Thục-Quyên
Khoảng 2 tuần lễ trước khi vụ xử ông Trịnh xuân Thanh bắt đầu, bỗng nhiên có tin đăng trên báo Đức là dân biểu quốc hội Martin Patzelt muốn qua tham dự quan sát phiên toà, và chính phủ Đức đang can thiệp xin trả tự do cho ông TXT.
Đó là những tin thất thiệt
Ông Patzelt đăng lời phản bác trên FB và trang nhà (1)
Sau khi gửi thư riêng nhờ tôi chuyển lời đến những người bạn đang tranh đấu cho sự Nhân-bản tại VN, ông Patzelt đã cho đăng một phần lá thư lên FB và trang nhà của ông. Có lẽ để ngăn chận âm mưu xuyên tạc ý nghĩa 2 chuyến đi của ông qua Việt Nam với tư cách đại diện cho Quốc hội Đức: lần đầu tham dự quan sát vụ xử Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, và lần sau tiếp xúc những nhà tranh đấu nhân quyền, lắng nghe đại diện các cộng đồng tôn giáo và đại diện những nhóm xã hội dân sự, cũng như vào thăm gặp Anh Ba Sàm trong tù, quan sát tại chỗ hậu qủa của thảm họa môi trường do công ty “Formosa Hà Tĩnh” gây ra.
Ông Patzelt viết
“Tôi đã trả lời tờ báo TAZ Berlin là hoàn toàn không có chuyện tôi muốn qua VN quan sát phiên toà xử ông Trịnh Xuân Thanh. Tôi đã cắt nghĩa rõ ràng cho ký giả là tôi không được biết tính chất những lý lẽ buộc tội trong vụ án xử ông Thanh, và thêm nữa, ông ta có xứng đáng được hưởng sự ủng hộ ̣(như một nhà bảo vệ nhân quyền được ủng hộ )không? Ngoài ra tôi đã nói với tờ báo TAZ rằng chỉ khi nào chính phủ Đức yêu cầu, tôi mới chấp thuận vai trò làm một người quan sát phiên tòa. Vụ bắt cóc người vừa qua ( chúng tôi tin chắc lả một vụ bắt cóc) là một vi phạm nhân quyền, vả lý do chính phủ Đức phải hành động lả chủ quyền lãnh thổ chúng tôi đã bị xâm phạm“.
Cuộc họp báo chính phủ (Đức) ngày 8/01/2018
Trả lời thư của tôi hỏi về việc ” Chính phủ Đức có thật tình đã can thiệp xin cho ông Trịnh xuân Thanh được trả tự do như tờ báo SZ ngày 7/01/2018 loan tin hay không”, Bộ ngoại giao Đức đã viết
“Trong quá khứ, chính phủ Liên bang Đức đã nhiều lần bình luận về vấn đề này ( vụ bắt cóc TXT) trong những cuộc họp báo, gần đây nhất là vào ngày 8 tháng 1 . Đòi hỏi của chúng tôi luôn luôn là phiên toà phải đáp ứng đúng tầm cao các chuẩn mực tố tụng pháp lý của chúng tôi (unseren hohen rechtsstaatlichen Ansprüchen), và phải có sự có mặt của các quan sát viên quốc tế.”
Theo biên bản chính thức của cuộc họp báo chính phủ (Đức) ngày 8/01/2018 (2) , các ông Steffen Seibert, phát ngôn viên chính phủ, và Rainer Breul, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, đã thay phiên nhau trả lời những câu hỏi của ký giả.
Ngoài những nhận định và tuyên bố của chính phủ Đức về vụ nhà cầm quyền VN cho tổ chức bắt cóc người trên lãnh thổ Đức, đã được nhắc đi nhắc lại từ đầu tháng 8/2017 – xin đọc những bài (3),(4)- có thêm 2 điểm đáng lưu tâm:
Câu hỏi : Theo quan điểm của chính phủ Đức, nếu người đàn ông này (TXT) bây giờ được tha bổng thì điều đó có là đủ hay không? Còn vấn đề ông ta rõ ràng đã bị bắt cóc mang ra khỏi nước Đức, lý do khởi thủy gây ra những sôi nổi, trục trặc với Việt Nam, thì sao? Ông chờ đợi gì từ chính phủ Việt Nam?
Ông Breul trả lời: Tuần trước, hay hai tuần trước, tôi đã trả lời là chúng tôi đang có những những buổi nói chuyện kín với phía Việt Nam và chúng tôi đã nhấn mạnh với họ, vượt ra ngoài vấn đề số phận một cá nhân dĩ nhiên còn có vấn đề phản bội lòng tin. Ông Seibert cũng vừa nói thêm một lần nữa là trong những buổi nói chuyện đó, chúng tôi khẳng định chờ đợi những tín hiệu từ phía Việt Nam giúp chúng tôi một ngày nào đó có thể vượt qua sự khủng hoảng vì lòng tin bị phá vỡ này.
Câu hỏi: Vậy ông có nhận được tín hiệu nào không?
Breul: Không. Như tôi đã nói, chúng tôi còn đang đàm phán với phía Việt Nam. Chúng tôi đã rất rõ ràng – Phía Việt Nam biết họ cần phải làm những gì để đạt lại quan hệ bình thường.
Cần hiểu rõ những tin chính thức để tránh suy diễn méo mó.
Việc bắt cóc người (trong trường hợp này là ông Trịnh Xuân Thanh) trên lãnh thổ Đức là hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, một cách trắng trợn và chưa từng có tiền lệ. Chính phủ Đức không thể chấp nhận bỏ qua một cách dễ dàng.
Lời đòi hỏi của CHLB Đức trong buổi họp báo ngày 22/09/2017, là phiên tòa xét xử ông TXT phải diễn ra đúng theo tinh thần nhà nước pháp quyền và phải có quan sát viên quốc tế tham gia giám sát, chỉ là hai trong nhiều điều kiện Đức đã cho VN biết “VN phải cần làm gì” để sửa chữa lỗi lầm đã ” phản bội lòng tin”.
Cho tới nay những điều kiện khác không được công bố rõ. Đòi hỏi lúc đầu không được nhắc lại nhưng cũng chưa được chính thức bãi bỏ, là VN phải xin lỗi và đưa ông TXT, (nạn nhân của vụ bắt cóc trên lãnh thổ Đức) trở qua Đức để qua hai cuộc xét xử pháp lý khác nhau trong hai vụ việc song song: một bên là đơn xin dẫn độ của chính phủ Việt Nam và bên kia là đơn xin tỵ nạn của ông Thanh,
Còn Ông TXT là công dân VN, chưa hề là một người hoạt động bảo vệ nhân quyền, nên Đức chẳng có lý do gì để can dự vào vấn đề xét tội của một toà án VN để đòi trả tự do cho ông ta. Quan tâm chính yếu của Đức là nước đối tác VN phải là một “nhà nước pháp quyền”, điều mà Đức từ lâu đã giúp VN qua chương trình “Đối thoại nhà nước pháp quyền Đức-Việt”.
Chỉ trong trường hợp ông TXT bị kết án tử hình thì không những Đức mà Liên Minh Châu Âu cũng sẽ phản đối mãnh liệt, như đã từng phản đối những bản án tử hình tại Mỹ, Nhật, Iran, Indonesien, Sudan, Belarus…..
Đối thọai nhà nước pháp quyền Đức-Việt.(5)
Từ ngày 29.02.2008 Bộ trưởng Bộ ngoại giao Đức và Việt Nam đã ký ’’Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp“, Đức và Việt Nam đã tiến hành đối thoại tích cực về nhà nước pháp quyền.
Với khoảng 70 hội thảo và về phía Đức có khoảng 80 cơ quan nhà nước và phi chính phủ
-định kỳ tham gia ( thí dụ Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng Liên bang, Tổ chức Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức (IRZ), ……….
-hoặc tham gia không định kỳ bằng cách cử báo cáo viên tham gia (ví dụ Đoàn luật sư liên bang, Đoàn luật sư Frankfurt, Hội thẩm phán Đức…..
Chương trình đối thọai kéo dài cho tới nay cho thấy nước Đức đặt giá trị “Nhà nước pháp quyền” rất cao trong quan hệ đối tác Đức-Việt.
Tin tức những ngày vừa qua cho biết có nhân viên Toà Đại sứ Đức và đại diện Liên Minh Châu Âu hiện diện quan sát vụ xử ông TXT, nhưng họ phải ngồi ở phòng bên và chỉ thấy và nghe, lúc rõ lúc không, những gì được chiếu qua màn hình. Đây là dịp để Giới Luật gia Việt Nam lên tiếng, phân tích một cách có hệ thống những vi phạm của vụ xử, chiếu theo Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam (có hiệu lực từ 1/01/2018). Quốc tế sẽ đánh giá sự hiểu biết và đạo đức nghề nghiệp của qúi vị.
Cũng cần so sánh với Luật Hình sự Đức để định rõ những khác biệt vì Bộ ngoại giao Đức đã nhấn mạnh phiên toà phải đáp ứng đúng tầm cao các chuẩn mực tố tụng pháp lý của chúng tôi .
Con đường trở lại quan hệ đối tác chiến lược Đức-Việt thấy còn nhiều cửa ải.
Thí dụ Quốc hội Đức và Hiệp hội Thẩm phán Đức sẽ không ngưng thúc đẩy chính phủ họ phải chú ý đến cả những vụ bắt bớ và xử tù tùy tiện chính những luật gia tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo như luật sư Nguyễn Văn Đài, luật gia Nguyễn Bắc Truyển.
_____________________________________________________________________
(1)www.martin-patzelt.de/lokal_1_1_380_Prozess-gegen-Trinh-Xuan-Thanh.html
(2) www.bundesregierung.de/Content/DE/Mitschrift/Pressekonferenzen/2018/01/2018-01-08-regpk.html
(3) vietbao.com/a270771/doi-tri-nha-cam-quyen-viet-nam-lam-sao-khoi-hai-den-dan-
(4) baotiengdan.com/2017/10/06/quan-he-duc-viet-nhung-diem-khong-giat-gan-nhung-quan-trong/