hiệu “Người phụ nữ can đảm quốc tế” – một phần thưởng tinh thần quý giá và hiếm hoi dành cho các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới. Nhưng chỉ 4 tháng sau đó – tháng Bảy năm 2017 – tòa án của chính thể độc đảng Việt Nam đã lôi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xét xử với mức án đến 10 năm tù giam. Bất chấp phản đối của Mỹ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, mức án này vẫn được giữ nguyên tại phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Cũng như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Đoan Trang là một người hoạt động xông xáo và rất sắc sảo trên mạng xã hội, một nhà báo tự do có chuyên môn, một người đả kích không thương tiếc nhiều thói hư tật xấu lẫn các thủ đoạn đàn áp nhân quyền của ngành công an.
Lẽ dĩ nhiên, Đoan Trang nằm trong danh sách bị công an căm ghét và sẵn sàng bắt nếu có cơ hội thuận lợi.
Trong chiến dịch “triệu tập và câu lưu” đối với Đoan Trang vào tháng Hai năm 2018, nhiều dư luận viên thuộc loại “máu thịt” của ngành công an đã reo mừng, tung tin Trang bị bắt và sẽ bị ghép cùng với vụ án “Hội Anh em dân chủ” để bị xử nặng. Tuy nhiên vào ngày cuối tháng Hai, những dư luận viên này im bặt trong sự sượng sùng chua chát không thể nói ra. Đoan Trang vẫn không bị bắt.
Nhưng vì sao công an vẫn không dám bắt Đoan Trang?
Cần quay lại phép thử thứ nhất vào tháng 11/2017.
Phép thử thứ nhất
Ngày 16/11/2017, ngay sau khi gặp Phái đoàn Liên minh châu Âu ở Hà Nội để nêu ý kiến về những vấn đề vi phạm nhân quyền trước khi EU tiến hành đối thoại nhân quyền thường kỳ với Việt Nam vào đầu tháng 12/2017, nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị Công an Hà Nội bắt cóc ngay trước trụ sở của Phái đoàn EU tại Hà Nội.
Từ trước vụ bắt cóc trên, đã có nhiều thông tin của dư luận viên về việc công an đang truy lùng Đoan Trang và rất sẵn sàng việc bắt và tống giam cô. Tuy nhiên đến sáng ngày 17/11, công an đã phải thả Đoan Trang, sau khi tước hết máy điện thoại của cô.
Vụ bắt – thả trên đối với Phạm Đoan Trang là khác hẳn với rất nhiều trường hợp bị bắt cóc nhưng sau đó bị khởi tố và tống giam luôn vào các tháng trước.
Tháng 11/2017 lại là thời điểm tái xuất hiện vài tín hiệu về việc Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu tỏ ra quan tâm trở lại đến cuộc vận động của chính quyền Việt Nam để Việt Nam có thể được tham gia vào Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA). Một số quan chức cao cấp về ngoại giao của Thụy Điển, Bỉ… đã đến Hà Nội.
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Muốn EVFTA được thông qua, Việt Nam cần có toàn bộ đồng thuận của 27 quốc hội ở 27 nước châu Âu, mà nếu chỉ một nước không đồng ý thì Hà Nội coi như trắng tay.
Nhưng sau khi Nghị viện châu Âu tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam – mang số hiệu 2016/2755 (RSP) – vào tháng 6/2016, EU ngày càng quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền cho Việt Nam và nói thẳng đây là một trong những điều kiện bắt buộc, để nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền thì sẽ không có cơ hội nào có được EVFTA.
Phạm Đoan Trang lại là một trong những nhà hoạt động nhân quyền có mối quan hệ rộng với giới chức ngoại giao phương Tây và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế.
Đến tháng Hai năm 2018, đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy giới chóp bu Việt Nam buộc phải nhân nhượng EU, ít nhất trên phương diện “hứa hẹn”.
Một bài dịch đăng ngày 23/2/2018 của trang Việt Nam Thời Báo (Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, người dịch Phương Thảo) dẫn nguồn từ trang Borderlex cho biết “Việc EU khăng khăng yêu cầu Việt Nam phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức dường như đã mang lại kết quả”, và khẳng định “Phía sau việc trì hoãn này còn có một số lý do chính trị như: ưu tiên đưa ra thỏa thuận của EU với Nhật Bản, cuộc đụng độ ngoại giao giữa Berlin và Hà Nội, và Liên minh châu Âu nhấn mạnh rằng Việt Nam cần tôn trọng hơn các quyền con người và quyền lao động”.
Theo đó, Đại sứ Việt Nam tại EU là Vương Thừa Phong đã tuyên bố rằng Việt Nam đang lên kế hoạch phê chuẩn để thông qua các công ước này vào năm 2019 và 2020. “Chúng tôi tôn trọng cam kết của chúng tôi” – ông Phong nói “như đinh đóng cột” trước giới chức EU.
Borderlex cũng dự doán khả năng sớm nhất nếu thông qua EVFTA là sau cuộc bầu cử EU vào tháng 5/2019.
Lại “vào trước, bắt sau”
Kịch bản “vào trước, bắt sau” hầu như đang tái hiện. Vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã nhún mình giảm đàn áp giới nhân quyền và bất đồng chính kiến để tiếp đón Tổng thống Mỹ George Bush tại Hà Nội, và sang năm 2007 Việt Nam được Mỹ nhấc khỏi CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), tức được giảm cấm vận kinh tế, đồng thời Việt Nam còn được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chấp thuận cho trở thành thành viên thứ 150. Nhưng chỉ một năm sau đó, từ năm 2008 trở đi, công an Việt Nam liên tiếp gia tăng tống giam người bất đồng như một kiểu “bắt bù”.
Hiểu một cách đơn giản, tình hình hiện thời không còn quá thuận lợi cho công an Việt Nam bắt bất đồng như vào nửa cuối năm 2016 và phần lớn năm 2017. Nếu Phạm Đoan Trang bị bắt, chính thể Việt Nam – vốn chỉ còn rất ít tia sáng sau hai năm 2016 và 2017 đàn áp bắt bớ dữ dội giới nhân quyền và sau khi bị Nhà nước Đức tố cáo mật vụ Việt bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017 – sẽ càng tắt ngấm hy vọng để “vận động EVFTA”.
Một chủ trương “hạn chế bắt phản động” ngày càng lộ rõ. Khác hẳn với 8 tháng đầu năm của năm 2017 (từ tháng Ba đến tháng Mười) liên tục bắt bất đồng, từ tháng 11 năm đó đến cuối tháng 2/2018, nhà cầm quyền Việt Nam chỉ bắt một trường hợp nhà giáo Vũ Văn Hùng – thuộc tổ chức xã hội dân sự Hội giáo chức Chu Văn An, nhưng không dám quy vào tội chính trị mà chụp cho cái mũ “cố ý gây thương tích”, cho dù đến giờ công an vẫn không hề công bố được “nạn nhân bị gây thương tích” là ai.
Một lần nữa kể từ giai đoạn “vận động TPP” từ giữa năm 2013 đến giữa năm 2016, biểu đồ đàn áp nhân quyền ở Việt Nam có dấu chỉ chùng bớt. Khoảng thời gian cuối năm 2017, đầu năm 2018 đang có dấu hiệu về việc biểu đồ đàn áp nhân quyền có thể thiết lập vùng đỉnh của nó, để trong năm 2018 cao độ của đường biểu diễn đàn áp này có thể thấp hơn, hoặc thấp hơn đáng kể, so với đỉnh điểm của nó vào năm 2017.
P.C.D.
Bài đã đăng trên VOA, tác giả gửi BVN