Phải làm gì để trở thành lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam?

Hòa Ái

…không ít các chuyên gia chính trị đưa ra lập luận việc ban hành khung tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm mục tiêu giải quyết triệt để cuộc tranh giành và đấu đá quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản…

clip_image002

Giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam tại Đại hội Đảng lần thứ 12, tháng Giêng, 2016. Photo: AFP

Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam được cho là lần đầu tiên đưa ra những quy định tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Vì sao ban hành?

Truyền thông trong nước và các hãng thông tấn nước ngoài hồi trung tuần tháng 8 đồng loạt đăng tải thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao, thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo qui định thì họ phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực, không tham nhũng và quyết liệt chống tệ nạn quan liêu, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm cũng như không để người thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm trục lợi.

Bên cạnh những quy định mới như vừa nêu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn ký ban hành quy định về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên tinh thần cán bộ lãnh đạo phải tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng và của quốc gia, dân tộc, kiên định với chủ nghĩa Karl Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chính Minh cùng mục tiêu lý tưởng về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Reuters vào ngày 15 tháng 8 dẫn lời của một số nhà quan sát tình hình Việt Nam cho rằng quyết định của Bộ Chính trị là một sự cố gắng chống tham nhũng trong một chế độ chỉ có một đảng lãnh đạo và điều này được thực hiện từ khi nhóm bảo thủ trong đảng, vốn xem trọng vấn đề an ninh, chiếm được thế thượng phong từ năm ngoái đến nay. Tuy nhiên, dư luận trong và ngoài nước đặc biệt lưu tâm với thắc mắc vì sao người đứng đầu Đảng Cộng sản lãnh đạo lại ký ban hành khung tiêu chuẩn chức danh và tiêu chí đánh giá cán bộ vào thời điểm này. Đài RFA nêu vấn đề với Đại tá Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng Đại diện Báo Quân đội nhân dân, tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và được ông cho biết:

Theo tôi rất bình thường. Bởi vì khi nảy sinh những vấn đề thực tế lãnh đạo của xã hội thì buộc lòng nhà lãnh đạo phải đưa ra các quyết sách hoặc thậm chí đưa ra các quy định mới cho phù hợp. Trong bối cảnh này thì càng phải thận trọng, chọn lọc hay tìm ra những người có thể tin cậy để lãnh đạo thì đây là sự cần thiết, nhất là không để cho những người cơ hội hoặc bè phái đứng trong hàng ngũ lãnh đạo mà không có lợi đối với công tác phòng chống tham nhũng và phải thanh lọc làm sao cho trong sạch nội bộ thì phải chọn đúng người thôi. Ông Trọng trong cương vị Tổng Bí thư thì ông phải làm như thế vì nếu không thì ban lãnh đạo sẽ rối”.

Mặc dù Đại tá Bùi Văn Bồng khẳng định công tác tổ chức và công tác cán bộ phải song song với nhau và gắn liền với việc nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng trong tình thế thực tiễn, nhưng Đài Á Châu Tự Do ghi nhận không ít các chuyên gia chính trị đưa ra lập luận việc ban hành khung tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo cấp cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm mục tiêu giải quyết triệt để cuộc tranh giành và đấu đá quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản mà họ cho rằng đang đến hồi gay cấn. Từ Paris, Pháp quốc, cựu Đại tá Bùi Tín nói với RFA quan điểm của ông:

“Tôi nghĩ rằng thì đây có thể là một thủ thuật chính trị, một mưu đồ của ông Trọng để đi tới việc vận dụng những tiêu chuẩn đó nhằm loại bỏ nhóm này hay nhóm khác đang dự định tranh giành cái ghế Tổng Bí thư mà ông Trọng chỉ muốn duy trì vị trí Tổng Bí thư không những cho đến hết nhiệm kỳ này mà còn sang nhiệm kỳ sau nữa”.

Tác động thế nào?

Trong khi đó, chúng tôi cũng tiếp xúc với người dân khắp các tỉnh, thành Việt Nam để tìm hiểu xem họ đón nhận thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành khung tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng như phổ biến tin tức liên quan rộng rãi đến công chúng như thế nào và được cho biết họ không lấy làm lạc quan vì trong số khoảng 3 triệu đảng viên, thực chất mấy ai đạt đủ tiêu chuẩn đạo đức căn bản “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”; trái lại họ càng thất vọng do không có niềm tin rằng ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đủ bản lĩnh và tài đức để làm trong sạch nội bộ Đảng cũng như dẫn dắt quốc gia trở thành đất nước xã hội chủ nghĩa mà chính ông từng tuyên bố “đến hết thể kỷ này không biết Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”.

Những người dân mà Đài RFA tiếp xúc còn than phiền rằng dân chúng tại Việt Nam trong những năm vừa qua ngày càng bi quan hơn về viễn ảnh tương lai của đất nước khi bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản cồng kềnh và quan liêu ngày càng lún sâu không những trong tham nhũng tiền bạc, vật chất mà còn tham nhũng quyền lực.

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo điện tử VTC News, đăng tải vào ngày 15 tháng 8, xoay quanh chủ đề công tác phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đi vào giai đoạn khẩn trương và gấp rút nhất, nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhắc lại trong giai đoạn cách nay 10 thế kỷ vào thời kỳ Đại Cồ Việt, chỉ có 12 sứ quân đã làm loạn lạc và tan hoang đất nước và nhà báo Nhị Lê nhấn mạnh ông không thể hình dung ra được đất nước sẽ ra sao trong bối cảnh Đảng Cộng sản lãnh đạo xuất hiện tới cả hàng chục, thậm chí trăm “sứ quân” là các nhóm lợi ích.

H.A.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-to-do-to-become-a-high-ranking-leader-in-vietnam-ha-08182017141957.html

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.