Phạm Chí Dũng
Tổng Thống Trump trong bài phát biểu tại APEC 2017 hôm 10 Tháng Mười Một. (Hình: Getty Images)
Khó có thể xem APEC Đà Nẵng 2017 là “thành công tốt đẹp” như căn bệnh cường điệu mãn tính vô giới hạn của giới lãnh đạo Việt Nam. Thậm chí ngược lại, đó là một thất bại có thể dự đoán được.
TPP suýt “chết” rồi chẳng biết khi nào mới được ký chính thức, Hiệp định Thương mại song phương Việt – Mỹ vẫn bặt tăm mà chẳng có một hứa hẹn gì, cũng hầu như vắng bóng các nguồn cung cấp tín dụng ưu đãi của quốc tế cho chính thể Việt Nam…
Trong khi đó, chuyến đi Đà Nẵng của Tổng thống Trump về thực chất là một chuyến “siết nợ.”
“Chúng tôi sẽ không để cho Hoa Kỳ bị lợi dụng nữa”
Hoàn toàn có cơ sở cho câu chuyện nợ nần trên, nếu chứng kiến mạch văn cùng nhiều từ ngữ vừa trực diện vừa quyết liệt trong bài diễn văn của Trump đọc vào ngày 10 tháng Mười một (theo bản dịch tiếng Việt của đài BBC Việt ngữ, cung cấp bởi Tòa Bạch Ốc).
Dưới đây là một số đoạn trích trong bài diễn văn của Trump mà báo chí nhà nước Việt Nam dĩ nhiên không hề đăng tải:
“Điểm cốt lõi của mối hợp tác này, chúng ta muốn thúc đẩy mối quan hệ thương mại xây dựng trên nguyên tắc công bằng và cùng có lợi. Khi Hoa Kỳ tham gia vào mối quan hệ thương mại với các quốc gia khác hay những người khác, chúng tôi sẽ, từ bây giờ, mong muốn các đối tác của chúng tôi sẽ tuân thủ các quy định giống như chúng tôi. Chúng ta mong muốn thị trường sẽ mở cửa trên mức độ bình đẳng cho cả đôi bên, và ngành nghề tư nhân, không phải những người hoạch định của chính phủ, sẽ đầu tư trực tiếp.
Điều không may là, trong thời gian rất dài và tại nhiều nơi, điều đối lập đã xảy ra. Trong nhiều năm, Hoa Kỳ đã mở cửa kinh tế có hệ thống với ít điều kiện. Chúng tôi giảm hay chấm dứt thuế quan, giảm rào cản thương mại, và cho phép hàng hóa ngoại quốc tự do vào quốc gia của chúng tôi.
Nhưng trong lúc chúng tôi giảm rào cản thị trường thì những quốc gia khác lại không mở cửa thị trường với chúng tôi….
Chúng ta không dung thứ cho những hành động lạm dụng thương mại lâu dài này nữa, và chúng ta sẽ không dung thứ cho họ…
Mới đây tôi đã có chuyến đi rất thú vị đến Trung Quốc, nơi tôi đã nói chuyện cởi mở và trực tiếp với Chủ tịch Tập về trao đổi thương mại không công bằng của Trung Quốc và thâm hụt thương mại to lớn họ tạo ra với Hoa Kỳ. Tôi bày tỏ mong muốn được hợp tác với Trung Quốc để đạt được mối quan hệ thương mại dựa trên nền tảng thực sự công bằng và bình đẳng.
Thiếu cân bằng thương mại hiện nay là điều không thể chấp nhận được. Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác, trong số này có nhiều quốc gia lợi dụng Hoa Kỳ về thương mại. Nếu đại diện của họ có thể trốn tránh điều này thì họ chỉ đơn giản làm công việc của họ. Tôi mong chính quyền tiền nhiệm tại quốc gia của tôi nhìn thấy những gì đang xảy ra và làm điều gì đó về vấn nạn này. Họ đã không làm, nhưng tôi sẽ làm.
Từ hôm nay trở đi, chúng tôi sẽ cạnh tranh trên nền tảng công bằng và bình đẳng. Chúng tôi sẽ không để cho Hoa Kỳ bị lợi dụng nữa…”
Âm $30 tỷ!
Một trong những “đối tượng” mà Trump đã hăm he chế tài từ lúc chưa trở thành tổng thống là Việt Nam.
Không bao lâu sau khi nhậm chức, Trump đã yêu cầu các cơ quan của chính phủ phải rà soát lại toàn bộ tình hình nhập siêu của Mỹ để sau đó đã đưa ra một quyết định hiếm thấy: vào tháng Ba, 2017, Trump đã liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia vừa “gian lận thương mại” vừa “gây hại kinh tế” cho Mỹ và đe dọa sẽ có thể mạnh tay trong chế tài.
Đến tháng Năm, 2017, đã có kết quả đầu tiên từ quan điểm “gây hại kinh tế” trên. Trong chuyến đi Washington của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bất chấp món quà $8 tỷ giá trị thương mại (nếu có thật) mà ông Phúc cho biết các doanh nghiệp Việt đã ký kết với giới doanh nghiệp Mỹ, phía Việt Nam không những không nhận được tín hiệu nào về hiệp định song phương thương mại Việt – Mỹ, mà còn bị Trump hỏi xoáy vào vấn đề thâm hụt thương mại. Trong phần phát biểu ngắn gọn tại cuộc gặp song phương tại Nhà Trắng ngày 31 Tháng Năm, 2017, Trump đã nhấn mạnh vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại “lớn” với Việt Nam, mà ông hy vọng sẽ “sớm được cân bằng”. Ngay trước đó, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cũng không bỏ quên vấn đề này trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc.
Những năm trước, lượng xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ vẫn thường đạt được từ $20 – $30 tỷ/năm. Vào năm cao điểm 2016, xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ lên đến hơn $30 tỷ. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục xuất siêu đến $24 tỷ vào Mỹ.
Hiển nhiên Việt Nam đang quá muốn có được đầu tư và buôn bán thương mại nhiều hơn với các nước phương Tây, đặc biệt là được xuất siêu càng nhiều càng tốt vào Mỹ và châu Âu để hầu cân bằng với giá trị khổng lồ phải nhập siêu hàng năm từ Trung Quốc – hơn $30 tỷ theo đường chính ngạch và $20 tỷ theo đường tiểu ngạch.
Nhưng ba tuần trước khi Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng, vào ngày 20 tháng Mười, 2017 đã có một cuộc gặp giữa Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ David Malpass, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (FMM). Trong cuộc gặp này, ông David Malpass đã dứt khoát lặp lại yêu cầu của phía Mỹ về việc Việt Nam phải có biện pháp giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước ngày càng lớn.
Rõ là thời Trump khác hẳn với thời Obama. Tín hiệu an ủi đối với giới chóp bu Hà Nội là Trump ít quan tâm đến những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam. Nhưng trên phương diện kinh tế, đã có những biểu hiện rất quyết liệt cho thấy Trump đang rất chú ý đến tình trạng thâm hụt thương mại với Việt Nam và sẽ có hành động mạnh để xử lý câu chuyện này.
Trump có “rút thẻ đỏ”?
Hậu APEC 2017. Với khẩu khí trong bài diễn văn của Trump tại Đà Nẵng, rất có thể vị Tổng thống này sẽ yêu cầu các cơ quan tài chính “siết nợ” các nước, trong đó có Việt Nam, ngay sau APEC.
Một hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân”, đồng thời ngưng trệ vô thời hạn Hiệp định Thương mại song phương Việt – Mỹ hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với 15 năm trước đó, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm, khiến chân đứng kinh tế của chế độ độc đảng càng thêm rệu rã.
Một trong những biện pháp chế tài mà Trump có thể làm đối với Việt Nam trong thời gian tới là “rút thẻ” đối với hàng hải sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ – tương tự hành động Liên minh Châu Âu (EU) phát thông cáo báo chí về việc “rút thẻ vàng” đối với hàng xuất khẩu hải sản Việt Nam – một biện pháp chế tài kinh tế – vào tháng Mười, 2017.
Theo thông cáo của EU, hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt hải sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”. “Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các mặt hàng hải sản của quốc gia đó.
Sau “thẻ vàng” nước bị cảnh cáo sẽ có thời gian 6 tháng để sửa chữa sai lầm và tìm ra giải pháp khắc phục. Việt Nam cũng có 6 tháng ấy. Tuy nhiên, với một cơ chế quản lý cùng hiệu lực quản lý lỏng lẻo ở Việt Nam như hiện nay, khó ai có thể tin rằng chính phủ nước này sẽ giám sát được toàn bộ ngư dân “đánh bắt xa bờ”. Tình trạng này càng được bồi đắp thêm bằng nạn ô nhiễm biển gần bờ ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực biển miền Trung mà tội phạm chủ yếu là nhà máy Formosa, nhưng Formosa lại được Chính phủ Việt Nam bao che tối đa.
Hiện thời, giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào Mỹ khoảng $1.4 tỷ/năm. Với cá tính mạnh mẽ và bất thường của Trump, không loại trừ khả năng vị Tổng thống này sẽ bỏ qua thao tác “thẻ vàng”, mà có thể rút thẳng “thẻ đỏ” đối với hàng hải sản Việt Nam – lặp lại việc thẳng tay ban lệnh cấm người nhập cư vào Mỹ.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN. Bài đã đăng trên Người Việt.