Anh Mai
“Hai nút thắt chính cần cởi bỏ là bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức. Bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp. Cả hai đang cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp” – với phát biểu này, ông Nguyễn Mại phải bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 79 – Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bauxite Việt Nam
Cần có cách tiếp cận khoa học
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), 30 năm là thời gian đủ dài để khẳng định rằng chủ trương của Đảng và Nhà nước mở cửa để hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có thu hút vốn đầu tư quốc tế đồng thời với chủ trương đổi mới theo kinh tế thị trường là “đúng đắn và kịp thời” để đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế – xã hội sớm hơn dự kiến, tạo tiền đề chấn hưng đất nước theo các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Thành tựu của FDI đã được thể hiện trong việc thay đổi cơ bản bộ mặt đất nước, cải thiện đời sống các tầng lớp dân cư, được khẳng định trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học, tuy vậy, theo GS Nguyễn Mại, một số người có cách tiếp cận từ chuyển giá, trốn thuế, lậu thuế, gây ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động đã đưa ra các nhận định tiêu cực như: 85% công nghệ của doanh nghiệp FDI là công nghệ trung bình; Phần lớn doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường; Doanh nghiệp FDI chèn lấn doanh nghiệp trong nước; Doanh nghiệp FDI đóng góp quá ít vào thu ngân sách, GDP. Theo ông, mỗi vấn đề kinh tế – xã hội có những ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều là hiện tượng bình thường. “Tuy vậy, chân lí chỉ có một, mà để đạt đến chân lí thì cần dựa vào thực tiễn trên cơ sở tổng kết, đánh giá bằng phương pháp khoa học, với quan điểm khách quan, không định kiến thì mới có thể đưa ra nhận xét phù hợp tình hình thực tế được. Để nhận thức đúng những vấn đề phát sinh gắn với FDI cần có cách tiếp cận khoa học” – ông khẳng định.
GS Nguyễn Mại đưa ví dụ: lấy đâu ra con số 85% công nghệ là trung bình trong khi công nghệ gắn với từng ngành, như khai thác dầu khí là ngành thu được nhiều thành quả trong thu hút FDI, hàng chục tập đoàn hàng đầu thế giới như BP, BHP, Total, Shell đã tiến hành thăm dò tại thềm lục địa Việt Nam với công nghệ hiện đại. Viễn thông là ngành kinh tế phát triển nhanh nhất và đã đạt đến trình độ các nước tiền tiến trong khu vực bắt đầu từ hợp tác giữa VNPT với Telstra của Australia, nhờ đó mà có công nghệ hiện đại cả khi Mỹ còn cấm vận đối với Việt Nam. Trong ngành dệt may thì khâu may là công nghệ trung bình còn khâu thiết kế và cắt là công nghệ hiện đại. Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì năng suất lao động của nước ta thuộc loại cao nhất trong các nước có kim ngạch xuất khẩu lớn trên thế giới. “Đã gọi là nhà kinh tế thì cần có dẫn chứng từ các số liệu thống kê, các tư liệu đáng tin cậy, không thể đưa ra kết luận cảm tính được” – Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh.
GS Nguyễn Mại cũng chia sẻ thêm: nổi lên gần đây là luận điểm cho rằng doanh nghiệp FDI chèn lấn doanh nghiệp trong nước nhưng chưa thấy ai chứng minh trường hợp cụ thể trên thị trường. “Có phải vì chèn ép doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp FDI chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu không? Hãy nhìn con số thống kê 8 tháng đầu năm 2017, trong khi doanh nghiệp trong nước nhập siêu trên 16 tỉ USD thì doanh nghiệp FDI xuất siêu 14 tỉ USD, do đó cả nước chỉ nhập siêu hơn 2 tỉ USD. Thử hỏi nếu không có doanh nghiệp FDI thi lấy đâu ra 16 tỉ USD để doanh nghiệp trong nước nhập siêu từ nguyên vật liệu đến máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng?” – GS Nguyễn Mại đặt vấn đề.
Những vấn đề tiêu cực khác như ô nhiễm môi trường, trốn thuế, lậu thuế, tranh chấp lao động, theo GS Nguyễn Mại, cũng cần được nghiên cứu gắn với mặt trái của kinh tế thị trường chứ không phải chỉ là của khu vực FDI, trong đó có hiệu năng quản lí nhà nước. Bởi vì chừng nào sự yếu kém của bộ máy nhà nước trong việc hình thành thể chế, hướng dẫn và kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lí thì chừng đó các doanh nghiệp, kể cả trong nước và FDI, còn lợi dụng để vi phạm luật pháp.
Thu hút FDI cùng cuộc cách mạng 4.0
Theo số liệu thông kê, đến giữa năm 2017, nước ta có trên 640.000 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, trong đó có hàng trăm tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Sungroup, Vinamilk, Trumilk, Hoàng Anh Gia Lai, Tân Tạo không những đang thực hiện nhiều dự án quan trọng ở trong nước mà đã đầu tư ra một số nước. GS Nguyễn Mại cho rằng vấn đề đặt ra là lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án phát triển cần ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước nếu đạt được tiêu chí tương tự với doanh nghiệp FDI.
Ngày 4-5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trên cơ sở đó các bộ đang nghiên cứu điều chỉnh chiến lược phát triển ngành và lĩnh vực ưu tiên để tạo dựng cơ hội mới, đẩy nhanh công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại. Về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, GS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới nhận định công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp. Ông cũng cảnh báo các công nghệ mới sẽ dẫn đến những thay đổi về quyền lực, gây ra những lo ngại về an ninh cũng như về khoảng cách giàu nghèo, nếu không được kiểm soát tốt. Trên cơ sở đó, Chủ tịch VAFIE đưa ra nhiều khuyến nghị về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới. Cụ thể, theo ông, trong khi vẫn coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương còn kém phát triển thì cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Trong khi vẫn coi trọng thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế (TNCs) hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
GS Nguyễn Mại cũng cho rằng cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội ở từng vùng kinh tế, địa phương. Đối với các thành phố đã phát triển như Hà Nội, HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, cần tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tạo giá trị gia tăng lớn, kiên quyết không lựa chọn dự án FDI thâm dụng nhiều lao động, gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính. Đối với các địa phương, vùng kinh tế còn kém phát triển thì có thể lựa chọn dự án thâm dụng lao động như dệt nhuộm, may, da giày nhưng phải bảo đảm đầu tư bảo vệ môi trường.
GS Nguyễn Mại nhận định mặc dù Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương và chỉ đạo ráo riết để tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng hơn, được nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, dư luân trong nước và quốc tế đánh giá cao song vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi phải thay đổi nhanh hơn và có hiệu quả hơn. Ông cho rằng hai nút thắt chính cần cởi bỏ là bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức. Bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp. Cả hai đang cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp.”Đó là hai lực cản cần được giải quyết để định hướng và chính sách mới về FDI được thực hiện có kết quả” – GS Nguyễn Mại khuyến nghị.
A.M
Nguồn: http://www.nhadautu.vn/nhan-dinh-tieu-cuc-ve-fdi-khong-the-dua-ra-ket-luan-cam-tinh-duoc-d3716.html