TỔNG KIẾM TOÁN VÀ BỘ TÀI CHÍNH THÍCH “ÚM BA LA”!

Tô Văn Trường

Ngày trước, chúng ta đã soạn cho trẻ em cuốn “Mười vạn câu hỏi tại sao” để giúp các cháu hiểu các hiện tượng thiên nhiên và khoa học giản đơn. Liệu ngày nay có cần soạn “Một trăm câu hỏi tại sao” để trả lời cho thế hệ con cháu chúng ta về những gì thế hệ này đang làm không nhỉ?

Mặc dù cách lựa chọn và bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải bàn, nhưng động lực quan trọng nhất của các vị đại biểu Quốc hội là phải luôn đặt lợi ích của hàng vạn cử tri mà mình đại diện cũng như hàng chục triệu người dân phải nộp thuế cho Nhà nước lên trên tất cả.

Nguyên tắc chi tiêu của Nhà nước

Lo ngại về tình hình nợ xấu và nợ công, trong phiên thảo luận ở Tổ sáng ngày 24.10 vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An nói: “Nền tài chính chúng tôi thấy không được bền vững, sau này bán hết vốn nhà nước thì nhiệm kỳ sau lấy gì mà chi tiêu, kể cả chi thường xuyên, tiêu dùng cũng là khó. Về điều hành đầu tư công, ngay khoản trái phiếu Chính phủ, chúng ta phát hành 148 nghìn tỷ đồng nhưng giải ngân có 7%, nếu phát hành được hết chỗ này sẽ tháo nút thắt của nền kinh tế, và tăng trưởng GDP phải khác, công ăn việc làm tạo ra và các vấn đề chung của nền kinh tế phải khác”…

Thật đáng buồn, Tổng Kiểm toán Nhà nước là chức “quan” rất quan trọng của Chính phủ mà lại không hiểu nguyên lý quản trị quốc gia? Chi tiêu của nhà nước chủ yếu, ở nước nào cũng thế, là phải dựa chính vào thu thuế, phí và thu bán tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo là phụ. Chuyển từ tài nguyên không thể tái tạo sang tài nguyên tài chính thì phải bảo đảm đầu tư tài nguyên tài chính để nó ngày càng tăng lên chứ không giảm. Bán nhà (hay bán hết tài nguyên) đi mà ăn không phải là nền tài chính của bất cứ nước nào. Các nước có dầu hỏa như Nauy bán đi, họ cho vào quỹ quốc gia, rồi đầu tư quỹ này để hàng năm có lợi nhuận đưa vào chi ngân sách.

clip_image001

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: “Bán hết vốn Nhà nước, nhiệm kỳ sau lấy gì mà tiêu?” (Ảnh trên mạng)

Nhà nước đã phát hành trái phiếu 148 ngàn tỷ (khoảng 7 tỷ US) mà lại không giải ngân được? Bán nợ có người mua thì tại sao lại không lấy tiền ra được, trừ phi không có người mua? Ngân sách chi hàng năm đến gần 60 tỷ US thì 7 tỷ trái phiếu đâu phải là ghê gớm gì, mà lại gọi là sẽ “thoát nút thắt của nền kinh tế”?!

Cử tri nhận thấy, Quốc hội VN phải quyết liệt phát huy vai trò trách nhiệm và vị thế của mình trong việc kiểm tra và giám sát thu chi ngân sách hàng năm (nhất là khi quyết toán).

Con số công bố của Bộ Tài chính có đáng tin cậy?

Viết về tài chính kế toán sao cho dễ hiểu, thuyết phục phải theo phương pháp quy nạp trước khi đưa ra kết luận. Bộ Tài chính ước tính là thiếu hụt ngân sách chỉ còn 1,8% trong 9 tháng đầu năm 2017, theo bài báo trên Kinh tế Sàigòn. Có thật thế không?

clip_image002

Bộ Tài chính thích úm ba la, luôn nói là nợ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là 1,5 triệu tỷ đồng. Theo chuyên gia Vũ Quang Việt dựa vào điều tra tất cả doanh nghiệp nhà nước vào năm 2014 thì con số nợ lên đến 4,9 triệu tỷ đồng rồi. Lúc đó, họ cũng đã nói nợ DNNN là 1, 5 triệu tỷ đồng và bây giờ cũng chỉ nhắc lại con số này.

Theo chúng tôi hiểu thì Bộ Tài chính chỉ cho con số nợ của DNNN có vốn 100%, có nghĩa là nếu có 90% cũng không kể (thí dụ nhiều ngân hàng có vốn nước ngoài khoảng 10-20%). Nhiều công ty quốc doanh mới cũng thế, họ chỉ bán cho tư nhân một tỷ lệ khiêm tốn.

Mời xem cụ thể nguồn số liệu từ Tổng cục Thống kê bảng 10 trang 167 trở đi ở đây:

http://gso.gov.vn/ default.aspx?tabid=512&idmid= 5&ItemID=16018

Nợ (liability) của DNNN) như sau:

2010:  3 triệu tỷ đồng

2011:  3,7 triệu tỷ đồng.

2012: 4,0 triệu tỷ đồng.

2013: 4,5 triệu tỷ đồng.

2014: 4,9 triệu tỷ đồng

Ngoài ra, tham khảo bài báo của chuyên gia Vũ Quang Việt: http://www.thesaigontimes.vn/156693/No-tra-no-va-khung- hoang.html.

Nợ của DNNN ở đây cho thấy toàn cảnh khoảng 3.200 doanh nghiệp với số nợ theo điều tra của Tổng cục thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của DNNN là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.

Thông tin về chi ngân sách chỉ còn thiếu hụt 1,4 %? Nhiều người nghi ngờ con số này không xác thực.

Bài báo trên KTSG giải thích thiếu hụt ngân sách giảm như sau:

“Mức thâm hụt ngân sách thấp hơn nhiều so với dự toán có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Chủ quan là theo quy định của Luật NSNN 2015 (chính thức có hiệu lực từ năm tài chính 2017), nợ gốc mà Chính phủ đi vay sẽ không tính vào cân đối ngân sách mà chỉ tính phần lãi vay phải trả cho các chủ nợ”.

Nhưng thay cách ghi này chỉ là một chi tiết nhỏ trong nguyên tắc dồn tích mà Việt Nam muốn áp dụng trong ghi ngân sách theo nguyên tắc quốc tế. Không biết những phần quan trọng khác trong nguyên tắc dồn tích, Bộ Tài chính đã áp dụng chưa? Thí dụ, nếu nhà nước chi tiêu (cho đầu tư hay sử dụng thường xuyên) nhưng chưa trả tiền thì vẫn phải ghi là chi và khoản chưa trả phải ghi là nợ, không thể ghi vào khoản chuyển sang năm sau giải quyết. Với cách ghi theo đúng qui tắc quốc tế, tổng chi thực của nhà nước cao hơn tổng chi dựa vào số tiền trả ra và thiếu hụt ngân sách sẽ cao hơn số thiếu hụt đã công bố.

Chưa biết Bộ Tài chính thực hiện cách ghi mới theo kiểu nào và ảnh hưởng tổng thể đến đâu. Nhưng giả sử Bộ Tài chính ghi chi trả nợ gốc như đã từng làm vào chi thì thiếu hụt ngân sách đâu có giảm như Bộ Tài chính vừa mới công bố.

Như thế, con số chỉ còn thiếu hụt 1,4% so với trước đây là 5,7% là vô nghĩa. Muốn xem thật sự chi có giảm không thì phải tính theo cùng nguyên tắc. Nếu tiếp tục tuyên truyền kiểu “úm ba la” này thì khó mà theo dõi tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam.

Để làm thử nghiệm phải tính xem năm 2017 nhà nước chi trả nợ gốc và chi trả lãi bao nhiêu? Dựa vào số liệu từ Bản tin nợ công năm 2015, tiền trả nợ gốc gấp 2,38 lần tiền trả lãi nợ, và năm 2014 tỷ lệ này là 2,57 lần. Như thế, trong năm 2017, dự chi ngân sách cho trả lãi nợ là 98,9 ngàn tỷ thì chi trả nợ gốc có thể ước là 235,8 ngàn tỷ. Khó lòng ở mức chi trả nợ gốc là 163,8 ngàn tỷ như dự báo của Bộ Tài chính.

Như thế, làm theo cách cũ, bội chi sẽ cao hơn con số của Bộ Tài chính 178 ngàn tỷ là từ 2 đến 2, 4 lần, tức là từ 332 đến 432 ngàn tỷ và tỷ lệ chi thiếu hụt chi ngân sách trên GDP sẽ cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ 1,4% mà Bộ Tài chính đưa ra. Nếu GDP tăng 6, 6% năm và lạm phát tăng 4% thì GDP năm 2017 theo giá hiện hành sẽ là 4402 ngàn tỷ. Và tỷ lệ thiếu hụt ngân sách sẽ từ 6,6 đến 8,6 GDP.

Cách tính mới của Bộ Tài chính, chỉ nói liên quan đến trả nợ gốc là theo đúng chuẩn tính “net lending (+)/Net borrowing” của IMF và Liên Hợp Quốc, nhưng cái đó không phải là thiếu hụt ngân sách theo cách nhìn truyền thống, tiền ra tiền vào, mà VN dùng cho đến nay. Trả nợ gốc là nhằm giảm nợ chuẩn của IMF và Liên Hợp Quốc đòi hỏi thực hiện các nguyên tắc phức tạp hơn chỉ là cách ghi trả nợ gốc trên.

Dù sao, nếu cộng thêm phần chi trả nợ gốc vào chi ngân sách theo cách làm cũ của Bộ Tài chính thì tỷ lệ chi thiếu hụt chi ngân sách sẽ là 6,9% GDP.

Điều cần thay đổi là thay đổi toàn diện, và phải biên soạn lại số liệu những năm trước theo nguyên tắc mới thì mới có thể so sánh với nhau được.

Nguyên tắc quan trọng nhất là phải ghi theo nguyên tắc dồn tích, phải thu/phải chi chứ không ghi theo tiền mặt như hiện nay. Khi nhà nước đã chi mà chưa có tiền trả vì bị kho bạc làm kinh doanh lấy tiền bỏ vào ngân hàng thương mại để có tiền lãi, cũng đã phải ghi là chi rồi.

Lời kết

Tuy rằng hoạt động chung của Quốc hội chuyển biến còn chậm về thực chất so với Hiến pháp là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, nhưng cử tri hoan nghênh việc có nhiều hơn những đại biểu Quốc hội có tiếng nói sát hợp hơn về những vấn đề lớn của đất nước trên diễn đàn.

Nếu chọn giải pháp “đi từng bước” trong đổi mới chính trị, thì đấu tranh để Quốc hội thực thi đúng vai trò hiến định của mình là động lực quan trọng nhất. Vì Quốc hội là diễn đàn duy nhất, hé ra được tiếng nói của dân (một biểu hiện cụ thể là trong các buổi truyền hình công khai), đại biểu Quốc hội phải thực sự có tâm và tầm thì những người cầm quyền mới thấy áp lực của dư luận, mới thấy sợ dân (dù thật hay vờ) vì sự phát triển vững bền của đất nước.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.