Nguyễn Đình Cống
Ngày 8/8 trang Boxitvn đăng bài: Thành lập “Tổ Tư vấn về Văn hóa – Giáo dục”, tại sao không? của Nguyễn Trọng Bình. Tác giả viết: “Được biết, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhằm giúp Chính phủ và bản thân ông đưa ra những quyết sách phù hợp và đúng đắn để vực dậy nền kinh tế nước nhà trong thời gian tới. Nếu xem giáo dục là quốc sách hàng đầu, là chìa khóa để thành công, thì theo tôi một Tổ tư vấn về văn hóa – giáo dục cho Thủ tướng trong lúc này tại sao không thể trở thành hiện thực”.
Đọc xong bài viết tôi thực sự thông cảm với sự suy nghĩ và quan tâm của tác giả đến vấn đề “Quốc sách hàng đầu”. Tuy vậy nghĩ đi rồi nghĩ lại tôi thấy khó có thể đồng ý với tác giả. Trong gần 60 năm qua tôi gắn bó và rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Tôi đã từng viết nhiều thư, nhiều kiến nghị gửi Bộ trưởng Giáo dục và Quốc hội, góp nhiều ý kiến về chấn hưng giáo dục. Trong thời kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã từng có tổ Tư vấn về giáo dục, trong đó tôi có người bạn là GS Phạm Phụ, đại biểu Quốc hội. Tôi thường trao đổi với anh Phụ về nhiều vấn đề. Không biết các tổ tư vấn thời ông Kiệt làm được việc gì quan trọng, nhưng đến thời ông Phan Văn Khải thì chỉ còn thoi thóp và đến đời ông Nguyễn Tấn Dũng thì tự giải tán.
Tôi hình dung, về Văn hóa – Giáo dục, Đảng đã có Hội đồng lý luận, có Ban tuyên giáo, Chính phủ có Bộ giáo dục, Quốc hội có Ủy ban Văn hóa giáo dục, Mặt trận Tổ quốc có Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội. Gần đây lại có Ban chỉ đạo về đổi mới SGK do GS Nguyễn Minh Thuyết đứng đầu. Bây giờ nếu lập thêm Tổ tư vấn của thủ tướng, liệu trong cảnh năm cha bảy mẹ như vậy, khi các ý kiến không thống nhất thì thủ tướng biết nghe ai? Tôi cứ hình dung ông Phúc chọn được một Tổ Tư vấn có các thành viên như ông Nguyễn Trọng Bình mong muốn, quan điểm của các vị này khác với ông Thuyết và các vị bên Tuyên giáo Đảng. Liệu ông Phúc có dám nghe theo Tổ Tư vấn hay không?
Xét việc A làm tư vấn cho B. Có 2 loại A và 2 loại B. Loại A1, tư vấn để tư vấn, nghĩa là họ biết cần làm gì, làm như thế nào, có lòng trung thực và dũng cảm để nói ra ý kiến của mình. Đó là trường hợp của Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Nguyễn Mạnh Tường… Loại A2, tư vấn để tiến thân. Họ có đủ trí thông minh, nhưng trước khi tư vấn họ tìm hiểu ý muốn của B và tư vấn theo ý đó. Nói như Hàn Phi trong Thuyết Nan, cái khó của Thuyết khách là tìm biết cho được các vua chúa đang muốn gì để nói cho đúng ý họ. Loại B1, cần tư vấn ý tưởng, vì chưa biết rõ, chưa quyết định, muốn tìm được phương án tối ưu. Loại này cần tư vấn A1. Loại B2, cần tư vấn phụ họa. Họ đã có chủ kiến rồi, bày ra trò tư vấn chỉ là hình thức hoặc để lừa bịp, loại này cần tư vấn A2 và rất ghét A1. Phần lớn các tổ chức CS thuộc loại này.
Tổ tiên có truyền lại câu: “Thà làm học trò người khôn hơn làm thầy thằng dại”. Tư vấn là một cách làm thầy. Thế mà thằng trò không những dại mà còn kém trí tuệ, tham và đểu, lại muốn độc quyền, thuuộc loại B2, thì Thần Thánh cũng khó làm tư vấn để cho nó trở nên tốt hơn, người trần chỉ có thể phụ họa với nó để mong nhận được chút bổng lộc.
Trong thời phong kiến, có vấn đề quan hệ giữa Minh chúa và Tôi hiền. Đã là Minh chúa cần biết chọn Tôi hiền để dùng. Đã là Tôi hiền cần chọn được Minh chúa để trợ giúp. Bạn tự cho là Tôi hiền mà chọn nhầm hôn quân, bạo chúa để giúp, để thờ thì không mắc vào tội bất trí (ngu) cũng mắc vào tội bất nghĩa (đểu) hoặc bất trung (phản).
Bạn Nguyễn Trọng Bình, nếu như Thủ tướng mời bạn đứng ra lập Tổ Tư vấn như bạn đề nghị, bạn có nhận không? Tôi chưa được quen thân với bạn nên chưa dám góp ý kiến gì. Tôi chỉ nghĩ đến việc có xác suất một phần triệu tỷ (10 lũy thừa trừ 15) là Thủ tướng mời tôi làm một chân ủy viên trong Tổ Tư vấn đó, thì tôi kiên quyết từ chối, vì tôi dự đoán, trong thời buổi hiện nay, những ý kiến tôi nêu ra sẽ khác với ý kiến của Đảng, khó lọt tai Thủ tướng, không khéo tôi không tránh khỏi tội ngu, đểu hoặc phản.
Nếu Thủ tướng tự cho mình thuộc loại B1 và có toàn quyền, không bị lực lượng nào khống chế, muốn sưu tầm ý tưởng để chọn phương án tối ưu thì có nhiều cách đơn giản hơn, một trong các cách đó là dùng phương pháp não công với các nhóm phát ý tưởng và nhóm phân tích (Muốn biết phương pháp này và cách thực hiện xin hỏi GS Phan Dũng ở TP HCM, không hỏi GS Phan Dũng thì hỏi tôi cũng tạm được). Vừa qua sự hoạt động của Nhóm Cánh Buồm của Phạm Toàn, Viện Phan Chu Trinh của bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch Nước) và Nguyên Ngọc đều nhằm vào Chấn hưng giáo dục.
Tôi biết ý kiến của Nguyễn Trọng Bình đang được nhiều người quan tâm và hoan nghênh, thế mà tôi lại dội vào một thùng nước lạnh. Thì như vậy mới gọi là phản biện. Tôi nêu ra ý kiến cá nhân để rộng đường dư luận mà thôi.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN