The Economist, 15/7/2017
Phan Trinh dịch
LƯU HIỂU BA, mất ngày 13/7 vừa qua, không là cái tên cửa miệng ở phương Tây. Tuy nhiên, với người Trung Quốc đang đòi dân chủ, đang chống lại dã tâm cản đường dân chủ của Đảng Cộng sản, thì cái tên Lưu Hiểu Ba lại rất nổi bật. Tiếng nói uy nghiêm, trầm tĩnh và không ngưng nghỉ kêu đòi tự do cho dân tộc Trung Quốc của Lưu Hiểu Ba đã khiến ông trở thành một trong những nhà phản kháng vì lương tâm nổi tiếng nhất thế giới, cùng hàng ngũ với Andrei Sakharov và Nelson Mandela. Ông cũng là tù nhân lương tâm đoạt giải Nobel Hoà bình như họ.
Lưu Hiểu Ba chết trên giường bệnh vì ung thư gan, tại một bệnh viện ở miền Đông Bắc Trung Quốc. Nhưng, nỗi đau mà Lưu Hiểu Ba, cùng gia đình và bằng hữu, phải chịu đựng trở nên nặng nề hơn không vì bệnh tật, mà vì tình trạng bi đát của ông. Lưu Hiểu Ba, một trí thức hàn lâm, một tác gia chuyên văn và triết, đã ở tù đến năm thứ 8, trong bản án 11 năm tù vì tội chống chính quyền. “Tội” của ông thực ra chỉ là viết hiến chương đòi hỏi dân chủ, lý tưởng mà ông theo đuổi suốt mấy chục năm, ông cũng là một nhân vật chủ chốt trong cuộc đấu tranh năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn.
Dù ở bệnh viện dân sự, ông vẫn bị canh giữ như tù nhân. Gia đình xin cho ông được trị bệnh ở nước ngoài nhưng chính quyền không cho. Họ cho bố trí lính gác quanh khu ông điều trị, và cài cả một đạo binh những tay kiểm duyệt internet để ngăn chặn mọi thông điệp cảm thông hoặc chia sẻ đến với ông, họ còn ra lệnh cho gia đình ông phải im miệng. Rõ ràng, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn thế giới quên mất Lưu Hiểu Ba và những gì ông đại diện.
Vấn đề là thế giới bên ngoài có nguy cơ sẽ quên ông thật.
Nhút nhát và vị kỷ
Các chính quyền phương Tây có một thành tích dài ngoằng cho thấy họ nhút nhát và vị kỷ khi phản ứng trước các vụ Trung Quốc đối xử thô bạo với giới bất đồng chính kiến:
Vào thập niên 1980, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa với thế giới bên ngoài, các nhà lãnh đạo phương Tây đã tích cực tìm cách thu phục Trung Quốc về phe họ trong cuộc tranh chấp chống Liên Xô, nên họ gần như không muốn nhắc nhở gì đến các tù nhân chính trị của Trung Quốc. Tại sao phải làm mất lòng nhà cải cách Đặng Tiểu Bình bằng cách lải nhải về những người bất đồng như Nguỵ Kinh Sinh? (Nguỵ Kinh Sinh lúc đó đang chịu án 15 năm tù vì vai trò trong phong trào Bức tường Dân chủ, khiến phản kháng lan rộng khắp Trung Quốc, phong trào bị Đặng Tiểu Bình triệt hạ năm 1979.)
Đến năm 1989, thái độ của giới lãnh đạo phương Tây lại thay đổi, khi Đặng Tiểu Bình thẳng tay đàn áp vụ Thiên An Môn làm hàng trăm người chết. Bỗng nhiên, lải nhải phàn nàn với Trung Quốc về các nhà bất đồng bị bỏ tù trở thành mốt thời thượng (Trung Quốc lúc này hoá mờ nhạt vì Liên Xô đang sụp đổ). Thỉnh thoảng, chính quyền cộng sản cũng trả tự do cho vài người, với hy vọng cải thiện hình ảnh Trung Quốc trong mắt thế giới, và việc này khiến các nhà lãnh đạo phương Tây rất lấy làm biết ơn. Biết ơn vì họ muốn dân chúng phương Tây, tuy bất bình vì vụ thảm sát Thiên An Môn, thấy rằng áp lực của phương Tây với Trung Quốc ít ra cũng có kết quả.
Nhưng đến giữa thập niên 1990, khi kinh tế Trung Quốc bùng nổ và lợi ích thương mại chiếm thế thượng phong, giới bất đồng chính kiến ở Trung Quốc lại bị đẩy xuống hàng thứ yếu thêm lần nữa. Trong mắt các quan chức phương Tây, Trung Quốc đang ngày càng giàu mạnh, vì vậy rất không nên làm phiền lòng họ. Các công ty lớn nhất thế giới tranh nhau ùa vào thị trường Trung Quốc, còn Mỹ, Anh và các nước khác thì cho hình thành các cuộc “đối thoại nhân quyền”, để khéo léo tách các vấn đề nhân quyền khỏi các phi vụ làm ăn được dàn xếp trên thượng tầng.
Đến năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lại làm lệch cán cân thêm lần nữa. Phương Tây bắt đầu nhìn Trung Quốc như vị cứu tinh cho phương Tây về kinh tế. Và rồi đến đầu tháng 7 năm nay (2017), khi lãnh tụ các nước G20, có cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhóm họp thường niên tại Đức, đã không có bất kỳ một nhà lãnh đạo nào lên tiếng về tình trạng của Lưu Hiểu Ba, mặc dù căn bệnh nan y của ông đã được dư luận biết đến rộng rãi.
Đã đến lúc can thiệp
Các lãnh tụ phương Tây như thầm nghĩ rằng “Lên tiếng để làm gì cơ chứ?” Vì Trung Quốc luôn trả đũa nước nào chê trách thành tích nhân quyền của họ. Mãi tới năm 2016, Trung Quốc mới tái lập quan hệ ngoại giao với Na Uy, sau khi trở nên nguội lạnh với Oslo chỉ vì họ đăng cai lễ trao giải Nobel Hoà bình năm 2010 cho Lưu Hiểu Ba (Trung Quốc không cho ông đi Oslo nhận giải, nên ban tổ chức đã phải dùng một chiếc ghế trống thay cho ông).
Một lý do khác khiến phương Tây ngần ngại là Tập Cận Bình không dễ gì lắng nghe. Trước khi nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình đã dùng lời lẽ đay nghiến, nói móc “một số người nước ngoài, no cơm rửng mỡ, không biết làm gì khác hơn là chỉ trích nước ta”. Sau khi lên ngôi, Tập Cận Bình đã tận dụng các quyền được nêu trong luật an ninh mới để gia tăng áp lực lên các nhà bất đồng và những ai quấy nhiễu Đảng Cộng sản. Tập cũng tận dụng cả công nghệ mới, như trí thông minh nhân tạo, để giám sát hiệu quả hơn những ai gây rối.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều lý do chính đáng vì sao các nhà lãnh đạo phương Tây cần lên tiếng mạnh mẽ để bênh vực các nhà bất đồng Trung Quốc.
Một lý do là khả năng trả đũa của Trung Quốc đã bị phóng đại thái quá, Trung Quốc còn khó trả đũa hơn nhiều nếu phương Tây biết hành động thống nhất. Kinh tế Trung Quốc lệ thuộc vào thương mại. Ngay cả với Na Uy nhỏ bé, ảnh hưởng kinh tế của vụ lùm xùm kia cũng chỉ giới hạn.
Một lý do khác là việc lên tiếng sẽ giúp thách thức Tập Cận Bình, buộc ông xét lại quan điểm cố chấp rằng tống ngục các nhà bất đồng là chuyện rất bình thường. Sự im lặng của phương Tây sẽ chỉ khiến Tập bỏ tù thêm các nhà hoạt động khác. Và xin hãy nhớ rằng, đối với những ai sẵn lòng hy sinh tất cả để theo duổi dân chủ thì khi biết rằng họ được phương Tây ủng hộ, đó sẽ là một khích lệ tinh thần rất lớn, dù rằng điều đó sẽ không giúp họ được trả tự do hay đối xử tốt hơn.
Phương Tây cũng cần lên tiếng cho những nhà bất đồng vì những nguyên tắc cốt lõi đang bị đe doạ. Trong những năm qua, có nhiều cuộc tranh luận tại Trung Quốc về việc các giá trị nhân bản thì mang tính phổ quát hay chỉ phù hợp trong một nền văn hoá đặc thù. Khi im lặng không nói gì về Lưu Hiểu Ba, phương Tây cho thấy họ gần như đồng ý ngầm với Tập Cận Bình rằng không còn những giá trị phổ quát nào nữa và do đó, phương Tây không có quyền phê phán những giá trị của Trung Quốc hoặc cách Trung Quốc thực thi các giá trị của họ.
Thông điệp tiêu cực này không chỉ làm tổn hại đến chính nghĩa tự do tại Trung Quốc, nó còn giúp Tập Cận Bình che đậy một điểm yếu trong lập luận của ông. Cần nhớ rằng Trung Quốc, tương tự các nước phương Tây khác, là quốc gia đã ký tên vào bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, trong đó có đoạn nói rằng: “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền”.
Nếu phương Tây quá ích kỷ và e ngại đề cao những giá trị phổ quát trong khi chúng đang bị công khai xem thường ở Trung Quốc, thì chẳng khác nào phương Tây chấp nhận nguy cơ là những giá trị đó sẽ lụi tàn tại nhiều nơi trên thế giới, và cuối cùng sẽ lụi tàn ngay tại phương Tây.
Phương Tây đáng lẽ đã phải lên tiếng bênh vực Lưu Hiểu Ba. Ông là đại diện tuyệt hảo nhất cho những người bất đồng chính kiến tại Trung Quốc. Lộ trình xây dựng dân chủ, được biết đến qua Hiến chương 08, khiến ông phải vào tù, đã nêu ra mục tiêu rất rõ ràng: Cần chấm dứt chế độ độc đảng và cần có các quyền tự do đích thực.
Mục tiêu của Lưu Hiểu Ba không phải là kích động nổi dậy, mà là cổ vũ cho đối thoại hoà bình. Ông cũng đã thành công phần nào: Đã có hàng trăm người, kể cả các trí thức hàng đầu, ký tên vào Hiến chương khi Lưu Hiểu Ba bị lôi vào nhà tù.
Kể từ đó đến nay, bộ máy kiểm duyệt và bọn côn đồ của Đảng Cộng sản đã bóp nghẽn đối thoại. Phương Tây phải chấm dứt ngay sự im lặng, vì như thế chẳng khác gì tiếp tay với Trung Quốc trong việc bịt miệng dư luận.
Còn Lưu Hiểu Ba? Công việc của ông, buồn thay, xem như đã xong rồi.
P.T. d.
Link bản gốc: https://www.economist.com/news/leaders/21725003-suffering-and-death-remarkable-political-prisoner-holds-message-china-and
Dịch giả gửi BVN.