Xin đừng vơ cả chúng em

Nguyễn Duy Nghĩa

“Chúng em” ở đây là những chiến sỹ, hạ sỹ quan, đúng ra có thể xưng là “chúng tôi” theo đúng lễ tiết tác phong chính quy, song thường là lính mới, ít tuổi, lại là lính quèn, nên xưng hô vậy để tỏ rằng mình biết điều. Lâu nay chúng em thấy dư luận ồn ào việc quân đội làm kinh tế, rằng là thế này, thế kia, người bênh, người chê, chưa thấy ông to, bà lớn nào làm trọng tài huýt còi cho trận đấu dừng hay tiếp tục, thành thử cứ nhức cả đầu.

Song là người trong quân ngũ chúng em xin giãi bày để đừng bị vơ vào cái sự thể này. Từ ngày khai sinh đến nay lúc nào quân đội ngoài chức năng đánh giặc cũng làm ra của cải nói chữ là “làm kinh tế”. Vốn đại đa số người lính xuất thân từ dân cày, nên việc là trồng rau, nuôi lợn, chăn bò, thả cá… là chuyện nhỏ, đụng chân tay cho đỡ ngứa tay chân. Đất nước càng đổi mới thì việc quân đội làm kinh tế cũng đổi mới, thế mới có lính thợ, nhiều loại lính thợ. Nhưng cái bất biến của việc quân đội làm kinh tế vẫn đặc hiệu là “nước sông công lính”.

Công bằng mà nói, từ việc ỏ ê về đất quốc phòng lèo sang việc quân đội làm kinh tế là hồ đồ hòng lấp liếm, dằn dỗi do ngộ nhận của Nhóm kiêu binh. Chẳng những không một ai có nửa lời ta thán mà còn hoan nghênh việc quân đội làm kinh tế. Thời chiến đã vậy thời bình càng phải có. Xưởng may quân đội tận dụng công xuất may cả quần áo sơvin, đóng giày dân sự. Các nhà máy quốc phòng tận dụng năng lực kỹ nghệ cao làm hàng dân dụng được ưa chuộng. Thời thiếu thốn trăm bề, vớ được hàng quốc phòng là sướng âm ỉ vì là đồ “nồi đồng, cối đá”. Hơn nữa thế những mong ta có nền công nghiệp quốc phòng hiện đại chế ra vũ khí, đạn dược tối tân thậm chí cả nguyên tử để phòng vệ quốc gia, quyết không như một thời phải ngửa ta xin, biến người Việt là “lính đánh nhau gia công cho nước ngoài”, còn đất nước ta thành bãi thử nghiệm vũ khí mới, tiêu hủy thứ thải loại, đổ hóa chất hủy diệt. Còn thời nay tất nhiên nhiều trang thiết bị quân sự phải nhập khẩu, nghe nói rất tốn kém khi ngân khố thâm thủng mà còn bị không ít kẻ dòm ngó, tranh thủ bòn rút.

Vậy thực sự việc này thế nào. Để làm kinh tế mọi động tác cơ bắp đều đến tay chúng em. Còn từ sĩ quan (gọi tắt là quan) trở lên là nhàn, chỉ tay là chính, dĩ nhiên các quan không nhàn cái đầu. Các quan đêm nằm nghĩ việc cho chúng em làm. Quan lớn hơn thì xin được dự án, chạy được công trình thạm chi nhận làm B phẩy, rốt cuộc cũng lại đến chúng em vôi vữa, cát sỏi, tay búa, dàu mỡ, lấm lem. Và cũng dĩ nhiên đến bữa, xuất ăn của chúng em là đại táo, còn của các quan là trung táo, tiểu táo, đặc táo. Siêu đặc táo vừa ăn vừa có vui vẻ[1]. Có sản phẩm là có tiền, vượt tiến độ là có thưởng. Chúng em nguyên xi phụ cấp, hậu hĩ được vại bia cỏ là sướng ra mặt, thế là hơn thời cơm vắt, ngủ rừng nhiều lắm. Các quan ngoài lương hệ số cao còn có thưởng. Quan chủ trò nhận siêu thưởng. Tiền đút kềnh túi phải cho vào tài khoản. Tài khoản đầy thì chuyển khoản ra ngoài. Còn nhớ thời chiến tranh đã lưu truyền: “Cuốc xẻng chia từ dưới lên, nhu yếu phẩm chia từ trên xuống[2]. Đã là thân phận người lính thì thời nào cũng vậy. Liên tưởng thời “phong kiến thối nát”, người lính “Ngày thời canh điếm, tối dồn việc quan/Chém tre đẵn gỗ trên ngàn/Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai/Miệng ăn măng trúc, măng mai…”[3]. Thì ra cái khẩu hiệu “đồng chí chung câu quân hành” thời nay chỉ là bánh vẽ. Càng chính quy, lính càng ra lính, quan phải thật là quan, thế người ta mới máu làm quan, có gan chạy thăng quan, tiến chức.

Những tình tiết trên càng rộ lên từ ngày ngả vào lòng định hướng thị trường. Khi còn là Trạm giao liên, đương nhiên chúng em phải bếp núc, xoong nồi, bát đĩa, song thấy ấm lòng bởi đã tiếp sức cho đồng đội ra trận. Còn từ ngày nó hóa phép thành khách sạn “không sao”, cho thuê tổ chức sự kiện, tiệc cưới, phòng ngủ đủ tiện nghi, thì lính tráng nay vẫn nghiêm trang như điều lệnh, đứng chờ các quan say mèm, để mặc chúng em dọn mâm.

Đất quốc phòng làm sân gôn. Sân nào cũng do chúng em san lấp, trồng cỏ, khoét lỗ…, nhưng chơi thì đừng bén mảng. May phúc được sai nhặt bóng, chăm cỏ là tốt số rồi. Đánh gôn phải là quan. Quan sao vạch, quan dân sự cùng đánh, đánh xong cùng vui, mặn nồng như tình cá nước. Hết trận, các quan xe lên hơi về nhà lầu, chúng em lại sắp hàng đi về trại, ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân.

Lại vạch chuyện đất quốc phòng do quân đội tự chia cho nhau làm nhà ở. Khốn nạn nào đến có lượt chúng em. Nhưng khốn khổ thì có. Quan làm nhà lính chúng em được điều động đến thực thi nhiệm vụ. Người xây, kẻ trát, người chở vật liệu, kẻ trang trí nội thất… Công trình của quan tân gia, chúng em ra khỏi nhà, balô lên đường nhận “nhiệm vụ mới”.

Ngày làm, đêm thay phiên canh gác. Từ mùa xuân 1975, nước ta đã hoàn toàn độc lập tự do và vĩnh viễn độc lập tự do; rồi nguyện xin làm bạn với bốn phương; kẻ thù truyền kiếp nay tay bắt mặt mừng; có chăng chỉ là giặc nội xâm thì đã có Ban Chống tham nhũng trừ diệt; dân ở ngoài, chỉ lo bọn trộm chó, thành thử “việc súng ống” nhàn nhã hẳn. Ngày lại ngày các quan chỉ riêng việc “vui là chính” đã mệt nhoài, nên canh gác là để các quan ngon giấc năm canh ở phòng lạnh trong khuôn viên kín cổng cao tường, là đúng thân phận người lính. Còn nhiều chuyện nữa, nhưng dường như thế là đủ, đừng vơ cả quân đội vào chuyện lình xình này tức là vơ cả chúng em và đổ vấy lên cả những nhiều sỹ quan cả đời biền biệt xa nhà, ngày lại ngày chỉ biết làm việc… quân.

Trước những lời ra tiếng vào việc quân đội làm kinh tế, chúng em mừng với tuyên bố hùng hồn của vị tướng lớn hậu duệ của một vị tướng thật to. Ngài nói “Mục tiêu là không để cho những sai phạm xảy ra ở một nơi sạch nhất, đó là quân đội”. Quân đội sạch thật chứ còn gì nữa. Nào ai dám lấy cái kim sợi chỉ của dân, nhờ thế mà đi dân nhớ, ở dân thương. Có cậu lính nào đang tại ngũ lại lù lù xây cái nhà to đùng như biệt phủ. Có đứa nào lại nghênh ngang lên xe hộp, xuống xế khủng. Lại có đứa nào dám nhậu nhẹt ríu rít em út. Mong hết hạn quân ngũ giữ được “gáo” về quê như bao lớp dàn anh từng như thế là mừng, không dính da cam, da quýt không tuyệt tự càng quý. Lớp lớp lính chúng em tự hào vì có các bà mẹ là siêu anh hùng, là anh hùng của các bà mẹ anh hùng nhất quả đất. Các bà đều hân hoan tiễn những đứa con dứt ruột đẻ ra ra trận để đến ngày chân chậm, mắt mờ, da mồi, tóc bạc, mơ mơ, tỉnh tỉnh, các anh vẫn không về, mình mẹ giành danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Xin dư luận hãy công bằng, đừng nói chung chung quân đội làm kinh tế dễ bị lợi dụng nhập nhèm, đánh lận con đen. Phải chỉ đích thị, lôi ra ánh sáng các hành vi lợi dụng danh nghĩa quân đội, sự nghiệp quốc phòng để phè phỡn trên xương máu đồng bào, đồng đội. Nghe phong thanh ở sân bay Tân Sơn Nhất nghi có mộ tập thể cả trăm chiến sỹ hy sinh khi đánh vào sân bay này hồi Mậu Thân sáu tám (1968). Vì thế khi bung bét ra vụ việc nào đừng nghĩ chúng em là đồng phạm. Có kiểm tra, song chắc sai sót sẽ ít, rất ít, phải giữ bí mật… quốc phòng.

N.D.N.

__________

[1] Tiêu chuẩn suất ăn cho quân đội theo cách của Trung Quốc lấy gốc là chữ “táo” nghĩa là bếp. Đại táo là bếp to – nhiều người ăn. Trung táo là bếp vừa, Tiểu táo là bếp nhỏ cho quan to và trên nữa là đặc táo cho quan thật to.

[2] Thời chiến, các chiến sỹ được cấp vật phẩm tiêu dùng cá nhân thiết yếu, cũng là gọi theo chữ của Trung Quốc là “nhu yếu phẩm”

[3] Ca dao: “Thương anh ra trấn ải quan – Ba năm trấn thủ lưu đồn”.

This entry was posted in Quân Đội. Bookmark the permalink.