Những mâu thuẫn giữa Campuchia và Việt Nam

Nguyễn Quốc Khải

clip_image002

Hôm nay Ô. Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng CSVN, chính thức viếng thăm Campuchia trong ba ngày theo lời mời của Thủ tướng Hun Sen nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai quốc gia (1967-2017). Mục đích của chuyến viếng thăm này là để duyệt lại lộ trình đã đi qua và nâng cấp quan hệ song phương lên mức cao hơn trong giai đoạn tới.

Trong thời gian gần đây người ta đã chứng kiến nhiều hoạt động ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia như những dấu hiệu cho thấy hai bên đang cố gắng thật sự để giảm bớt những tranh chấp giữa hai nước láng giềng. Như vậy, đây phải là những vấn đề hệ trọng cho cả hai quốc gia.

– Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong viếng thăm Campuchia lần thứ hai, tháng 7, 2017.

– Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin viếng thăm Việt Nam, tháng 6, 2017.

– Thủ tướng Hun Sen viếng thăm tỉnh Bình Phước, tháng 6, 2017.

– Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viếng thăm Campuchia, tháng 4, 2017

– Thủ tướng Hun Sen đã viếng thăm Việt Nam, tháng 12, 2016.

– Chủ tịch nước Trần Đại Quang viếng thăm Campuchia, tháng 6, 2016.

– Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng thăm Campuchia, tháng 12, 2014.

– Thủ tướng Hun Sen và các nhà lãnh đạo Lào và Thái Lan tham dự Ủy hội Mê Kông tại Việt Nam, tháng 4, 2014.

– Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Campuchia, tháng 1, 2014.

– Thủ tướng Hun Sen viếng thăm Việt Nam, tháng 12, 2013.

– Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Campuchia để dự tang lễ của thân phụ của Thủ tướng Hun Sen, tháng 7, 2013.

– Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị ASEAN, tháng 11, 2012.

– Vua Norodom Sihamoni viếng thăm Việt Nam, tháng 9, 2012.

– Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong viếng thăm Campuchia lần đầu tiên, tháng 12, 2011.

– Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Campuchia, tháng 4, 2011.

Mâu thuẫn về Biển Đông

Giữa Việt Nam và Campuchia có một số mâu thuẫn. Quan trọng nhất là chánh sách của Campuchia đối với vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đỏi hỏi chủ quyền trên 90% của Biển Đông theo như bản đồ chín đoạn. Campuchia đã công khai ủng hộ lập trường này của Trung Quốc vào 2016. Hội nghị của các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) họp tại Vientian vào tháng 7, 2016 đã phải mất nhiều ngày để soạn tuyên cáo chung vì Campuchia phản đối việc đưa phán quyết về Biển Đông của Tòa án Quốc tế ở Haque, Hòa Lan vào thông cáo. Sau cùng, Phi Luật Tân phải đồng ý bỏ đòi hỏi này và thông cáo chung mới được hoàn tất. Vào 2012, Campuchia cũng đã ngăn chặn thông cáo chung của ASEAN cũng vì vấn đề Biển Đông.

Trước đây Campuchia, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen, từng chống lại Trung Quốc vì nước này từng ủng hộ Khmer Đỏ và Norodom Sihanouk chống lại Việt Nam và Hun Sen. Vào 1988, Hun Sen từng tuyên bố Trung Quốc là “gốc rễ của mọi xấu xa” tại Campuchia. Khoảng 10 năm sau ông ta tuyên bố Trung Quốc là “người bạn đáng tin cậy nhất” của Campuchia. Sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và Hiệp định Hòa bình Paris 1991 được ký kết, quốc gia này trên danh nghĩa trở thành một nước dân chủ với nhiều đảng phái chính trị và bầu cử tự do dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc nhận thấy Hun Sen là người sáng giá nhất, nên long trọng mời Hun Sen viếng thăm Bắc Kinh vào 1996. Sau đó, Trung Quốc viện trợ, đầu tư vào Campuchia rất nhiều và thực hiện những dự án xây cất hạ tầng như đập nước, xa lộ và cơ xưởng kỹ nghệ như hầm mỏ, dệt may, và giếng dầu. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Nam Vang cải thiện mạnh mẽ. Hoa Kỳ là thị trường xuất cảng lớn nhất của Campuchia, nhưng Trung Quốc là nước đứng đầu về ngoại viện.

Trong cuộc viếng thăm Bắc Kinh của Hun Sen gần đây nhất vào tháng 5, 2017, Trung Quốc đã quyết định viện trợ cho Campuchia 1,200 tỉ Yuan để xây trường học, phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn, và đào giếng nước; 450 triệu Yuan để xây bệnh viện, đồng thời đặt mua 300,000 tấn gạo của Campuchia vào 2018.

Hun Sen, một người thông thạo tiếng Việt, tiếp tục là một bạn trung thành với Hà Nội vì Hun Sen không bao giờ quên Việt Nam đã là nơi ông ta nương thân khi từ bỏ Khmer Đỏ. Vào ngày 21-6-2017 vừa qua, Thủ tướng Hen Sen đã trở lại Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (Bình Long và Phước Long) nơi ông đã vượt biên giới Campuchia qua Việt Nam, chạy trốn chế độ Pol Pot 40 năm trước. Khi tình hình nội bộ rối ren, Hun Sen luôn luôn quay về Việt Nam để nghỉ ngơi. Trong cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội vào 2013, Đảng Nhân dân (Cambodian People’s Party) của Hun Sen thắng 68 ghế. Đảng Cứu quốc Đối lập (Cambodia National Rescue Party) chiếm được 55 ghế. Theo RFA, khoảng nửa triệu người biểu tình chống lại kết quả của bầu cử mà đảng đối lập cho rằng có sự gian lận và nhiều dấu hiệu bất thường. CNRP đòi tổ chức bầu cử lại nhưng Hun Sen bác bỏ yêu cầu này. Trong không khí căng thẳng, Hun Sen tuyên bố sẽ viếng thăm Việt Nam vào cuối năm. Phe đối lập cho rằng Hun Sen đi Việt Nam để tìm hậu thuẫn từ bên ngoài khi gặp khó khăn nội bộ. Vì sự trợ giúp của Trung Quốc quá lớn, dễ gì Hun Sen có thể thay đổi quan điểm về Biển Đông để bênh vực Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương và Brunei.

Dù sao, Việt Nam sẽ phải tiếp tục cải thiện ngoại giao với Campuchia, Lào, và Thái Lan để tìm hỗ trợ. Lập trường chính trị thay đổi bất ngờ, như trường hợp của Hun Sen và Trung Quốc. Việt Nam phải hợp tác mạnh mẽ với Nhật, Ấn Độ, Úc, và Hoa Kỳ cùng các cường quốc Tây phương. Không nên xem thường sự hỗ trợ dành cho Trung Quốc của của 39 nước Châu Phi, 23 nước châu Á, 3 nước Nam Mỹ, 2 nước châu Đại Dương, và 4 nước châu Âu kể cả Nga. Việt Nam phải cương quyết giữ vững lập trường về Biển Đông, không thể để mất thêm một tất đất một tấc biển cho thực dân đỏ.

Trong lần viếng thăm Nam Vang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 6, 2016, phái đoàn Việt Nam đã thành công đưa vào thông cáo chung một khuyến cáo thi hành Qui ước của LHQ về Luật Biển (United Nations convention on the Law of the Sea – UNCLOS) để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Mâu thuẫn về biên giới

clip_image004

Việt Nam và Campuchia chia sẻ 1,137 km biên giới. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, không có cuộc đụng độ nào giữa hai nước liên quan đến tranh chấp biên giới. Nhưng từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào 30-4-1975, nhiều cuộc giao tranh đã xẩy ra ở biên giới và sau cùng đã đưa đến cuộc can thiệp quân sự quy mô của Việt Nam vào lãnh thổ Campuchia và lật đổ chế độ Pol Pot vào 1978.

Trong thập niên 1980, Việt Nam và Campuchia đã đồng ý về một số vấn đề biên giới. Thỏa hiệp về lãnh hải lịch sử (Historic Waters) trong Vịnh Thái Lan được ký vào ngày 7-7-1982. Thỏa hiệp về lãnh thổ (Treaty on the Delimitation of Vietnam – Kampuchea Frontier) được ký vào ngày 27-12-1985 và được Quốc hội hai nước phê chuẩn vào đầu năm 1986. Hai thỏa hiệp này đều dựa trên một nguyên tắc căn bản là tôn trọng ranh giới hiện hữu có từ khi hai nước độc lập (present demarcation line specified as the line that was in existence at the time of independence). Biên giới trên đất và ở biển dựa vào bản đồ 1/100,000 được dùng trước và cho tới 1954.

Sau khi Việt Nam rút khỏi Campuchia vào 1989 và Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết vào 1991, Chính phủ Quốc gia Lâm thời Campuchia (Provisional National Government of Cambodia – PNGC) ra đời vào năm 1993. Kể từ thời điểm này đến nay, tình trạng của hai thỏa hiệp biên giới đã ký trong thập niên 1980 trở nên không rõ ràng.

Campuchia nhiều lần tố cáo Việt Nam lấn đất ở biên giới. Việt Nam luôn luôn phủ nhận những lời tố cáo này. Chính Vua Norodom Sihanouk vào tháng 5, 1994 cũng lên tiếng phản đối Việt Nam “gậm nhấm” đất của Campuchia bằng cách di chuyển cột mốc biên giới.

Vào năm 1996, Hoàng tử Norodom Ranariddh, Thủ tướng thứ nhất của Campuchia, công khai lên án nông dân Việt Nam với sự yểm trợ của quân đội đã xâm phạm lãnh thổ của nước này tại ba tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, và Kompong Cham.

Hai bên liên tục cử phái đoàn qua lại để giải quyết những tranh chấp biên giới. Những nhà lãnh đạo cao cấp của hai nước cũng thường xuyên gặp gỡ. Chủ tịch nước Lê Đức Anh từng thăm viếng Nam Vang và Vua Sihanouk viếng thăm Hà Nội. Ủy ban Hỗn hợp Biên giới (Joint Border Committee) được thành lập. Mỗi lần hội họp hai bên đều lập lại nguyên tắc giải quyết tranh chấp biên giới một cách công bằng và ôn hòa. Nhưng những tranh chấp vẫn xẩy ra. Campuchia than phiền rằng Việt Nam tiếp tục xây cất cơ sở trên những phần đất gần biên giới đã được chỉ định bỏ trống (white zone) vì chưa ấn định được ranh giới. Việt Nam phủ nhận tin này nhưng hứa sẽ xem xét lại than phiền của Campuchia.

Cán bộ của đảng đối lập CNRP can thiệp vào vụ ấn định biên giới, tố cáo nhân viên Campuchia trong Ủy ban Hỗn hợp Biên giới thông đồng với nhân viên Việt Nam. CNRP đòi hủy bỏ công việc đang làm dở dang để bắt đầu lại và kiện Việt Nam ra trước Tòa án Quốc tế (International Court of Justice để nhờ làm trọng tài. Lập trường của Chính phủ Hun Sen ôn hòa hơn.

CNRP cho rằng Việt Nam đã vẽ lại bản đồ của Campuchia khi Việt Nam xâm chiếm Campuchia vào năm 1979. Chính phủ Hun Sen đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc giúp đỡ để tìm kiếm bản đồ do Pháp soạn vào những năm 1933-1953. CNRP lợi dụng cơ hội này, dùng chiêu bài bài ngoại để lấy lòng dân Campuchia và chống lại Chính phủ Hun Sen. Trước đây, CNRP còn hứa hẹn sẽ lấy lại đảo Phú Quốc hay còn gọi là Koh Tral Island theo tiếng Khmer, nếu đắc cử. Đảo Phú Quốc do Việt Nam quản trị trên 150 năm. Sam Rainsy, Chủ tịch CNRP, hiện đang sống lưu vong ở Pháp và sẽ phải thi hành án tù hai năm vì tội nhỏ mốc biên giới vào 2009 nếu trở về nước.

Ô. Ramses Amer thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách An ninh và Phát triển, một tổ chức vô vụ lợi tại Stockholm, Thụy Điện, nhận xét rằng đối với Việt Nam, Đảng CSVN và Chính phủ hoạch định chính sách ngoại giao. Tại Campuchia, tình trạng khác vì xung khắc giữa các phe phái chính trị. Điểm quan trọng thứ hai ô. Amer nêu ra là một số quan chức Campuchia địa phương cho nông dân Việt Nam thuê đất làm ruộng trong nhiều năm, khiến cho một số quan chức ở Nam Vang tưởng lầm là người Việt chiếm đất của Campuchia. Báo chí Campuchia đã tường thuật hiện tượng này ở các tỉnh như Kandal, Takeo, và Svay Rieng.

Cho tới thời điểm hiện nay, hai nước đã hoàn tất 84% công việc đặt mốc biên giới sau 40 năm khởi công. Vì lợi ích chung của hai nước, việc xác định biên giới cần sự hợp tác của đôi bên để hoàn tất sớm.

Cư dân Việt trên đất Khmer

Theo RFA, có khoảng 156,000 người gốc Việt sinh sống tại Campuchia vào năm 2016 tại các tỉnh phía Đông giáp với Việt Nam, tỉnh Siam Reap và thủ đô Nam Vang. Mặc dù sống tại Campuchia nhiều đời, nhưng họ vẫn bị chính quyền và dân Campuchia ngược đãi. Họ không có giấy tờ tùy thân, không được sở hữu ruộng đất. Phần lớn sống trên thuyền bè và sinh nhai bằng nghề chài lưới. Trẻ em không được đi học, người lớn không có quyền đi bầu.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, một số người Việt được tuyển mộ qua Campuchia làm tại các đồn điền cao su và phục vụ trong guồng máy chính quyền của Pháp tại đây. Ngược lại, người Pháp cũng đưa một số người Campuchia qua Việt Nam làm việc. Kể từ khi Campuchia dành được độc lập, dưới thời Vua Norodom Sihanouk, cư dân gốc Việt bắt đầu bị ngược đãi. Sau khi Lon Nol đảo chánh, lật đổ Vua Sihanouk vào năm 1970, cư dân gốc Việt ngày càng bị ngược đãi nhiều hơn. Một số người Việt bị tàn sát. Một số bị ép buộc trở về Việt Nam. Người Việt bị cấm làm một số nghề. Khi Khmer Đỏ lên nắm chính quyền, chính sách đàn áp cư dân gốc Việt tiếp tục như dưới thời Lon Nol. Sau cuộc Tổng tuyển cử 1993 do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, Vương quốc Campuchia được thành lập, cho tới nay, việc kỳ thị cư dân bớt đi phần nào so với thời gian Lon Nol – Pol Pot.

Đảng đối lập Cứu quốc Campuchia (Cambodia National Rescue Party) dưới sự lãnh đạo của Sam Rainsy chống cộng sản nhưng chủ trương bài Việt rõ rệt như trường hợp Lon Nol. Đảng này thường dùng chiêu bài chống người Việt để khích động và lấy phiếu của cử tri.

Trong những dịp phái đoàn hai nước hội họp để giải quyết những mâu thuẫn hoặc các nhà lãnh đạo thăm viếng xã giao, Việt Nam đều có đề cập đến quyền lợi và sự an toàn của cư dân Việt trên đất Campuchia. Trong một số thông cáo chung có ghi vấn đề này. Nhưng người Việt vẫn bị ngược đãi. Đây là điều đáng mừng.

clip_image006

Mâu thuẫn về biên giới giữa Việt Nam và Campuchia bắt nguồn từ vài trăm năm trước. Hành trình Nam tiến của dân Việt bắt đầu từ thời Lý vào đầu thế kỷ XI qua đời nhà Trần, nhà Hồ và hậu Lê. Đến thời nhà Nguyễn, sau 700 năm, lãnh thổ của Việt Nam đã mở rộng xuống đồng bằng sông Cửu Long vốn là đất của người Khmer vào giữa thế kỷ XVIII. Khi lập Liên bang Đông Dương, người Pháp cắt một số đất của nhà Nguyễn trả lại cho Campuchia mà ngày nay là hai tỉnh Takeo và Kampot.

Mâu thuẫn về đất đai là gốc rễ của sự oán thù giữa hai dân Việt và Khmer. Do đó, một khi việc đặt mốc biên giới hoàn tất, mâu thuẫn giữa hai sắc dân sẽ bớt đi. Ngoài ra, chính quyền Việt Nam nên dành mọi dễ dàng và cung cấp phương tiện cho những cư dân gốc Việt trở về Việt Nam sinh sống, nếu họ muốn. Trong hoàn cảnh nghèo khổ, đời sống không an toàn, chắc hẳn sẽ có nhiều người tình nguyện trở về. Một khi ô. Hun Sen không còn ở vị thế một nhà lãnh đạo của Campuchia, cư dân gốc Việt sẽ có thể bị điêu đứng như thời Lon Nol – Pol Pot. Phe Cứu quốc Campuchia (CNRP) hay phe Bảo hoàng (Front Uni National pour un Cambodge Indépendant, Neutre, Pacifique, et Coopératif – FUNCINPEC) đều chủ trương bài Việt.

Kết luận

Tóm lại Việt Nam có ba vấn đề nhức nhối phải giải quyết với nước láng giềng phía Tây: Biển Đông, biên giới, và cư dân gốc Việt sinh sống lâu đời tại Campuchia. Một nghĩa vụ quan trọng mà chính quyền Việt Nam cũng cần phải làm là tìm kiếm những binh sĩ mất tích hay đã tử trận nhưng không tìm thấy xác trong chiến tranh Việt Nam – Campuchia. Rất đáng khiển trách là Việt Nam chiếm đóng Campuchia suốt hơn 10 năm từ 1978 – 1989 đã không hoàn tất công việc này.

N.Q.K.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.