Đoàn Nguyên – Giáp Hồ
“Trước đây chính quyền đã bán các vệt đất nằm ở phía đông đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) cho các doanh nghiệp” – nghe chung chung quá! Ai kí bán thế? Các fan của Nguyễn Bá Thanh trả lời xem nào!
Bauxite Việt Nam
Lãnh đạo TP Đà Nẵng đang thương thảo với đại diện các doanh nghiệp để xin lại đất, mở lối đi xuống biển, phục vụ người dân và du khách.
Ngày 7-12, tại phiên tiếp thu và giải trình, kì họp thứ 6, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết lãnh đạo thành phố đang rất trăn trở và gặp nhiều khó khăn trong việc mở lối đi xuống biển cho người dân. Ông nói trước đây chính quyền đã bán các vệt đất nằm ở phía đông đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) cho các doanh nghiệp. Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn thiện việc xây dựng các khách sạn cao cấp. Những năm gầy đây, quá trình tiếp xúc cử tri, người dân Đà Nẵng liên tục yêu cầu thành phố mở các lối đi xuống biển. Trên thực tế, khi đất đã giao cho doanh nghiệp, họ xây các khách sạn nên người dân không được đi xuống biển qua khuôn viên đất của khách sạn. Đại biểu Võ Văn Quý chất vấn: “Biển Đà Nẵng thì người dân phải được xuống tắm, mà muốn xuống tắm thì phải có lối đi. Đề nghị thành phố giải quyết vấn đề bức xúc này cho người dân”.
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết ngoài 4 bãi tắm công cộng đã được quy hoạch và đang đầu tư, thành phố đã phê duyệt quy hoạch và lập thủ tục đầu tư 5 lối xuống biển. Lối thứ nhất giữa Furama Resort và Cung hội nghị quốc tế Ariyana, ngoài ra có thêm 4 lối đi xuống biển nhỏ khác. “Với lối xuống biển giữa dự án Furama và Ariyana, Sở Kế hoạch và đầu tư đang trình UBND thành phố bố trí vốn dự kiến khoảng 5 tỉ đồng và triển khai thực hiện trong năm 2018” – ông Hùng cho hay.
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, việc triển khai thực hiện quy hoạch trên đang gặp khó khăn. Lí do là chính quyền đã bán đất cho nhà đầu tư, giờ muốn mở lối đi xuống biển thì phải thương lượng, xin lại. “Để giải quyết lối đi xuống biển cho người dân, chúng tôi phải thương lượng với các chủ đầu tư để xin họ từng mét đất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không đồng ý vì họ không muốn khuôn viên khách sạn bị chia cắt” – ông Thơ nói. “Đối với lối Furama và Ariyana (Ngũ Hành Sơn), chủ đầu tư không chịu chia cắt. Tuy nhiên, vị trí này là cống nước công cộng nên thành phố phải làm việc để vừa mang lợi ích cho người dân, vừa tính đến sự hài hòa trong khu du lịch này” – ông Thơ nói thêm.
Liên quan kiến nghị mở lối đi xuống biển ở khu vực cuối tuyến đường Hồ Xuân Hương, ông Thơ thông tin những năm trước, thành phố đã giao đất và không thu tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp. “Ở khu vực này, thành phố cũng đã cho phép doanh nghiệp làm bãi đổ xe nên bây giờ họ không muốn nhường đất để mình mở lối đi xuống biển. Tuy nhiên, tinh thần là lãnh đạo sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu của bà con” – Chủ tịch Đà Nẵng chốt lại vấn đề.
Đ.N – G.H
Nguồn: https://news.zing.vn/sau-khi-ban-het-dat-da-nang-di-xin-lai-dat-de-mo-loi-xuong-bien-post802221.html
Đà Nẵng: Nhà đầu tư chặn đường ra biển của cộng đồng dân cư?
Lương Phong – Anh Dũng
Bãi biển Đà Nẵng từng được vinh danh là bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, xứng tầm đối với một TP trẻ hiện đại lớn thứ 3 của Việt Nam. Quá trình Đà Nẵng xây dựng thương hiệu và phấn đấu để đạt được những nét nổi bật như hôm nay không phải là ngày một, ngày hai. Nhưng, Đà Nẵng lại đang đánh mất dần thương hiệu cũng như niềm tin của cộng đồng dân cư sở tại lẫn du khách thập phương vì những hạt sạn không đáng có.
Đường xuống bãi biển công cộng, ai giao cho nhà đầu tư?
Phát triển là xu hướng tất yếu nhưng sự phát triển đó có gắn liền với lợi ích của cộng đồng hay không? Hay là chỉ đem lại lợi nhuận cho những nhà đầu tư lớn? Một câu hỏi đang còn bỏ ngỏ. Và cho đến nay các nhà đầu tư lớn vẫn độc quyền chiếm dụng không gian biển, từ đó biến cái chung thành tài sản riêng của họ.
Tại TP biển Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Ai đã vượt thẩm quyền giao bãi biển cho các nhà đầu tư? Vì trong điều luật không có quy định nào cho phép giao không gian biển cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, luật bất thành văn là các nhà đầu tư đã ngang nhiên chiếm dụng bãi biển và đường xuống bãi biển làm của riêng.
Hiện tượng các khu nghỉ dưỡng cao cấp và resort “nuốt rừng, độc quyền bãi biển” không còn là chuyện lạ ở Đà Nẵng từ nhiều năm nay. Không gian biển là tài sản chung và thuộc chủ quyền quốc gia nhưng cư dân bản địa và du khách muốn tắm biển không phải dễ vì nhiều nơi không còn đường xuống biển.
Tước đoạt tiện ích và sinh kế của cộng đồng
Mục sở thị dọc cung đường này, PV Báo điện tử Tài nguyên và môi trường nhận thấy một dải bờ biển dọc theo đường Võ Nguyên Giáp từ Hồ Xuân Hương đến đường Minh Mạng thuộc phường Mỹ An và phường Khuê Mỹ – quận Ngũ Hành Sơn đã bị bịt kín bởi các khu nghỉ dưỡng cao cấp và resort. Ngoài ra, còn có nhiều dự án khác xí phần đất dựng hàng rào che chắn không còn đường xuống biển. Muốn tắm biển, cư dân sở tại phải đi xa mới có đường xuống bãi tắm.
Hỏi chuyện đường xuống biển, ông Thái Văn Cát ở đường Hồ Xuân Hương nói đùa trong chua chát: “Nơi đây mang tiếng là vùng ven biển nhưng giờ đây làm gì còn biển. Một dải đất dài hút tầm mắt, thành phố đã giao hết cho các nhà đầu tư, đất của họ nên họ xây bít hết không còn lối ra biển. Chúng tôi là cư dân bản địa, hơn 10 năm rồi đâu còn được tắm biển ở vùng Bắc Mỹ An này nữa! Trước đây, sớm chiều đi bộ tà tà chừng 10 phút là chân đã chạm bãi cát, chạy nhảy một hồi rồi lao xuống biển ngâm mình trong làn nước mát. Nay, muốn nhìn biển cũng chẳng được chứ nói đến tắm là điều hoàn toàn xa xỉ”.
Đường Hồ Xuân Hương nối dài giao với đường Võ Văn Kiệt (thuộc phường Mỹ An – quận Ngũ Hành Sơn) mấy mươi năm trước đã có một đường xuống bãi tắm Bắc Mỹ An. Nhưng cách đây trên 10 năm, con đường này đã bị phong tỏa…
Tại các buổi tiếp dân và tiếp xúc cử tri ở quận Ngũ Hành Sơn, nhiều năm qua người dân bức xúc đã kiến nghị chính quyền TP Đà Nẵng yêu cầu nhà đầu tư mở đường xuống biển. Nhưng nguyện vọng chính đáng đó của cư dân nơi đây đến bao giờ thành hiện thực vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ phía chính quyền TP Đà Nẵng.
Chị Trần Thị Hồng Hà, một du khách đến từ Hà Nội lưu trú tại khách sạn Hemera, số 91 Hồ Xuân Hương cho biết: “Tôi rất hài lòng vì khách sạn này có không gian gần biển thoáng mát nhưng điều bức xúc nhất của tôi cũng như khách lưu trú ở đây là không có đường xuống tắm biển mặc dù biển rất gần. Tôi và con phải đi bộ loanh quanh vẫn chưa tìm ra đường xuống biển, nắng quá đành dắt con đi về”.
PV Báo điện tử Tài nguyên và môi trường khảo sát vài khách sạn tầm cỡ trong khu vực, qua tìm hiểu được biết công suất khai thác phòng bình quân chưa đến 40% vào mùa du lịch cao điểm. Nhà hàng ăn theo khách sạn, một mảnh đất trước đó được cho thuê làm nhà hàng vì thua lỗ nên đành tháo dỡ. Nguyên nhân cũng là không có đường xuống biển.
Được biết, trước đó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch các dự án ven biển làm sao để có đường thông ra biển nằm giữa các dự án để người dân được tự do tắm biển.
Lối ra biển không còn, người dân kiến nghị nhiều lần, chính quyền cũng đã vào cuộc nhưng mãi cho đến nay, các chủ đầu tư vẫn kiên quyết không trả lại đường ra biển cho cộng đồng. Chặn đường xuống biển, riêng biệt chỉ làm lợi cho một ông chủ hoặc nhóm lợi ích nào đó. Nhưng cái mất lớn lao hơn trong hiện tại và tương lai là khai thác tiềm năng du lịch, quan yếu nhất là suy giảm niềm tin trong cộng đồng xã hội.
Quá trình Đà Nẵng xây dựng thương hiệu và phấn đấu để đạt được những nét nổi bật như hôm nay không phải là ngày một, ngày hai. Nhưng Đà Nẵng đang đánh mất dần thương hiệu cũng như niềm tin của cộng đồng dân cư sở tại lẫn du khách thập phương vì những hạt sạn không đáng có.
L.P – A.D