“Đi với ma mặc áo giấy”, đúng là Trung Quốc đã và đang chơi với trục ma quỷ: một cộng sản thứ thiệt Pôn Pốt trước đây và một cộng sản thứ thiệt khác là Bình Nhưỡng hiện nay, những kẻ vốn được nặn ra từ hình mẫu một đại cường quốc thét ra lửa trước đây mà vào khoảng những năm 1932-1939 được thế giới hình dung là một khuôn mặt người ngậm con dao găm đang rỏ máu (không tin xin mở lại các báo chí thời kỳ ấy sẽ rõ).
Vậy thì Trung Quốc là gì? Mao Trạch Đông là gì? 55 triệu 700 nghìn người tử nạn vì bị đấu tố và cả vì chết đói trong mấy cuộc “Đại nhảy vọt”, “Đại cách mạng văn hóa”… của Mao (theo thống kê của Tân Tử Lăng bạn thân của Hồ Cẩm Đào) đủ vẽ được hình thù Mao là gì rồi. Không biết Trung Quốc đi với ma hay là Kim Chính Nhật đi với con quỷ đội lốt người – và cái lốt này tất nhiên đẹp hơn Kim Chính Nhật là cái chắc. Nhưng coi chừng! Những ai mon men muốn làm Kim Chính Nhật (có đấy) sẽ đến lúc bị cái lốt người tốt mã kia dìm xuống Biển Đông chìm nghỉm. Dân tộc này thì quyết không bị dìm theo đâu.
Bauxite Việt Nam
Tuần Việt Nam giới thiệu tiếp kỳ 2 tài liệu của Quỹ Jamestown phân tích và thông tin vắn tắt về Trung Quốc với khía cạnh vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề khu vực.
3. Tâm điểm chú ý sau vụ tàu Cheonan
Quan hệ lâu năm giữa Trung Quốc với CHDCND Triều Tiên đã trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế từ sau vụ tàu chiến Cheonan nặng 1.300 tấn của Hải quân Hàn Quốc bị nổ và chìm tại Hoàng Hải, gần đường biên giới trên biển giữa hai miền Triều Tiên. Theo kết quả điều tra quốc tế, có vẻ như một vụ tấn công bằng ngư lôi đã làm 46 trong tổng số 104 thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Nhóm điều tra đưa ra vật chứng các phần của quả ngư lôi Triều Tiên tìm thấy dưới đáy biển. Trong khi Bình Nhưỡng kiên quyết bác bỏ mọi dính líu, Trung Quốc – đồng thân cận nhất của Triều Tiên – cũng không công nhận kết quả điều tra trên.
Dựa vào vị thế của Trung Quốc vừa là một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, lại là đối tác ngoại giao có ý nghĩa nhất với Triều Tiên, Bắc Kinh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong bất cứ nỗ lực nào nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng.
Với các kết quả điều tra đã công bố, Seoul đang tìm cách lôi kéo cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, có hành động cứng rắn. Bắc Kinh đang đối mặt với sức ép phải thể hiện rằng sẽ ủng hộ các chuẩn mực quốc tế và cam kết ngăn chặn các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Nhưng cùng lúc đó, lợi ích của Bắc Kinh trong việc bảo vệ chế độ ở Triều Tiên khiến họ lo ngại khi phải đẩy nhà lãnh đạo nước này Kim Châng In vào một tình thế nguy hiểm hơn.
Vì Trung Quốc tự coi là một “cổ đông có trách nhiệm” trong một loạt các vấn đề quốc tế lớn, từ cuộc chiến chống hải tặc đến chống phổ biến vũ khí hạt nhân, nên quan hệ mang tính lịch sử của họ với Triều Tiên đang ngày càng khó xử. Dù vụ Cheonan có thể khiến một số quan chức Trung Quốc có cái nhìn nghiêm khắc hơn về cái giá chính trị của mối quan hệ đặc biệt này, nhưng ít khả năng có thay đổi về chính sách của Trung Quốc trong tương lai gần.
Chuyến thăm Bắc Kinh của Chủ tịch Kim Châng In vừa qua càng nhấn mạnh rõ tính bền vững của quan hệ song phương này. Lợi ích chiến lược của Trung Quốc trong một Triều Tiên ổn định dường như đang “cứa” vào tham vọng tỏ ra “có trách nhiệm” bằng việc ủng hộ các trừng phạt mạnh mẽ của quốc tế.
Mọi con đường đều thông qua Bắc Kinh
Kêu gọi “các biện pháp đáp trả mạnh mẽ” chống Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc bày tỏ mong muốn giải quyết với Bình Nhưỡng thông qua sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ. Ông Pắc Hiêng Chun, cố vấn chính trị cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc, nhấn mạnh vai trò chủ chốt của Trung Quốc trong bất cứ biện pháp đáp trả nào của thế giới sau vụ Cheonan. Là một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, lại là chủ nhà các cuộc đàm phán sáu bên về hạt nhân của Triều Tiên, cộng thêm là nhà bảo trợ chính của Triều Tiên, Trung Quốc sẽ có tầm ảnh hưởng lớn đến mức độ và cách thức trừng phạt Bình Nhưỡng.
Đáp lại các bài báo viết về vụ Cheonan và việc Seoul kêu gọi trừng phạt, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) nhấn mạnh rằng tất cả những điều này chỉ là “một khiêu khích nghiêm trọng và quá quắt”, và giống như một “lời tuyên chiến”. Mô tả sự cố Cheonan là một “trò lừa bịp khôi hài nhằm gây tổn hại tới Triều Tiên”, Bình Nhưỡng thề sẽ “trừng phạt mạnh gấp 1.000 lần”.
Những bình luận chính thức một cách mập mờ của Bắc Kinh và cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Triều Tiên sau vụ tàu Cheonan khiến Hàn Quốc lo ngại. Các tuyên bố thận trọng của Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc đang cố tránh leo thang căng thẳng, hơn là quy trách nhiệm cho ai hoặc đưa thủ phạm ra trước công lý.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các bên bình tĩnh và thận trọng. Thứ trưởng Ngoại giao nước này mô tả sự cố trên là “rất đáng tiếc” song vẫn tránh đổ lỗi cho Triều Tiên. Trong khi đó, tờ Beijing Review nhấn mạnh Bắc Kinh phản đối trừng phạt kinh tế chống Bình Nhưỡng, cho rằng các biện pháp này sẽ không hiệu quả về chính trị mà chỉ gây thêm đau khổ cho người dân.
Truyền thông Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng lợi ích chiến lược của Trung Quốc khi Triều Tiên ổn định sẽ vượt mọi sức ép đòi Trung Quốc thẳng tay với Bình Nhưỡng. Thời báo Hàn Quốc, một tờ báo ôn hòa, dự đoán ngay cả những bằng chứng thuyết phục nhất cáo buộc Triều Tiên dính líu tới vụ chìm tàu Cheonan cũng sẽ không làm Bắc Kinh thay đổi quan điểm đối với Bình Nhưỡng. Tờ báo bảo thủ hơn JoongAng Ilbo thì gọi “quan hệ đối tác chiến lược” của Hàn Quốc với Bắc Kinh chỉ là “một ảo tưởng”, nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ luôn gắn với các chiến lược cho phép họ duy trì tầm ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên.
Hầu hết các chuyên gia phân tích đều gạt bỏ khả năng Hàn Quốc trả đũa quân sự Triều Tiên, bởi mong muốn tránh leo thang căng thẳng sẽ khiến Seoul phải dùng các biện pháp ngoại giao và kinh tế như họ đã dùng đến trong quá khứ. Seoul có thể theo đuổi các khả năng trừng phạt nghiêm ngặt, trừ hành động quân sự.
Bước đi đầu tiên rõ nhất là thắt chặt dòng viện trợ quốc tế tới Triều Tiên và ngừng các hợp tác kinh tế hiện tại giữa hai miền. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể hạn chế tính hiệu quả của chiến thuật này bằng việc tăng hỗ trợ song phương, vốn đã rất cao, cho Triều Tiên.
Seoul cũng đang tìm cách đạt được thỏa thuận về một hành động của Liên hợp quốc song song với sức ép kinh tế. Cả ở điểm này, Trung Quốc cũng đóng một vai trò quan trọng, bởi họ là một thành viên có lá phiếu phủ quyết của Hội đồng Bảo an. Dù Bắc Kinh ủng hộ nghị quyết 1874 của LHQ, áp đặt các trừng phạt kinh tế và chính trị đối với Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần hai năm 2009, nhưng họ làm vậy chỉ sau khi giải pháp ngoại giao thất bại.
Hơn nữa, trách nhiệm của Triều Tiên trong vụ thử hạt nhân là không có gì phải bàn cãi, trong khi đối với vụ tàu Cheonan, không có lời thú nhận của Triều Tiên thì sẽ rất khó mà chứng tỏ sự dính líu của họ một cách chắc chắn, bởi Trung Quốc không tin tưởng kết quả điều tra quốc tế mà Hàn Quốc công bố hôm 20/5. Và chỉ một chút nghi ngờ cũng sẽ được Trung Quốc vin vào để giảm bớt hoặc gạt bỏ các đề xuất trừng phạt.
Cuối cùng, Seoul có thể ngừng vô hạn định việc tham gia vào bàn đàm phán hạt nhân sáu bên về hạt nhân Triều Tiên do Trung Quốc chủ trì. Nhưng Bắc Kinh vẫn có thể giảm bớt hiệu quả của biện pháp này bằng việc thuyết phục hoặc gây sức ép các thành viên còn lại tiến hành đàm phán. Trong cuộc gặp với ông Kim Châng In đầu tháng Năm, lãnh đạo Trung Quốc đã khiến Bình Nhưỡng đưa ra cam kết trở lại bàn đàm phán sáu bên. Trong bối cảnh này, nếu Hàn Quốc vẫn không muốn trở lại bàn đàm phán, có nguy cơ chính họ sẽ bị gạt ra ngoài lề khi các thành viên khác can dự vào vấn đề Triều Tiên.
Cái giá ngày càng lớn của việc ủng hộ Bình Nhưỡng
Sự khác biệt về kinh tế và hệ tư tưởng giữa Trung Quốc và Triều Tiên đặc biệt lớn kể từ cuối những năm 1970, thời điểm Bắc Kinh bắt đầu cải cách và mở cửa. Khi Trung Quốc ngày càng hội nhập hơn với cộng đồng quốc tế và ủng hộ các chuẩn mực quốc tế, Triều Tiên tỏ ý lảng dần sức ép cải cách của Trung Quốc và các nước khác.
Cam kết quốc tế ngày càng lớn của Bắc Kinh xuất phát một phần từ một mong muốn làm đẹp hình ảnh quốc tế của mình. Đặc biệt trong thập kỷ vừa qua, Bắc Kinh đã tìm cách đảm bảo với thế giới về “sự phát triển hòa bình”, nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không gây xáo trộn trật tự hiện nay khi họ trở nên mạnh hơn. Bắc Kinh cũng có vẻ thích thú với tuyên bố của Mỹ muốn Trung Quốc trở thành một “cổ đông có trách nhiệm”, ngụ ý là sẽ đóng góp tích cực hơn nhằm duy trì trật tự toàn cầu mà họ đang được hưởng lợi từ đó. Bắc Kinh cũng đã tham gia các lực lượng hải quân trong nhiệm vụ đa quốc gia chống cướp biển ở vùng Vịnh Aden và đẩy mạnh quan hệ có một không hai của họ với Bình Nhưỡng như một tài sản của vòng đàm phán sáu bên. Nhưng sự cố Cheonan đã đặt ra mối đe dọa mà Bình Nhưỡng đối với câu chuyện mà Bắc Kinh muốn kể. Rõ ràng Trung Quốc đang phải trả một giá khá cao cho việc liên kết lâu dài với Bình Nhưỡng.
Sẽ không có thay đổi lớn trong tương lai gần
Những tuần gần đây, truyền thông của Trung Quốc đại lục nhan nhản đăng những lời chỉ trích thẳng thắn Triều Tiên, phê phán tham vọng hạt nhân của nước này là “kiêu ngạo” và “vô trách nhiệm”. Thời báo Hoàn cầu nói Bình Nhưỡng đang “chơi trò mạo hiểm với cường quốc phía Đông Bắc khi dựa trên sức mạnh tương đối yếu của mình”. Nhật báo Quang Minh cho rằng Bình Nhưỡng đã “chọn phát triển vũ khí hạt nhân và khuấy động rối loạn”. Trong khi đó, Trung Quốc ngày nay, phát ngôn chính thức của Trung Quốc bằng tiếng Anh, bác bỏ cáo buộc của các phương tiện truyền thông nước ngoài cho rằng Trung Quốc “ủng hộ Bình Nhưỡng” sau vụ Cheonan.
Trước đây, Mao Trạch Đông có phát biểu nổi tiếng rằng Trung Quốc và Triều Tiên “gắn bó như răng với môi”, song trên thực tế phát biểu lý tưởng về quan hệ họ hàng này từ lâu đã biến mất. Sau Chiến tranh Lạnh, hai nước đi theo những con đường chính trị và kinh tế hoàn toàn khác nhau.
Bắc Kinh coi Triều Tiên trước hết như một bước đệm chống các lực lượng của Mỹ ở Hàn Quốc, nên giúp đỡ Triều Tiên vì lý do chiến lược hơn là hệ tư tưởng. Truyền thông Trung Quốc mô tả việc ông Kim Châng In đến thăm ông Hồ Cẩm Đào hồi đầu tháng Năm như một phần của nỗ lực lâu dài nhằm thúc đẩy và duy trì sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Nếu chế độ Triều Tiên sụp đổ, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với rất nhiều hậu quả nghiêm trọng không mong muốn, trong đó có một dòng người tị nạn đổ sang Trung Quốc, hoặc một đội ngũ lãnh đạo kế nhiệm chống Trung Quốc. Bắc Kinh cũng lo ngại “việc thống nhất quá sớm” với miền Nam có thể cho phép các lực lượng của Mỹ đóng tại phía Bắc vĩ tuyến 38. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nhiều học giả và chuyên gia bình luận của Trung Quốc cho rằng Mỹ đang theo đuổi một chiến lược “bao vây” Trung Quốc.
Trong khi cộng đồng quốc tế đang tìm cách giải quyết vụ Cheonan, Bắc Kinh sẽ buộc phải cân bằng lợi ích chiến lược của mình trong việc duy trì ổn định ở Triều Tiên, với tham vọng tạo ra một hình ảnh quốc tế hợp tác và nhân từ. Nếu dư luận thế giới thống nhất trừng phạt Bình Nhưỡng, Trung Quốc sẽ im lặng và không cản trở tiến trình này. Cùng lúc đó, Bắc Kinh sẽ thấy một chế độ ở Bình Nhưỡng rất dễ bị tổn thương, đặc biệt khi sức khỏe của ông Kim Châng In đang ngày một yếu đi và khả năng chuyển giao quyền lực sẽ xảy ra trong những năm tới.
Bất chấp cái giá phải trả về kinh tế và chính trị ngày càng lớn khi ủng hộ Triều Tiên và sự khác biệt ngày càng rộng về hệ tư tưởng giữa hai chế độ ở Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, Trung Quốc vẫn có ít dấu hiệu sẽ ủng hộ lệnh trừng phạt hà khắc. Việc ủng hộ các trừng phạt an ninh – vốn gần như chắc chắn sẽ gây ra các cuộc xung đột mới với Triều Tiên – hay gây bất ổn chế độ này, sẽ là những thay đổi chiến lược mà Trung Quốc không mong muốn.
Vụ Cheonan có thể khiến một số nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc xem lại cái giá ngày càng lớn của cam kết lịch sử với Bình Nhưỡng. Coi Triều Tiên như một vùng đệm không thể thiếu đã khiến chế độ của ông Kim trở nên táo bạo hơn. Nhưng khi vượt ngoài tầm kiểm soát, Triều Tiên có thể làm hại đến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc, hoặc tệ hơn, gây ra một cuộc xung đột hủy hoại các lợi ích an ninh lớn hơn của Trung Quốc.
Mặt khác, chính sách đối ngoại của Trung Quốc, vốn luôn ủng hộ uy quyền của Liên hợp quốc, cũng sẽ cân đong đo đếm những nguy cơ khi việc ngăn cản các nỗ lực quốc tế trừng phạt Triều Tiên có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của LHQ trong vai trò là một diễn đàn hiệu quả và thích hợp để giải quyết các thách thức an ninh. Bắc Kinh có thể không muốn Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc giải quyết vấn đề này mà không cần đến LHQ.
Tuy nhiên, trong tương lai gần, sự ổn định của Triều Tiên sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Sau vụ đổi tiền ở Triều Tiên và khả năng chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra trong vài năm tới, Trung Quốc vẫn sẽ lo ngại bất cứ cú sốc nào có thể hủy hoại chế độ Bình Nhưỡng. Như trong quá khứ, Trung Quốc sẽ dùng sức nặng và vị trí của mình để giảm bớt các trừng phạt, tạo ra những khoảng trống để viện trợ nhân đạo và tập trung các nỗ lực quốc tế vào việc nối lại đối thoại với Triều Tiên. Thách thức lớn nhất của Bắc Kinh sẽ là thuyết phục những người hoài nghi rằng cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng vẫn là một giải pháp hữu ích.
Quốc Thái biên dịch
Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-06-07-co-phai-moi-con-duong-deu-thong-qua-bac-kinh-