Đó là lời bà Lê Hiền Đức – người được tổ chức Minh bạch quốc tế trao giải thưởng Liêm chính năm 2007 – trả lời phỏng vấn ông Dominique Foulon, Giám đốc phát hành của Tạp chí “Carnets du Viet Nam” vào năm 2013.
Xét thấy nội dung bài viết này còn nguyên tính thời sự, BVN trân trọng đăng lại.
Bauxite Việt Nam
– Từ khi bà được sinh ra thì nước Việt Nam đã trải qua những trang sử sôi động. Bà có thể cho chúng tôi được biết về sự hiện diện của bà trong khung cảnh lịch sử đó?
Tôi được sinh ra vào năm 1932, khi Việt Nam còn là nước thuộc địa bị chia thành 3 kì với 3 chế độ cai trị khác biệt. Ở tuổi thiếu niên, tôi tận mắt thấy đời sống lầm than, cơ cực của người dân Việt Nam dưới ách thống trị tàn ác của thực dân, phong kiến. Đặc biệt vào đầu năm 1945, tôi phải chứng kiến nạn đói khủng khiếp đã cướp đi 2 triệu sinh mạng, tức là hơn 1/10 dân số Việt Nam khi ấy. Chúng hun đúc cho tôi lòng yêu nước, thương nòi, căm thù sự áp bức, bất công. Vì vậy, khi Mặt trận Việt Minh hô hào toàn dân vùng lên đoàn kết đánh đổ áp bức, bất công, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho dân tộc, trả lại ruộng đất cho dân cày, nhà máy, hầm mỏ cho dân thợ, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, đem lại hạnh phúc, ấm no, bình đẳng cho toàn thể dân chúng, khiến ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, ở tuổi 13, tôi đã cùng các anh chị mình hăng hái hưởng ứng. 30 năm tiếp theo đó, trên các cương vị công an viên rồi giáo sinh, giáo viên, tôi tích cực tham gia 2 cuộc kháng chiến với mục đích giải phóng dân tộc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước. Nay nhìn lại, tôi rất xúc động và ít nhiều tự hào vì những năm qua mình đã biết sống vì dân, vì nước.
– Vào tình huống nào mà bà đã đối mặt với vấn đề tham nhũng và vấn đề tước đoạt quyền sử dụng đất một cách phi pháp? Có những ví dụ chính xác nào mà có thể chia sẻ với chúng tôi?
Tôi có thể đưa ra không phải hàng chục, hàng trăm mà là hàng ngàn, hàng vạn ví dụ rõ ràng và sinh động. Các thông tin về chúng đều đã được kiểm chứng là chính xác. Về đất đai, là các vụ cưỡng chế, tước đoạt đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng – thành phố Hải Phòng, đối với nhiều hộ nông dân ở huyện Văn Giang – tỉnh Hưng Yên, ở phường Dương Nội – quận Hà Đông – thành phố Hà Nội. Về y tế, là các vụ lừa đảo người dân để lấy tiền một cách lâu dài, có hệ thống diễn ra tại Bệnh viện Mắt Trung ương, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức – thành phố Hà Nội. Về giáo dục, là vụ tham ô của Tạ Thị Bích Ngọc ở Trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc – quận Cầu Giấy – thành phố Hà Nội. Các lĩnh vực khác cũng có nhiều vụ việc nghiêm trọng, như vụ Đặng Thị Bích Hòa ở Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh bưu điện.
– Phản ứng của chính quyền ra sao khi bà đặt vấn đề với họ về việc tước đoạt quyền sử dụng đất và về tham nhũng?
Phản ứng chung là xấu, là tiêu cực, với những biểu hiện như lảng tránh, câu giờ, ngụy biện, đùn đẩy cho nhau… nhằm làm cho “chìm xuồng” ngay cả khi sự việc đã rõ mười mươi, đã có đầy đủ nhân chứng, vật chứng. Để lấy ví dụ cụ thể về điều này, ông có thể đọc bài “Chỉ đạo phòng chống hay trực tiếp bao che, lấp liếm?” mà tôi viết vào năm kia.
Từ những trải nghiệm của mình, tôi cho rằng Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam chỉ hô hào suông chứ không thực tâm chống tham nhũng, thậm chí còn bao che, dung túng tham nhũng, sống dựa vào tham nhũng. Việc cách đây mấy năm, khi trả lời chất vấn của Quốc hội trên cương vị Phó thủ tướng thường trực, ông Nguyễn Sinh Hùng (nay là Chủ tịch Quốc hội) nói nếu kỉ luật hết cán bộ sai phạm thì lấy ai làm việc cho thấy rõ tham nhũng, sai phạm là thuộc tính, là bản chất của đội ngũ quan chức của Việt Nam hiện nay.
– Thái độ của người nông dân đối với bà như thế nào ?
Bà con nông dân, đặc biệt là những người bị tước đoạt đất đai, nhà cửa… tỏ ra yêu mến, tin tưởng tôi. Thái độ của bà con đem lại cho tôi những cảm xúc lẫn lộn. Trân trọng, xúc động bao nhiêu, tôi lại buồn bã, áy náy bấy nhiêu vì trong hầu hết trường hợp, tôi chưa giúp được bà con đánh đuổi bọn cướp ngày, giành lại đất đai, nhà cửa…
– Báo chí có nêu lên những mối đe dọa chống lại bà, đó là những gì?
Xét riêng việc chống tham nhũng thì đối với người chống tham nhũng, mối đe dọa chủ yếu và trực tiếp nhất là từ kẻ tham nhũng. Tôi từng phải nhận nhiều thư từ, cuộc gọi nặc danh, từng bị lén lút đổ chất thải bẩn thỉu vào nhà hay bị đặt vòng hoa tang trước cửa nhà. Tôi cũng từng phải nghe lời đe dọa từ những kẻ bị tôi tố cáo và lời “khuyên nhủ” có hàm ý răn đe từ những quan chức bao che chúng. Trong số quan chức ấy, không ít người ở cấp thứ trưởng, bộ trưởng, cũng không ít người nắm giữ trọng trách bảo vệ pháp luật, phòng chống tham nhũng.
Việc năm ngoái, nhiều tờ báo của Nhà nước đồng loạt đăng bài xuyên tạc, bôi nhọ tôi nhân một sự việc ở Sở thông tin – truyền thông Hà Nội và việc trong vài năm trở lại đây, lực lượng Công an đã nhiều lần cản trở hoạt động chống tham nhũng của tôi, thậm chí còn gửi giấy “triệu tập”, còn ra quyết định xử phạt hành chính đối với tôi một cách vô căn cứ cho thấy ở Việt Nam đang tồn tại những tập đoàn tham nhũng “cấp quốc gia”. Chữ “cấp quốc gia” tôi để trong nháy kép.
– Năm 2007, bà đã nhận được giải thưởng quốc tế về sự dấn thân của bà, điều đó xảy ra như thế nào?
Năm 2007 tôi có được Tổ chức Minh bạch quốc tế trao tặng một giải thưởng. Khi ấy, tôi hoàn toàn bất ngờ. Mọi việc đã diễn ra công khai, minh bạch đúng như tiêu chí của giải thưởng và tôn chỉ của tổ chức trao tặng nó. Trả lời rõ ràng, đầy đủ câu hỏi này của ông, chắc không ai hơn Tổ chức Minh bạch quốc tế. Ở đây, tôi chỉ muốn nói thêm rằng tôi và những người cùng chí hướng ở Việt Nam đấu tranh chống tham nhũng không phải để nhận sự khen thưởng nhưng đối với chúng tôi, giải thưởng năm 2007 của Tổ chức Minh bạch quốc tế có ý nghĩa động viên, khích lệ hết sức to lớn. Chúng tôi chân thành cảm ơn Tổ chức Minh bạch quốc tế về điều đó và mong muốn bạn bè quốc tế kề vai sát cánh cùng chúng tôi hơn nữa trên mặt trận chống tham nhũng.
– Theo bà thì những thay đổi nào sẽ là quan trọng cho tương lai của Việt Nam để người ta có thể sống trong một xã hội bớt tham nhũng và nhiều bình đẳng hơn.
Hiểu theo nghĩa chung nhất thì tham nhũng là lợi dụng quyền hành để tham ô và nhũng nhiễu dân. Có thể ví tham nhũng như một cái cây với đủ gốc rễ, thân chính, các cành lớn nhỏ, lá già, lá non, chồi, búp…
Ở Việt Nam, như tôi từng khẳng định, tham nhũng đang rất trầm trọng và ngày càng trầm trọng hơn, trong đó tham nhũng đất đai là rất kinh khủng, tham nhũng ở nhiều lĩnh vực khác như đầu tư công, y tế, giáo dục cũng không kém phần ghê gớm. Để minh chứng, tôi lấy ngay báo cáo của Chính phủ Việt Nam: Riêng năm 2012, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp nhận 349.139 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, trong đó có 4.772 lượt đoàn đông người (từ 5 người trở lên); đã tiếp nhận 136.783 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Về khiếu nại, cả nước phát sinh 115.344 lượt đơn với 86.814 vụ việc, trong đó khiếu nại về đất đai chiếm 74,7%, khiếu nại về nhà ở chiếm 4,2% tổng số đơn. Về tố cáo, cả nước phát sinh 21.439 đơn với 12.606 vụ việc, trong đó tố cáo về hành chính chiếm 93,9% tổng số đơn.
Nhưng những số liệu đó chỉ phần nào phản ánh các cành lớn nhỏ, lá già, lá non, chồi, búp… chứ chưa hề phản ánh gốc rễ, thân chính của cái cây tham nhũng ở Việt Nam, đó là tham nhũng về chính trị, tức tình trạng một thiểu số không do người dân bầu lên hay cử ra nhưng mấy chục năm qua cứ khư khư nắm giữ toàn bộ quyền quản lí, điều hành Nhà nước và xã hội. Sự tham nhũng đó khiến người dân Việt Nam không chỉ bị tước đoạt đất đai, nhà cửa, tài sản mà còn bị tước đoạt, xâm hại nhiều quyền lợi chính đáng, phổ quát khác như quyền tự do ngôn luận, tự do cư trú, tự do đi lại, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng, tự do biểu tình, tự do bầu cử và ứng cử… Chế độ chính trị và xã hội Việt Nam hiện nay hoàn toàn không phải là chế độ chính trị và xã hội mà gần 70 năm trước, khi đi theo Mặt trận Việt Minh, tôi mong muốn xây dựng. Có thể nói rằng cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của chúng tôi đã bị phản bội một cách toàn diện. Để hiểu cụ thể hơn điều này, ông có thể đọc bài “Phản cách mạng đã rõ ràng!” mà tôi viết năm ngoái.
Theo tôi, để được sống trong một xã hội bớt tham nhũng và nhiều bình đẳng hơn, người dân Việt Nam phải đốn bỏ thân chính, đào tận gốc, trốc tận rễ cái cây tham nhũng, đó là sự tham nhũng về chính trị mà tôi vừa đề cập.