Trúc Giang (VNTB)
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tính đến đầu tháng 2-2018, vẫn chưa tới trăm năm. Địa lý thì có từ thuở hồng hoang, thuở Lạc Long Quân – Âu Cơ… Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến kia mà. Nếu tích hợp thì tỷ lệ môn lịch sử Đảng trong sách giáo khoa, có lẽ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhoi với môn địa lý. Đó là chưa kể vấn đề ý thức hệ. Cũng vùng đất ấy, sản sinh anh hùng của cả hai bên bờ Bến Hải. Vậy có dạy học trò đúng như sự thật?
Người viết bài này là lứa 6X. Khi ấy, hồi còn học ở trường Đại học Tổng hợp (giờ chia làm hai trường: Khoa học Tự nhiên, và Khoa học xã hội và Nhân văn), sinh viên Sinh học bắt buộc phải học chung năm thứ nhứt nhiều tiết toán, tiết hóa, tiết lý với sinh viên khoa Hóa, khoa Toán, khoa Lý. Thế nhưng khi ra trường, nếu theo ngành sư phạm, các thầy cô giáo môn sinh học chỉ có thể “đứng tiết dùm” các thầy cô môn hóa, môn lý với dạng ra đề kiểm tra 1 tiết, 15 phút chứ ít ai dám nhận dạy chéo môn; hoặc nếu có thì cũng chỉ dám nhận ở khối lớp nhỏ nhứt trong cấp.
Tương tự, ở Đại học Tổng hợp khi ấy khoa Thư viện, sinh viên bắt buộc phải học chung giảng đường năm thứ nhứt với các môn học thuộc khoa Văn, Sử, Địa, Triết. Trong khi đó những sinh viên khoa Văn, Sử, Địa, Triết thì không phải học môn nào thuộc khoa Thư viện. Khi ra trường, về lý thuyết, kiến thức của sinh viên khoa Thư viện đủ sức “đứng lớp dùm” các môn văn, sử, địa, thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy trường hợp nào.
Cô giáo môn địa lý Bùi Thị Mỹ Phượng – bạn của người viết bài này, phân tích: Khi hai môn sử, địa dạy riêng lẻ, thông qua môn địa lý, thầy cô giáo có thể giải thích, hoặc giới thiệu thêm cho học sinh kiến thức tự nhiên, chẳng hạn như tại vùng A có các tỉnh, tại vùng này có loại cây gì đặc trưng, con vật nào sống hợp với vùng đất này và con người phải làm gì để sống chan hòa với thiên nhiên nơi đó…
Ngược lại, với xu hướng tích hợp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đưa ra, khi nói về vùng đất A nào đó thì sẽ có những nhân vật lịch sử gắn với nó, ví dụ như ông A là nhà cách mạng, từng bắn bao nhiêu quân thù, từng đánh Mỹ cứu nước, là anh hùng… Tuổi học trò, tâm hồn và trí nhớ của các em như tờ giấy trắng, mỗi môn học là một vết mực ghi lên tâm trí các em. Trong khi đó, giáo trình lịch sử Việt Nam hiện tại có quá nhiều vấn đề để bàn, nếu gieo rắc những thứ này vào trí nhớ học trò, thật khó mà nói được tâm hồn của chúng khi lớn lên sẽ ra sao. Chưa kể khi ấy do giới hạn của tiết dạy, các kiến thức mở rộng lâu nay thầy cô giáo vẫn giảng trong môn địa lý sẽ phải cắt bỏ đi, vì nếu không thì học trò phải chịu quá nhiều thông tin dồn dập.
“Thời tôi đi học, để thi đậu vào khối C trường đại học, riêng môn sử, gần như chỉ cần học thuộc lòng bộ ba cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam của NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Về lý thuyết, giáo viên môn địa lý như lứa của tôi có thể dạy được lịch sử, nhưng có lẽ chỉ là lịch sử Đảng. Mà bốn ngàn năm văn hiến của chúng ta, lịch sử Đảng chỉ là một nhát cắt rất nhỏ nhoi chưa đến trăm năm, so chặng đường phải tính bằng thiên niên kỷ. Theo cách hiểu đó thì ngay cả bốn ngàn năm văn hiến của Việt Nam cũng chẳng thấm thía gì khi so lịch sử hình thành của đất đai, của trầm tích…”. Cô giáo Mỹ Phượng nói.
Một thầy giáo cũng dạy môn địa lý, ngại nêu tên đặt câu hỏi: “Nếu có tiết về vùng đất Huế, tôi sẽ không biết phải “tích hợp” với môn sử ra sao, khi mà nhiều nơi đang treo bảng kỷ niệm 50 năm Mậu Thân. Học trò của tôi ngay tại Huế sẽ hỏi tôi vậy những trai đàn, lễ giỗ mà gia đình của họ, của bè bạn họ ở mấy ngày Tết Mậu Tuất này có nguyên nhân từ đâu? Tôi phải trả lời thế nào trong tiết dạy tích hợp sử – địa? Khi ấy, tôi sẽ nói đúng sự thật lịch sử, hay lịch sử của Đảng?”.
Thầy giáo Trần Tiến Sĩ, khóa 5, Cao đẳng Sư phạm TP.HCM (nay là Đại học Sài Gòn) – bạn của người viết, lập luận: Khi đưa ra số liệu là tích hợp được môn toán, trình chiếu bài giảng trên máy tính là tích hợp tin học, dùng các từ khóa tiếng Anh là tích hợp ngoại ngữ, thông tin cảnh báo là tích hợp giáo dục công dân…
Như vậy, không phải bài nào cũng phải dạy tích hợp liên môn. Không phải dạy theo từng bài, mà giáo dục theo chủ đề xuyên suốt nhiều bài. Cũng không phải là phương pháp mới. Trước đây gọi là liên hệ thực tế hoặc tính tư tưởng, thời sự. Nếu bắt buộc tích hợp kiểu “sử – địa”, thì từ cấp trung học, mỗi giáo viên phụ trách một môn, họ không đủ kiến thức, và kỹ năng để đứng lớp trái ngành đã được đào tạo chuyên sâu.
“Đừng so sánh với nền giáo dục của thế giới. Việt Nam có hệ tư tưởng chính trị khác hẳn Tây phương và rất nhiều quốc gia tiên tiến. Ở Việt Nam, người dân không được hưởng đầy đủ quyền tự do chính trị, tự do học thuật, tự do đi lại và cũng không có tự do đảng phái. Do vậy, nội dung giáo dục ở Việt Nam được giảng dạy buộc phải phù hợp với ý chí của đảng phái cầm quyền. Tôi chưa rõ mai này với yêu cầu tích hợp, liệu có mâu thuẫn giữa môn văn “độc lập – riêng lẻ” với sử – địa sắp thành “một môn chung”; hay môn văn rồi cũng sẽ bị đồng hóa với một môn nào đó…”. Một cựu giáo viên Văn, Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Sài Gòn, chia sẻ.
Năm Mậu Tuất, liệu nền giáo dục của Việt Nam chưa kịp ‘lên voi’ thì đã…?
T.G.
VNTB gửi BVN.