Như vậy, chống tham nhũng không thể tạo hiệu quả từ đấu đá thượng tầng kiến trúc, mà cần phải bắt đầu từ hạ tầng xã hội – tức vận động các tầng lớp tham gia chống tham nhũng trên cơ sở luật pháp chặt chẽ.
Ông Đinh La Thăng bị bắt, chương trình luận tội của ông trên báo chí Việt Nam bắt đầu.
Nhiều chuyên gia nhận định sự kiện này là một chiến dịch chống tham nhũng với người đứng đầu là ông TBT Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, bản chất của nó vẫn là “nạn nhân chính trị”.
Không thể hiểu được nhiều hơn nhân sự trong bộ máy nhà máy đảng và nhà nước Việt Nam qua cụm từ “cơ cấu”. Và chính vì lý do này đã làm nảy sinh quá nhiều vấn đề liên quan đến lobby, mặc dù tại Việt Nam vẫn chưa công nhận chính thức về hình thức chính trị này.
Trở lại với câu chuyện cơ cấu, ông Đinh La Thăng là “nạn nhân chính trị” mới nhất gần đây, sau sự ngã ngựa của ông Bí thư Thành ủy trẻ tuổi – Nguyễn Xuân Anh. Sở dĩ phải sử dụng cụm “nạn nhân”, không hẳn vì ông Thăng hay Xuân Anh không tạo ra các sai phạm, mà ngược lại, các sai phạm này được kết cấu từ chính yếu tố bè phái trong nội bộ.
Chuyên gia Lê Hồng Hiệp, người nghiên cứu nhiều về chính trị Việt Nam nhận định, động lực của chiến dịch chống tham nhũng có thể tăng tốc hơn với việc truy tố ông Đinh La Thăng, và nó tạo hiệu ứng để dẫn đến các quan chức khác. Nhưng suy cho cùng, việc nhắm vào các mục tiêu cấp cao qua thuật ngữ “đả hổ diệt ruồi” có thành hiện thực đi chăng nữa cũng không giúp cho Việt Nam thoát khỏi tình trạng tham nhũng mang tính hệ thống hiện nay.
Vậy câu chuyện của lúc này là, Việt Nam đang cần làm gì, và sẽ làm như thế nào?
Trước mắt, truy tố đúng người, đúng tội và thu hồi tài sản từ hành vi sai phạm của ông Đinh La Thăng và đồng bọn tiếp tục cần đẩy mạnh. Trong đó, có cả giải mã phương trình X mà hệ quả để lại cho nền kinh tế – xã hội đến nay vẫn còn tồn tại (trong đó có cả BOT).
Về lâu dài, cần thiết phải tạo ra những thay đổi chính trị và hệ thống pháp luật mang tính thực hành trong chống tham nhũng hơn. Đúng hơn là tạo ra cơ chế có hiệu quả để ngăn chặn và xóa bỏ tham nhũng ở mọi cấp. Chính là bởi, tính tham nhũng ở Việt Nam không tập trung ở một vài cá nhân TW, mà nó là một hệ thống tham nhũng từ cao xuống thấp, từ trong ra ngoài, mà biểu hiện đậm nét là trong lĩnh vực hành chính – đất đai. Việc tống giam một UVBCT vì tham nhũng có thể khiến tham nhũng tạm ngưng, nhưng một cơ chế pháp luật hay một thể chế chính trị đảm bảo kiểm soát được tham nhũng qua nâng cao tính minh bạch về tài sản cá nhân, thu hồi triệt để tài sản, và hình phạt nghiêm minh cho bất kỳ một cá nhân nào có ý định tham nhũng là cần thiết.
Nhưng Việt Nam có vẻ đang đi theo chiều hướng tỉa ngọn hơn là đào rễ tham nhũng.
Mới đây nhất, cơ chế giám sát và ngăn chặn tham nhũng hiệu quả là thể chế xã hội dân sự và tam quyền phân lập đã được Bộ Chính trị Việt Nam ra lệnh “cấm” trong đội ngũ đảng viên ĐCSVN. Và một trong những diễn biến mới nhất liên quan đến lệnh cấm này là Tọa đàm “Tiếp cận thông tin: thúc đẩy minh bạch và phòng chống tham nhũng” vào sáng ngày 08 tháng 12 tại Hà Nội của nhóm tổ chức phi chính phủ (có tư cách pháp nhân) đã bị hủy vào phút chót. Những động thái đầu tiên này báo hiệu tình trạng thắt chặt khả năng chống tham nhũng từ tầng lớp bên ngoài, thay vào đó, phía Đảng đang muốn biến chống tham nhũng thành một “đấu tranh nội bộ”, mà thẳng ra là “đấu tố nội bộ”.
Như vậy, chống tham nhũng không thể tạo hiệu quả từ đấu đá thượng tầng kiến trúc, mà cần phải bắt đầu từ hạ tầng xã hội – tức vận động các tầng lớp tham gia chống tham nhũng trên cơ sở luật pháp chặt chẽ.
Cần nhắc lại, ngày 9 tháng 12 là ngày Quốc tế chống tham nhũng, và vào ngày 25 tháng 1 năm 2017, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2016, trong đó Việt Nam xếp 113/176 quốc gia về tham nhũng trong khu vực công.
K.L.
VNTB gửi BVN.