Qua vụ Trinh Xuân Thanh: Nghĩ về một thói quen hành xử

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Cho đến hôm nay, những phản ứng dữ dội của Cộng hòa Liên bang Đức về thông tin nhà cầm quyền Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ của họ đã chứng minh cho mọi người rằng sự việc là có thật và hết sức nghiêm trọng. Cái gọi là “lấy làm tiếc” của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam vốn yếu ớt và trái ngược với thái độ cần có để khẳng định sự vô tội cũng như thiếu vắng sự hung hăng thường thấy của Việt Nam trong thái độ với “phe đế quốc, tư bản” đã gián tiếp chứng minh sự thật ở đâu.

Chẳng biết cái sự “lấy làm tiếc” đó nó sẽ giải quyết được gì khi Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói: “Trong mọi trường hợp chúng ta không thể dung túng cho một vụ việc như vậy được”“Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức vi phạm nghiêm trọng và chưa từng có luật Đức và quốc tế”“Chính phủ Liên bang Đức yêu cầu phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý”.

Còn Bộ ngoại giao Đức tuyên bố: “Hệ quả của vụ việc hoàn toàn không thể chấp nhận được này là đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức sẽ bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non grata) và có 48 tiếng để rời khỏi Đức”. Có lẽ, với Việt Nam, kể từ thời chiến tranh lạnh, chiến tranh với Trung Cộng phía Bắc đến nay, thì đây là một sự cố ngoại giao đủ lớn để làm rung động nhiều thứ trong xã hội.

Cũng có lẽ, nhiều người dân Việt Nam không hiểu được tầm mức của sự việc đến đâu, lợi gì hoặc hại gì?…

Tuy nhiên, để phần nào tìm hiểu điều đó, hãy nghe Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức như sau: “Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển”.

Và lời của Ngoại trưởng Đức, ông Sigmar Gabriel: “Chúng ta không thể trở lại tình trạng bình thường, làm như là không có chuyện gì xảy ra”.

Những câu hỏi nghi vấn

Sự việc xảy ra từ 23/7, thế nhưng hệ thống quan chức và báo chí đã im như thóc cho đến 30/7, khi trên mạng xã hội, nhà báo Huy Đức đã cho “rò rỉ thông tin” Trịnh Xuân Thanh đã về nước, làm sôi sục mạng xã hội. Thì oái oăm thay, người đứng đầu Bộ Công an vẫn nhơn nhơn trả lời: “Hiện nay, tôi chưa có thông tin gì”. Thế nhưng, khi biết sự việc không thể còn giấu kín thì chỉ một ngày sau, 31/7 báo chí rầm rập đưa tin “Trịnh Xuân Thanh về đầu thú” (!?).

Vậy có nghĩa là Bộ trưởng Công an đã lừa dối cả toàn thế đất nước? Lẽ nào những vụ việc như vậy mà người đứng đầu Bộ Công an lại không hề biết?

Còn nếu sự thật là ngay cả Bộ trưởng Công an cũng không được biết Trịnh Xuân Thanh đã ở trong nước, thì càng khẳng định điều mà dân gian vẫn đồn đoán xưa nay: Trong hệ thống nhà nước hiện có nhiều phe nhóm khác nhau theo kiểu sứ quân. Do vậy mà việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về nước là việc của nhóm nào đó không phải của nhóm thuộc Bộ trưởng Công an. Hoặc ngược lại Bộ trưởng Công an là nhóm thực hiện nhưng muốn giấu kín thông tin…

Dù theo hướng nào, thì người dân Việt Nam cũng một lần nữa có dịp kiểm chứng lại lòng tin vốn đã ít ỏi, lại hao hụt theo thời gian bởi quá nhiều sự việc giữa lời nói và việc làm từ các quan chức nhà nước Cộng sản.

Nhưng, ở đây chưa tìm hiểu về vấn đề đó, chúng ta thử giải mã vì sao nhà cầm quyền Việt Nam lại thực hiện điều này và họ có lường được cơ sự sẽ như thế này không?

Điều người ta thấy khó hiểu là việc bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh bằng mọi giá có phải thực chất là nhằm chống tham nhũng? Nếu ai đã từng theo dõi quá trình gọi là “chống tham nhũng” ở Việt Nam vài ba chục năm nay, thì sẽ hiểu được ngọn nguồn cái gốc và cái ngọn của công cuộc này là gì, và quan chức Việt Nam chống tham nhũng ra sao.

Cũng như Việt Nam đâu chỉ có mỗi Trịnh Xuân Thanh tham nhũng mà thôi?

Nếu điểm danh những gương mặt cán bộ, lãnh đạo từ nhỏ đến lớn ở Việt Nam với một câu hỏi đơn giản: Họ lấy tiền đó từ đâu? Trong các hoạt động công khai lẫn riêng tư, thì người dân ta sẽ tự trả lời được hệ thống tham nhũng ở Việt Nam lớn mạnh và hùng hậu đến mức nào.

Chẳng hạn, khi nhìn cơ ngơi đồ sộ và lộng lẫy huy hoàng của cựu TBT Nông Đức Mạnh, người ta tìm câu trả lời cho câu hỏi: Từ một anh chàng người dân tộc, học hành chẳng được bao nhiêu, chắc chắn cha ông không để lại của cải gì, xuống Hà Nội làm quan chức, lương bổng ông được bao nhiêu mà ông hết nhà nọ đến dinh thự kia lộng lẫy vàng son? Đó là tiền âm phủ hay tiền thật?

Chẳng hạn, người ta thấy Nguyễn Minh Triết dù đã về hưu vẫn ồn ào tặng tiền chỗ nọ, tặng nhà chỗ kia… Trong khi một ông cán bộ về hưu và quá trình làm việc cũng chỉ làm Chủ tịch nước, không đi buôn chổi đót cũng chẳng dán hộp các tông, lại càng không chạy xe ôm hay “là thêm đến thối móng tay” như các quan chức khác. Vậy tiền đó đâu ra?

Và bao nhiêu ví dụ ngút trời khác nữa.

Còn nếu có thể nói rằng đấy là cuộc chiến chống tham nhũng thật sự, thì ở đây lại cần đặt ra câu hỏi: Ai chống ai? Chính Nguyễn Phú Trọng, TBT Đảng CSVN đã thốt lên rằng đó là cuộc chiến “Ta đánh ta”. Phải lưu ý chữ “ta” ở đây, muốn ám chỉ rằng là các đảng viên cộng sản.

Và nếu cuộc chiến chống tham nhũng là có thật, thì chắc chắn cái lệnh khởi tố tại Tòa án khi xét xử Dương Chí Dũng mà anh ta khai ra việc hối lộ cả chục tỷ đồng cho quan chức Bộ Công an như Phạm Quý Ngọ, thậm chí có dính dáng đến cả Trần Đại Quang… chắc chắn đã không bị bỏ qua dễ dàng như thế.

Vậy thì lý do nào để nhà cầm quyền Việt Nam sẵn sàng làm một việc hết sức tổn hại đến mối quan hệ với một nước có vị trí hết sức lớn lao trên thế giới?

Hãy nghe Ngoại trưởng Đức nói: “Trong những năm vừa qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu trong quan hệ song phương. Thương mại và đầu tư đã phát triển nhanh chóng, quốc gia này đã ăn mừng những thành quả tăng trưởng to lớn, ở Việt Nam đang có nhiều dự án tốt và quan trọng về mặt chính sách phát triển. Vậy nên càng khó hiểu việc các cơ quan Việt Nam rõ ràng chấp nhận rủi ro đem vụ việc này lên bàn cược. Những gì đã xảy ra ở Berlin hồi cuối tháng 7 vừa qua là một gánh nặng rất lớn cho mối quan hệ Đức-Việt”.

Cần phải nói rõ rằng, qua những sự việc trên Biển Đông và các hoạt động ngay cả với “các nước anh em và bè bạn” – theo quan niệm Việt Nam – thì chưa có thời nào Việt Nam cô đơn như hiện tại. Thậm chí ngay cả những nước đã thề non hẹn biển là “ba nước Đông Dương anh em” như Lào và Campuchia cũng đã lần lượt rũ áo ra đi.

Vậy nếu tính về lợi ích đất nước, nhất trong hoàn cảnh này, thì chẳng có cuộc chiến nào, chẳng có một điều gì để xúi Việt Nam phá bỏ một mối quan hệ ngoại giao quan trọng đến như vậy với Cộng hòa Liên Bang Đức và sau đó là Liên hiệp Châu Âu, chứ chưa nói đến con “tép riu” Trịnh Xuân Thanh.

Lý giải hiện tượng: Thói quen côn đồ

Điều chỉ có thể lý giải ở đây là thói quen côn đồ đã ngấm vào não trạng và biến thành hành động của nhà nước Cộng sản Việt Nam. Với họ, việc bắt cóc, bất chấp luật pháp quy định là chuyện hết sức thường ngày. Đơn giản chỉ vì họ là cộng sản, họ là công an, là người nhà nước Việt Nam.

Điều này không chỉ một lần mà đã rất nhiều lần trước đây và cho đến hiện nay. Và điều này không chỉ đã thành chuyện thường trong nước và đang tiếp tục “xuất khẩu ra nước ngoài” loại công nghệ này.

Thói quen côn đồ muốn là bắt bất chấp luật pháp đã được nhà cầm quyền thực hiện tại Việt Nam như một phần tất yếu của quá trình hành xử với người dân. Có thể dẫn đến muôn vàn ví dụ gần xa để chứng minh điều này.

Mới đây, ông Lê Đình Lượng, một công dân bình thường tại Nghệ An, khi đến thăm bạn tại Hoàng Mai đã bị bắt một cách bí hiểm vào ngày 24/7/2017 mà không có bất cứ một quyết định hoặc giấy tờ hay quy trình luật pháp nào. Việc ông bị bắt cóc đã gây hoảng sợ cho gia đình và nhiều người dân. Sau khi đã bắt người, hôm sau báo chí mới được công an thông tin rằng: “Nhà chức trách đang hoàn tất thủ tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Lê Đình Lượng để phục vụ công tác điều tra theo quy định pháp luật”. Điều này đồng nghĩa với việc bắt Lê Đình Lượng khi chưa hề có vụ án nào được khởi tố, chưa có lệnh bắt tạm giam cũng như lệnh khởi tố bị can. Chỉ đơn giản là thích thì bắt. Thế thôi!

Trước đó, một nhà hoạt động xã hội là Hoàng Bình cũng đã bị công an Nghệ An chặn bắt khi đang đi trên đường. Khi bắt người, Công an Nghệ An đã dùng biện pháp của đám lục lâm thảo khấu là chặn xe và lôi người đi không có bất cứ một văn bản hoặc lệnh nào. Hài hước hơn là sau đó, nhà cầm quyền Nghệ An mới gửi đến báo chí một bản gọi là “Thông cáo báo chí” là đủ thay cho tất cả quy trình bắt người.

Ngay giữa thủ đô Hà Nội, nhiều người dân khi ra đường bị một nhóm côn đồ không có bất cứ một lệnh hoặc chẳng cần lời nào, cứ vậy xô đến bắt về đồn công an giam giữ đến khi chán thì… thả ra. Thậm chí hài hước hơn, nhiều người còn bị công an trá hình là côn đồ đánh đập, bắt giữ như chốn không người giữa đất nước “anh ninh và đáng sống”. Thậm chí các luật sư còn bị đánh túi bụi thâm tím mặt mày đến khiếp đảm vì “chạy xe gây bụi” ở “thành phố vì hòa bình” này.

Rất nhiều người thậm chí bị chặn đường, chặn ngõ và hành xử hết sức lỗ mãng bởi lực lượng công an trá hình côn đồ. Họ hoạt động ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật và bất chấp mọi sự kêu la, phản đối của người dân và sẵn sàng chà đạp lên mọi văn bản pháp luật.

Cách đây một năm, hệ thống Công an Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã tiến hành một vụ “bắt cóc” làm rung chuyển Bình Thuận. Hai cha con ông Lê Hồng Phong (37 tuổi, ở Bình Thuận) bị một nhóm người lạ mặt bắt cóc gần cổng trường mầm non Tuổi thơ. Người dân hốt hoảng gọi điện báo khắp nơi. Cuối cùng mới biết đó là công an Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Cách đây 2 năm, sáng 21/1/2015, một đám công an giả dạng côn đồ đã xông vào đánh đập chúng tôi khi đến thăm ông Trần Anh Kim tại Thành phố Thái Bình. Oái oăm thay, những côn đồ vừa mới cải trang đánh người xong, mấy phút sau diện đúng quần áo và cảnh phục để ngồi làm việc, yêu cầu nạn nhân viết tường trình về việc bị côn đồ đánh và cướp của.

Mặc dù Hiến pháp quy định: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”. Và “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể”, “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư”.

Thế nhưng, hiện tượng bắt cóc công dân vẫn cứ diễn ra đều đặn theo ý muốn của bất cứ một viên công an nào đó. Đó là cách hành xử của hệ thống công an hiện nay. Họ ngang nhiên bắt người như trộm cướp, như bắt lợn, rồi giải thích rằng hành động đó của họ là “Mời”.

Điều này không chỉ xảy ra với những viên công an tẹp nhẹp mới vào nghề, mà oái oăm thay là não trạng của những viên Công an mang quân hàm tới Đại tá, nghĩa là đã ăn không biết bao nhiêu cơm của người dân.

Thậm chí, để giải thích cho việc công an Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào Bình Thuận gây ra vụ bắt cóc hai cha con nói trên, Đại tá Đinh Huy Hoàng – Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng giải thích: “Trong quy trình thực hiện công tác điều tra, có những lúc mời hoặc bắt không như thông thường”, “có những tình huống chỉ là mời nhưng sau đó để bắt, hoặc có những lúc phải áp dụng đồng thời cả hai biện pháp”.

Chỉ cần nghe những lời giải thích này, người ta đặt ra hai nghi vấn: Hoặc ông đại tá không hiểu gì về ngôn ngữ Việt Nam. Ông không hiểu giữa hành động “Mời” và “Bắt” nó khác nhau ra sao. Còn nếu ông ta hiểu được ngôn ngữ Việt Nam, thì ông ta đã coi Hiến pháp, pháp luật chỉ là tờ giấy lộn để ông lau tay nếu cần thiết.

Và thói lộng hành, hành xử này đã trở thành một thói quen, một “biện pháp nghiệp vụ” nhằm đối phó với người dân đang nuôi nấng họ.

Và khi những hành vi lỗ mãng bất chấp luật pháp đó luôn được dung dưỡng và tuyên dương, không bị ngăn chặn và trừng trị, thì nó sẽ trở thành những “Quy trình”, “Nguyên tắc” của hành động.

Và khi đã thành thói quen hành xử trong nhà, thì ra ngoài xã hội thói quen đó cũng cứ vậy mà diễn.

Thế rồi, như cha ông ta thường nói: “Ăn trộm quen tay, ăn mày quen thói”. Cho đến hôm nay, hành vi bắt cóc được xuất khẩu ra thị trường Quốc tế.

Nhưng, thật không may cho họ, nước Đức không dung dưỡng tội phạm, nhưng không bao giờ chấp nhận những hành vi của đám lục lâm thảo khấu thi thố trên đất nước họ.

Và hậu quả là Việt Nam đang đối diện với những khó khăn, không chỉ hiện tại mà lâu dài trong mối quan hệ với Cộng hòa Liên bang Đức và trên trường quốc tế trong hoàn cảnh nhà cầm quyền cô đơn ngay chính với cả nhân dân mình.

Hà Nội, ngày 8/8/2017
N.H.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.