Tạp bút Từ Thức
Tổng thống Pháp Macron, với hai tổng thống tiền nhiệm Sarkozy, Hollande cùng với hàng trăm khuôn mặt văn hóa, sáng nay, thay mặt cả nước Pháp, tiễn đưa nhà văn hàng đầu Jean d’Ormesson vừa từ trần.
Emmanuel Macron đặt lên quan tài một chiếc bút chì theo ý nguyện của người quá cố, một nhà văn chín mươi hai tuổi còn viết bằng bút, lúc nào trong túi cũng có bốn cây bút để sẵn sàng viết. D’Ormesson nói: “Viết văn rất khó, nhưng khó hơn nữa là ngừng viết”.
Có những người lạc quan, yêu đời đến độ người ta ngạc nhiên thấy họ cũng từ trần, như Jean d’O, mặc dù ông đã chín mươi hai tuổi.
Huyền thoại sống
Jean d’Ormesson là nhà văn vua biết mặt, chúa biết tên (giao du với những tổng thống, thủ tướng…), nhưng cả nước coi như một người trong gia đình, nhờ gần năm mươi cuốn sách và sự tham dự của ông trên truyền thanh, truyền hình, từ những chương trình văn hoá có uy tín tới những chương trình bình dân nhất.
Một triệu người theo dõi chương trình đặc biệt về Jean d’Ormesson đêm qua, con số khán giả kỷ lục với một chương trình về văn chương, trong khi các đài khác có những chương trình hấp dẫn đám đông: football, ca nhạc, phim đủ loại và tưởng niệm một ca sĩ nổi danh nhất cũng vừa từ trần, Johnny Halliday.
Jean d’Ormesson là một huyền thoại sống (mythe vivant). Một ông già rất trẻ, một nhà quý tộc rất bình dân, một nhà văn kiến thức mênh mông nhưng ngôn ngữ đơn giản. Nhất là cặp mắt xanh ranh mãnh và một niềm lạc quan không có gì lay chuyển nổi. Jean d’Ormesson được coi là một “nhà văn của hạnh phúc” (écrivain du bonheur).
Văn của ông nổ vui như rượu sâm banh, là một liều thuốc bổ.
Đó là một trường hợp hy hữu, vì trong văn chương Pháp, theo một tác giả, từ Baudelaire, Flaubert, hạnh phúc là điều cấm kỵ. Voltaire là nhà văn hạnh phúc cuối cùng. Sau đó, văn chương đồng nghĩa với bi kịch, với bi quan, với mặt trái của xã hội. André Gide nói: “Với những tình cảm tốt, người ta làm những cuốn tiểu thuyết dở”.
Sự thực, văn Jean d’Ormesson nhẹ nhàng, không một chút làm dáng, kênh kiệu, nhưng diễn tả những suy nghĩ sâu xa của một tác giả uyên bác, thạc sĩ triết, tốt nghiệp đại học văn chương uy tín nhất: Normal Sup. Như Oscar nói: Cái sâu xa ở ngay trên bề mặt. Emmanuel Macron nhắc đến cái nhẹ nhàng, trang nhã của Jean d’O: “Nhẹ nhàng không có nghiã là hời hợt, chỉ trái nghĩa với nặng nề”.
Pléiade
Jean d’Ormesson là một nhà văn được quần chúng ưa chuộng, nhưng cũng được giới văn hoá nhìn nhận.
Tác phẩm của ông được in trong Pléiade, một ấn bản đặc biệt của nhà xuất bản Gallimard dành cho những nhà văn có uy tín trên thế giới. Thường thường là những nhà văn đã qua đời, vì không có gì chắc chắn hơn để đánh giá một nhà văn hơn là thời gian.
Cùng với André Gide, Milan Kundera, Aragon…, d’Ormesson thuộc những nhà văn hiếm hoi được in trong Pléiade khi còn sống. D’Ormesson không khỏi hãnh diện: “Đó là giải Nobel của tôi” và nói với Gallimard: “Từ nay, sách Pléiade (rất đắt, dành cho những người say mê văn chương) sẽ trở thành best sellers”.
Cái tựa dài thoòng của cuốn sách cuối cùng (2016) tóm tắt nhân sinh quan của tác giả: “Je dirai malgré tout que cette vie fut belle” (Tôi sẽ nói cuộc đời này dù sao cũng thật đẹp).
Jean d’O có lý do để thấy cuộc đáng sống.
Dòng dõi quý tộc (gia đình giao du với những người như Sigmund Freud, Charles Darwin, Stefan Zweig…), ông lớn lên trong những lâu đài, tác phẩm đều là best sellers, từ cuốn đầu tay tới cuốn cuối cùng, giám đốc nhật báo Le Figaro, kết hôn và hạnh phúc với con gái ông vua đường (Béghin Say), vua báo chí. Mỗi sáng, bạn bỏ một viên đường vào ly café, đọc một tờ báo, bạn làm giàu cho gia đình Béghin.
Tiểu thuyết của Jean d’O được yêu chuộng, vì mặc dù đặt bối cảnh trong giới quý tộc, nhưng vẽ lại cả một thời đại của xã hội Pháp. Jean d’O không phải là một nhà văn “nombriliste”, coi cái rốn của mình là trung tâm vũ trụ, như đa số các nhà văn Pháp hiện đại. Jean d’O thuộc truyền thống những nhà văn nhân bản như Balzac, Standhal.
Ngoài tiểu thuyết, tác phẩm của ông gồm đủ loại: tùy bút, biên khảo, về đủ mọi góc cạnh liên hệ tới đời sống.
Một cái gì bất ổn
Cuốn tiểu thuyết Au plaisir de Dieu, một thứ Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió), mô tả đời sống thăng trầm của chính gia đình ông, một gia đình quý tộc. Cuốn sách best seller trở thành phim, thu hút hàng triệu khán giả. Dấu hiệu của một tác phẩm lớn: mỗi người tìm thấy mình trong tác phẩm, mặc dù không sống trong cùng một bối cảnh, một giai cấp xã hội.
Văn phong của Jean d’O nhẹ nhàng, trang nhã, nhưng đề cập tới những vấn đề nhân sinh với con mắt triết gia.
Sinh ra với cái thìa bằng bạc trong miệng, vào đời với vé tàu hạng nhất, như ông nói, Jean d’O có những cái nứt rạn trong đời sống, cũng như trong tâm hồn.
Ông nói, qua nụ cười ranh mãnh: tôi viết cuốn sách đầu tiên để tán gái, và chín mươi hai tuổi, tôi vẫn chạy theo phụ nữ, không biết để làm gì. Nhưng thú thực, nghiêm trang hơn: “Nếu tôi hoàn toàn sung sướng, nếu tất cả đều toàn thiện, tôi đã không viết. Tôi viết bởi vì có cái gì đó bất ổn. Nhưng tôi không biết là cái gì” (Si j’étais tout à fait heureux, si tout était parfait, je n’écris pas. J’écris parce que quelque chose ne va pas. Mais quoi? Je n’en sais rien).
Cộng sản chiếm Sài gòn, một đại họa
Thuộc phe hữu, giám đốc nhật báo Le Figaro, ông đã cùng với Raymond Aron tích cực bênh vực miền Nam Việt Nam, trong khi hầu hết trí thức có khuynh hướng thiên tả.
Người ta nhớ những cuộc tranh luận nảy lửa giữa Jean d’O và các ký giả cộng sản về chiến tranh Việt Nam.
Ông viết: “Việc cộng sản chiếm Phnom Penh và Sài Gòn là một đại họa. Bởi vì người ta muốn nói gì thì nói, không ai có thể chối cãi có một luồng gíó tự do (un air de liberté) trước khi rơi vào tay cộng sản”.
Câu tuyên bố của ông khiến cả đám trí thức thiên tả xông vào, đả kích. Ca sĩ thiên cộng nổi tiếng Jean Ferra làm một bản nhạc, Un air de liberté, kết án d’Ormesson tay vấy máu vì đã bênh vực những người chống Cộng. “Ah, Monsieur d’Ormesson/ Vous osez déclarer/ Qu’un air de liberté/ Flottait sur Saigon/ Avant que cette ville s’appelle ville Hochiminh” (Ông d’Ormesson/ Ông dám tuyên bố/ Một luồng gíó tự do/ Bay trên Sài Gòn/ Trước khi thành phố mang tên Hồ Chí Minh).
Mặc dầu vậy, Jean d’O vẫn không oán trách Jean Ferra. Ông nói: “Tôi không có khả năng thù oán”. Bí quyết hạnh phúc của Jean d’O: “Il faut tout aimer” (Phải yêu mọi người, mọi thứ). Nếu bạn yêu người, yêu đời, yêu cái đẹp, không bận tâm đến những thù oán, tỵ hiềm; hạnh phúc không xa.
Là người trẻ nhất (48 tuổi) khi được nhận vào Hàn Lâm Viện (Académie Française), ông là người vận động và thành công trong việc đưa một nhà văn phụ nữ đầu tiên, Margueritte Yoursenar, vào Hàn Lâm Viện dành riêng cho đàn ông từ khi thành lập, thời Richelieu.
Được đời ưu đãi, Jean d’O có tinh thần nhân bản, tranh đấu cho công bằng xã hội.
Ông nói: “Có hai cái hầu như không thể đạt được, là sự thực (la vérité) và sự công bằng, công lý (la justice). Tôi ghét hai loại người: những người nghĩ mình nắm sự thực và công lý trong tay; và những người nghĩ không nên bận tâm bởi vì sự thực và công lý sẽ không bao giờ có trên đời. Không, biết là không làm được, nhưng vẫn phải tranh đấu đi tới”. Không xa tư tưởng của Scott Fitzgerald mà ông ngưỡng mộ: “Hãy ý thức rằng tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng, nhưng vẫn phải hành động để thay đổi”.
Những người sáng suốt nhưng lạc quan. Lạc quan nhưng sáng suốt.
Paris 08/12/2017
T. T.
Tác giả gửi BVN.