Tô Văn Trường
Bài viết được tác giả gửi đến BVN trước giờ bóng lăn, nhưng vì lý do kỹ thuật, BVN khôgn thể đăng kịp. Trận chung kết đã xong nhưng nội dung vẫn còn rất thời sự. BVN xin giơiis thiệu cùng độc giả.
Bauxite Việt Nam
Suốt mấy ngày qua, trên công luận cả nước sôi nổi bàn luận ca ngợi đội bóng đá U 23 Việt Nam đã làm được điều thần kỳ như câu chuyện cổ tích thời hiện đại, hiên ngang tiến đến tận trận chung kết giải bóng đá U23 Châu Á. Hình ảnh các chiến binh Việt Nam quả cảm, thông minh, bền bỉ lên công về thủ trên sân cỏ giành những trận thắng đến thót tim làm nức lòng cả nước và sự khâm phục của giới hâm mộ túc cầu ở châu Á.
Bóng đá là điển hình của team work (đồng đội) và vai trò người thủ lĩnh cũng như nội lực. Nhiều người đặt câu hỏi từ bài học thành công, lột xác của bóng đá U23 VN, chúng ta có quyền và hy vọng về nền kinh tế nước nhà cũng sẽ có cú hích đột phá theo kiểu “đồng pha” cùng mẫu số chung.
Bóng đá là một mảng trong hoạt động kinh tế- xã hội của cộng đồng và vận hành một nền bóng đá cũng có rất nhiều tương đồng với vận hành một nền kinh tế. Nói về bóng đá người ta cũng dùng rất nhiều cụm từ như nói về kinh tế: Thương thảo ký kết hợp đồng, thị trường chuyển nhượng, mua bán cầu thủ, lỗ lãi, thuế thu nhập cá nhân, trốn thuế…đủ cả! Không thiếu những câu lạc bộ bóng đá tỷ đô, cầu thủ triệu phú.
Nhiều tỷ phú, đại gia hàng đầu thế giới cũng nhào vô, mua đi bán lại những câu lạc bộ khổng lồ: Abramovic (Nga) với Chelsea, Asnal Husein (UAE) với AC Milan, Thongmoang (Thailand) với Leicester… Ở Việt Nam điển hình có đại gia Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức. Họ bỏ ra hàng đống tiền không chỉ vì đam mê trái bóng tròn mà còn chứng tỏ tài năng làm kinh tế qua con đường thể thao Vua. Họ đang làm kinh tế một cách say sưa, đầy thông minh và luôn luôn có lãi, trực tiếp từ bán vé, bản quyền truyền hình và chuyển nhượng cầu thủ… gián tiếp từ quảng cáo PR thương hiệu.
Có đội bóng chuyên nghiệp nào mà không nhận tài trợ và mặc áo, đi giày, uống nước của một hãng hay Công ty nào đó! Trong cơn say bóng đá toàn cầu ấy, đã có dạo nhiều đại gia-tay chơi trên mảnh đất hình chữ S, dẫn đầu là ông Kiên đầu bạc đang xem “bóng đá” trong “nhà đá”, trước đây còn hăng hái lập ra cả một Cty bóng đá (gọi thế cho dễ nhớ) có thời đòi ăn thua đủ với VFF!
Xem ra nhiều quy luật cơ bản của kinh tế rất đúng với bóng đá. Người ta nói ” thương truờng là chiến truòng” nhiều khi là theo nghĩa bóng. Còn bóng đá là chiến trường thực sự, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trên sân cỏ đổ máu, gãy chân tay, ngất xỉu không còn là bất thường.
Những cụm từ như “chèn ép”, “qua mặt” ” động tác gỉa”, “đánh nguội”, “câu giờ”, “bật tường”, “chọc khe”… không còn lạ trong các vụ làm ăn, hình như cũng có nguồn gốc từ những diễn biến trên sân cỏ.
Bóng đá và kinh tế còn giống nhau ở chỗ kẻ thắng là kẻ vượt qua sự cạnh tranh lành mạnh, theo luật, không đội bóng nào cũng như doanh nghiệp nào được hưởng chế độ ưu tiên. Trong kinh tế cũng như trong bóng đá không một ai được quyền “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Giữa bóng đá và kinh tế còn có sự tương tự nữa đó là thu hút người tài hay để họ ra đi vì vậy mà nhiều quốc gia Châu Phi kinh tế sa sút nhưng lại là các lò luyện nên nhiều danh thủ bóng đá thế giới.
Rồi những niềm vui, nỗi buồn trong kinh tế có khác mấy đâu những niềm vui, nỗi buồn trong bóng đá. Niềm vui tổng kết năm 2017 với các chỉ số kinh tế khả quan đang được nối tiếp và nhân lên bởi niềm vui các chàng trai của chúng ta vào đến trận chung kết Gỉai U23 châu Á 2018. Thành tích của bóng đá chắc chắn sẽ tạo động lực cho chúng ta đạt những thành tích mới trong kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “VN đã thành con hổ bóng đá ở châu Á, VN cũng sớm thành con hổ kinh tế ở châu Á”.
Chỉ có chút băn khoăn, liệu chiến thuật “phòng ngự chặt, phản công nhanh” đã giúp huấn luyện viên Park Hang Seo và các học trò thành công ở giải bóng đá U23 này có thể áp dụng cho vận hành nền kinh tế của VN hiện nay hay không?
Có lẽ sau Giải U23 châu Á này, phải mời ông Park Hang Seo đăng đàn ở một diễn đàn kinh tế nào đó để nghe ông kể chuyện “làm ăn” trên sân cỏ thế nào mà lãi lớn vậy: chưa đá trận chung kết, “Công ty ” của ông đã có trong két “lãi ròng” hơn 20 tỷ. Mà con số này chắc không dừng ở đó! Tiền thưởng đúng là “bạn đồng hành” với thành tích, ông Park Hang Seo mới là tay làm kinh tế siêu hạng, chơi mà làm, làm mà chơi đấy nhé!
Không thầy đố mày làm nên. Người dân Việt nam luôn biết ơn huấn luyện viên Park Hang Seo và nhóm cộng sự đã biết thổi hồn vào những cái đầu và trái tim quả cảm của các chiến binh U23 VN. Từ sự chuyển mình, lột xác của bóng đá VN rất đáng tự hào, có thể suy ra muốn đất nước ổn định và phát triển bền vững (không bị tụt hậu) chỉ có con đường duy nhất là phải thay đổi thể chế, trọng dụng nhân tài, lấy lại lòng tin của dân.
Bóng đá kết nối người dân thành sức mạnh của cả dân tộc. Phía trước còn trận chung kết nữa, mong sao điều kỳ diệu giấc mơ VN vô địch U23 châu Á sẽ trở thành hiện thực.
Niềm vui chiến thắng lan tỏa ngay cả đến đứa cháu nội mới có 3 tuổi, tối hôm qua đã thỏ thẻ nói với tôi: Ông nội ơi, mua cho con lá cờ để đi “bão” với ba mẹ. Mong sao giới trẻ đừng quá hăng say, mừng chiến thắng, lao xe bất kể đâm đầu vào cây hay cột điện bên đường mà miệng vẫn còn hô vang “Việt Nam vô địch”…
“Dáng đứng Việt Nam
Cờ đỏ sao vàng
Lại hiên ngang
giữa đấu trường châu lục
Cho bạn
Cho tôi
Cho biển đời sôi sục
Niềm tin như sóng dâng trào
Lịch sử sang trang
Khoảnh khắc tự hào
Tiến lên Việt Nam!
Tiến vào chung kết !”
T.V.T.
Tác giả gửi BVN