Nông dân phản đối chính quyền tham tàn là ‘phòng vệ chính đáng’

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Democracy Digest 4/8/2017

Theo Thời báo New York, Việt Nam đã lùi trong một nước cờ thí trên biển chống Trung Quốc, tạm ngưng một dự án khoan khí đã được phê duyệt ở Biển Đông làm Bắc Kinh tức giận. Tin này trùng với tin Việt Nam đã gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao với Đức về vụ bắt cóc rõ ràng một cựu giám đốc công ty dầu mỏ tại Berlin. Vụ này gợi lên khả năng Hà Nội đang theo gương các quốc gia toàn trị khác bắt cóc xuyên biên giới vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, nhà bất đồng chính kiến, học giả hiến pháp và nhà tranh đấu pháp lý hàng đầu, tình trạng bất ổn xã hội gia tăng cùng với việc nhà nước độc đảng toàn trị đột ngột tăng cường bức hại các nhà bất đồng chính kiến làm cho căng thẳng giữa công dân và Nhà nước tăng cao, điều này có nguy cơ phá hoại sự đoàn kết đối phó với Trung Quốc.

https://www.youtube.com/watch?v=CIGDe2QBNEI

Ngày 15 tháng 4 năm 2017, hàng ngàn nông dân ở xã Đồng Tâm ở ngoại ô Hà Nội, Việt Nam, đã bắt giữ 38 cảnh sát và quan chức chính quyền địa phương được cử đi trấn áp họ vì họ đã phản đối việc chính quyền lấy đất nông nghiệp của họ một cách bất hợp pháp để giao cho một doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng.

clip_image001

Một tuần sau đó, ngày 22 tháng 4 năm 2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung buộc phải đối thoại với người dân xã này như một điều kiện cho việc phóng thích những người bị bắt giữ. Trong cuộc đối thoại, quan chức này đã có văn bản cam kết giải quyết khiếu nại cũng như không truy tố người dân về việc bắt cảnh sát và quan chức chính quyền. Ngay sau đó những người bị bắt giữ đã được thả.

Đây là một sự kiện chính trị chưa từng có ở Việt Nam, bởi đây là lần đầu tiên công dân đã có thể bắt giữ một số khá đông cảnh sát và và quan chức, và hơn thế nữa, ngay tại thủ đô. Thật vậy, chính xác là 20 năm trước, vào tháng 5 và tháng 6 năm 1997, hàng ngàn nông dân ở tỉnh Thái Bình đã nổi dậy chống lại các cấp chính quyền địa phương tham nhũng. Họ đập phá trụ sở công an huyện, dùng đá và gạch tấn công các lực lượng an ninh được trang bị vòi rồng và chó nghiệp vụ và săn bắt các quan chức xã tham nhũng. Tại xã Quỳnh Hoa, Chủ tịch UBND và Bí thư Đảng ủy bị trói và rong đi dưới mưa.

Nhiều nhà quan sát trong và ngoài Việt Nam, gồm cả các luật sư, bất luận có ủng hộ hành động của người dân xã Đồng Tâm hay không, đều cho rằng người dân nơi đây đã phạm tội “chống người thi hành công vụ”. Truyền thông Mỹ và nhiều nước khác mô tả sự kiện này là “bắt cảnh sát làm con tin”.

Ngược với quan điểm trên, tôi cho rằng người dân Đồng Tâm không phải là tội phạm vì hành động của họ là “phòng vệ chính đáng” theo Điều 15 của Bộ luật Hình sự. Điều luật này quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.

Vì vậy, bất cứ ai nhìn thấy một hành động đang xảy ra hoặc sắp xảy ra có nguy cơ xâm phạm các quyền hợp pháp (tính mạng, sức khoẻ, tài sản …) của bản thân hoặc của bất cứ ai khác đều có quyền sử dụng vũ lực để vô hiệu hóa hành động này, bất kể chủ thể của hành động là ai. Cũng như vậy, bất kỳ hành vi nào khác có dấu hiệu rõ ràng tiếp tay hành động nguy hiểm cho xã hội đều là đối tượng của “phòng vệ chính đáng”.

Trước khi sự kiện tháng Tư, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã không hề giải quyết khiếu nại của người dân Đồng Tâm hoặc hướng dẫn những công dân này khởi kiện ra tòa theo Luật Tố tụng Hành chính. Điều này có nghĩa các nhà chức trách không có cơ sở pháp lý để xác định người dân Đồng Tâm canh tác đất đai bất hợp pháp. Vì vậy, việc cưỡng chế thu hồi đất của UBND thành phố Hà Nội hoàn toàn trái pháp luật và do đó, sự chống đối của nông dân là hợp pháp. Nói cách khác, cảnh sát và quan chức chính quyền địa phương được cử đến đàn áp người dân Đồng Tâm là đang hành động bất hợp pháp.

Sau khi cảnh sát bắt bốn nông dân xã Đồng Tâm, người dân nơi đây đã không còn cách nào khác ngoài việc sử dụng quyền “phòng vệ chính đáng” của họ bằng cách bắt giữ các cảnh sát và quan chức nói trên. Vì lý do này, hành động của người dân Đồng Tâm không phải là một hành vi cấu thành “Tội chống người thi hành công vụ” hoặc “Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật”. Điều này cũng bác bỏ quan điểm cho rằng hành động của người dân Đồng Tâm là “bắt làm con tin”. Thật vậy, “con tin” chỉ áp dụng cho người bị bắt giữ mà người này không có hành vi vi phạm pháp luật hoặc xâm phạm lợi ích của người khác.

Quan điểm này đã được tác giả trình bày trong hai bài viết về sự kiện Đồng Tâm được BBC đăng vào các ngày 311 tháng 6 năm 2017.

Ngày 13 tháng 6 năm 2017, Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự chống lại người dân Đồng Tâm theo Điều 123 của Bộ luật Hình sự (Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật). Chính quyền Hà Nội lật lọng cam kết của mình đối với những nông dân này là nhằm hai mục tiêu chính sau đây:

• Thứ nhất, khủng bố người dân Đồng Tâm để họ ngừng khiếu nại nhằm đảm bảo trót lọt việc chính quyền thu hồi đất cho các nhóm lợi ích.

• Thứ hai, ngăn chặn người dân Đồng Tâm nói riêng và người dân Việt Nam nói chung sử dụng “phòng vệ chính đáng” theo Bộ luật hình sự, đồng nghĩa sử dụng vũ lực để chống lại bất kỳ sự đàn áp nào từ phía chính quyền.

Hai mục đích của việc khởi tố vụ án hình sự chống lại người dân Đồng Tâm phản ánh mối quan hệ ngày càng khó khăn giữa xã hội Việt Nam và chế độ cộng sản. Mối bất hòa này là kết quả của việc quan chức chính quyền trung ương và địa phương tham nhũng chiếm đoạt bất hợp pháp đất đai của người dân, dẫn đến sự phản đối ngày càng tăng của người dân.

Theo điều 53 của Hiến pháp Việt Nam, “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Trên thực tế, đất đai là tài sản của Nhà nước và người dân chỉ là người thuê đất, có nghĩa là chính quyền có thể thu hồi đất bất cứ lúc nào. Cũng cần nhắc lại rằng chính sách “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” ra đời sau khi Cộng sản tiếp quản Nam Việt Nam vào năm 1975. Chính sách này đã được cụ thể hoá trong Hiến pháp năm 1980. Văn bản pháp luật này cho thấy sở hữu đất đai thông qua chính sách “người cày có ruộng”, được chính phủ cộng sản thông qua trước khi đất nước thống nhất, chỉ là cái kế đưa nông dân, chiếm 90% dân số, đứng về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DRV) – chính quyền cộng sản đóng tại Hà Nội – chiến đấu chống lại Pháp và sau đó là Hoa Kỳ.

Tư nhân hóa và đô thị hoá tiếp sau sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường vào năm 1986 do sự sụp đổ của nền kinh tế kế hoạch hóa từ trung ương theo học thuyết Mác đã biến đất đai thành một tài sản có giá trị đặc biệt. Đầu tư nước ngoài cũng góp phần làm tăng giá đất. Thật vậy, chính quyền cho các công ty nước ngoài thuê đất hoặc dùng đất làm vốn góp trong liên doanh. Điều này giải thích tại sao chính quyền đã ra sức thu đất của người dân với chút ít bồi thường hoặc không bồi thường chút nào để giao cho các nhóm lợi ích. Ví dụ, Chính quyền Hà Nội gần đây đã thu đất của người dân ở phường Dương Nội với giá 201.600 đồng 1 mét vuông để sau đó bán lại với giá 35.000.000 đồng 1 mét vuông. Tóm lại, đối với nhà cầm quyền Việt Nam, đất đai đã trở thành một mặt hàng mang lại siêu lợi nhuận. Nói cách khác, phân loại duy nhất phù hợp với chính quyền Việt Nam là “chính quyền tham tàn”.

Kinh nghiệm cho thấy rằng đàn áp của chính quyền chỉ làm người dân chống đối hơn, điều này có thể làm suy yếu sự thống nhất quốc gia khi Việt Nam đang phải đối mặt với những đe dọa từ Trung Quốc, đặc biệt trên Biển Đông. Do đó, xoá bỏ Điều 53 Hiến pháp quy định Nhà nước sở hữu đất đai nói riêng, sửa đổi Hiến pháp theo hướng tạo thuận lợi cho tư nhân hoá kinh tế và tự do hoá chính trị nói chung, là cách tốt nhất để chính quyền Việt Nam bảo vệ thành công lợi ích quốc gia cũng như thực sự là “chính quyền của Dân, do Dân và vì Dân” như Hiến pháp quy định.

C.H.H.V.

Bản tiếng Anh: “Vietnamese farmers’ protests are ‘legitimate defense’ against ruling kleptocracy” đã đăng trên Democracy Digest (http://www.demdigest.org/vietnamese-farmers-protests-legitimate-defense-ruling-kleptocracy/)

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.