Jørn Mikkelsen
Tại sao người ta lại nói “tân quốc xã” và “cựu cộng sản”?
Sự kiện đập ngay vào mắt: khi một người nào đó muốn đưa cả nhân loại tới thiên đường thì ước muốn này thường kết thúc bằng những phát súng bắn vào gáy và rất nhiều người chết trong các trại tập trung. Hai hệ tư tưởng toàn trị lớn trong thế kỉ XX, chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa cộng sản, không hề tôn trọng lẫn nhau. Chủ nghĩa cộng sản giành được tự do trong cuộc Cách mạng Nga cách đây đúng 100 năm còn chủ nghĩa quốc xã, nguyên nhân của Thế chiến II đã làm rất nhiều người thiệt mạng và gây ra những tội ác khủng khiếp mà tôi không muốn nhắc tới. Nhưng ngay từ đầu điểm xuất phát là một: cả Lenin lẫn Hitler đều mơ ước xây dựng xã hội tốt đẹp hơn – theo ý mình. Lenin muốn tiêu diệt các giai cấp còn Hitler muốn tiêu diệt các chủng tộc. Họ sẽ đưa nhân loại đến xã hội cộng sản lí tưởng và đế chế quốc xã kéo dài hàng ngàn năm.
Nói đúng ra, nhân danh chủ nghĩa cộng sản, người ta đã giết nhiều người và phá hủy nhiều thứ hơn là nhân danh chủ nghĩa phát-xít: khoảng 100 triệu người là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản (tính cả số nạn nhân của cuộc “cách mạng văn hóa” của Mao), khoảng 50 triệu người là nạn nhân của Đức quốc xã (tính cả các nạn nhân của Thế chiến II). Tuy nhiên hiện nay, người ta coi chủ nghĩa quốc xã là cái ác tuyệt đối và không cần bàn cãi. Chủ nghĩa cộng sản cũng bị coi là xấu nhưng xấu một cách khác hay không xấu đến mức đó. Liệu Holocaust (diệt chủng người Do Thái – ND) có xấu hơn nạn đói do Stalin gây ra một cách tinh vi ở Ukraine? Đa số sẽ nói rằng việc tiêu diệt hàng loạt người Do Thái theo quy mô công nghiệp là cái ác vượt qua mọi giới hạn, không gì so sánh nổi. Tỉ lệ tù nhân “được phép” chết trong trại cải tạo có xấu hơn hay không? Cụ thể, người ta đã nói đến chuyện này trong cuộc “tranh luận giữa các sử gia” được nhiều người ở Tây Đức quan tâm, do nhà sử học Ernst Nolte khởi xướng. Trong thời còn Liên Xô, thậm chí so sánh như thế cũng bị cấm. Hiện nay, mọi thứ đã khác.
Tất nhiên, có thể so sánh tội ác nhân danh hai “chủ nghĩa” mặc dù chẳng bao lâu sau sẽ thấy đấy là công việc vô nghĩa, hay chí ít là công việc mà người ta khó có thể chịu đựng nổi.
Sự khác biệt cũng ảnh hưởng đến nhận thức của những người cộng sản và quốc xã trong những giai đoạn sau. Cho mãi đến thời gian gần đây, nhiều người vẫn tự hào nói về quá khứ cộng sản của mình mặc dù không ai yêu cầu họ làm như thế. Những người cựu cộng sản được bao bọc bởi vòng hào quang lãng mạn cách mạng và Đảng Cộng sản Đan Mạch đã hoạt động cho tới khi bức tường Berlin sụp đổ. Với những cựu đảng viên quốc xã, mọi thứ đều khác: sau năm 1945, họ bị coi là cặn bã của xã hội. “Người chống phát-xít” luôn luôn là danh hiệu đầy vinh dự. Ngược lại, khái niệm “chống cộng” có ý nghĩa tiêu cực suốt nhiều năm liền. Một số đảng viên quốc xã hiện nay được gọi là “tân quốc xã” trong khi những người cộng sản hiện nay lại được gọi là “cựu cộng sản”. Trên thực tế, có một cái gì đó lớn hơn chứ không chỉ là khác biệt về ngôn từ.
Sự khác biệt về danh tiếng sau khi chết có liên quan lịch sử khác nhau của hai “chủ nghĩa” này. Quốc xã tan tành vì đầu hàng vô điều kiện vào năm 1945. Đức bị phá hủy hoàn toàn và bị đồng minh chiếm đóng. Đồng minh phán quyết kết quả. Hồng quân đã tham gia việc đập tan đội quân của Hitler. Đây chính là sự khác biệt.
Ngược lại, Liên Xô chấm dứt sự tồn tại của mình một cách ôn hoà vào năm 1990. Không có phiên tòa tương tự như phiên tòa ở Nuremberg, xét xử chủ nghĩa quốc xã, phơi bày tất cả mọi thứ và các nhà lãnh đạo quốc xã bị treo cổ. Ở Nga, không có các phiên tòa xét xử tội ác của chủ nghĩa cộng sản, ví dụ như phiên toàn ở Auschwitz – Tây Đức trong những năm 1960, khi người ta cho công chúng thấy những việc đã từng xảy ra. Nỗ lực duy nhất là cuốn hắc thư về chủ nghĩa cộng sản, xuất bản cách đây 20 năm, nhưng đây là sáng kiến tư nhân, dành cho một số ít người và còn nhiều tranh cãi.
Cả hai “chủ nghĩa” đều đã bị vứt vào sọt rác của lịch sử. Một bị tất cả mọi người khinh bỉ, còn chủ nghĩa kia thì hầu như không. Nhưng với những người bị bắn vào gáy thì “chủ nghĩa” nào bóp cò cũng vậy mà thôi.
J.M
(Phạm Nguyên Trường dịch)
Nguồn: http://phamnguyentruong.blogspot.com/2017/10/mot-tram-nam-cach-mang-nga-ang-vien.html