Quy định 90-QĐ/TW: Vỏ Mác – Lê – ruột Đại Hán?

Trần Minh Thảo

“Tiêu chuẩn với 4 chức danh chủ chốt trong ĐCSVN” của ĐCSVN là khẳng định chính trị rất hùng hồn với người Việt và toàn nhân loại: Việt Nam không phải là quốc gia do người dân làm chủ, bộ máy cai trị do một người nắm giữ” – đó là câu kết của bài viết này.

Bauxite Việt Nam

Vỏ Mác – Lê: tên gọi của đảng vẫn là “Đảng Cộng sản Việt Nam” (ĐCSVN). Ruột Đại Hán: lộ rõ trong quy định tiêu chuẩn 4 chức danh chủ chốt, chủ yếu là chức danh Tổng bí thư (TBT), về cách “truyền ngôi”: thiên tử – truyền hiền trong huyền thoại Nghiêu Thuấn của Trung Hoa.

1- Thiên tử – Truyền hiền?

7 tiêu chuẩn của TBT đảng chỉ siêu nhân, thiên tử mới hội đủ. Thực hành việc truyền ngôi trong đảng đúng với huyền sử Trung Hoa: truyền hiền (giới thiệu người kế nhiệm). Huyền sử Nghiêu Thuấn nói Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn, Thuấn truyền ngôi cho Vũ vì các vị này là con trời (thiên tử). Truyền ngôi không theo huyết thống gọi là truyền hiền. Từ nhà Hạ trở đi truyền ngôi cho con (truyền tử) vì  con vua cũng là con trời. Khổng Tử đề cao cách chọn “con trời” và “truyền hiền” của Nghiêu, Thuấn. Nhưng tiêu chuẩn xem xét ai là con trời để truyền ngôi cho thì bất định dù đó là mơ ước mấy ngàn năm của người Hán (xã hội Nghiêu Thuấn). Nay đã có 7 tiêu chuẩn.

Có thể nói 7 tiêu chuẩn TBT của ĐCSVN đã xác định ai là “con trời”, “hiền nhân” và TBT trước giới thiệu TBT sau là cách thức “truyền hiền”. “Thiên tử”, “truyền hiền” là mơ ước của người Hoa thời cổ đại đã được ĐCSVN quy định bằng văn bản cụ thể.

Ai là  “thiên tử”? Làm thế nào để “nhận dạng” ai có đủ 7 tiêu chí cho chức danh TBT đảng? Rất đơn giản, TBT nhiệm kì trước gán cho, giống Nghiêu nói Thuấn, Thuấn nói Vũ là “thiên tử” rồi truyền ngôi cho.

2- Nhất trụ hay tứ trụ?

Các vị trí chóp bu trong quyền lực cai trị ở Việt Nam có khi được gọi là “tứ trụ triều đình”: TBT đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Cách gọi này coi 4 chức danh trên ngang nhau về quyền lực. Quy định 90-QĐ/TW khẳng định chỉ có một là TBT đảng, 3 chức danh kia chỉ là người giúp việc (đầy tớ ?) của TBT (thiên tử). TBT có quyền “xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm”. Ba vị trí kia không có quyền này vì một nước không thể có 4 vua (vua tập thể). Huyền sử chính trị Đại Hán thời hái lượm, đồ đá đã được hai đảng anh em Hán, Việt vận dụng rất bài bản, cả hai cũng đang tìm vị nào là “thiên tử” để truyền ngôi. Chưa có “thiên tử” thì chưa truyền ngôi, vua cũ vẫn tại vị. Cũng cần thấy có hai nước cộng sản khác đang áp dụng phương thức “truyền tử”: Bắc Triều Tiên và Cuba.

3- Cần thì không có.

Nhân loại văn minh thì “chọn vua” cách khác. Các đảng chính trị chọn, giới thiệu “nhân tài” cho xã hội chọn lựa bằng cuộc phổ thông đầu phiếu đa đảng. Cách làm đó gọi là “dân chủ đa đảng”. Các “nhân tài” này cọ xát nhau nảy lửa để người dân thấy ai tài giỏi hơn và dồn lá phiếu cho người đó lên “làm vua”, mà cũng chỉ làm vua trong 4-5-6 năm, có người “mất ngôi” sớm hơn.

“Tiêu chuẩn với 4 chức danh chủ chốt trong ĐCSVN” của ĐCSVN là khẳng định chính trị rất hùng hồn với người Việt và toàn nhân loại: Việt Nam không phải là quốc gia do người dân làm chủ, bộ máy cai trị do một người nắm giữ.

T.M.T

(Tác giả gửi BVN)

Phụ lục: Tiêu chuẩn với 4 chức danh chủ chốt trong Đảng Cộng sản Việt Nam

https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/17543/tieu-chuan-voi-04-chuc-danh-chu-chot-trong-dang-cong-san-viet-nam

Tổng bí thư

– Phải là người có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng.

– Là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

– Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng; có trình độ cao về lí luận chính trị, xây dựng Đảng.

– Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…

– Có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc.

– Có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm.

– Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kì trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).

Chủ tịch nước

– Phải là người có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng.

– Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp.

– Là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước.

– Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

– Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trong một nhiệm kì trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).

Thủ tướng Chính phủ

– Phải là người có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng.

– Có năng lực nổi trội trong hoạch định chiến lược; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp.

– Có khả năng hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế – xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế.

– Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lí, chỉ đạo, điều hành cơ quan hành chính nhà nước.

– Có khả năng cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

– Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kì trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).

Chủ tịch Quốc hội

–  Phải là người có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng.

–  Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.

–  Có năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc chỉ đạo thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và bảo đảm mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân.

–  Có khả năng hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.

–  Có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

–  Đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kì trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.