Vũ Thanh
Dẫn lời bài viết với tiêu đề “Vì sao có người khát khao bằng giả” (http://www.bbc.com/vietnamese/world-43130145), BBC tiếng Việt cho rằng “Nhu cầu có bằng cấp và học vị trên thế giới thường rất cao, khiến không ít chính trị gia cố kiếm bằng giả dù nguy cơ mất chức luôn có”.
Bài báo điểm qua một số vụ tai tiếng trong giới chính trị gia như tại CHLB Đức, đã rút bằng Tiến sĩ của bà Annette Schavan Bộ trưởng Bộ Giáo dục vào năm 2013 vì đạo văn luận án Tiến sĩ, hay trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Karl-Theodor zu Guttenberg, từng có kỳ vọng lên Thủ tưởng, đã bị tước bằng Tiến sĩ vào năm 2011, do bị phát hiện không trung thực khi sao chép phần lớn tài liệu từ nguồn khác trong luận văn Tiến sĩ. Cả hai vị Bộ trưởng trên đều đã phải từ chức.
Kể cả Thủ tướng cũng không có vùng cấm, tại Moldova, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, Thủ tưởng Chiril Gaburici vì khai man là có bằng tốt nghiệp đại học, đã buộc phải từ nhiệm vào năm 2015. Không những thế, sau đó ông ta còn bị khởi tố vì việc sử dụng bằng giả.
Còn tại Hoa Kỳ, một vị chức sắc của Đại học danh tiếng MIT (Massachuset Institute of Technology), bà Marilee Jones, Trưởng khoa Giáo vụ đã phải từ chức vào năm 2007 vì gian dối về bằng cấp trong 28 năm. Cụ thể, trong hồ sơ của bà khai có bằng từ ba trường là Albany Medical College, Union College và Rensselaer Polytechnic Institute, song trên thực tế bà Jones không hề có bằng nào ở bất cứ trường nào nêu trên.
Tại London, ngày 31/1/2018 vừa qua, ông Henry Bolton – lãnh đạo Đảng Độc lập (UKIP) của Anh Quốc đã thừa nhận có gian dối vì khai đã tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst. Chắc chắn sắp tới ông Henry cũng sẽ phải từ chức Lãnh đạo đảng này vì tội kê khai bằng cấp không trung thực.
Theo phóng sự “Degrees of Deception” (Bằng Lừa), trên kênh BBC Radio 4 ở Anh Quốc thì dịch vụ bằng giả, bằng dởm thu lợi hàng triệu đô la một năm. Người mua ở Anh Quốc không chỉ gồm các chính trị gia mà còn có bác sĩ, y tá, thậm chí có người làm trong một tổ hợp quân sự. Các trường giả được nêu tên như Brooklyn Park University, Nixon University… đã bán ít nhất 3000 bằng cấp, chứng chỉ giả trong hai năm 2013-14, trong số đó có cả bằng tiến sĩ, thạc sĩ.
Còn tại Pakistan, năm 2010, hai Nghị sĩ Quốc hội là Jamshed Dasti (Đảng Nhân dân) và Nazir Jat (Liên đoàn Hồi giáo) phải từ chức vì dùng bằng giả. Vụ việc đã lên đến Tòa Tối cao. Một trong các trường dỏm mà các quan chức Pakistan thường “mua” bằng là Nixon University, các nhà báo đã cố gắng tìm kiếm ngôi trường có tên như vậy ở Anh nhưng không thể thấy.
Còn ở Việt Nam, câu chuyện sử dụng bằng dỏm, bằng giả không thiếu, song, đáng quan tâm nhất là các vị quan chức, thậm chí một số chính trị gia cũng khoác cho mình một tấm bằng Tiến sĩ…
Năm trước, điển hình là ông Nguyễn Xuân Anh, bị cách chức Ủy viên Trung ương, Bí thư Đà Nẵng do một số khuyết điểm trong đó có việc kê khai và sử dụng bằng cấp không trung thực (bằng của Trường California Southern University, Mỹ, không được công nhận); hay ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, sử dụng bằng tiến sĩ dỏm của Trường Đại học Bulacan State (Philippines) cũng phải chịu án kỷ luật…
Gần đây nữa, Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam bị phát hiện đã kê khai trong hồ sơ là có bằng “Tiến sĩ Hàng hải”, hình thức đào tạo từ xa 02 năm, do Viện Khoa học, Nghiên cứu và Thực nghiệm Điện tử, Ô tô và Thiết bị điện (Viện NIIAE, CHLB Nga) cấp.
Viện NIIAE nơi ông Nguyễn Xuân Sang ghi danh chỉ nghiên cứu về điện, điện tử, công nghệ ứng dụng cho ô-tô, máy nông nghiệp, đường bộ… , tuyệt nhiên không đào tạo ngành hàng hải, vì vậy Trường không thể cấp bằng Tiến sĩ hàng hải. Và ông Nguyễn Xuân Sang đã khai man việc có bằng Tiến sĩ Hàng hải. Đáng lưu ý là ông Sang chỉ có bằng Kỹ sư, chưa học thạc sĩ, không có bằng Thạc sĩ nhưng lại được cấp bằng Tiến sĩ, điều đó cũng thấy hẳn cái quy trình nhận học sinh vào làm “Tiến sĩ”của Viện NIIAE (Nga) đó cũng chỉ có mục đích chính là thu tiền mà thôi!
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Quản lý Chất lượng Giáo dục cũng đã có văn bản và thông tin chính thức về việc chương trình và bằng Tiến sĩ do Cơ sở đạo tạo, Viện Khoa học, Nghiên cứu và Thực nghiệm Điện tử, Ô tô và Thiết bị điện (CHLB Nga), nơi cấp bằng cho ông Nguyễn Xuân Sang là không được công nhận.
Các vị này cần bằng Tiến sĩ dỏm để làm gi? Hẳn đó là sự háo danh, khoác cho mình một cái áo lòe thiên hạ; và sau nữa, lấy đó làm cơ sở, lợi thế để được cất nhắc, leo cao hơn khi có thời cơ.
Sau háo danh là háo lợi! ông Nguyễn Xuân Sang sử dụng bằng “Tiến sĩ Hàng hải” dỏm cho việc thi Chuyên viên chính năm 2014 (tuy thi trượt) và thi lại vào năm 2016, nên đã hưởng lợi từ việc do kê khai có “bằng Tiến sĩ” được cấp tại nước ngoài để được miễn thi môn Ngoại ngữ (tiếng Anh).
Thực tế ông Sang học từ xa, chỉ ở Việt Nam; không hề biết tiếng Nga, trong hồ sơ chỉ có bằng B tiếng Anh nhưng khai trình độ tương đương C, và đây cũng là một sự khai man nhằm có lợi cho cá nhân.
Ông Sang kê khai để miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên chính vào năm 2014, cũng như thi lại năm 2016 là đã vi phạm hướng dẫn của Bộ Nội vụ về việc tổ chức thi nâng ngạch lên chuyên viên chính về việc miễn thi môn ngoại ngữ. Như vậy đây là việc ông Sang khai man nhằm trục lợi việc miễn thi ngoại ngữ.
Với cái mác “Tiến sĩ Hàng hải”, tuy dỏm, nhưng với một khoản bôi trơn rất lớn cho Đinh La Thăng – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lúc đó, nên Nguyễn Xuân Sang đã được Đinh La Thăng đưa từ Giám đốc một đơn vị, vượt cấp lên thẳng Cục trưởng Cục Hàng hải. Đây là cái lợi lớn hơn khi dùng bằng “Tiến sĩ” của Nguyễn Xuân Sang.
Nếu bằng “Tiến sĩ Hàng hải” từ xa của Nguyễn Xuân Sang do Viện Khoa học, Nghiên cứu và Thực nghiệm Điện tử, Ô tô và Thiết bị điện (Nga) cấp là thật, là đàng hoàng thì ông ta cần tới Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Quản lý Chất lượng Giáo dục) để làm thủ tục công nhận; và ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như ông Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Giáo dục cần công khai xin lỗi ông Nguyễn Xuân Sang.
Và, các cơ quan báo chí nào đã đưa tin ông Nguyễn Xuân Sang dùng bằng dỏm cũng phải công khai đăng tin xin lỗi, bồi thường danh dự cho ông Nguyễn Xuân Sang, và đính chính rằng Bằng Tiến sĩ Hàng hải từ xa do Nga cấp cho ông …đúng là “bằng thật” !
Hơn nữa, nếu bằng “Tiến sĩ Hàng hải từ xa” của Nga cấp cho Nguyễn Xuân Sang là loại bằng được công nhận thì không có lý do gì bằng “Tiến sĩ từ xa” của trường Đại học California Southern University nơi Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng theo học, lại không được chính danh! Và chắc chắn Trung ương cũng cần thiết phải minh oan cho nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.
Thật đắng lòng, người dân Việt Nam đã và đang hàng ngày phải đưa vào dạ dầy mình thực phẩm, trái cây…nhiễm độc, đang phải sử dụng nhiều mặt hàng giả, hàng dởm dù biết hay không! Các thứ dởm, giả, nhái, đểu…cứ quẩn quanh, bao vây người dân Việt. Nay lại cả hồ sơ, bằng cấp… giả, dỏm thì thất bất hạnh cho xã hội, vì những người có chức có quyền ấy dùng cái giả, dỏm đó để leo lên những vị trí cao hơn, rồi họ sẽ đưa cái xã hội này đi tới đâu…?!
Kê khai và sử dụng bằng cấp không trung thực cũng là một dạng “tham nhũng bằng cấp”, “tham nhũng học vị”… như một vị Nghị sĩ đã từng nói…! “Lò đã nóng, củi tươi cũng cháy”, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự cương quyết khi xử lý những đại án. So với các vụ việc tham nhũng, gây hậu quả nghiệm trọng thì việc sử dụng bằng cấp giả, bằng cấp dỏm… chỉ như những cành củi nhỏ trong cái Lò của Tổng Bí thư, nhưng nếu không xử lý, thì hậu quả của nó thật khôn lường…!
V.T. Tác giả gửi BVN