FB Le Dung
Một bài viết hay, nhưng hình như tác giả quên rằng cả Đạo Quang lẫn cái ông tác giả nhắc tới đều không được người dân bầu lên mà cứ chễm chệ ngồi vào ghế nguyên thủ. Xét về tham nhũng thì Đạo Quang và cái ông đó là thượng đẳng – cả hai đều tham nhũng quyền lực. Đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến “đất nước thời kì này chẳng làm mẹ gì ngoài bắt bớ, tù đày và thất thoát”.
Bauxite Việt Nam
Với những số liệu, sáng tác, nghiên cứu được công bố về cải cách ruộng đất rải rác sau năm 1986, dù không đầy đủ, chúng ta cũng thấy được, vẽ được bức tranh cơ bản, đa chiều về những hệ lụy to lớn của nó. Tuy vậy, chính quyền non trẻ ngày đó vẫn vừa đánh Pháp, vừa cải cách, vừa giữ chế độ, và vừa tích lũy để thống nhất.
Họ đã làm được, trong điều kiện hạn chế hơn bây giờ rất nhiều. Vì sao vậy? Vì hai lí do chính, cán bộ họ trong sạch gần như toàn tòng và làm công tác tuyên giáo rất tốt. Những người tài danh nhất của chế độ thời đó ở mọi lĩnh vực của đời sống đều tham gia công tác tuyên giáo, từ ông Hồ Chí Minh đến ông Trần Đại Nghĩa, ông Tố Hữu, ông Xuân Diệu… Họ miệt mài viết, cặm cụi sáng tác, đưa tác phẩm ra đại chúng, vào nhà trường, từ nhà máy đến ruộng đồng, từ miền xuôi đến miền ngược, tạo ra một bộ máy liên hoàn, một bức tranh thống nhất, toàn diện về tuyên giáo từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Nó làm cho người ta quên đi khổ đau, khó khăn và trở ngại trong cuộc sống, chỉ có duy nhất một mục tiêu hướng đến: Thống nhất. Mục tiêu đó rất rõ ràng, rất cao cả, rất được lòng dân, và nó làm lu mờ đi mọi sai lầm tàn khốc khác mà con người sống trong thời đại đó phải gánh chịu.
Họ sai nhưng họ không tư túi, tư lợi. Sai vì vội, sai vì ngu, sai vì sức ép, và sai vì thứ khác. Họ cũng khóc và họ kỉ luật. Nhưng phải nói một cách công bằng rằng giọt nước mắt của ông Hồ Chí Minh khóc trong hội nghị đó khác hẳn, mang tính đại chúng hơn, có “tình người” hơn, có tính quốc gia dân tộc hơn là việc khóc vì không như ý nguyện, ai lên ai xuống. Nó quá nội bộ và tầm thường.
Có thể có những cán bộ cấp thấp thời đó trình độ không cao, không tài danh như trên, nhưng họ có nhiệt huyết, trung chính, chịu khó học hỏi. Và nếu không viết được gì, họ đọc thơ Tố Hữu cũng đã là quá ổn.
Nhưng ngày nay không thế nữa. Hệ thống tuyên giáo của chế độ có quá nhiều người dốt, bầy hầy và không có tư tưởng chủ đạo xuyên suốt, không có mục tiêu rõ ràng hướng đến việc tiếp cận với đại chúng. Ngày họ rao giảng nhưng đi quán nhậu hay về nhà đàn đúm họ lại nói xấu cái chế độ nuôi cơm họ. Và nói thẳng ra rằng, đa phần giá áo túi cơm, không còn ai trung chính, liêm khiết như ngày xưa nữa. Họ đều vì tư lợi. Một mình ông Trọng thì cũng chỉ như vua Đạo Quang ngày xưa bên Tàu mà thôi.
Đạo Quang là hoàng đế thứ 8 của nhà Thanh, cai trị Trung Quốc từ năm 1820, băng ở tuổi 69, trị 30 năm. Ông này nổi tiếng vô đối trong lịch sử Trung Quốc vì tiết kiệm không giống ai. Thanh cung 13 triều truyện, phim và các giai thoại khác kể khá rõ, ở đây chỉ nói về chuyện mặc áo rách. Mỗi lần thượng triều, ông toàn mặc quần áo cũ rách. Bá quan theo đó, chẳng ai dám mặc quần áo lành lặn. Thậm chí, cái áo đang mới, các quan cũng phải cố tình đắp thêm vài mụn vá. Những buổi đứng trên điện nhìn xuống sân chầu, triều thần văn võ nhà Thanh dưới thời trị vì của Đạo Quang chẳng khác gì đại hội cái bang mà hoàng đế Đạo Quang là bang chủ. Giá áo rách trong thời này, có khi đỉnh điểm lên đến hàng ngàn, hạng vạn lạng bạc. Quan viên biếu nhau, áo càng rách, càng tả tơi, càng kinh dị, càng quý. Những viên quan nghèo còn mua không nổi, đành lấy y phục mới của mình ra phá nát. Hoàng đế thấy quan viên trong triều đều mặc đồ cũ nát lại nghĩ rằng ý niệm tiết kiệm của mình đã truyền được vào lòng người, nên vô cùng đắc ý. Thợ may giỏi nổi tiếng kinh thành không phải bởi may áo đẹp mà bởi làm ra được cái áo mang dáng dấp cái bang nhất.
Thế giới loài người có 3 thứ tốt cho cộng động mà nói, ai cũng thích nghe. Nói về một mục tiêu và kì vọng chung, như mục tiêu thống nhất đất nước, lời rao giảng của Chúa, lời dạy của Phật. Nói về con cái, trong đó có chăm sóc và giáo dục. Và nói về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, trong đó có ái tình.
Tuyên giáo hiện đại đã không làm được việc đó mà ngược lại, họ trổ cửa cho những điều bệnh hoạn trong cuộc sống len lỏi vào từng nóc nhà, từng ngách phố. Trừ nói xấu chính quyền và chế độ ra, tuyên giáo thông qua báo chí cách mạng cổ vũ tất. Đến mức bi hài thành cướp – giết – hiếp. Một kẻ giết người, cả nước biết. Một kẻ thách đấu võ từ đâu hiện ra, cả nước đổ xô vào. Một kẻ bị bắt, cả nước hỉ hả đáng đời quân tham nhũng, ăn cắp. Các bạn có thấy điều gì sai sai ở đây không? Có đấy, bệnh hoạn và đáng buồn nữa.
Mục tiêu lớn nhất của các gia đình nói riêng và đất nước nói chung là kinh tế phát triển, xã hội an lành, giáo dục cải thiện và mong ước rằng tương lai con cái chúng ta được sống tốt hơn chúng ta, cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng bạn hãy nhìn lại xem, hiện trạng báo chí nói riêng và tuyên giáo nói nói chung không khác gì mấy một đại công trường về cải cách ruộng đất. Và chẳng ai quan tâm khi một em thi được 29,25 điểm vẫn trượt đại học.
Cuộc sống vốn dĩ đã rất nặng nề. Khi đem những thứ của nội bộ anh đè nặng lên cuộc sống mưu sinh của hàng triệu công dân, anh hoan hỉ lắm sao? Một người bán rau ngày kiếm vài chục, anh công bố toàn nghìn vạn tỉ tham nhũng thất thoát. Đó là việc nhà anh, người do anh quản, quan do anh bổ nhiệm, chúng tôi can dự vào bao giờ đâu! Vậy nếu người ta hỏi, mày bảo đảng mày tốt, đảng mày sáng suốt, đảng mày này nọ đủ thứ, chính quyền của dân do dân vì dân, sao năm nào mày cũng phá thế, dân tao bán rau góp sao đủ? Trả lời sao? Thưa rằng đó không phải là bức tranh toàn diện của chính thể này, anh có nhiều cái tốt, nhưng chính tuyên giáo các anh đã giết các anh thôi.
Cái cách làm đó, nó quá vô cảm với cuộc sống của đa số. Nó dựng lên bức tranh đất nước thời kì này chẳng làm mẹ gì ngoài bắt bớ, tù đày và thất thoát. Chỉ có thằng ngu, vô học mới đi làm tuyên giáo, tuyên truyền kiểu đó.
Thần thiêng nó phải nhờ ở bộ hạ, một mình ông liêm khiết sao xuể. Chỉ như Đạo Quang thôi, nó cũng mặc áo rách, nó cũng nói liêm chính, nó vỗ tay, ca tụng, thể hiện bề ngoài vì công danh của nó nhưng sau lưng nó vẫn “múa” như thường. Những cán bộ vừa hồng vừa chuyên như thời ông Hồ thì ông lại không có. Cũng chẳng có bậc tài danh nào chịu cúi đầu viết bài phục vụ tuyên giáo như xưa.
Đám đông rất dễ sai khiến. Nhưng khi anh sai khiến đám đông vào một cuộc thanh trừng rầm rộ như thế, thật khó để họ thoát ra được mà đi làm ăn. Và thật là sai lầm khi anh tin rằng anh cắt đi mấy cái mà anh gọi là ung nhọt ấy, lòng tin sẽ nâng lên. Không phải, nó nằm ở tư tưởng. Giống cô gái chê chàng trai không phải vì anh ta có cái u, cắt u đi nó sẽ yêu mình, mà yêu hay không là ở cái đầu anh ta thực sự nghĩ gì kia.
Giờ mở mồm ra, người ta hỏi nhau TXT sao rồi, sắp tới bắt ai chứ không ai hỏi sắp nhỏ dạo này khỏe không. Nghe nó không phải là cuộc sống, mà nó giống địa ngục.
Thôi. Để tìm lại hơi thở cuộc sống, cho em lẩy Kiều phát: Rằng hay thì thật là hay – Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!
Nguồn: https://www.facebook.com/le.dung.98499/posts/10155431308827221