Có nên dựng một “ngôi nhà sách cấm VN’’?

Từ Thức

image

Parthenon of Books ở Kassel, Đức

Có nên dựng một “ngôi nhà sách cấm VN”, như ngôi đền Parthenon of Books ở Kassel, Đức Quốc? Một ngôi nhà, theo đúng khuôn mẫu của đền Parthénon, Hy Lạp, nhưng được “xây cất” với 100. 000 ấn bản của những cuốn sách bị kiểm duyệt trên khắp thế giới.

Kassel (Cassel) là một thành phố nhỏ, cách Berlin 4,5 giờ xe hơi, có trường đại học, được biết tới về cuộc triển lãm (năm năm một lần) về nghệ thuật hiện đại. Đặc biệt năm nay có Parthenon of Books, ngôi đền sách, của Martha Minujinn. Một sáng kiến tuyệt vời để vinh danh những tác giả đã bị cấm, bị đe dọa, bị tù đày, bỏ mạng vì tự do tư tưởng. Để nhắc nhở mỗi người là quyền tự do ngôn luận luôn luôn và vẫn còn bị đe dọa.

100 ngàn cuốn sách

image

image

Parthénon là ngôi đền nổi tiếng, chế ngự Athènes (địa danh, tên người trong bài này viết theo tiếng Pháp), thủ đô Hy Lạp, xây cất từ gần 500 năm trước Thiên Chúa giáng sinh, được coi là tiêu biểu của dân chủ Hy Lạp và thế giới.

Bà Minujinn, người Argentine, xây lại ngôi đền bằng những thanh sắt, theo đúng khuôn mẫu đền Parthénon (10m chiều cao, 70m chiều dài, 30m chiều rộng). Những cuốn sách được gói trong bao nylon để tránh mưa, nắng, phủ đầy mái đền và 46 cây cột lớn.

Đó là 100.000 ấn bản của 17.000 cuốn sách đã từng bị cấm, do dân chúng khắp nơi gởi về sau lời kêu gọi của Martha Minujinn. Từ Thánh Kinh tới Gatby Le Magnifique – [Gatby đại gia](1), Les Versets Sataniques Bauxite Việt Nam [Những vần thơ quỷ sa-tăng], từ Lewis Caroll tới Soljenitsyne, Rushdie Salman.

image

Đền sách cấm đã mở cửa cho công chúng từ tháng Sáu tới 17/09/2017; sau đó sẽ được gỡ đi; sách sẽ phân phát cho dân địa phương và du khách.

Đền sách cấm đã được xây ngay tại nơi trước đây Hitler đã ra lệnh đốt sách của các tác giả Do Thái (1933)

Một ngôi đình sách cấm?

Có nên dựng một đền, hay chùa, hay đình sách bị cấm, bị đốt, bị kiểm duyệt ở VN để tưởng nhớ những tác giả đã từng bị hành hạ, bị cầm tù hay bỏ mạng, vì tự do tư tưởng, tự do ngôn luận? Nếu không có phương tiện để làm lớn như Parthenon of Books, có thể làm một ngôi nhà khiêm nhượng hơn. Nếu chưa làm được ở trong nước, có thể làm tại hải ngoại.

Đã đến lúc người Việt nên chú tâm đến những phương thức truyền thông mới, để các hoạt động của mình hữu hiệu hơn.

Thay vì, hay bên cạnh những cuộc hội thảo bỏ túi, lẩn quẩn những khuôn mặt quen, nên nghĩ tới những hình thức truyền thông độc đáo, nẩy sinh từ sáng kiến của mỗi người, để lôi cuốn quần chúng. Nhất là giới trẻ.

Chỉ một cái Kim tự tháp bằng kiếng do kiến trúc sư Ming Pei xây ở bảo tàng viện Louvre (Paris) đã mang tới cho Louvre hàng triệu du khách, trước đó chưa bao giờ đặt chân tới một bảo tàng viện.

Một ngôi Đình Sách Cấm VN sẽ mang tới bao nhiêu người ngoại quốc, hay những người trẻ không biết gì về đất nước?

Đó cũng sẽ là nơi tụ họp, thảo luận, triển lãm để giải thích về bộ mặt thực của chế độ Cộng sản ở VN. Là cơ hội cho giới trẻ khám phá Nhân văn Giai phẩm, Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Côn… hay hàng trăm ngòi bút khác, nạn nhân của Cộng sản, những chiến dịch đốt sách, tiêu diệt các tác giả ở VN

Hình ảnh nói nhiều hơn diễn văn. Một ngôi đền sách, hay đình sách cấm, chắc chắn sẽ là phương tiện khai dân trí và truyền thông hữu hiệu hơn một ngàn bài diễn văn.

70.000 sách cấm

Trên lịch sử thế giới, có 70.000 cuốn sách đã bị cấm. Đó chỉ là thống kê những cuốn sách nổi tiếng. Nếu kể cả những cuốn sách gần như vô danh hay chỉ có tầm vóc địa phương, con số đó sẽ lớn gấp bội. Chỉ riêng ở VN, đã có bao nhiêu sách bị cấm, bị đốt. Bao nhiêu tác giả bị gởi đi cải tạo, nằm tù, bỏ mạng?

Danh sách những tác giả có tác phẩm bị cấm dài không dứt. Homère, Diderot, Molière, Joyce, Kundera… Người ta có đủ lý do để cấm đoán, kiểm duyệt. Gallilée, Copernic vì những khám phá khoa học. Orwell, Huxley, Soljenitsyne vì chống chế độ toàn trị. Flaubert (Madame Bovary – [Bà Bovary]), Beaudelaire (Les Fleurs du mal – [Những bông hoa ác]), Nabokov (Lolita), vì lý do luân lý. Voltaire, Hugo vì đề cập tới nhân quyền…

Trong số những tác phẩm đã từng bị cấm có cả L’Encyclopédie – [Bách khoa toàn thư] của Diderot, Les Misérables – [Những người khốn khổ] (Hugo), Les voyages de Gulliver – [Những cuộc phiêu du của Gulliver] (Swiff), Sherlock Holmes (Doyle), Les Seigneux des Anneaux – [Chúa tể của những chiếc nhẫn] (Tolkien), L’appel de la Forêt – [Tiếng gọi của rừng thẳm] (London), Les Raisin de la colère – [Chùm nho nổi giận] (Steinbeck), Frankenstein (Shelley), Ulysse (Joyce), La case de l’oncle Tom – [Túp lều của bác Tôm] (Stower).

Lạ hơn nữa, những sách viết cho trẻ em: Alice au pays des merveilles – [Alice ở xứ sở thần tiên] (Carroll), Harry Potter (Rowling) hay Robin des Bois – [Robin của núi rừng, tiếng Anh là Robin Hood].

Paris 30/08/2017

T.T.

Tác giả gửi BVN

(1) Những tên sách dịch sang tiếng Việt là do BVN tạm dịch để bạn đọc trong nước tiện tham khảo.

This entry was posted in văn hoá. Bookmark the permalink.