Nguyễn Quốc Tấn Trung
Các tướng lĩnh quân đội đang liên tục “nã pháo” vào nhau trong cuộc khẩu chiến về việc quân đội có nên làm kinh tế hay không.
Câu chuyện quân phiệt cũ
Trong một tài liệu giải mật của Trung tâm Tài liệu Quốc phòng Hoa Kỳ nghiên cứu về vai trò của quân đội tại các quốc gia đang phát triển, chủ nghĩa quân phiệt luôn là một vấn đề lớn, và sẽ để lại rất nhiều hệ quả cho các quốc gia này sau khi cách mạng chống thực dân thành công.
Khác với các hình thái tổ chức chính trị, quân đội là một tổ chức chuyên nghiệp đặc biệt khép kín với khả năng tồn tại độc lập mà không phụ thuộc vào bất kỳ nhân tố bên ngoài nào khác.
Một đảng phái được tập hợp bởi các nhóm lợi ích, chính trị gia cần nỗ lực rất nhiều mới có thể nhận được nền tảng ủng hộ dân sự cần thiết, từ đó đảm bảo vị thế tài chính, vai trò chính trị, ảnh hưởng tư tưởng của họ trong cộng đồng dân cư. Nếu cần thiết, lời kêu gọi cuối cùng cho một cuộc cách mạng vũ trang sẽ dựa trên những nền tảng đã liệt kê.
Ngược lại, một nhóm quân nhân không cần quá nhiều nền tảng như thế. Mô hình tổ chức chóp bu với sự phân công chuyên nghiệp và nghĩa vụ lao động bắt buộc khiến các nhóm tổ chức quân sự có thể bắt đầu một cuộc cách mạng vũ trang tự thân mà không cần ảnh hưởng tư tưởng, chính trị nào cả. Tiếng vang trong các trận thắng của họ sẽ tự nó có giá trị lên quần chúng.
Điều này khiến cho cách mạng vũ trang có tiền thân quân sự thuần túy (hay được dẫn dắt bởi các tướng lĩnh quân sự) thường hiệu quả, được phát động rất dễ dàng và từ đó được ưa chuộng hơn tại nhiều quốc gia thuộc địa.
Điều này được thể hiện rất rõ tại châu Mỹ Latin và châu Phi. Các thủ lĩnh quân sự của phong trào giành độc lập nhanh chóng trở thành anh hùng chính trị, biểu tượng của quốc gia. Mô hình thể chế, vốn ngay từ giai đoạn bắt đầu đã ít có mối liên kết dân sự nào, lệ thuộc nặng nề vào tổ chức quân đội. Khi những vị tướng lĩnh này mất đi, cả nền chính trị quốc gia không có nền tảng nào khác ngoài các nhóm quân đội địa phương, nhanh chóng trở thành những nhân tố chủ chốt. Chủ nghĩa quân phiệt dần dà trở thành thói quen chính trị ở cấp độ quốc gia.
Minh chứng rõ ràng nhất là tâm lý cách mạng quân đội này là ảnh hưởng của vị tướng, nhà cách mạng Simon Bolivar lên kiểu cách mạng ‘junta’ của Hugo Chavez hay Fidel Castro sau này.
Ở châu Phi, tình hình thậm chí còn tệ hơn. Một nền chính trị yếu đuối với các hoạt động dân sự không phát triển không khó để thấy các tướng lĩnh quân đội đóng vai trò mấu chốt trong hoạt động chính trị tại nơi đây. Trong một số trường hợp như ở Dahomey và Togo, các quân đội địa phương và nhóm vũ trang được dẫn dắt bởi những thủ lĩnh quân sự có tham vọng thậm chí có thể gây đình trệ cho hoạt động chính phủ trung ương trong một thời gian dài.
Fidel Castro và Hugo Chavez – hai gương mặt của chủ nghĩa quân phiệt Mỹ Latin. Ảnh: Reuters.
Cách mạng Việt Nam: May mắn của lịch sử, câu hỏi cho hiện tại
Cách mạng Việt Nam may mắn thay không rơi vào tình trạng này. Nó được dẫn dắt bởi một chính thể chính trị dân sự tương đối vững chắc – Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý, nhưng việc một nhân sĩ, với gốc gác trí thức phong kiến và có va chạm ở một mức độ nhất định với tư tưởng chính trị cấp tiến châu Âu thời kỳ đầu như Hồ Chí Minh giúp cuộc cách mạng Việt Nam có nền tảng dân sự rõ ràng hơn nhiều so với các cuộc cách mạng dân tộc giải phóng thuộc địa khác ở Nam Mỹ hay châu Phi.
Theo nhận định của tài liệu giải mật đã dẫn về vai trò của quân đội trong kinh tế, chính trị tại Đông Nam Á, dù các phương pháp bạo lực rất được xem trọng, các chuyên gia không thể xác định rõ được tầm ảnh hưởng của quân đội đối với uy quyền và mô hình chính phủ được thành lập (ngoại trừ quyền lực cực lớn của giới tướng lĩnh quân sự tại Thailand và Burma). Đây có thể nói là thành công của đảng Cộng sản Việt Nam, khi sử dụng bạo lực như một công cụ đắc lực, nhưng lại không để quyền lực của nhóm tướng lĩnh quân sự có thể che khuất các chức danh dân sự được bầu khác.
Điều này có vẻ thay đổi sau thành công của Viettel và sự thất bại nặng nề của các “quả đấm thép” khác trực thuộc chính phủ. Các công ty quân đội đang bắt đầu thể hiện quyền lực ở mọi phương diện quan trọng của nền kinh tế, từ viễn thông, thông tin, bất động sản, xây dựng, ngân hàng, hàng hải… Cái mác “quốc phòng”, theo nhiều nhà quan sát, đang được sử dụng trong các tranh chấp đất đai dân sự (như vụ Đồng Tâm).
Điều đáng kể tiếp theo cũng phải nhắc đến quyền lực cục bộ về đất đai của các tướng lĩnh được thể hiện trong vụ Tân Sơn Nhất.
Theo lời của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, từ năm 2007 đến 2017, Bộ Quốc phòng đã bốn lần điều chỉnh quy hoạch và bàn giao 98,7 ha đất trong sân bay Tân Sơn Nhất cho Bộ Giao thông – Vận tải. Từ năm 2004 đến năm 2017, Bộ Quốc phòng cũng đã bàn giao khoảng 10,5 ha đất quốc phòng cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh để mở rộng đường giao thông đô thị. Bộ Quốc phòng đã bàn giao hơn 1.500 ha tại 13 sân bay cho hoạt động hàng không dân dụng và địa phương phát triển kinh tế, xã hội.
Dù không thể tìm ra thống kê chính thống về số lượng đất mà quân đội đang nắm giữ, bấy nhiêu đủ cho chúng ta thấy vai trò “chúa đất” của quân đội trong hệ thống sở hữu đất đai toàn dân hiện nay.
Những đế chế kinh doanh kể trên khiến quân đội vốn đã là một lực lượng mạnh trong nền chính trị quốc gia, có khả năng trỗi dậy trở thành một thế lực độc lập với những chính thể dân sự truyền thống. Điều này đã từng xảy ra tại Trung Quốc.
Vậy nên, có lẽ đã đến lúc đặt ra câu hỏi là mức độ ảnh hưởng của quân đội Việt Nam như là một tổ chức độc lập với bất kỳ tổ chức chính trị nào khác đến đâu? Liệu có phải hệ thống chính trị trung ương tại Việt Nam cho phép sự tồn tại của các tổ chức kinh tế quân đội, hay cơ bản là chúng ta đã mất quyền kiểm soát trên thực tế?
Sân golf Tân Sơn Nhất vẫn là dấu hỏi lớn về mục đích giữ đất và hoạt động kinh doanh của Bộ Quốc phòng. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Quân đội + thị trường: Nền móng của sự tha hóa
Một điểm cần khách quan ghi nhận là hầu hết quân đội tại các quốc gia trên thế giới đều có tham gia hoạt động kinh tế của một số ngành công nghiệp nặng và nông nghiệp ở mức giới hạn, giúp chúng có khả năng tự duy trì, từ đó giảm gánh nặng chi phí quốc phòng cho quần chúng nhân dân. Nhưng thứ khiến hoạt động kinh tế quân đội trở nên đặc biệt tại Trung Quốc, Việt Nam hay gần đây là Ai Cập là bởi vì quân đội ở những quốc gia này được quyền tham gia vào các hoạt động kinh tế thuần lợi nhuận với danh nghĩa nhiệm vụ quốc phòng.
Có nhiều lý do để phản đối thực hành này. Nhiều học giả khẳng định nguyên lý tổ chức của lực lượng vũ trang sẽ không bao giờ hòa hợp với nguyên tắc quản trị kinh doanh. Một khi quân đội dấn thân vào thế giới kinh danh, logic của lợi thế kinh tế, hiệu quả quản trị và sự mở rộng kinh doanh khiến cấp bậc quân sự mất đi giá trị, mô hình chóp bu tạo nên đặc trưng của quân đội mất đi bản chất của mình. Điều này dẫn đến hai vấn đề chính.
Một là, sự lệch pha của mô hình quản lý từ cao xuống thấp theo cấp bậc quân đội trong mô hình kinh doanh thường được nối lại bởi tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu.
Hai là, quân đội bị kéo ra khỏi quỹ đạo hoạt động đáng lẽ nó phải đi theo. Các nguồn lực quốc phòng thường rất hay được xem là nhàn rỗi khi không có chiến sự. Vậy nên không khó để những công ty quân đội sử dụng chúng để tạo ra lợi nhuận. Tại Trung Quốc, những tập đoàn quân sự này từng được xem là căn cơ để tăng thu nhập cho quân nhân nhập ngũ. Điều này cũng thường dẫn đến việc thành công của các mô hình kinh doanh quân đội thường bị thổi phồng, đặc biệt khi so sánh tương đối với những “nguyên liệu thô đầu vào” mà quân đội có.
***
Động thái của Chủ tịch Tập Cận Bình, với vai trò là người đứng đầu của Ủy ban Quân ủy Trung ương yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động kinh tế của quân đội được lý giải bởi nhiều khía cạnh.
Theo giải thích của tờ Giải phóng quân nhật báo, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, lợi nhuận sẽ làm lung lạc quân đội khỏi mục tiêu quan trọng nhất là tăng cường năng lực chiến đấu. Một giáo sư của trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng các dịch vụ có lợi nhuận sẽ dẫn đến tham nhũng trong quân đội.
Một số khác cho rằng đây là bước đi của Tập Cận Bình để kiểm soát sự trung thành của lực lượng vũ trang. Nhiều người cũng tin rằng đây là cách mà Tập Cận Bình hạn chế sự bùng nổ của chủ nghĩa trọng thương tại Trung Quốc và dẫn dắt người dân trở lại những giá trị xã hội chủ nghĩa xưa cũ.
Liệu Nhà nước Việt Nam có đủ sức, và sẽ dùng lý do gì để tước đi mô hình kinh doanh trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng khỏi các nhóm lợi ích?
N.Q.T.T.
Nguồn: http://www.tintuchangngayonline.com/2017/07/nhung-chien-binh-phat-at-tu-may-man.html