Xin mời bạn đọc xem từ Bài 1 trên BVN ngày 4-8-2017 (https://boxitvn.online/bai/49765)
Bauxite Việt Nam
1. LS Lê Công Định bình luận vụ ông Trịnh Xuân Thanh
Video: http://www.bbc.com/vietnamese/media-40826360
Luật sư bất đồng chính kiến Lê Công Định từ Sài Gòn bình luận các khía cạnh pháp lý và luật pháp, bang giao quốc tế trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó Chủ tịch Tỉnh Hậu Giang, ‘ra đầu thú’.
Ông cho rằng nước Đức đã muốn mở một cánh cửa cho Việt Nam như một ‘biện pháp mở’ để sửa chữa ‘lỗi vi phạm’ trong pháp lý quốc tế khi ‘đưa ông Thanh’, người bị Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế, ra khỏi nước Đức mà không có sự đồng ý của chính quyền sở tại.
Nhưng theo Luật sư Định, qua cách thức phản ứng của người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam và diễn biến ông Trịnh Xuân Thanh ‘nhận tội’ trên truyền hình nhà nước, Việt Nam dường như không có ý định ‘khắc phục lỗi’ của mình.
Ông Định cho hay ông có những lý lẽ để không tin vào việc ông Thanh ‘ra đầu thú’ và ‘nhận tội’ trên truyền thông.
Luật sư cũng cho rằng những người ‘tiết lộ’ các thông tin trong một vụ án đang được xét xử có thể sẽ phải ‘chịu trách nhiệm’ về pháp luật.
Ông cũng đưa ra các bình luận khác về cách thức mà Việt Nam thường cho truyền thông, báo chí đăng tải các thông tin, hình ảnh về các bị can, bị cáo trong khi quá trình tố tụng, điều tra đang diễn ra, và cho rằng những việc này không phù hợp và đã vi phạm không chỉ chuẩn mực quốc tế mà còn cả chính luật pháp của Việt Nam.
Với vụ việc đang xảy ra với ông Trịnh Xuân Thanh và khác biệt trong nhận thức vụ việc giữa Việt Nam và Đức, Luật sư Định đề cập một nguyên tắc mà theo ông thì ‘bên nào vi phạm, bên đó không còn thẩm quyền xét xử’, trong trường hợp ông Thanh phải ra tòa.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/media-40826360
2. Thayer: ‘Nghi vấn bắt cóc gây tổn hại cho VN’
Ảnh: FACEBOOK CARL THAYER – Hành động bắt cóc nếu đúng sự thật thì sẽ tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương Việt Nam và Đức, ông Carl Thayer cho biết
Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, nói với BBC nếu ông Trịnh Xuân Thanh thực sự bị bắt cóc, ép buộc rời Đức thì điều này là hành động chưa từng thấy của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu từ Úc cũng đánh giá rằng nếu nghi vấn bắt cóc được chứng minh là đúng thì nó làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ song phương trong thời điểm Việt Nam rất cần bạn.
“Việc tuyên bố một cán bộ tình báo của Việt Nam là persona non grata cho thấy phía Đức có vẻ có cơ sở để tin rằng Việt Nam trực tiếp liên quan, vì đây rõ ràng là một hành động vi phạm đến chủ quyền an ninh Đức”.
“Đức là một đất nước rất coi trọng pháp trị. Nói đến tổn hại thì về mặt thương mại, Đức là đối tác thương mại lớn nhất tại châu Âu của Việt Nam, và tại Đức có cộng đồng người Việt rất đông”.
“Vụ việc xảy ra khi Việt Nam vốn đang cần rất nhiều bạn trong bối cảnh đang có tranh chấp ở Biển Đông. Việc xa lánh Đức và vi phạm luật lệ quốc tế sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam”.
“Việt Nam đang làm hỏng danh tiếng của mình khi tỏ ra lập lờ với sự thật, không nói thật”.
“Đây là việc bắt giữ một cá nhân đang xin tỵ nạn tại Đức, Đức có trách nhiệm phải bảo vệ và phải xem xét đơn xin tỵ nạn xem có thỏa đáng hay không. Họ không thể bắt người này về Việt Nam được”.
“Đối với Đức, nếu như việc [bắt cóc] có thể xảy ra với một người Việt thì nó cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai. Mà trong trường hợp này, đó lại là hành động của một quốc gia bạn hữu, một đối tác chiến lược của Đức”.
“Đức có thể sẽ tiếp tục theo đuổi vụ việc. Có thể sẽ có một lệnh trừng phạt cho Việt Nam nếu như phía ngoại giao không thể tìm ra được một giải pháp”.
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ chính quyền Việt Nam trực tiếp chỉ đạo vụ mà phía Đức cáo buộc là bắt cóc này hay không, ông Thayer cho rằng ông không rõ việc ra quyết định bắt cóc, nếu có, là một sai sót ở tầm chỉ huy cao cấp hay do nhân viên thực thi ở cấp thấp.
“Việt Nam muốn giải quyết xong các vụ án tham nhũng là để thắt chặt liên minh trong Đảng vốn được thiết lập từ Đại hội Đảng gần đây. Họ cũng liên tiếp bắt giữ giới bất đồng chính kiến để xem phản ứng của phương Tây như thế nào, xem liệu họ có thể chạy thoát con mắt quốc tế với các vụ việc như vậy hay không”.
“Nếu cần, Việt Nam rất có thể sẽ có những động thái làm dịu tình hình trước thềm APEC”
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40827347
3. Trịnh Xuân Thanh ‘tự thú’ trên VTV: ‘một kịch bản’ diễn sai luật
Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình VTV tối ngày 3/8/2017.
Các Luật sư và nhà bình luận Việt Nam cho rằng hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh “tự thú” trên truyền hình nhà nước Việt Nam, sau khi bị bắt từ Đức về như báo chí quốc tế loan tin, là một màn diễn có kịch bản, nhằm phục vụ cho mục đích chính trị.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Thanh Lương nhận định rằng nếu thông tin ông Thanh bị “bắt cóc” đúng như Bộ Ngoại giao Đức và quốc tế loan thì việc tự thú của ông Trịnh Xuân Thanh là có kịch bản:
“Tôi nghĩ trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh tự thú trên đài truyền hình là do có kịch bản, có đạo diễn, để phục vụ cho mục đích chính trị của chế độ”.
Tôi nghĩ trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh tự thú trên đài truyền hình là do có kịch bản, có đạo diễn, để phục vụ cho mục đích chính trị của chế độ – Luật sư Nguyễn Thanh Lương
Khi xét đến khía cạnh tố tụng, thì “màn” tự thú trên TV và việc trưng đơn tự thú như thế là vi phạm pháp luật. Luật sư Lương nói:
“Về mặt tố tụng mà nói – nếu đúng như truyền thông quốc tế, bắt người ở Đức rồi đem về thì làm sao gọi là tự thú được. Cũng phải nói rõ thêm rằng ở Việt Nam gần đây cũng có một số trường hợp, ví dụ như vụ án 7 thanh niên oan sai ở Sóc Trăng, cũng bắt về rồi hợp thức hóa bằng cách cho tự thú. Việc này như là một chủ trương. Như vậy là vi phạm pháp luật đối với chính luật tố tụng của Việt Nam”.
Đài truyền hình trung ương Việt Nam VTV đưa ra hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trong chương trình thời sự của VTV tối ngày 3/8, đã đưa ra những hình ảnh người đàn ông mà Việt Nam truy nã trong 1 năm qua tự đầu thú với chính quyền Việt Nam.
Đoạn băng ghi hình xuất hiện một ngày sau khi Chính phủ Đức ra thông cáo chỉ trích Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin.
Nhận định về sự xuất hiện bất ngờ của ông Thanh trên truyền hình, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng chia sẻ:
“Sắc diện của ông Trịnh Xuân Thanh rất khác: một gương mặt rất phờ phạc, gần như mất hồn, khác với vẻ linh hoạt ngoài đời. Người ta đặt dấu hỏi rằng chỉ sau một ít ngày mà ông Thanh có sự biến dạng như vậy về khuôn mặt. Việc này làm cho tôi nhớ lại khuôn mặt của ông Phùng Quang Thanh vào 2015 – rất đờ đẫn. Bây giờ ông Trịnh Xuân Thanh cũng như vậy”.
Người ta đặt dấu hỏi rằng chỉ sau một ít ngày mà ông Thanh có sự biến dạng như vậy về khuôn mặt. Việc này làm cho tôi nhớ lại khuôn mặt của ông Phùng Quang Thanh vào 2015 – rất đờ đẫn. Bây giờ ông Trịnh Xuân Thanh cũng như vậy – Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
Bình luận về ‘đơn xin tự thú’ được cho là của ông Trịnh Xuân Thanh trong chương trình thời sự ngày 3/8, Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook rằng đây là “một trò hề rừng rú”:
“Đơn xin tự thú (nếu có thật) là một tài liệu tố tụng của một vụ án hình sự đã được khởi tố và trong quá trình điều tra, sao lại có thể bị công bố trên phương tiện truyền thông công khai như vậy? Tài liệu tố tụng luôn phải được bảo mật tuyệt đối”.
Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định về nội dung ‘đơn tự thú’ được cho là của ông Thanh ký ngày 31/7:
“Nội dung thư được coi là tự thú không đăng toàn thư, chỉ trích ra một phần, và điều đó cũng không nói lên điều gì lớn. Thư tự thú này tất nhiên là phù hợp với yêu cầu của Đảng và Nhà nước, nhưng không có một từ nào đề cập tới việc bắt cóc”.
Ông Thanh bị Việt Nam truy nã trong gần 1 năm qua với tội danh “làm thất thoát nghiêm trọng tài sản nhà nước” sau khi cùng ban quản lý PVC, một công ty con của Tập đoàn dầu khí PetroVietnam, làm thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng trong thời gian từ 2011-2013.
Trong đơn xin đầu thú do VTV đăng tải trong chương trình thời sự ngày 3/8, ông Thanh viết “Tôi thấy lo sợ trước kết luận về vi phạm của tôi và phải chịu trách nhiệm là người đứng đầu trong thua lỗ của PVC. Do lo sợ, suy nghĩ không hết, tôi đã quyết định trốn tại Đức”.
Bộ Ngoại giao Đức hôm 2/8 ra thông báo chỉ trích việc Việt Nam bắt cóc ông Thanh hôm 23/7 tại Berlin và yêu cầu cho phép người đàn ông này trở lại Đức “ngay lập tức” để xem xét việc dẫn độ mà Việt Nam trước đó yêu cầu cũng như đơn xin tị nạn ở Đức của ông Thanh.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 3/8 chỉ đáp lại rằng “lấy làm tiếc,” không bác bỏ, cũng không xác nhận việc bắt cóc ông Thanh.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Đức hôm 2/8.
Luật sư Pestra Isabel Schlagenhauf thụ lý hồ sơ pháp lý cho ông Thanh tại Đức nói với VOA trong cuộc phỏng vấn hôm 3/8 rằng việc xin tị nạn “giúp ông ấy được bảo vệ và có khả năng được ở lại Đức”.
Luật sư Trần Quốc Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh và Luật sư Lê Quốc Quân ở Hà Nội hồi đầu tuần nói với VOA rằng Việt Nam cần sớm cung cấp thông tin một cách minh bạch về vụ ông Thanh, đặc biệt thông tin từ khi ông Thanh chạy trốn ra nước ngoài, sống ở đâu và làm thế nào có thể về lại Hà Nội trong khi đang bị truy nã quốc tế, để tránh xảy ra nhiễu loạn thông tin và gây xung đột ngoại giao.
Truyền thông Việt Nam từng loan tin rằng vụ án Trịnh Xuân Thanh là vụ án lớn mà đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “chỉ đạo thực hiện”. Người đứng đầu Đảng Cộng sản từng lặp đi lặp lại rằng: “Bằng mọi cách phải di lý, bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xét xử”.
Luật sư Lê Luân ở Hà Nội viết trên Facebook sau chương trình thời sự VTV tối hôm qua: “Bắt người thuộc về tố tụng hình sự, dù bất cứ ai cũng đều có quyền được đảm bảo về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại và không hạn chế về không gian. Nên nếu bị bắt trái luật, dù có khắc phục bằng bất kể lập luận nào thì các hoạt động tố tụng phát sinh sau đó từ việc bắt người trái luật đều sẽ trở nên bất hợp pháp”.