Nghề cao quý đã… “chết lâm sàng”

“Bài viết này, xin dành tặng các nhà giáo U70 vẫn còn quan tâm tới nghề cao quý”

Nguyễn Thượng Long

Câu hỏi đặt ra trước một cuộc biểu tình…

Khi cuộc biểu tình lần thứ 4 vào chủ nhật 19-6-2011 để phản đối Trung Quốc có những hành động vi phạm lãnh hải của Việt Nam sắp nổ ra, H.T – một học sinh cũ của tôi, nay đang là sinh viên năm cuối của một trường ĐH danh tiếng của Hà Nội – tìm gặp tôi dưới chân cột cờ với câu hỏi: “Thưa thày, vì sao các thày cô giáo và học sinh PTTH không đến với các sinh hoạt chính trị như thế này?”. Tôi bảo: “Câu hỏi của em cũng là câu hỏi của nhiều người”. Đúng là vậy, những chủ nhật đó, nói là sinh viên và học sinh xuống đường nhưng thực ra chỉ có một số sinh viên các trường CĐ và ĐH của Hà Nội tham gia mà thôi. Học sinh các lớp cuối cấp của bậc PTTH cùng thày cô giáo của họ gần như thiếu vắng. Nói là gần như vì cũng thấy lác đác vài bóng đồng phục học trò và vài đồng ngiệp hưu trí của tôi có mặt tại vườn hoa Lê-nin trong sáng 5-6-2011. Tôi chỉ phát hiện ra họ nhiều hơn trong những nick name ào ạt comments vào bài viết “Nhật kí biểu tình” của tôi, khi bài này xuất hiện trên mạng xã hội ngay ngày hôm sau 6-6-2011.

Vì họ không đến với cuộc biểu tình mà nói họ không có lòng yêu nước là không hoàn toàn đúng. Đã là người thày giáo thì mọi hình ảnh, lời nói, hành vi trước học trò luôn phải theo định hướng hình thành nhân cách cho học trò. Trong những phẩm chất của nhân cách thì “yêu nước” phải đứng số 1. Không có chuyện người được coi là có nhân cách lại là người không yêu đất nước đã sinh ra mình. Trong 5 điều ông Hồ Chí Minh dạy thiếu niên và nhi đồng, dù không nói gì đến ông, bà, cha, mẹ thì “yêu nước” vẫn được ông đặt lên hàng đầu. Vậy tại sao sau bao nhiêu thập kỉ có 5 điều dạy này rồi mà hôm nay người học trò cũ của tôi vẫn đặt ra một câu hỏi về sự vắng mặt đáng buồn của giáo viên và học sinh PTTH như vậy?

clip_image002

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân và Người Đương Thời Đỗ Việt Khoa những ngày “nói không” năm 2006

Câu hỏi được đặt ra vào thời điểm trước cuộc biểu tình chui đó là một lời nhắc nhở tôi về sự bất xứng của GD-ĐT trong nhiệm vụ giáo dục lòng yêu nước cho học sinh. Theo tôi, GD-ĐT qua “nỗ lực” của 3 đời bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ đã tiêu tốn hàng tỉ USD cho chấn hưng và cải cách, kết quả chỉ có các băng nhóm lợi ích là thắng lớn. Những cái mà ông Nhân ngày đó “nói không” thì bây giờ vẫn hiện hữu với những biến tướng còn tệ hại hơn trước gấp nhiều lần.

Trong một lần “chém gió” với 3 người đồng nghiệp, tôi hỏi: “Nếu một sớm nào đó tỉnh dậy, bước ra đường, các ông thấy Hoa quân đã nhập Việt thì việc làm đầu tiên của các ông là gì?”. Người già nhất trầm ngâm rồi chua chát bảo: “Tôi sẽ tìm đường lên Lương Sơn Bạc”. Người trẻ hơn ngập ngừng: “Để giữ được chữ bình an cho cả nhà, tôi sẽ treo trước cửa nhà lá cờ 6 sao”. Người trẻ nhất tỉnh khô: “Hảo lớ! Ngộ sẽ đi học tiếng Hán để… hướng tới tương lai! “. Nếu H.T cũng được dự cuộc “chém gió” này, tôi tin em sẽ không cần hỏi tôi câu hỏi đó nữa.

Ngành GD-ĐT đang mang 4 tâm bệnh hiểm nghèo…

Chẳng khác gì xã hội phong kiến, xã hội cộng sản cũng áp đặt mọi người, mọi ngành, mọi giới, mọi lĩnh vực nhất nhất phải cúi đầu trước Đảng Cộng sản. Vua trong xã hội phong kiến nhận mình là thiên tử (con trời). “Vua tập thể” trong xã hội cộng sản Việt Nam nhận mình cao hơn cả đất trời, hơn cả đất nước, hơn cả dân tộc. Mỗi năm, khi mùa xuân đến, khắp nơi nhan nhản những lời tự tôn “mừng đảng” rồi mới được “mừng xuân”, “mừng đất nước”, “mừng dân tộc”. Một ngộ nhận xấc xược thế mà đa phần giới trí thức tinh anh im lặng, trách gì người lao động ít học. Ở Việt Nam, sự ngược đời ấy được mặc nhiên chấp nhận. Ngành GD-ĐT không là biệt lệ. Những giáo điều về đảng, về Bác, về CNXH được các thày cô dạy môn xã hội xào đi xào lại trong một chương trình đồng tâm từ cấp tiểu học tới cấp đại học, biến trường học thành cái nôi đào tạo ra những con người nông cạn về trí tuệ, méo mó về tâm hồn, lệch lạc về nhân cách, chỉ hướng tới một Việt Nam XHCN đầy xa lạ mà chưa ai nhìn thấy nó trên đời. Không có gì lạ, sau thời gian dài phải tiếp thu một chương trình nặng tính giáo điều như thế, cùng với việc phải sống trong sự khắc nghiệt của thể chế trại lính, không biết từ bao giờ thày cô giáo và học sinh đã mang trong mình 4 tâm bệnh hiểm nghèo là “liệt kháng”, “mù thiêng”, “cuồng thiêng”, “vong bản”. Đó là tứ chứng nan y, khó có thuốc chữa.

Liệt kháng là hiện tượng vì quá sợ hãi mà đầu hàng, không dám phản ứng trước cái sai, cái ác, cái bất lợi đến với mình cũng như đến với mọi người. Nói đến chữ “sợ”, người ta nhớ đến cố nhà văn Nguyễn Tuân với câu nói để đời ngay từ ít năm sau cuộc đàn áp Nhân văn – Giai phẩm: “Moa sống được đến ngày nay là vì moa biết sợ”. Sợ bạo quyền cộng sản đến mức liệt khác thì dù đứng ở đâu trên cõi thế gian này vẫn không hết sợ. Tôi nhận thấy trong những cuộc hỗn chiến “đạp lên xác thù” trên mạng xã hội, không phải ai cũng dám công khai căn cước thật của mình, đa phần là ném đá giấu tay mà thôi. Đám dư luận viên mạt hạng trong nước cũng vậy, trừ mấy tên thảo khấu mà anh em dân chủ đã nhẵn mặt, còn lại toàn bọn bất tài vô tướng, dùng biệt danh để giấu nhẹm tung tích của mình, để bưng bô mà mưu sinh. Người quân tử đứng thẳng lưng giữa trời đất không xử sự như thế. Các chủng tộc văn minh không hành xử như thế. Ở các đất nước có nhân quyền, người mắc bệnh liệt kháng có những khiếm khuyết về thực thể chứ không liệt kháng ở dạng tâm bệnh như ở ta. Ở đất nước văn minh, chỉ cần bác sĩ vô ý làm chết bệnh nhân, một chuyến tàu chạy không đúng giờ quy định, cảnh sát vô cớ đánh người, thày giáo dùng bạo lực với học trò, một mặt hàng vô cớ tăng giá…là người dân đã ầm ầm xuống đường, các bộ trưởng liên đới phải xin lỗi người dân, có người phải từ chức, thậm chí có chính phủ đã đổ. Ở ta, những chuyện này được coi là không có gì đáng kể bởi mọi người không vượt qua được mặc cảm sợ hãi. Ngay như biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược cũng không dám đi, đừng nói biểu tình phản đối chế độ. Đáng buồn hơn là ngày càng nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hài lòng với chọn lựa “sống chung” và “thích nghi” với hoàn cảnh làm cứu cánh để tồn tại. Những người liệt kháng đến mức độ ấy, rất dễ trở thành mù thiêng.

clip_image004

Liệt kháng của quan

Mù thiêng ở thể nhẹ là hội chứng “đàn gảy tai trâu”. Ở thể nặng, người bị mù thiêng luôn coi cái tôi của mình là trên hết, coi thế gian này đang bị lấp đầy bởi những điều tầm thường, không có gì là thiêng liêng, đáng để họ xúc động. Gần đây, ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Phải dạy học sinh biết rưng rưng khi chào cờ Tổ quốc”. Ông ta quên rằng không thể dạy học sinh điều đó được. Đối với kẻ mù thiêng thì giáo huấn lòng yêu nước đến thế nào cũng chỉ là nước đổ đầu vịt mà thôi. Trạng thái “rưng rưng” chỉ có được nhờ quá trình tự giáo dục. Kẻ mắc hội chứng mù thiêng đứng chào cờ thì không thể biết rưng rưng vì với họ cờ Tổ quốc chẳng khác gì cái khăn trải bàn lòe loẹt ở nhà họ. Họ chỉ giẫy nẩy lên khi quyền lợi của họ bị vi phạm, còn khi quyền lợi của họ được bảo đảm thì tất cả là makeno (mặc kệ nó). Thảm họa Formosa đầu độc biển của 4 tỉnh miền Trung chứ có đầu độc toàn bộ biển Đông đâu và một ngày nào đó, dân tộc Việt Nam bỗng chốc là “những đứa con hoang đàng trở về với nước mẹ Trung Hoa vĩ đại” thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới họ, chẳng có gì phải xúc động, phải phẫn nộ cả. Những kẻ mù thiêng không bao giờ đến biểu tình yêu nước ở vườn hoa Lê-nin.

Cuồng thiêng ngược với mù thiêng và không kém phần quái dị, với dấu hiệu điển hình là ngay cả khi phải sống như con vật trong một môi trường ngày càng ô nhiễm, phải ăn thực phẩm đầy hóa chất độc hại, phải chứng kiến sự tụt hậu thê thảm của Việt Nam với khu vực, phải nhìn đất đai, biển, đảo đang dần rơi vào tay Trung Quốc, bất kể đất nước đang tàn mạt, giống nòi đang điêu linh, câu mở miệng của họ vẫn là “ơn Đảng, ơn Bác mới được ngày hôm nay”. Đảng, Bác là tất cả, những gì ngược với Đảng, với Bácg đều là phản động. Họ đáng thương hơn là đáng giận. Sẽ hoài công nếu tìm những người thế này ở các cuộc biểu tình yêu nước.

Lại có thứ cuồng thiêng giả vờ để kiếm miếng ăn, để được thăng quan, tiến chức. Người kiểu này biết tỏng Đảng Cộng sản không thể có trước đất trời, đất nước và dân tộc nhưng sẵn sàng ” mừng đảng” rồi mới “mừng xuân”. Họ biết thừa học thuyết Mác – Lê, lí luận về CNXH vì sai lầm mà đã sụp đổ từ gốc rễ, bị xã hội văn minh ném vào sọt rác gần 30 năm nay rồi, vậy mà vẫn cứ nhai nhải “định hướng XHCN”. Để mãi mãi duy trì ách cai trị lên đầu lên cổ dân tộc này, Đảng Cộng sản Việt Nam không tiếc tiền bạc để nuôi một đội ngũ dư luận viên đông đảo. Đám này chỉ cuồng thiêng giả vờ để sinh nhai. Chúng kéo đến các cuộc biểu tình yêu nước ở bất cứ đâu, với số lượng có khi còn đông hơn cả người đi biểu tình thật. Công việc của chúng là phá đám, bôi nhọ những người dân chủ để kiếm ăn. Đáng buồn thay, hàng ngày, hàng giờ, GD-ĐT Việt Nam đã có công rất lớn trong việc đào tạo ra những con người không từ bất cứ hành động gì chỉ để mưu sinh và thăng tiến như thế.

Vong bản đứng thứ tư trong tứ chứng nan y. Trước khi nói đến nó, chúng ta cần sòng phẳng với nhau là không có cái gọi là “đạo đức cách mạng”. Khái niệm này là sản phẩm của trí tưởng tượng, suy diễn vô lối của người cộng sản. Đạo đức cách mạng gì mà TBT Lê Duẩn lại nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô và Trung Quốc”, TBT Nguyễn Văn Linh thì “thà mất nước còn hơn mất đảng”? Đạo đức cách mạng gì mà “nhà ngụy ta ở, vợ ngụy ta lấy, con ngụy ta sai”? Đạo đức cách mạng gì mà TBT Nông Đức Mạnh có cuộc phiêu lưu tình ái bá đạo đến vậy? Đạo đức cách mạng gì mà càng học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì càng tham nhũng trầm trọng? Trước kia thất thoát vì tham nhũng chỉ vài tỉ, nay phải vài ngàn, vài chục ngàn tỉ, đến nỗi bà phó Doan phải la lên rằng: “Chúng ăn không từ thứ gì”.

Xã hội Việt Nam từ ngàn đời nay chỉ biết đến và tôn thờ đạo đức truyền thống do tổ tiên, ông bà để lại. Người vong bản có suy nghĩ và hành vi trái với đạo đức truyền thống. Đó là ai? Là những kẻ “con tố cha, vợ tố chồng”, những kẻ quên câu “đói cho sạch, rách cho thơm”, những kẻ lấy “bạo lực” thay “thương người như thể thương thân”, những kẻ nhu nhược, yếu hèn, dâng đất đai, biển đảo cho Tàu cộng ngoại bang. Vì vong bản mà bạo lực tràn lan. Trong học đường thì thày đánh trò, trò đánh thày, trò đánh trò. Trong bệnh viện thì bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ. Ngoài đường thì nhìn đểu – giết, nom ngứa mắt – giết, va chạm giao thông – giết. Trong gia đình thì cha giết con, con giết cha mẹ, ông bà, chồng giết vợ, vợ giết chồng, anh em giết nhau… Chúng ta đang từng ngày, từng giờ chứng kiến sự vong bản thắng thế và lên ngôi.

clip_image006

Vong bản lên ngôi trong bệnh viện

clip_image008

Vong bản lên ngôi giữa sân trường

clip_image010

Vong bản lên ngôi trên sân khấu

Kết quả hình ảnh cho nghị gật

Vong bản lên ngôi giữa nghị trường

Những người mắc một trong những tâm bệnh kể trên có chung một đặc điểm là không biết mình đang mang tâm bệnh và có chung một biểu hiện là thờ ơ với các vấn đề thuộc phạm trù chính trị. Các trường hợp bệnh nặng thì có khuynh hướng xa lánh, tẩy chay những người quan tâm tới chính trị. Họ không hề biết khoa học chính trị là bộ môn khoa học của tiến bộ xã hội. Nếu không có khoa học chính trị, nhân loại sẽ mất hút trong rừng sâu hoang dã, khá hơn thì chỉ mãi mãi dừng lại ở những cấu trúc xã hội bậc thấp. Các chính trị gia được tôn vinh là nhà khai sáng nếu họ làm cho đất nước thăng tiến và ngược lại, là tội đồ khi làm đất nước lụn bại.

ĐCS Việt Nam đang mở cờ trong bụng khi tuyệt đại đa số trí thức Việt Nam lúc này chỉ nhìn thấy những góc khuất, mặt trái của chính trị qua các từ ghép như “tham vọng chính trị”, “thủ đoạn chính trị”, thậm chí là “lưu manh chính trị”. ĐCS thường định hướng mọi người: “Tất cả đã có Đảng và Nhà nước lo, nhân dân đừng quan tâm đến chính trị”. Chính vì thế mà xuống đường vì yêu nước cũng là phản động. Yêu nước ngẫu hứng, không đúng quy trình kiểu Trần Quốc Tuấn bóp nát trái cam là không thể được. Thời cộng sản, yêu nước, thương nòi không phải là tình cảm được khuyến khích mà phải “yêu Đảng, thương lãnh tụ”. Chính vì thế mà người ta công nhiên rằng “Công an nhân dân Việt Nam chỉ biết còn Đảng, còn mình” và “Quân đội nhân dân Việt Nam trung với Đảng, hiếu với dân”.

Sau nhiều thập kỉ, chính ngành GD-ĐT đã có công lớn trong việc tạo ra đám mây mù của sự ngộ nhận về tính chính danh cho ĐCS tiếp tục độc quyền cai trị dân tộc Việt Nam. Đám mây mù đó là có thật, nên không có gì là lạ khi ông Lê Khả Phiêu, một TBT nửa nhiệm kì, đã có lần mê sảng mà thốt lên một câu hết sức chủ quan và ngớ ngẩn: “Mênh mông tình dân”. Ông ta không hề biết hay cũng lại giả vờ không biết là đang có một “mênh mông” tình dân chán đảng. Và cho đến hôm nay, dân tộc Việt Nam vẫn chỉ là một dân tộc không may mắn, tụt hậu và luôn luôn lỡ những chuyến tàu cùng các dân tộc khác đi về phía tự do, dân chủ, văn minh, tiến bộ.

Với những gì đã và đang xảy ra, phải dũng cảm mà nói với nhau rằng: “Dân tộc chúng ta đang đứng bên bờ của vực thẳm diệt vong. Chúng ta dị thường, lạc lõng, là một ca đặc biệt của đời sống nhân loại”. Các thày cô giáo không thể vô can khi nhận từ ĐCS vị trí trung tâm trong sứ mạng “mỗi trường học là một pháo đài của chủ nghĩa xã hội, mỗi thầy giáo, cô giáo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng”.

Than ôi, trong cái pháo đài tưởng tượng đó, trên cái mặt trận tuy không có tiếng súng nổ nhưng không thiếu xác người đó, để sống sót được, đâu chỉ mình cụ Nguyễn Tuân biết sợ mà cả dân tộc này đều đã và vẫn đang sống trong run sợ. Còn hơn cả nỗi sợ hãi, trí thức Việt Nam, thày cô giáo Việt Nam còn phải chấp nhận làm nhiệm vụ của những “đạo sĩ mù lòa”, nhắm mắt giáo huấn học sinh bằng những tín điều sai lầm của một tà thuyết đã bị cả thế giới văn minh thẳng tay ném vào thùng rác từ gần 30 năm nay. Trí thức và thày cô giáo Việt Nam vẫn đang cần mẫn với sứ mạng đặc biệt mà ĐCS kí thác trên vai họ nên có thể nói GD-ĐT là cỗ máy khổng lồ, đều đặn năm này đến năm khác tạo ra biết bao thế hệ người Việt Nam:

· Với bất công trong xã hội thì “liệt kháng”

· Với những giá trị nhân văn trong đời thường thì “mù thiêng”

· Với những giá trị cần phải loại bỏ thì “cuồng thiêng”

· Với đạo đức truyền thống thì “vong bản”

Thử hỏi đất nước rồi sẽ đi đến đâu với những con người mang trong mình đầy “tâm bệnh” như vậy?. Một chiếc máy hư hỏng, người ta có thể nhận biết và khắc phục được ngay, còn để nhận ra và sửa chữa một nền GD-ĐT hư hỏng thì ôi thôi, phải mất đi nhiều thế hệ. Nên có thể nói không ngoa rằng sự thất bại và hư hỏng của GD-ĐT là nguyên nhân của mọi thất bại và hư hỏng khác trong đời sống xã hội.

Đến nay, phải nói thẳng với nhau rằng nền GD- ĐT theo định hướng XHCN đã “chết lâm sàng” rồi. Để GD-ĐT hồi sinh và phát triển, thày cô giáo tìm lại được thiên chức nhà giáo chân chính và đích thực của mình, các thế hệ học sinh trong tương lai không nhiễm phải 4 tâm bệnh kể trên, GD-ĐT rất cần có một dự án chính trị, một triết lí phát triển tiến bộ. Trước mắt, “giải độc” cho GD-ĐT là việc làm cần thiết, không thể đặng đừng.

Hà Đông, tháng 10-2017

N.T.L

(Tác giả gửi BVN)

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.