Sau vụ phóng viên trang điện tử Giáo dục Việt Nam bị tẩn cho cái tội kiếm ăn bẩn tại Yên Bái, ông chủ tờ báo này đã đổi giọng khác hẳn.
Ông cho đăng bài báo rủa sả vào bà Phạm Khánh Phong Lan để chuộc tội hay là chiêu kiếm ăn mới?
Tôi khẳng định bà Phạm Khánh Phong Lan phát ngôn hoàn toàn có cơ sở, có tư cách của một người dám nói sự that.
Sao lại bảo không giống ai? Phải nói là không giống những kẻ nịnh hót mới đúng chứ!
Bộ Y tế vô can trong vụ kỷ luật và xử phạt “em” BS. Truyện ư? Gọi là chỉ để “giáo dục” mà tại sao cái công văn ký thừa lệnh Bộ trưởng kia lại huy động một lúc 3 cơ quan chức năng: Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông Thừa Thiên Huế vào cuộc? Ba cơ quan này sinh ra để làm chức năng giáo dục à?
Thuốc chữa ung thư của Pharma là thuốc thật thì đừng tiêu hủy. Đề nghị giữ lại chờ ông chủ báo Giáo dục Việt Nam và tác giả bài báo này (hoặc người nhà của mấy ông bà này) bị ung thư bắt uống cho hết để sống lâu mà… chửi vào sự that!
Đến đây thì khẳng định chắc như đinh luôn, vụ phóng viên Giáo dục Việt Nam tống tiền ở Yên Bái khó có thể là do CA Yên Bái bịa đặt, vu khống!
Tôi đề nghị Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đóng cửa luôn trang báo này để chấm dứt việc gây ô nhiễm thông tin!
Lên tiếng phê phán báo Giáo dục thì rất cần, và đó là một đối thoại dân chủ mà chúng ta phải cùng nhau kiên trì thực hiện bằng được dù có ai cấm đoán, làm cho ngôn luận xứ sở chúng ta dần dần được cởi trói, thế lực này thế lực kia không thể lợi dụng báo chí lừa bịp và độc quyền dư luận được nữa. Nhưng sao cuối cùng lại đưa ra đề nghị cơ quan chức năng cấm luôn tờ báo dù nó có tệ hại đến mấy, Chu Mộng Long? Đó chẳng phải mình lại dẫm đúng lên vết chân của độc tài – mà chính kẻ độc tài đang rất muốn mình cúc cung theo chân họ – hay sao?
Nguyễn Huệ Chi
Báo Giáo dục “ra đòn” với một nữ đại biểu Quốc hội
Bà Phạm Khánh Phong Lan và những phát ngôn chẳng giống ai
Kiến Văn/Báo Giáo dục Việt Nam
(GDVN) – Người xưa đã dạy “Sảy chân gượng lại còn vừa, sảy miệng còn biết đá đưa đường nào”. 4 năm trước dù đã bị chỉnh phát ngôn nhưng đến giờ bà Lan không thay đổi.
Xin được bắt đầu bằng phát ngôn mới nhất của bà Phạm Khánh Phong Lan vào ngày 24/10 được một số phương tiện truyền thông đăng tải.
Ấy là khi đề cập tới vấn đề bác sĩ Hoàng Công Truyện (tại Thừa Thiên – Huế) bị kỷ luật vì “phê bình” Bộ trưởng Bộ Y tế trên mạng xã hội, bà Lan tỏ thái độ bức xúc và đánh giá Bộ Y tế không cầu thị tiếp thu phản ánh mà hễ bị phê bình là “nhảy đong đong lên”.
Tờ Lao động dẫn lời bà Lan như sau: “Thời gian qua có biết bao nhiêu cuộc tấn công các bác sĩ, hiếp dâm điều dưỡng, còng tay bắt bác sĩ vụ chạy thận ở Hòa Bình… rất nhiều vấn đề xảy ra trong ngành nhưng khi cần thì không thấy đâu hoặc phản ứng hết sức chậm chạp.
Trong khi đó, chỉ cần một lời góp ý cá nhân của bác sĩ từ ngày 14/7 thì ngay một ngày sau, ngành phản ứng hết sức nhanh nhạy.
Tôi cũng không hiểu làm thế nào mà Bộ Y tế có cơ chế phát hiện những chuyện thế này nhanh như vậy.
Chúng tôi thấy đây là việc đáng buồn, làm cho tư tưởng người bác sĩ, cán bộ y tế rất hoang mang.
Cái nhanh nhạy của mình trong xử lý nhưng lại không phù hợp.
Nếu nhận định của bác sĩ Truyện có yếu tố xúc phạm Bộ trưởng với tư cách cá nhân có thể kiện ra tòa và tòa án sẽ phán xử đúng sai.
Đó là lối ứng xử trong một xã hội dân chủ và văn minh.
Bộ Y tế đến giờ vẫn chưa một lời xin lỗi mà khăng khăng cho rằng mình đúng và Bộ không chỉ đạo kỷ luật bác sĩ Truyện.
Thế nhưng nếu không có sức ép của Bộ Y tế với công văn ban hành đó thì các sở ngành kia có nhanh nhảu làm như vậy hay không?
Ai bảo vệ cho bác sĩ khi lãnh đạo của mình đáng lẽ phải đau đớn với nỗi đau của bệnh nhân hoặc người trong ngành của mình đang bị đối xử như thế nào, chứ sá gì cái chuyện người ta đánh giá mình chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Việc mình làm tới đâu xã hội đánh giá chứ đâu thể ngồi nghe khen thì sướng mà nghe chê thì nhảy đong đong…”.
Thật khó hiểu với phát biểu này của bà Lan vì ai cũng có thể nhận ra nội dung rõ ý quy kết cho Bộ Y tế mà gián tiếp là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có lỗi trong việc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế xử phạt bác sĩ Truyện.
Trên thực tế thì Bộ Y tế không yêu cầu xử phạt bác sĩ Truyện, nhưng bà Lan vẫn cố gắng trút sự bực tức vào Bộ Y tế.
Thậm chí bà Lan tự suy diễn, tự tưởng tượng ra rằng các bác sĩ, cán bộ y tế hoang mang vì phản ứng của Bộ Y tế.
Bà Phạm Khánh Phong Lan liên tục có những phát biểu nhằm vào Bộ Y tế trong những năm qua. Ảnh trên An ninh Thủ đô.
Những người tinh ý có lẽ sẽ nhận thấy những phát ngôn của bà Phạm Khánh Phong Lan nhằm vào Bộ Y tế không còn xa lạ gì, thậm chí nó còn có thể được ví von là “đặc sản” của bà trong mấy năm qua.
Điều này cũng đặt ra câu hỏi có vấn đề gì phía sau thành kiến này của bà Lan không?
Gần đây khi xảy ra vụ án VN Pharma, bà Lan đã vài lần khiến dư luận nháo nhào, dù chẳng đưa ra được chứng cứ gì cụ thể.
Đầu tiên phải kể đến: “Nếu nói khi cấp phép không biết thuốc này là thuốc giả thì vô lý. Công ty nước ngoài cung cấp thuốc là công ty ma như thế, chỉ cần lên mạng tìm tên thuốc H-Capita là ra ngay có công ty nào phân phối hay không, làm sao có thể dễ dàng qua mặt Cục Quản lý dược như vậy được. Tôi nghi ngờ có sự bao che ở đây. Đáng lo nữa là có 7 mặt hàng khác do VN Pharma nhập về đã bán hết rồi”.
Rõ ràng, ai cũng có thể thấy, kiểu phát ngôn như vậy của bà Phạm Khánh Phong Lan gây ra những nghi ngờ của dư luận với chính các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xét xử.
Cho đến nay, chưa có bất kỳ cơ quan nào kết luận rằng thuốc H-Capital đã được thu hồi là giả, mà chỉ có đánh giá là thuốc kém chất lượng. Dù vậy, bà Lan tự cho mình quyền phán xét bằng khẳng định đây là thuốc giả.
Nếu bà Lan thấy “nghi ngờ” thì cần chỉ ra bằng những chứng cứ thật rõ ràng, bằng ứng xử “văn minh” (như chính bà Lan khuyên Bộ Y tế) chứ không phải là theo kiểu “tung hỏa mù” để tạo ra một bầu không khí “nghi ngờ” khắp nơi.
Nói không ngoa thì cách phát biểu “tung hỏa mù” của bà Lan chẳng giải quyết được gì mà chỉ làm cho mọi chuyện thêm phức tạp hơn mà thôi.
Những người hiểu biết sẽ nhận ra ngay bởi phát biểu của bà Lan luôn là chê bai thậm tệ Bộ Y tế. Nhưng thật tiếc, đó chỉ đơn thuần là các lời chê bai, chỉ trích mà không đưa ra được các giải pháp để khắc phục.
Những phát biểu của một đại biểu Quốc hội như thế, có được xem là mang tinh thần xây dựng không?
Giả sử bây giờ một ai đó cũng phát ngôn rằng họ “nghi ngờ” bà Lan có dính vào chuyện này, chuyện khác, dù chẳng chỉ ra được cái gì cụ thể cả, thì bà nghĩ sao về tư cách của con người ấy?
Chưa dừng lại ở đó, bà Lan còn mắng những cán bộ đại diện của Bộ Y tế và Bộ Công thương: “Thời gian vừa qua, theo dõi các phiên tòa xét xử vụ án này, tôi rất không hài lòng vì đại diện Bộ Y tế, Bộ Công Thương đến tòa nhưng không phát biểu, không nêu ý kiến gì, đây là sự thiếu tôn trọng pháp luật”.
Thật khó hiểu vì trong khi đang là Đại biểu Quốc hội, trực tiếp tham gia xây dựng các dự án luật, được biểu quyết thông qua các Luật, Bộ luật, Nghị quyết… lẽ ra chính bản thân bà Lan phải hiểu rằng, những người này là đại diện thì họ có quyền không trả lời trực tiếp, nhưng có trách nhiệm tiếp nhận các câu hỏi ấy để cơ quan, đơn vị trả lời rõ ràng bằng văn bản.
Và, minh chứng rõ nhất là sau khi tiếp nhận các câu hỏi của Tòa vào ngày 19/10 thì đến 23/10 Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã gửi văn bản trả lời thẳng thắn phục vụ cho công tác xét xử.
Cách làm ấy được dư luận đánh giá là thận trọng, đảm bảo tính chính xác của thông tin, là thể hiện sự tôn trọng pháp luật chứ không phải là “thiếu tôn trọng” như cách nói của bà Phong Lan.
Là một Đại biểu Quốc hội, có lẽ bà Lan cần có cái nhìn toàn diện hơn với những vấn đề như vậy chứ không nên quy kết một cách cực đoan.
Bà Lan từng bị chỉnh phát ngôn
Trong khi các cơ quan chức năng đang ráo riết điều tra, xét xử vụ án VN Pharma căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, bà Phong Lan liên tục xuất hiện trên nhiều tờ báo khác nhau tự khẳng định thuốc H-Capital giả và buông những câu “mỉa mai”:
“Không lẽ nơi đây có cả một cơ quan cấp cục, gọi là Cục Quản lý dược mà lại non kém kiến thức đến thế là sao?”; “Tất cả những người trên Bộ Y tế vừa phát ngôn trên các báo này đều không ai có chuyên môn về dược. Thật vậy sao?”.
Bà Lan cũng khoe được đào tạo bài bản về chuyên ngành dược, cũng châm biếm luôn cả Giáo sư Nguyễn Viết Tiến (nhưng rồi lại giải thích là không có ý nói ông).
Nguyên văn bà Lan nói như sau: “Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, đại diện cho Bộ Y tế nói thuốc H-Capita 500mg Caplet là thuốc thật, nhưng ông cũng chỉ là một bác sĩ, chứ không phải là dược sĩ; còn lại những người khác nói thuốc này là thuốc thật mà tôi biết đều là những người không có chuyên môn về dược.
Kể cả Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Thị Hồng Phương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế) lên tiếng với báo chí mới đây cũng không có kiến thức về dược”.
Kiểu cách phát ngôn “tung hỏa mù” của bà Lan khiến cho nhiều người nhớ lại vào năm 2014, trong một cuộc làm việc với Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn với “phong cách” đốp chát như thường lệ, bà Lan đã bị Giám đốc Sở Y tế thời điểm đó là ông Nguyễn Tấn Bỉnh “chỉnh lại phát ngôn”.
Bà Lan cho rằng ngành dược đang tồn tại vấn đề rất lớn giữa giá và chất lượng. Cần xây dựng chính sách thống nhất trên quan điểm “phải có thuốc chất lượng và giá cả hợp lý, chứ không thể có thuốc chất lượng mà giá cả rẻ…”.
Ngay lập tức, ông Bỉnh đứng dậy nhắc nhở: “Phát biểu vừa rồi của Phó Giáo sư Phong Lan nếu với tư cách Phó Giám đốc Sở thì phải đính chính lại.
Nếu nói như vậy thì chẳng khác nào người bệnh của chúng ta vừa qua đã được điều trị bằng những loại thuốc không có chất lượng”.
Là một đảng viên, đồng thời là Đại biểu Quốc hội và lại có chức vụ nhất định trong cơ quan hành pháp, nếu bà Phạm Khánh Phong Lan thấy chưa nhất trí với các kết luận cơ quan có thẩm quyền thì có thể gửi văn bản hoặc trực tiếp báo cáo kiến nghị đến các cơ quan có trách nhiệm để thực hiện các quyền cá nhân theo trình tự pháp luật quy định.
Những phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng phải có chừng mực, nhất là không lệch khỏi sự thật, không thể lấy quan điểm của cá nhân gắn với tư cách Đại biểu Quốc hội mà gây hoang mang trong dư luận.
4 năm trước, ở cương vị Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bà Phong Lan đã bị chỉnh lại phát ngôn.
Còn bây giờ, với hàng loạt phát ngôn kiểu “tung hỏa mù” như vậy, không biết ai sẽ chấn chỉnh bà?
Tài liệu tham khảo:
http://danviet.vn/tin-tuc/giam-doc-so-y-te-tphcm-dinh-chinh-phat-bieu-cua-cap-pho-492914.html
K.V.
Báo Giáo dục còn mượn lời “hô ứng” của một ông chủ báo đã bị mất chức:
Đừng nghĩ là Đại biểu Quốc hội thích nói thế nào cũng được!
Nguyễn Như Phong
(GDVN) – Những năm gần đây, cử tri đã phải nghe một số lời phát ngôn “lạ” của một số ít Đại biểu Quốc hội.
Điển hình như việc “ông nghị Hoàng Hữu Phước” trước đây đã từng có những phát biểu rất thiếu tôn trọng đối với ông Dương Trung Quốc – Nhà sử học và cũng là Đại biểu Quốc hội.
Sau này, ông Hoàng Hữu Phước còn có phát biểu nhằm vào Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan “rất tăm tối, mơ hồ”; rồi nhằm cả vào Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (một người mà ông Phước từng gọi là Thầy) bằng những từ ngữ đay nghiến.
Chả thế mà đã từng có ý kiến phải “kiểm tra sức khỏe” của đại biểu Quốc hội!
Rồi có cả hiện tượng trồi sụt số lượng đại biểu khi bấm nút biểu quyết, mà đã có ý kiến chỉ thẳng ra là có hiện tượng bấm nút hộ nhau; hay chuyện Đại biểu Quốc hội vắng mặt ở các phiên họp không rõ lý do, ít nhiều gây cho cử tri những băn khoăn, hoài nghi về chất lượng và ý thức phục vụ nhân dân đối với một số đại biểu.
Ngay trong kỳ họp Quốc hội lần này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan lại có những phát ngôn được cho là không đúng mực gây ra tranh luận trên các mạng xã hội.
Chả hiểu sao, bà nghị này lại có lời lẽ mỉa mai và “chọc ngoáy” Bộ Y tế rằng bao nhiêu việc tiêu cực khác thì xử lý chậm, còn việc bác sĩ Truyện “khuyên bộ trưởng Bộ Y tế từ chức” thì lại chỉ đạo nhanh thế?
Bà Phạm Khánh Phong Lan – Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Lạ thật, chả lẽ bà Lan không hiểu rằng bác sĩ Truyện đang là công chức Nhà nước hay sao?
Là người đang làm việc trong một tổ chức, anh có quyền góp ý, có quyền phê phán, có quyền bày tỏ chính kiến nhưng muốn gì thì cũng phải có nguyên tắc. Đằng này say rượu, lên mạng xã hội phát ngôn càn rỡ, bừa phứa thì đâu thể chấp nhận được?
Việc văn phòng Bộ Y tế có công văn yêu cầu kiểm tra, xác minh, và nếu đúng thì phải có biện pháp giáo dục, xử lý… đó là chuyện đương nhiên.
Về khái niệm “xử lý”, thì có thể là nhiều cấp độ từ phê bình, khiển trách, cảnh cáo… thậm chí nặng hơn, tùy theo tính chất của vi phạm.
Trường hợp này, không thể gọi là bác sĩ Truyện “khuyên” Bộ trưởng Kim Tiến mà phải coi đó là những lời xúc phạm, phát ngôn vô tổ chức, và rất yếu kém về văn hóa.
Còn việc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh phạt bác sĩ Truyện thì cũng là quá và không nên như vậy.
Chỉ cần bệnh viện nơi bác sĩ Truyện công tác cho kiểm điểm và có biện pháp giáo dục, nhắc nhở… thế là xong.
Nhưng do cách làm của Sở Thông tin Truyền thông không chuẩn nên mới sinh chuyện.
Vụ việc đơn giản có vậy, nhưng bà Phạm Khánh Phong Lan lại có ý mỉa mai Bộ Y tế. Thật không đúng chuẩn mực phát ngôn của một nghị sĩ.
Nhân nói về phát ngôn “lạ” của bà Phạm Khánh Phong Lan, chợt nhớ lại lời răn của các bậc tiền nhân rằng “Lời nói đọi máu”; “Ăn có nhai, nói có nghĩ”; “Uốn lưỡi bảy lần rồi hãy nói”…
Thế nên đừng nghĩ mình là Đại biểu Quốc hội thì thích nói thế nào cũng được!
N.N.P.