Trịnh Khả Nguyên
Gặp một việc khác thường, thấy ai hành động, nói năng kỳ quặc, người ta đánh một tiếng “ngụy!”. “Ngụy” là lạ, là sai so với “chính”. Không căn cứ vào cách gọi, chỉ nhìn thực tế, có người không “ngụy” mà hành động rất ngụy, ngược lại có anh bị cho là “ngụy” mà hành động không ngụy chút nào. Trong gia tộc có người (tự nhận) là thừa kế chính danh, nhưng lại không bảo vệ di sản ông bà, đã thế còn mưu toan bán của “hương hỏa”. Đấy là kẻ phá gia chi tử chứ chính danh, chính phận gì.
Một người có đứa con nhỏ bị bệnh “tim bẩm sinh” nặng. Các bác sĩ cho biết phải mổ, nhưng ca này khó, tốn kếm nhiều và kết quả thì không nói trước được. Rất may, lúc đó có phái đoàn chuyên gia y tế tim mạch của “Đông-Tây Hội Ngộ” (East Meets West) đến khám chữa bệnh miển phí. Cách mổ xẻ, chữa trị thế nào là lĩnh vực y học, gia đình làm sao biết được, chỉ tấm tắc họ giỏi, làm việc hết mình, máy móc hiện đại, và mừng nhất là cháu thoát bệnh. Ở đây không nói về tổ chức trên, ai muốn tìm hiểu xin “lên mạng”. Nhưng có điều, nhiều người đang chờ “Đông-Tây Hội Ngộ”, mong được như trường hợp vừa kể.
“Đông Tây Hội Ngộ” không phải là thuốc Tây gặp thuốc Bắc mà rộng hơn là văn hóa (khoa học, giáo dục, y tế, pháp luật, kinh tế…) của hai “phương” gặp nhau.
Về kinh tế, Việt Nam yêu cầu các đối tác Âu Mỹ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường (1). Về tư pháp, Mỹ hứa sẽ giúp Việt Nam cải cách tư pháp. Ngày 03.10.2017 tại Hà Nội có buổi Hội thảo Việt-Mỹ về vấn đề trên.
Trong phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trịnh Xuân Toản, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, nhấn mạnh “Cải cách tư pháp là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Việt Nam để xây dựng một nhà nước pháp quyền và Việt Nam đã ban hành Chiến lược cải cách tư pháp từ năm 2005 với mục tiêu nền tư pháp trong sạch, dân chủ, nghiêm minh.”
Nhưng lâu nay một số người lại cho rằng các tư tưởng Tây phương, không phù hợp với Đông phương.
Thế mới ngụy!
baomoi.com 22.9.2017 bài Đằng sau gánh nợ khủng 38.000 tỷ của Vinachem (mới nhất là hơn 40.000 tỷ) có đoạn: “Một số đơn vị khác của ngành hóa chất cũng ghi nhận mức nợ lớn như Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao nợ 696,5 tỷ đồng; Công ty CP Phân bón miền Nam nợ tổng cộng hơn 413 tỷ đồng; Công ty Công nghiệp cao su miền Nam nợ hơn 1.360 tỷ đồng; Công ty CP Pin Acquy miền Nam nợ hơn 920 tỷ đồng. Về nợ dài hạn, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc có khoản nợ lên tới 7.480 tỷ đồng; DAP Vinachem nợ 205 tỷ đồng, Công ty CP DAP số 2 Vinachem nợ hơn 2.853 tỷ đồng trong khi Công ty mẹ – Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng đang nợ dài hạn hơn 6.962 tỷ đồng”.
Chữ nổi bật trong đoạn trên là “nợ”. Công ty này nợ, công ty kia nợ, công ty nọ nợ, công ty mẹ nợ, công ty con nợ, nợ hàng trăm, nghìn, chục nghìn tỷ.
Thiên hạ đang bị dị ứng với “Vina”. Đã Vinalines, Vinasun, Vina này, Vina kia chưa chán sao? Lại “Vina” nữa, khổ quá giời ạ.
… “Chưa chán ru mà quấy mãi đây?
Nợ nần dan díu bấy lâu nay…” (Nguyễn Công Trứ)
Vinachem khi hình thành chắc chắn phải theo qui trình (lên kế hoạch, phương án có thẩm duyệt, phản biện, lập hội đồng điều hành, làm tờ trình xin phê duyệt, xin kinh phí). Trong các buổi tổng kết (rình rang) cuối kỳ, cuối khóa, cuối năm, không thể thiếu doanh thu đạt và vượt, ngọn cờ đầu, góp phần làm tăng trưởng GDP, sản phẩm đạt chất lượng có thể cạnh tranh với hàng hóa cùng chủng loại trong khu vực và trên thế giới, v.v. Tóm lại là toàn “lãi với giun”. Và quan trọng là tiền thưởng khủng sau các lễ kia. Bây giờ tự nhiên báo lỗ 40.000 nghìn tỷ. Thánh thần ơi!
Kinh doanh kiểu trời mưa có đất chịu, làm ăn thua lỗ thì có (tiền) nhân dân trả nợ.
Thế mới ngụy!
Còn bằng cấp?
Thanh Niên có bài Nghịch lý giáo sư/phó giáo sư: Sững sờ trước những con số, phỏng vấn giáo sư Hoàng Xuân Phú: “GS Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng những con số mà Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã công bố khiến bất kỳ nhà khoa học thực thụ nào cũng đều phải… sững sờ” (2).
Thực tình, không phải ai cũng có thể bàn về học hàm, học vị Giaos sư Tiến sĩ, vì nó quá cao. Nghe ai có “mác” giáo sư, phó giáo sư người ta bái phục, nghĩ (chắc) đó là nhân tài. Chỉ có các vị cùng học hàm, học vị mới nói chuyện với nhau. Và giáo sư Hoàng Xuân Phú thì sững sờ. Nhưng đến nay, chẳng nghe một vị nào có ý kiến gì. Hóa ra, cùng gọi là giáo sư tiến sĩ nhưng không phải ai cũng như ai, đúng là danh tương như thực bất tương như (tên như nhau, nhưng thực tài không như nhau).
Xin đọc thêm: Tiến sĩ giấy, Thạc sĩ tiền, nỗi buồn của chuyện sính bằng cấp (http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tien-si-giay-thac-si-tien-va-noi-buon-cua-chuyen-sinh-bang-cap-post180111.gd).
Đất nước, xã hội có nhiều tệ nạn, chịu nhiều nợ nần là điều đáng buồn, nhưng có nhiều người có bằng cấp thật cao mà cũng buồn sao?
Thế mới ngụy!
Đề cập “ngụy” nhớ đến “ngụy quân tử”, họ là những kẻ tiểu nhân cố làm ra quân tử (nôm na: kẻ xấu, ác, mưu mô muốn làm người tốt, hiền, thật thà). Kẻ “ngụy quân tử” thích “hào quang”, thích dùng những từ ngữ to lớn, thích “giỏi”, thích danh (phẩm hàm, bằng cấp). Sử sách còn ghi lại nhiều nhân vật là “ngụy quân tử” trứ danh. Dù sao thì chính họ cũng biết họ như thế nào, cho nên kẻ “ngụy quân tử” cố che giấu bản tính xấu của mình thật kỹ. Nhưng bản tính của con người như cây kim trong túi áo, một ngày “đẹp trời” nào đấy cái mũi nhọn sẽ thò ra. Kẻ nói dối thường nói trước sau bất nhất, bị sơ hở, do đó thiên hạ nhận ra là “nói láo, nói dóc”.
Một “ngụy quân tử” tầm tầm, không danh không phận thì không nguy hiểm, chỉ bị người ta không ưa, không chơi với. Nhưng nếu kẻ đó có vị thế cao, đang điều hành thì rất nguy hiểm, vị thế càng cao, quyền điều hành càng lớn thì nguy hiểm càng lớn.
Ngụy quân tử luôn trí trá, dùng thuật chứ không dùng luật. Thời buổi nào, xã hội nào cũng có những hạng người này. “Con chồn tinh quái” trong truyện cổ tích của Linh Bảo là một tay rất mưu kế, chơi với ai cũng muốn “ăn” người. Nếu thắng, hắn cười khẩy đối phương và tự cho mình khôn ngoan. Nếu bị “bắt bài” hắn cười dễ dãi cầu hòa, kể lể rằng hai phía vốn có họ hàng với nhau, nếu không từ đời ông tổ thì từ đời ông cố, nếu không bà con bên nội thì bên ngoại, nếu không dây mơ rễ má bên chồng thì bên vợ. Nay (vì lợi ích chung) phải khôi phục lại tình bà con. Nhưng trong bụng thì nuôi mưu chờ cơ hội. Dân gian gọi là “cáo già”.
Nhân nói về “ngụy tặc” có người cho biết bộ Lịch sử Việt Nam, vừa xuất bản, khi viết về chính quyền miền Nam, có điểm mới, không dùng chữ ngụy quyền Sài Gòn mà dùng chữ Việt Nam Cộng hòa. Nhưng ông PGS.TS Trần Đức Cường, cựu Viện trưởng Viện Sử học, cũng là Tổng chủ biên bộ sách này thì nói: “Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả… Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền” (3).
Có người cho rằng “bộ” này vĩ đại lắm. Còn Tiền Phong với bài Bộ sách Lịch sử Việt Nam có gì ồn ào? trả lời gọn “chẳng có gì đáng ồn ào”, dựa theo các ý kiến của các vị có kiến thức về sử. “TP – Không ít độc giả bày tỏ sự háo hức với bộ sách “Lịch sử Việt Nam”, gồm 15 tập, dày gần 10.000 trang, bao quát nền lịch sử nước nhà từ khởi thủy đến năm 2000, do Viện Sử học Việt Nam biên soạn. Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng, những vấn đề được “quảng cáo” là mới trong bộ sử này không có gì mới, không đáng ồn ào”. (4)
“Hồi ngụy” cùng học một lớp, có anh con ngụy, có anh con dân thường, có anh cha tập kết ra Bắc. Nhưng việc đó không ảnh hưởng gì tới học hành thi cử.
Sau này họ hay tổ chức “gặp mặt bạn học”. Một lần, liên hoan xong họ rủ nhau đi “karaoke”. Vào phòng, có anh lo hát, có anh đang tìm bài quen trong danh bạ. Nhưng có một anh thấy em tiếp viên dễ thương bèn “vui vẻ” hơi quá. Chuyện này bây giờ quá bình thường, chứ chẳng mất phẩm chất đạo đức gì, nhưng người con gái chắc mới vào “nghề” hơi ngượng, vùng vằng:
-Anh này ngụy quá à!
-Không, anh đâu phải “ngụy”. Chàng ta đáp lại.
Không “ngụy” mà ngụy, “ngụy” mà không ngụy.
Thế mới ngụy!
T. K. N.
Chú thích:
(2) http://thanhnien.vn/giao-duc/nghich-ly-giao-su-pho-giao-su-sung-so-truoc-nhung-con-so-824619.html
(3) http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41068345
(4) http://www.tienphong.vn/van-nghe/bo-sach-lich-su-viet-nam-co-gi-on-ao-1181371.tpohttp://
Tác giả gửi BVN.