Anh Đào
BVN chuyển tới bạn đọc bài viết này, kèm status của FB Đào Tuấn, cũng về bài viết này: “Đừng khóc cho số 4 Thuỵ Khuê. Các cụ có còn nhớ phim “Sống cùng lịch sử” không”? Ôi cái phim 21 tỉ tiền thuế ấy “không bán nổi một vé”! Các cụ có biết hãng phim lừng danh làm ăn như nào không? Ôi năm nào nó cũng lỗ chỏng gọng. Mà làm phim cúng cụ thế không lỗ mới lạ. “Vietnam war”, cái phim đang nghẽn mạng ấy có chi phí là 30 triệu Trump, nhưng không một xu tiền thuế. Xem “phim nhà người ta” mà thấy nực cười cho trò đấu tố nhân danh văn nghệ sĩ. Đã đành mấy “thằng buôn đất” kia thối cũng không kém, nhưng việc quái gì mà phải than khóc hay bức xúc cho mấy ông chuyên cơm cúng. Tiết kiệm nước mắt và bức xúc đi. Hãy dành chúng mà khóc than cho chính tiền thuế của các cụ, của tôi. 21 tỉ sống cùng lịch sử. Có biết 21 tỉ nhiều thế nào cho một mâm cỗ cúng mà thằng được cúng cũng chẳng thèm xơi không, các cụ?”.
Bauxite Việt Nam
Câu chuyện cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam đang đến hồi… đấu tố. Các văn nghệ sĩ chửi không thương tiếc chuyện “các ông chỉ là người buôn đất”.
Nhưng trong chiều hướng ngược lại, những người dân đóng thuế có quyền hỏi: Tại sao chúng tôi phải trả thuế nuôi các anh chị, chỉ để ra đời những bộ phim chỉ bán được vài vé?
“Không bán nổi một vé” là cách mà báo chí nói về bộ phim “Sống cùng lịch sử”. Tất nhiên đó chỉ là một cách nói về một sự thật cũng chẳng khác mấy. Năm 2014, bộ phim 21 tỉ bạc này làm cháy báo, cháy mạng (chứ không phải cháy vé). Nguyên do, dù luôn được chiếu trong khung giờ ưu tiên như 10h, 19h30, 20h tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, dù giá vé chỉ 40.000 – 50.000 đồng nhưng rạp phải thường xuyên hủy chiếu vì không có khán giả.
Những dòng tít “không bán nổi một vé” đã khiến đạo diễn Nguyễn Thanh Vân khi ấy rất giận dữ và cho rằng truyền thông “thiếu thiện chí”. Tất nhiên, ông cũng chẳng nói không bán nổi một vé thì bán được… mấy vé. Và cái văn rất quen, giống y như chuyện cổ phần hóa hãng phim bây giờ, là chuyện “tâm huyết”, “nỗ lực”, “công sức” lại được đưa ra.
Đành rằng các nghệ sĩ có tâm huyết, nỗ lực nhưng kết quả là cho ra những bộ phim chẳng mấy ai xem. Không ai xem cũng chẳng chết ai. Và được trả bằng 21 tỉ đồng tiền thuế.
Nói thật với các nghệ sĩ, tiền ấy là tiền mồ hôi nước mắt của dân.
Hãy thử thuyết phục những người đóng thuế về lí do tồn tại một hãng phim thua lỗ, tiêu tiền thuế của dân, với những bộ phim không có khách. Con số đây: năm 2015 hãng lỗ hơn 7 tỉ đồng, năm 2016 lỗ 11 tỉ, nửa đầu năm 2017 lỗ 4,7 tỉ.
Và còn thực tế này nữa: “Một số đối tượng cứ xem mình là nghệ sĩ, nhưng nhiều năm qua không có sản phẩm gì mà vẫn được hưởng lương và bảo hiểm xã hội. Nhiều người không làm gì vẫn được đóng bảo hiểm và chính họ là những người góp phần làm hãng phim nợ mấy chục tỉ” (lời ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Vận tải thủy Vivaso – đơn vị mua lại Hãng phim truyện Việt Nam).
Cổ phần hoá có phải là “cướp có môn bài” mảnh đất vàng kia không, còn phải chờ thời gian trả lời. Nhưng cái không phải cần thời gian là sự tồn tại của một hãng phim thua lỗ, làm phim không ai xem.
A.Đ
Nguồn: https://laodong.vn/dien-dan/tai-sao-chung-toi-phai-tra-thue-de-lam-phim-khong-ai-xem-565829.ldo