Mất điện là tại ông giời, sử dụng than trong nước thì phí nên phải xuất khẩu, còn thiếu điện thì nhập than kém chất lượng hơn về làm, những tỉnh giàu tài nguyên lại thuộc loại nghèo nhất nước… những nghịch lý của Phát ngôn Hành động tuần này không khỏi khiến ta phải day dứt suy nghĩ.
Dân kêu giời là kêu… đúng chỗ!
Đầu tuần, dân TP HCM sau một ngày làm việc mệt mỏi đã có thời gian nghỉ ngơi bất đắc dĩ trên đường cả tiếng đồng hồ. Lý do chỉ đơn giản là hàng loạt đèn tín hiệu trên đường Điện Biên Phủ đột nhiên biến mất do sự cố đường dây tại trạm điện Đa Kao. Nghĩa là hoàn toàn do… khách quan và người dân phải hiểu như thế và phải thông cảm cho thành phố chứ.
Một ngày sau, đến lượt người dân Hà Nội dở khóc dở cười vì các đường phố, nhà dân bất chợt tối om gần cả tiếng. Lý do đưa ra còn khách quan và hợp lý hơn: trục trặc kỹ thuật của hệ thống! Dĩ nhiên, người dân phải hiểu như thế và cũng phải thông cảm cho thành phố của mình chứ.
Nhớ lại mới tuần trước thảo luận hội trường Quốc hội về kinh tế xã hội, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) “phê” ông điện lực quá ưu ái các vùng gây nhiều áp lực như Hà Nội, TP HCM, dồn việc thiếu điện về cho các địa phương khác. Có thể ông điện lực nghe thấu ý này nên đã “sửa sai” một chút cho các đại biểu biết thế nào là mất điện ở Hà Nội và TP HCM, đặc biệt là cho dân ở 2 thành phố này biết thân!
Dĩ nhiên là người dân biết và biết từ lâu cái thân mình khốn khổ thế nào khi mất điện giữa lúc nắng nôi nóng nực rồi. Ấy thế nhưng, nóng vì mất điện còn dễ chịu hơn cái nóng mặt khi nghe Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng giải thích về chuyện thiếu điện triền miên, rằng “Chưa năm nào chúng ta chịu tình cảnh sản xuất điện như những năm gần đây, luôn có hạn hán và nóng kéo dài. Trong khi nước của chúng ta đã ít mà đầu năm chúng ta đã phải xả để phục vụ cho tưới nông nghiệp, nếu không, chắc chắn là tình hình ngành điện sẽ khá hơn“, rồi thì “Nếu từ tháng 6 trở đi, tình hình nước vào mùa mưa được cải thiện hơn thì chúng ta có thể giảm được những khó khăn về điện“.
Nhân khi đổ lỗi cho trời chưa mưa to bão lớn để ngành điện có dư nước sản xuất điện phục vụ lợi ích quốc gia và phục vụ dân, ngài Bộ trưởng cũng đã dạy dân phải tích cực hưởng ứng tham gia cuộc vận động “sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm”. Nghĩa là thiếu điện cũng do lỗi cả ở dân nữa, ông giời và người dân làm thiếu điện chứ “ông điện lực” làm thế đã là hết sức rồi.
Đúng quá còn gì nữa, các đại biểu Quốc hội và người dân phải hiểu và chỉ được hiểu thủ phạm khiến dân khổ sở vì mất điện là…ông trời chứ đâu phải là “ông điện lực” mà bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào mất điện cũng kêu toáng lên là do “ông điện lực”. Dân kêu giời là đúng phóc rồi nhưng kêu ca cả ông điện lực nữa là rất không đúng chỗ! Ông giời không mưa to bão lớn thì điện chỉ có thế thôi, kêu ca quá lắm nhỡ “ông điện lực” cắt béng sản xuất nông nghiệp để “pát xê” sang điện sinh hoạt thì mùa sau có mà đói nhăn răng. Chịu nóng hay chịu đói đây, các đại biểu Quốc hội và người dân tự chọn và ráng mà chịu nhé. Nói trước thế để đến cuối tháng 6 này, theo lời hứa của ngài Bộ trưởng là sẽ tạm đủ điện, nhỡ ông giời mưa ít, bão nhỏ, lũ nhỏ hơn mọi năm thì ai cũng phải tự hiểu chứ đừng bắt tội “ông điện lực” giải thích đi giải thích lại mãi một điều đơn giản như thế nữa.
Đã bao năm rồi, làm gì có cách giải thích khác? Đây là bài toán chỉ có một nghiệm duy nhất mà thôi. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…
Giá mình nghèo tài nguyên thì đã giàu như… Nhật Bản?
Bộ trưởng Hoàng còn khẳng định “Nhân dân không sợ thiếu (điện) mà chỉ sợ không công bằng, không minh bạch“. Công bằng và minh bạch ở đâu thì dân chưa hiểu nhưng cúp điện ngang xương rồi đổ lỗi do ông trời thì đúng là người dân sợ lắm rồi, thưa Bộ trưởng.
Bộ trưởng lại bảo từ 2015 sẽ phải nhập khẩu than (theo Bộ trưởng là chất lượng thấp hơn than của chúng ta đang xuất khẩu) để sản xuất điện, trong khi hiện tại ta đang miệt mài xuất khẩu than (có chất lượng cao hơn), cả chính ngạch lẫn xuất lậu qua biên.
Bộ trưởng giải thích rằng “sử dụng than trong nước thì phí!” nên chúng ta bán than chất lượng cao, nhập khẩu than chất lượng kém, số tiền chênh lệch dư dôi ấy dành làm khối việc có ích cho dân, cho nước. Không biết những nước nhập than của ta về để làm gì? Bởi có lời đồn có quốc gia còn đào đất lên chôn than xuống để dự trữ! Mừng cho nước bạn biết… lo xa.
Nói chuyện than, không thể không nhắc đến những phát ngôn “xót xa” trong và ngoài nghị trường khi thảo luận để sửa đổi Luật khoáng sản. “Tôi có một trăn trở là không hiểu tại sao Cao Bằng có nhiều khoáng sản vào loại nhất nước nhưng cũng là một trong các tỉnh nghèo nhất“, câu hỏi của ĐBQH Cao Bằng Triệu Sĩ Lầu đã có giải đáp trong phát biểu của TBT Nông Đức Mạnh với tư cách ĐB Thái Nguyên “Luật sửa thế nào cũng phải theo nguyên tắc nơi nào có khoáng sản, đời sống của dân phải tốt hơn. Chứ không phải họ đang sống yên lành thì chuyển họ đi nơi khác, biến thành nghèo khổ và mang hết tài nguyên đi“.
Người dân không được hưởng thì rõ rồi, tỉnh không được hưởng cũng… rõ rồi, nhưng tiền khai thác khoáng sản vào túi ai? Túi của những người được cấp mỏ để khai thác hoặc chuyển nhượng, túi của người được quyền cấp mỏ (thông qua việc chạy dự án, như khẳng định của bà Mã Thị Ình, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình), hay túi của… nước ngoài!!!
Tổng Bí thư đã thẳng thắn thừa nhận “Tôi cũng không thành công trong quản lý khai khoáng” khi là Bí thư tỉnh ủy Bắc Thái, còn bao nhiêu lãnh đạo khác thì sao? Như “bật mí” của Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên (ĐBQH Hà Nội) thì “Khai thác xuất khẩu cát là dễ “ăn” nhất, bao nhiêu Singapore mua hết. Năm ngoái rộ phong trào xuất khẩu cát. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì mỗi năm chúng ta mất một hòn đảo rộng 15 cây số vuông“. Lại một chữ nếu rất đáng lo lắng, có thật ta đã ngăn chặn kịp thời không? Và ngăn chặn chỗ này, biết đâu lại xuất khẩu chỗ khác trên cả dải đất hình chữ S này?
Tỉnh có nhiều khoáng sản là tỉnh nghèo, Việt Nam luôn tự hào có “rừng vàng biển bạc” cũng đang chịu phận là nước nghèo, không lẽ chẳng có cách nào để tránh được “Lời nguyền tài nguyên”. Nếu được có một điều ước, ta có nên ước mình nghèo tài nguyên để giàu có như Nhật Bản, Singapore… không nhỉ?
Bệnh thích to nhất, dài nhất, nhiều nhất?
Hình như, nước ta không chỉ giàu tài nguyên như ta luôn khẳng định, mà còn rất giàu “ước vọng” về những cái nhất. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) tổng kết thì “Chúng ta cái gì cũng thích “nhất”, đường sắt cao tốc cũng muốn dài nhất, tiền của vẫn cứ thoải mái đổ vào các dự án “hoành tráng” trong khi trẻ em vùng xa còn phải đu dây qua sông đi học hàng ngày“, rồi “Chi ngân sách ra rồi không hoàn thành nhiệm vụ, gây tốn kém Nhà nước, chẳng thấy ai bị kỷ luật, chẳng thấy ai từ chức, không thấy ai xin lỗi nhân dân“.
Thưa ĐB Nguyễn Minh Thuyết, nếu nói chuyện từ chức thì hình như người Việt Nam mình đâu có “văn hóa” này? Đó là văn hóa “ngoại lai”, ông đã quên mất truyền thống của nước mình rồi sao? Chẳng so sánh đâu xa, ngay trong Quốc hội của ông, chắc chắn không thiếu những ĐB không hoàn thành nhiệm vụ, bấm nút quyết định nhiều vấn đề chẳng vì lợi ích của người dân nhưng có thấy ĐB nào từ chức đâu?
Nhưng ai cũng sẽ đồng tình với ông, rằng bệnh “thích nhất” đang lây lan rất mạnh trong toàn xã hội. Cứ vài bữa lại nghe một cái gì đó lớn nhất, dài nhất, to nhất, nhiều nhất… từ đủ các cấp, các ngành. Đường sắt hiện đại nhất, Thủ đô lớn nhất, rồi ngôi chùa to nhất, bánh chưng khổng lồ, chai rượu khổng lồ…
Nói đâu xa, chính các ĐBQH khóa XI cũng đang vô cùng trăn trở, như lời Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh thì “Kỳ này Quốc hội toàn bàn những đại dự án: đường sắt cao tốc (56 tỷ USD), quy hoạch Hà nội (90 tỷ USD) cộng với điện hạt nhân, thủy điện Lai Châu, con số lên tới cả 200 tỷ USD. 50 năm nữa, những người ngồi đây đều thành đống tro tàn rồi, ai biết tương lai thế nào?“. Liệu có ngày nào nhìn lại, QH khóa XII thành QH quyết định… vay tiền nhiều nhất không nhỉ? Chắc chắn không ĐBQH nào muốn đạt kỷ lục nhất này rồi.
Giá cũng là thích nhất, nhưng ta phấn đấu là nước có người dân hạnh phúc nhất, có những công trình kiến trúc đẹp nhất (chứ không cần to nhất), hay Thủ đô Hà Nội có nhiều hồ nước nhất, thì hay biết mấy? Những cái nhất ấy chắc sẽ không tốn nhiều tiền của, không phải đi vay nợ tứ phương như bây giờ.
KL