Calitoday
Việt Nam – Calitoday News – Hôm nay 6/11, Việt Nam khai mạc “Tuần lễ cấp cao APEC”.
Khoảng thời gian 11 năm giữa hai lần Việt Nam đăng cai tổ chức APEC (Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) có gì “tự diễn biến”?
Năm 2006, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức APEC trong tư thế được báo đảng mô tả là “ngẩng cao đầu”.
Cũng vào năm 2006, Tổng thống George Bush của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam và đã tặng cho Việt Nam hai món quà lớn: Mỹ nhấc chính thể Việt Nam ra khỏi CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), đồng nghĩa với việc Việt Nam được dỡ bỏ khỏi quy chế cấm vận kinh tế; món quà thứ hai là hệ quả của món quà thứ nhất: đến năm 2007, Việt Nam được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công nhận là thành viên thứ 150 của tổ chức này, đồng nghĩa với việc mở ra thời kỳ có thể nói là “đỉnh” của nền kinh tế Việt Nam.
Trong vài ba năm sau đó, kinh tế Việt Nam lên đến cao trào, đặc biệt là vào năm 2007 cả hai thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán của Việt Nam đã tăng giá gấp ba lần.
APEC 2006 có thể đã giúp cho Việt Nam “nâng cao vị thế trên trường quốc tế” một cách khá thực chất.
Nhưng vào năm nay – 2017, thế sự đã đổi khác quá nhiều. Trong vòng ba năm qua, chưa có năm nào mà chính thể Việt Nam bị đe dọa cho “tái hòa nhập” CPC như năm nay. Vô số “thành tích tự do tôn giáo” do chính quyền và công an tạo ra bằng việc bắt bớ và sách nhiễu, hành hung các chức sắc tôn giáo ly khai như Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Tin Lành vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, Công giáo miền Trung từ sau khi Việt Nam được vào WTO đến nay đã quá đủ để các Báo cáo viên về tự do tôn giáo của Liên hiệp quốc ghi sổ bìa đen, còn giới nghị sĩ Mỹ và Tây Âu ngày càng phẫn nộ và sốt ruột trong việc vận động để đưa Việt Nam vào lại Danh sách CPC.
Còn trong thời gian “chờ đợi CPC”, chính thể Việt Nam vẫn có chuyện phải đối phó. Đó là cuộc khủng hoảng ngoại giao đột biến xảy đến với nước Đức, khởi nguồn từ vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” ở Berlin – một hành vi vô pháp hiếm có mà đã khiến Chính phủ Đức phải quyết định tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, cùng lúc dập tắt chút hy vọng còn sót lại của Việt Nam về khả năng Nghị viện châu Âu sẽ thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) trong ngắn hạn.
Nếu ở lần đăng cai APEC đầu tiên vào năm 2006, Việt Nam đã được tiếp máu bằng nhiều nguồn viện trợ lớn từ các tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển Á châu, và Việt Nam hầu như chưa có khái niệm nợ công và nợ xấu, thì vào năm 2017, bức tranh đó đã quay mặt vào trong và để lộ ra cái mặt trái của nó: từ đầu năm 2017 đến nay, viện trợ quốc tế hầu như bằng 0 đối với Việt nam, ngay cả từ một nước được Việt Nam mơn trớn là “cùng nền văn hóa Á Đông” như Nhật Bản. Trong khi đó, ngân sách Việt Nam lại không còn bất kỳ khoản kết dư nào để trả nợ quốc tế, mà từ mấy năm qua đã phải vay để đảo nợ cả gốc lẫn lãi. Cũng trong khi đó, nợ công và nợ xấu đã trở thành hai khái niệm hết sức phổ biến ở Việt Nam, lần lượt là 210% GDP và ít nhất 45 tỷ USD, ở một chế độ mà từ “tham nhũng” đã trở thành đặc trưng được cả thế giới biết đến.
Photo Credit: AP
Chính vì thế, Hội nghị APEC và đặc biệt chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Mỹ Donald Trump được Việt Nam quá đỗi hy vọng sẽ có thể giúp làm nhòa nhạt ấn tượng quá xấu của cộng đồng quốc tế về Việt Nam sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”.
Nếu Đức được xem là đầu tàu của châu Âu, nước Mỹ vẫn đương nhiên được xem là đầu tàu về kinh tế của thế giới. Nếu APEC tại Đà Nẵng được tổ chức trót lọt và nếu Mỹ có nhã ý “bắn ý” cho Tây Âu và các nước về một số ưu ái nào đó về kinh tế cho Việt Nam, chút hy vọng cho EVFTA mới có thể được hồi sinh.
Tuy nhiên cho tới nay, trong lúc phía Đức chưa có dấu hiệu nào dịu bớt cơn giận dữ khi có đầy đủ lý do để cho rằng chính thể Việt Nam đã chưa làm một việc gì để cải thiện cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt, thì người Mỹ cũng chưa làm gì, hoặc chẳng muốn làm gì, để giúp Việt Nam phục hồi “thể diện quốc tế”.
Hai kỳ đăng cai APEC của Việt Nam hiển nhiên đã khác hẳn nhau về “thế và lực”. Không còn khoảng trống nào cho hệ thống tuyên giáo Việt Nam để khoe khoang về thành tích về ngoại giao, chính trị và kinh tế.
Dù thấp thoáng đâu đó vẫn còn những quan chức Việt quan niệm “Mỹ là thế lực thù địch”, nhưng Việt Nam đang phải “lao vào chỗ chết để tìm đường sống”.
Thái độ của Việt Nam khi ve vuốt Trump là nhiều hơn hẳn và lộ liễu hơn hẳn so với chuyện công an đã thẳng tay chốt cửa đến 6/15 khách mời của Tổng thống Obama khi ông đến Hà Nội vào tháng Năm năm 2016, dù trong chuyến đi đó Obma đã tặng cho Việt Nam một món quà quý hiếm là dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương.
T.L.
Nguồn: http://www.vietnamthoibao.org/2017/11/vntb-giua-hai-ky-ang-cai-apec-vi-viet.html