VIỆT NAM – QUỐC GIA MẤT NƯỚC Kỳ 2: NHỮNG KẺ CƯỚP NƯỚC ÂM THẦM

Quốc Ấn Mai

Nước là tài nguyên. Kể cả nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Điều này tạo ra một hệ sinh thái đa dạng. Thật đau đớn khi viết bài trước về vấn đề Việt Nam mất nước về chất và về lượng.

Hôm nay tôi lại viết tiếp về việc mất nước vì bị cướp nước! Cụ thể là cướp nước trong sản xuất công nghiệp.

Lấy ví dụ về nhiệt điện.

Muốn có điện phải có than. Khai thác lộ thiên lấy đi khoảng 10.000 lít nước ngầm/1 tấn than, trong khi đó khai thác hầm lò lấy đi 462 lít nước ngầm/1 tấn than. (Tôi chưa nắm số liệu nước rửa than). Một nhà máy điện than điển hình với công suất 1200 MW trung bình tiêu thụ khoảng 4,7 triệu m3 nước/ngày đêm cho hoạt động làm mát, gấp khoảng 4 lần nhu cầu tiêu thụ nước của thành phố Hà Nội.

“4 lần nhu cầu tiêu thụ nước của thành phố Hà Nội”. Bạn hiểu điều này có ý nghĩa gì không?

Mặc dù phần lớn nước làm mát của nhà máy nhiệt điện than được trả về nguồn nước ban đầu nhưng nhiệt độ của loại nước này thường cao hơn 8 độ C so với nước đầu vào. Sự gia tăng đột ngột nhiệt độ nước sẽ gây ra những sốc nhiệt đối với các sinh vật sống trong hệ sinh thái, gia tăng các hoạt động sống trong nước và giảm nồng độ oxy hòa tan (DO) trong nước cũng như sự phân rã của chất độc trong nước. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng hệ sinh thái do sự gia tăng các loài ưa nhiệt và giảm số lượng các loài ưa lạnh hoặc các loài khó có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ môi trường. Đặc biệt là nhiệt độ nước cao có thể gây nên hiện tượng tẩy trắng san hô và gây thiệt hại cho các diện tích nuôi trồng thủy hải sản hoặc giảm các hệ sinh thái nhạy cảm trong khu vực.

Đó là chưa kể khói nhà máy nhiệt điện (hay bất kỳ nhà máy sản xuất nào, Formosa chẳng hạn) sẽ tạo ra mưa axit và rơi xuống sông, hồ, ao hay ngấm xuống nước ngầm để làm giảm chất lượng nước hiện hữu. Ngay cả tắm mưa hay dính mưa axit, bạn cũng bị ảnh hưởng sức khỏe còn nhà cửa, máy móc thiết bị cũng giảm tuổi thọ.

Lấy nước sạch trả nước bẩn, làm giàu bằng thứ công nghệ lạc hậu của ngoại bang là thực trạng có thật của nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam. Các nhà thầu TQ, HQ, Đài, Mã và phần nào đó là Sing (có gốc Hoa) là tiêu biểu cho dạng này: dạng cướp nước.

Để đất nước bị cướp nước thì không ai vô can cả và cũng không ai không bị ảnh hưởng cả! Từ cấp siêu lớn về chủ trương về chủ trương như Bộ Chính trị đến Chính phủ, Quốc hội hay các bộ ngành, địa phương và người dân. Ví dụ, ông Bộ trưởng Bộ Công thương không thể nói chỉ thừa lệnh “cấp trên” mà quên vai trò tham mưu của mình. Ông không còn nguyên là Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là một ví dụ rõ nét.

Lịch sử sẽ phán xét đến từng cái tên nhưng đó là chuyện tương lai gần hay xa. Còn hiện tại, nếu không cảnh báo về thực trạng này thì đúng là có tội với Tổ Quốc!

Chính phủ mới chỉ mời 14 chuyên gia kinh tế hàng đầu cố vấn kinh tế. Tôi chưa thấy những chuyên gia môi trường nào được mời vào cố vấn cả. Còn các báo cáo của Bộ Tài nguyên môi trường hay phát biểu của ông Trần Hồng Hà Bộ trưởng thì…

Nếu chỉ tin những báo cáo đẹp trên giấy trong khi môi trường vẫn bị tàn phá hàng ngày thì thực trạng đau lòng mang tên “đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” vẫn diễn ra. Bài học về đổi đất lấy hạ tầng đã cho thấy tài nguyên (đất đai) đã tới hạn. Bài học về việc tăng khai thác dầu để phát triển GDP đã bị biến động của thị trường (giảm giá dầu thế giới) làm đảo lộn.

Nước – nguồn sống của vạn vật. Cũng là thứ có thể thấm sâu nhất, len lỏi sâu nhất vào bất kỳ đâu, kể cả cơ thể chúng ta. Nếu nó mang những mầm bệnh hay độc chất thì không thể tưởng tượng nổi về hậu quả. Và điều đó từ những kẻ cướp nước âm thầm.

Tôi biết nhiều cán bộ nhà nước, an ninh có xem Facebook cá nhân này. Và tôi vẫn giữ nguyên quan điểm: “Mất nước là mất nước!”, chứ không phải những lý do khác đâu ạ!

Chú thích: Hiện tại Việt Nam có trên 20 nhà máy điện than đang vận hành (bản đồ bên trái). Nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than cùng triển khai hoạt động thì sẽ dày đặc như trong ảnh (bản đồ bên phải).

(Ảnh tôi chụp từ nghiên cứu của GreenID)

clip_image002

(Còn tiếp)

Q.A.M.

Nguồn: https://www.facebook.com/quocan.mai/posts/10210232148512663

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.