Nắm tay nhau xây dựng nền dân chủ: Giấc mộng Việt Nam

Nguyễn Vũ Bình

Trong những năm qua, khi đi vào nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề dân chủ, xây dựng thể chế dân chủ, trong đầu tôi luôn có một câu hỏi: có một thể chế dân chủ nào có thể áp dụng cho mọi quốc gia (trong trạng thái bình thường, tức là không có chiến tranh), đều đem đến kết quả tốt đẹp không? Làm thế nào để có được một thể chế dân chủ, để xây dựng được một thể chế dân chủ như vậy?

Những nỗ lực nghiên cứu đã được đền đáp, tôi tin là tôi đã tìm ra được một thể chế dân chủ có thể áp dụng cho mọi quốc gia đạt tới đích cuối cùng: tự do của người dân. Không những vậy, thể chế dân chủ này sẽ chỉ đường và đưa các quốc gia hòa hợp vào một thể chế lớn hơn, thể chế dân chủ toàn cầu, mà chúng ta thường được nghe dưới cái tên Toàn cầu hóa.

Sẽ có một câu hỏi đặt ra ngay lập tức, vậy thể chế dân chủ này so sánh với thể chế dân chủ Hoa Kỳ có điều gì giống và khác nhau? Xin trả lời, giống ở những nguyên lí cơ bản, nhưng khác ở cách thức xây dựng một hệ thống đồng bộ ngay từ ban đầu. Thể chế dân chủ Hoa Kỳ, thể chế dân chủ ưu việt nhất hiện nay, là một quá trình tìm tòi, sáng tạo trong xây dựng quốc gia Hoa Kỳ, cũng là quá trình xây dựng thể chế dân chủ Hoa Kỳ. Đó là quá trình thử và sai vô cùng vất vả của người dân Hoa Kỳ trong suốt mấy trăm năm. Đến nay, về cơ bản, đó là thể chế khá hoàn thiện, tuy nhiên, chưa phải là hoàn hảo.

Thể chế dân chủ mà tôi sắp trình bày, dựa trên việc rút ra được những nguyên lí cơ bản nhất của thể chế dân chủ Hoa Kỳ, nhưng việc áp dụng là hoàn toàn chủ động và đồng bộ trong hệ thống các mối liên hệ hữu cơ ở tất cả các lĩnh vực. Về cơ bản, những nguyên lí đã được trình bày trong cuốn sách Dân Chủ của tôi. Tuy nhiên, bài viết này, sẽ giải thích và trình bày các nguyên lí đó, dưới một khía cạnh khác về thể chế dân chủ. Đó là một cấu trúc tự hoàn thiện bao gồm hệ thống các cơ chế tự điều chỉnh ở tất cả các lĩnh vực.

I/ Thể chế Dân chủ – Cấu trúc tự hoàn thiện bao gồm hệ thống các cơ chế tự điều chỉnh ở tất cả các lĩnh vực

1/ Một số vấn đề lí luận

Trước khi đi sâu tìm hiểu thể chế dân chủ, chúng ta cần tìm hiểu lí thuyết và lí luận về Cấu trúc tự hoàn thiện, và cơ chế tự điều chỉnh. Một thể chế dân chủ có thể áp dụng cho tất cả các quốc gia thì bản thân nó phải có sự tự hoàn thiện bên trong cấu trúc của nó. Chính vì vậy, chúng ta cần phải hiểu được, thế nào là một cấu trúc tự hoàn thiện.

Cấu trúc tự hoàn thiện là một hệ thống các yếu tố bên trong tương tác lẫn nhau luôn luôn dẫn tới sự phát triển cả về phẩm và lượng của hệ thống hay cấu trúc đó.

Cấu trúc tự hoàn thiện nào cũng bao hàm bên trong các yếu tố sau:

– Động lực nội tại của cấu trúc (hệ thống)

– Cơ chế thực thi, phát huy, phát triển động lực đó

– Tính đồng bộ của hệ thống

Khi chúng ta nói tới cấu trúc tự hoàn thiện, là nói tới cấu trúc xã hội trong đó con người tương tác lẫn nhau. Vậy các yếu tố của cấu trúc tự hoàn thiện sẽ được hiểu như thế nào về mặt xã hội?

– Động lực nội tại của cấu trúc, đó chính là nhu cầu chung nhất, quan trọng nhất của con người, chúng ta cần tìm ra nhu cầu này.

– Cơ chế thực thi, phát huy, phát triển động lực chính là cơ chế, cách thức để con người thực hiện nhu cầu chung, quan trọng nhất đó.

– Tính đồng bộ của hệ thống xuất phát từ nhu cầu đa dạng của con người, cũng như yêu cầu vận hành của hệ thống.

Bởi vì nhu cầu (chung) của con người là tự nhiên, nên điều quan trọng nhất là cơ chế thực thi, thực hiện nhằm thỏa mãn nhu cầu đó. Cơ chế này chính là hạt nhân trong cả một hệ thống các yếu tố tương tác lẫn nhau của hệ thống.

Khi chúng ta tìm ra được nhu cầu chung, quan trọng nhất, động lực cho toàn hệ thống, và chúng ta tìm ra, xây dựng được cơ chế thực thi hiện thực hóa nhu cầu này, cùng với các yếu tố tương tác đồng bộ thì hệ thống, cấu trúc đó sẽ tự vận hành đưa lại những điều tốt đẹp nhất, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của cá nhân hoặc tập thể nào. Đó gọi là cấu trúc tự hoàn thiện.

Cơ chế tự điều chỉnh: Có hai khía cạnh để nói về cơ chế tự điều chỉnh, một là sự sắp đặt các thành tố theo một lo-gic tương tác thúc đẩy và kiểm soát lẫn nhau giúp cho các thành tố đều phát triển không bị thiên lệch và mất kiểm soát. Ví dụ rõ nhất là cơ chế Tam quyền phân lập. Hai là, cơ chế tự điều chỉnh là sự vận hành của hệ thống các quy định về kết quả và hậu quả mà chủ thể có thể lựa chọn đem lại lợi ích cho bản thân và công việc. Đây là hệ thống các quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ về sự thưởng phạt, những lợi ích, hậu quả ở tất cả các khía cạnh, lĩnh vực của đời sống con người. Mỗi một cá nhân, trong toàn bộ tương tác với xã hội, từ công việc đến sinh hoạt xã hội đều cần tự điều chỉnh hành vi phù hợp với các quy định trong từng khía cạnh, lĩnh vực của đời sống. Cơ chế tự điều chỉnh sẽ giúp nâng cao hiệu lực và hiệu quả của cấu trúc tự hoàn thiện, đồng thời ngăn chặn ngay từ đầu những khiếm khuyết và lệch lạc có thể dẫn tới sự phá hủy cấu trúc tự hoàn thiện của thể chế dân chủ.

Như vậy, cấu trúc tự hoàn thiện là hệ thống các yếu tố, trong đó có yếu tố hạt nhân, tương tác dẫn tới sự phát triển của hệ thống. Cơ chế tự điều chỉnh giúp nâng cao hiệu lực và hiệu quả của cấu trúc tự hoàn thiện.

2/ Diễn giải thể chế Dân chủ dưới góc độ cấu trúc tự hoàn thiện

a- Như phần trên có đề cập, điều quan trọng đầu tiên của cấu trúc tự hoàn thiện là tìm ra được động lực bên trong cấu trúc. Thể chế dân chủ có bộ khung cấu trúc là toàn thể xã hội con người trong một quốc gia. Tìm động lực của xã hội chính là tìm hiểu nhu cầu cơ bản, quan trọng nhất của con người sống trong xã hội. Tìm đúng nhu cầu nội tại, cơ bản, quan trọng nhất của con người là bước quan trọng đi tới cơ chế quan trọng nhất, là hạt nhân của cấu trúc tự hoàn thiện, của thể chế dân chủ. Đó là cơ chế bảo đảm phát huy, phát triển động lực, nhu cầu cơ bản đó.

Từ trước tới nay, đã có nhiều sách báo, tài liệu nói về nhu cầu quan trọng nhất của con người nói chung, nhưng có khá nhiều sự lầm lẫn. Ví dụ, có người nhận định, nhu cầu quan trọng nhất của con người là mong muốn được mọi người cho mình là quan trọng. Điều này nghe qua thì có vẻ hợp lí, tuy nhiên nó không phải là tất cả. Có rất nhiều người không đi tìm kiếm sự đánh giá của người khác về bản thân mình, họ đi tìm sự đặc biệt, sự khác biệt của bản thân với mọi người. Cũng như vậy, việc nỗ lực tạo ra nhiều tiền, để thỏa mãn nhiều nhu cầu khác nhau của con người là một nhu cầu quan trọng mà nhiều người theo đuổi, tuy nhiên, vẫn có những người không theo đuổi việc kiếm tiền trong xã hội. Vậy thì điều gì là chung nhất, bao hàm tất cả các nhu cầu khác biệt (mà quan trọng đối với mỗi cá nhân) đối với con người nói chung? Đó là nhu cầu tự thể hiện bản thân của con người. Anh này muốn tự thể hiện bản thân bằng việc kiếm được nhiều tiền, chị kia muốn tự thể hiện bản thân bằng việc có nhiều quyền lực. Người khác muốn tự thể hiện bản thân thông qua sự khác biệt trong hội họa …vv… Nhu cầu tự thể hiện bản thân là nhu cầu tối quan trọng, chung nhất và không thể thiếu ở mỗi một con người. Như vậy, bất kỳ một xã hội nào cũng hàm chứa một động lực nội tại cho sự phát triển và tự hoàn thiện như nhau, bởi nhu cầu quan trọng nhất của con người là giống nhau ở tất cả các chủng tộc, sắc tộc và các quốc gia.

b- Vậy điều gì có thể giúp cho con người thỏa mãn, thực hiện được nhu cầu tối quan trọng đó? Đó chính là sự Tự do! Tự do là yếu tố quan trọng nhất để con người nói chung và mỗi cá nhân nói riêng có thể thỏa mãn nhu cầu tự thể hiện bản thân. Chúng ta cần xây dựng được cơ chế bảo đảm tự do của con người, thì xã hội sẽ phát triển và tự hoàn thiện.

Tiếp đến, yếu tố nào là quan trọng nhất bảo đảm tự do của con người trong xã hội? Chúng ta đều biết rằng, một xã hội dân chủ phải bao hàm nhiều yếu tố, định chế quan trọng như: tam quyền phân lập, cơ chế tản quyền (nhà nước liên bang), đa nguyên đa đảng, các quyền cơ bản của con người, các quyền dân sự, quyền công dân, v.v. Nhưng khi có tất cả các yếu tố này thì yếu tố nào là quan trọng nhất, là hạt nhân cần tập trung và nhấn mạnh. Đó là yếu tố đã từng nêu ở các cuốn sách và bài viết trước đây: khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhânhạt nhân quan trọng nhất của cơ chế dân chủ, của thể chế dân chủ.

Như vậy, cơ chế để bảo đảm khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân là cơ chế hạt nhân, quan trọng nhất trong cấu trúc tự hoàn thiện của thể chế dân chủ

c- Để bảo đảm, thực thi được cơ chế hạt nhân này, cần có một loạt các điều kiện và yếu tố được thực hiện. Đây chính là yêu cầu về tính đồng bộ của hệ thống, cấu trúc tự hoàn thiện. Có nhiều định chế liên quan tới việc bảo đảm các quyền con người về mặt luật pháp và cơ chế thực hiện. Nhưng quan trọng nhất trong cơ chế hạt nhân (khả năng tự bảo vệ quyền con người của mỗi cá nhân) là TÒA ÁN NHÂN QUYỀN để mỗi một cá nhân có thể tự bảo vệ các quyền con người của mình. Tòa án Nhân quyền chính là định chế quan trọng nhất để thực hiện khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mỗi cá nhân.

Tòa án Nhân quyền là nơi các cá nhân có thể tự bảo vệ các quyền con người của mình, nhưng trong trường hợp cá nhân là người nghèo, không có tiền để thuê luật sư và tham gia tố tụng thì sao? Đây chính là nơi thể hiện tính đồng bộ và ưu việt của thể chế dân chủ lấy con người làm trung tâm, tất cả tập trung cho tự do của con người. Đó là, tất cả các công dân đều được miễn phí khi tham gia tự bảo vệ các quyền con người của mình tại các Tòa án Nhân quyền ở tất cả các cấp. Hệ thống chính quyền các cấp sẽ phải có nguồn kinh phí cho việc này. Nếu chúng ta chỉ nêu ra những cơ chế, định chế tốt đẹp bảo vệ quyền con người mà không đi tới cùng các yêu cầu, điều kiện để bảo đảm cơ chế đó vận hành đúng và đem lại lợi ích cao nhất cho người dân thì chúng ta không bao giờ có được sự tự do thực sự của người dân và một nền dân chủ hiệu quả.

II/ Phương thức xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia

Có một điều cần lưu ý, phương thức xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia được nêu ra ở đây không phải là sự khác biệt hoặc mới mẻ hoàn toàn. Thực tế, đó cũng chính là việc xây dựng các định chế cần thiết của bất kỳ nên dân chủ nào trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, có sự nhấn mạnh, tập trung đặc biệt vào một số định chế, đồng thời cũng có sự bổ sung, hoàn thiện ở nhiều khía cạnh.

Trước hết, chúng ta cần khẳng định, việc xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia bao hàm việc xây dựng các định chế cần thiết sau: Hiến pháp Dân chủ, hay còn gọi là đạo luật cơ bản của quốc gia; cơ chế tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp); hình thành, thành lập các đảng chính trị (đa nguyên, đa đảng); cơ chế tản quyền, chế độ liên bang; các quyền tự do cơ bản của con người; các quyền tự do dân sự chính trị, hay quyền công dân,…vv…Trong quá trình xây dựng toàn bộ các định chế đó, cần chú trọng hoàn thiện và xây dựng thêm một số định chế và nội dung quan trọng.

1/ Tập trung xây dựng thể chế dân chủ cơ sở, là đơn vị hành chính mà người dân trực tiếp tham gia

Đây là điều khác biệt với phần lớn cách thức xây dựng thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới. Trọng tâm của thể chế dân chủ cần phải đặt ở đơn vị cơ sở, là nơi người dân có thể tham gia trực tiếp nên việc xây dựng các điều luật bảo đảm các quyền con người trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể của họ (để hiểu rõ hơn phần này, xin đọc cuốn sách Dân Chủ, chương IV, hiện thực hóa dân chủ). Một khuynh hướng quan trọng của thế giới là toàn cầu hóa đã giúp giảm bớt các gánh nặng vai trò quốc gia, cũng có nghĩa là giảm bớt sự tập trung quyền lực và nguồn lực của trung ương trong xây dựng thể chế dân chủ. Như vậy, thời điểm để xây dựng thể chế dân chủ tập trung trên bình diện cơ sở là rất thuận lợi đối với các quốc gia.

2/ Tập trung xây dựng Tòa án Nhân quyền các cấp và cơ chế thực thi để người dân tự bảo vệ các quyền con người của mình

Đây là cơ chế, định chế quan trọng nhất của thể chế dân chủ, là hạt nhân trong cấu trúc tự hoàn thiện của thể chế dân chủ quốc gia. Chúng ta xây dựng thành công các Tòa án Nhân quyền, và cơ chế thực thi việc bảo vệ quyền con người là chúng ta đã thành công trong xây dựng thể chế dân chủ. Tòa án Nhân quyền cũng là yếu tố, định chế mới so với tất cả các thể chế dân chủ hiện đang tồn tại trên thế giới. Để xây dựng thành công Tòa án Nhân quyền và cơ chế thực thi, cần thực hiện những việc sau đây:

– Sự độc lập hoàn toàn và quyền lực tuyệt đối trên cơ sở hiến pháp và luật pháp của ngành tư pháp nói chung và Tòa án Nhân quyền nói riêng. Nếu không có sự độc lập, và quyền lực tuyệt đối của Tòa án Nhân quyền, chúng ta không thể nói tới việc người dân có thể tự bảo vệ các quyền con người của mình.

– Xây dựng đội ngũ luật sư nhân quyền độc lập và chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lí và cùng tham gia bảo vệ quyền con người của công dân.

– Xây dựng nguồn kinh phí của nhà nước phục vụ bảo trợ cho các hoạt động bảo vệ quyền con người của công dân trong tố tụng.

Tóm lại, ngoài việc thành lập Tòa án Nhân quyền các cấp, nhà nước cần bảo đảm sự hỗ trợ về pháp lí và tài chính để công dân tự bảo vệ các quyền con người của mình.

3/ Trang bị kiến thức về tự do, dân chủ và cách thức xây dựng thể chế dân chủ cho người dân

Người dân là chủ thể xây dựng nên thể chế dân chủ, nhất là khi trọng tâm của thể chế dân chủ ở cấp cơ sở, thì nhận thức của người dân là yếu tố quan trọng. Người dân cần được trang bị đầy đủ các kiến thức về tự do, dân chủ, về việc xây dựng thể chế dân chủ, và đặc biệt cần hiểu rõ cơ chế để bảo vệ các quyền con người của mình. Đây là việc làm vô cùng quan trọng nhưng hầu như chưa có một quốc gia nào thực hiện việc trang bị kiến thức cho nhân dân về lĩnh vực này. Một mặt, các thể chế dân chủ của các quốc gia hiện nay, chủ yếu được xây dựng trên bình diện quốc gia, không phải trên bình diện dân chủ cơ sở, nên vai trò của người dân rất mờ nhạt. Mặt khác, các kiến thức về tự do, dân chủ quá kinh viện, trừu tượng và khó hiểu, nên không thể phổ cấp đến cho người dân. Chính vì vậy, để thực hiện việc trang bị kiến thức cho người dân hiệu quả cần phải:

+ Chuẩn hóa các kiến thức về tự do dân chủ dưới hình thức dễ hiểu, sinh động và dễ phổ biến nhất.

+ Xây dựng các học viện về dân chủ, các khoa dân chủ học ở các trường đại học, môn học dân chủ ở các trường trung học phổ thông để phổ biến tới mọi người trong xã hội.

Người dân càng có nhiều hiểu biết về tự do, dân chủ thì đóng góp xây dựng nên thể chế dân chủ càng thiết thực hiệu quả và nâng cao khả năng tự bảo vệ các quyền con người của mình.

4/ Ứng dụng cơ chế tự điều chỉnh trong mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội

Không nghi ngờ gì nữa, việc ứng dụng cơ chế tự điều chỉnh trong các mặt hoạt động của đời sống xã hội sẽ nâng cao hiệu lực và hiệu quả của thể chế dân chủ. Cơ chế tự điều chỉnh, với khía cạnh là quy định về kết quả và hậu quả những lựa chọn của cá nhân cho bản thân và công việc. Hệ thống thưởng phạt về tác phong sinh hoạt, đi sớm về muộn tại công sở, hoặc về hậu quả công việc sẽ đặt các cá nhân vào những lựa chọn tối ưu cho bản thân và công việc. Một cơ chế tự điều chỉnh trong công việc là điều tuyệt đối cần thiết và cần thực hiện ngay. Ví dụ, một phòng công tác có trưởng phòng và 10 nhân viên. Các nhân viên có các quy định thưởng phạt chi tiết, tỉ mỉ, và hình phạt nặng nhất là đuổi việc, nếu vi phạm một số lỗi nhất định. Trưởng phòng sẽ bị cách chức khi có 3-4 nhân viên bị đuổi việc. Cứ như vậy, một vụ trưởng (hay cục trưởng, viện trưởng…) cũng sẽ bị cách chức khi có đủ số lượng các trưởng phòng dưới quyền bị cách chức theo quy định… Đó chính là cơ chế tự điều chỉnh.

Tuy nhiên, việc thực thi cơ chế tự điều chỉnh cần phải tính toán rất kĩ càng, chi tiết. Ban đầu, cơ chế này nên áp dụng vào công việc thực thi ở các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm. Sau đó sẽ lan tỏa ra tất cả các lĩnh vực của toàn hệ thống. Cuối cùng sẽ tới các sinh hoạt dân sự của người dân, khi mà người dân đã làm quen và chấp nhận cơ chế tự điều chỉnh trong công việc.

Cần nhấn mạnh một điều, cơ chế tự điều chỉnh là vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả của cấu trúc tự hoàn thiện – thể chế dân chủ tự do.

III/ Nắm tay nhau xây dựng nền Dân chủ: Giấc Mộng Việt Nam

Theo mạch lo-gic của cuốn sách Dân Chủ và các bài viết của tác giả, đến nay chúng ta đã có chất liệu để có thể xây dựng thể chế dân chủ tự do. Các nguyên lí cơ bản, và một phần lớn nội dung xây dựng thể chế dân chủ đã được khái quát trong cuốn sách Dân Chủ. Phần đầu bài viết này đã giải thích toàn bộ thể chế dân chủ dưới góc độ một cấu trúc xã hội được xây dựng phát huy tối đa động lực nội tại của con người và toàn thể xã hội, đưa tới sự phát triển và tự hoàn thiện của hệ thống, cấu trúc đó. Chúng ta cũng đã đề cập tới phương thức xây dựng thể chế dân chủ của quốc gia nói chung, áp dụng cho tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, chúng ta cần phải có các bước đi, cách làm cụ thể, thiết thực dựa trên hoàn cảnh hiện tại của đất nước và các đặc thù riêng có của Việt Nam.

1/ Những nội dung quan trọng cần chuẩn bị trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam

Trong bài viết “Những thách thức trong việc xây dựng thể chế Dân chủ ở Việt Nam”, chúng ta đã đề cập tới những đặc trưng riêng của Việt Nam khi xây dựng thể chế dân chủ. Đó là, chúng ta chưa có các lực lượng chính trị thay thế, người dân bị bất ngờ và chúng ta chưa có kinh nghiệm làm việc chung với tư cách các tổ chức, đoàn thể. Chính vì vậy, chúng ta cần có thời gian để thực hiện các bước chuẩn bị quan trọng. Việc xây dựng thể chế dân chủ là một công việc vô cùng quan trọng và phức tạp. Có cảm giác, các quốc gia thay đổi chế độ trong thời gian vừa qua trên thế giới đã quá vội vàng trong việc thiết lập các định chế dân chủ. Chúng ta thường nghe nói, các nước có thời gian xây dựng hiến pháp, chuẩn bị cho tổng tuyển cử từ 6 tháng đến 1 năm. Đây là thời gian không tưởng, hầu như chẳng ai làm được gì ngoài việc copy các hiến pháp và phương thức tổ chức sẵn có ở đâu đó. Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên để ra 2-3 năm chuẩn bị và từ 1-2 năm cho các đảng phái, tổ chức lực lượng chính trị vận động tranh cử. Đó là thời gian tối thiểu, nếu chúng ta muốn xây dựng một thể chế dân chủ tự do thực sự. Vậy trong thời gian này, chúng ta cần chuẩn bị và thực hiện những công việc gì?

a- Định hình các tổ chức, đảng phái và lực lượng chính trị. Đây là việc vô cùng quan trọng, và cần có thời gian để thực hiện. Chúng ta có một số đảng phái, tổ chức chính trị ở hải ngoại, khi chuyển tiếp về trong nước, cũng phải mất một thời gian để người dân làm quen và lựa chọn. Những tổ chức ở trong nước cũng bắt đầu được thành lập và vận động người dân tham gia. Thời gian 2-3 năm không phải là nhiều, nhưng cũng đủ để các tổ chức đảng phái định hình và bước vào hoạt động được.

b- Xây dựng dự thảo hiến pháp dân chủ để xin ý kiến nhân dân. Đây là việc làm bắt buộc với bất cứ quốc gia nào bắt tay xây dựng thể chế dân chủ. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một quốc gia, nhưng chúng ta cần một cách nhìn thoáng hơn về vấn đề này. Chúng ta chỉ nên nêu những vấn đề quan trọng nhất trong việc định hình quốc gia, các nội dung quan trọng nhất. Về hiến pháp mới của Việt Nam, tôi nghiêng về tinh thần xây dựng hiến pháp của Tập hợp dân chủ đa nguyên, nhưng cần có thêm hai nội dung quan trọng: Đạo luật về xây dựng Tòa án Nhân quyền các cấp và Đạo luật về việc bắt buộc trang bị kiến thức cho người dân về tự do, dân chủ và phương thức xây dựng thể chế dân chủ.

c- Thành lập Ủy ban Hòa giải quốc gia. Đây là nội dung rất quan trọng, không thể thiếu được đối với đất nước chúng ta. Trong một thế kỷ qua, chúng ta đã quá chia rẽ và hận thù, cũng như xung đột liên miên. Chúng ta cần một ủy ban để hóa giải hận thù, để phân biệt đúng sai và cuối cùng, để kéo mọi người lại gần nhau hơn, chung tay xây dựng đất nước. Ủy ban Hòa giải cần thực hiện những công việc gì?

+ Xây dựng được hệ thống giá trị quy chuẩn, dựa vào việc tham khảo hệ thống các giá trị của quốc tế, để từ hệ thống quy chuẩn đó, đánh giá lại toàn bộ lịch sử Việt Nam, trước mắt là từ cuối thế kỉ XIX đến nay. Những gì là đúng, là sai, là công, là tội cần được minh bạch, rõ ràng đối với các lực lượng chính trị xã hội, đối với các cá nhân có dấu ấn trong lịch sử nước nhà. Đây là việc rất quan trọng mà phần lớn các nước thoát khỏi họa Cộng sản đã không thực hiện. Điều này đặc biệt quan trọng với Việt Nam bởi vì một di sản vô cùng tai hại mà Cộng sản Việt Nam đã để lại, đó là mọi giá trị trong cuộc sống đều bị đảo lộn, khiến cho người dân không thể nhận thức được những gì là đúng, là sai, là công, là tội…

+ Tập hợp toàn bộ các hồ sơ, các khiếu nại, tố cáo về sự oan sai của tất cả người dân từ khi đảng Cộng sản xuất hiện tới khi sụp đổ. Cần phân chia thành các thể loại khác nhau để có hướng xử lí. Đây cũng là công việc bắt buộc nếu chúng ta muốn chia tay quá khứ để cùng bắt tay xây dựng tương lai. Việc xử lí dựa trên tinh thần công khai thừa nhận sự oan sai, khôi phục, phục hồi danh dự, phẩm giá của các nạn nhân. Nếu điều kiện kinh tế cho phép, sẽ có sự đền bù một phần cho nạn nhân.

+ Xác định tinh thần chủ đạo trong việc xử lí những người có trách nhiệm của chế độ Cộng sản Việt Nam. Đây là việc rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, khi đã có Ủy ban Hòa giải thì mọi việc phải được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch. Tinh thần chung là học tập cách xử lí của các nước đi trước thoát khỏi họa Cộng sản, đồng thời không làm ảnh hưởng tới công cuộc xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai. Nhưng dù có làm cách nào, có lẽ theo tôi, vẫn cần có một sự sám hối tập thể của những người đã cố ý hoặc vô tình đày đọa nhân dân và dân tộc.

2/ Những nội dung cần chú trọng, nhấn mạnh và đặc biệt quan tâm trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ tự do

a/ Nội dung cần chú trọng: Xây dựng nhà nước liên bang. Đây là một điều kiện, một cơ chế bắt buộc của thể chế dân chủ. Cơ chế tản quyền, giúp cho mọi vùng, miền có các đặc thù riêng biệt có thể phát triển và phát huy hết các lợi thế so sánh của mình. Đồng thời tránh được những xung đột đảng phái trên quy mô quốc gia. Điều kì lạ là phúc lợi của cơ chế tản quyền, của chế độ liên bang rất lớn và việc thực hiện nó rất quan trọng đối với thể chế dân chủ tự do nhưng có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã bỏ qua. Chúng ta thấy, có các quốc gia dân chủ lâu năm như Pháp, quốc gia có thể chế dân chủ khá lâu như Thái Lan, các quốc gia mới có thể chế dân chủ như Ai Cập, Ucraina… đều bỏ qua định chế quan trọng này. Những quốc gia này đều có những bất ổn và khiếm khuyết trong cấu trúc dân chủ. Đặc biệt hơn cả, chúng ta thấy, Thái Lan là một ví dụ điển hình về thất bại của nền dân chủ liên quan trực tiếp tới việc bỏ qua cơ chế tản quyền, chế độ liên bang. Những quốc gia vừa đề cập, nếu chuyển sang chế độ liên bang, sẽ giải quyết cơ bản các bất ổn hiện nay.

Trên cơ sở nhận thức về lí luận, sự cần thiết của cơ chế tản quyền, của chế độ liên bang, đồng thời rút kinh nghiệm của các quốc gia bỏ qua yếu tố quan trọng này, chúng ta cần thống nhất, nhà nước của Việt Nam tương lai là nhà nước liên bang.

b/ Nội dung cần nhấn mạnh: Tòa án Nhân quyền. Chúng ta đã đề cập tới nhiều lần, về việc Tòa án Nhân quyền, cơ chế để người dân thực hiện việc bảo vệ các quyền con người của mình là cơ chế hạt nhân, quan trọng nhất của thể chế dân chủ tự do, của cấu trúc tự hoàn thiện. Nhưng việc cần nhấn mạnh cơ chế này cũng là bởi, nếu thực hiện, chúng ta là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện việc này. Vậy nên, tính chất quan trọng là việc mở đường của sự thành công hay thất bại của một cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế dân chủ. Chúng ta thực hiện thành công cơ chế này, nội dung này, thể chế dân chủ của chúng ta sẽ là hình mẫu trong tương lai cho các nước khác học tập theo.

c/ Nội dung cần đặc biệt quan tâm: Trang bị kiến thức về tự do, dân chủ và phương thức xây dựng thể chế dân chủ cho người dân. Xét đến cùng, một cơ chế, một thể chế muốn thành công phải dựa vào sự tham gia, đóng góp, thực hiện và thực thi của người dân. Nhưng người dân chỉ có thể tham gia khi họ nhận thức được các vấn đề, nội dung mình tham gia để đem lại lợi ích cho chính bản thân mình. Khi chúng ta trang bị các kiến thức này cho người dân, chúng ta không cần phải lo lắng, lo ngại nhiều về thể chế dân chủ của mình. Bởi vì, khi người dân biết được các quyền (lợi) của mình, biết cách thức xây dựng thể chế dân chủ đem lại quyền lợi đó, và cuối cùng, biết cách để bảo vệ các quyền con người của mình thì mặc nhiên, đất nước sẽ có một thể chế dân chủ tự do thực sự, tiệm cận sự hoàn hảo. Xét cho cùng, các quốc gia chưa có được tự do thực sự cho người dân, cũng là bởi người dân chưa biết được: tự do là gì?

***

Chúng ta có tương lai, chúng ta có những con người quan tâm tới việc xây dựng thể chế dân chủ trong tương lai, điều chúng ta cần là sự đoàn kết và quyết tâm. Tôi tin rằng, lịch sử sẽ lựa chọn dân tộc nhiều đau thương và bất hạnh này (Việt Nam) để làm được điều gì đó cho nhân loại. Vậy chúng ta có tự tin để nắm tay nhau xây dựng thành công một thể chế dân chủ nâng đỡ và tôn vinh con người hay không? Hãy nắm tay nhau chung xây GIẤC MỘNG VIỆT NAM!

Hà Nội, ngày 31-5-2017

N.V.B

Nguồn: https://huynhngocchenh.blogspot.com/2017/07/nam-tay-nhau-xay-dung-nen-dan-chu-giac.html?m=1

This entry was posted in Dân chủ. Bookmark the permalink.