(Nhà báo Trần Quang Thành trò chuyện với hai ông Huỳnh Nhật Hải & Huỳnh Nhật Tấn, thành viên CLB Phan Tây Hồ)
Trần Quang Thành
Lời giới thiệu: Một số nhân sĩ, trí thức trong nhóm Đà Lạt mới góp mặt trong thành viên Câu lạc bộ Phan Tây Hồ.
Nhóm thân hữu Đà Lạt nổi tiếng một thời về những hoạt động yêu nước muốn quê hương đổi thay mặc dù trong số họ có người bị giới bạo quyền cộng sản thẳng tay trấn áp, quản thúc, tù đầy.
Trong thành viên sáng lập Câu lạc bộ Phan Tây Hồ có 2 người từng là cán bộ chủ chốt trong giới cầm quyền cộng sản của thành phố Đà Lạt.
Nhà báo Trần Quang Thành đã có cuộc trò chuyện với 2 ông Huỳnh Nhật Tấn và Huỳnh Nhật Hải là thành viên như vậy.
Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện – Mời quí vị cùng nghe.
Youtube cuộc trò chuyện:
https://www.youtube.com/watch?v=m8Kt-Vn3JtY&feature=youtu.be
Văn bản lược thuật cuộc trò chuyện:
TQT: Xin chào ông Huỳnh Nhật Tấn!
HNT: Vâng, xin chào nhà báo Trần Quang Thành!
TQT: Được biết trước đây một số anh em trí thức ở Đà Lạt đã có Nhóm thân hữu Đà Lạt, nay lại có Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, sự thay đổi đó là thế nào thưa ông, các ông có tham gia Viện Phan Châu Trinh hay không?
HNT: Vâng, trước đây hình thành Nhóm thân hữu Đà Lạt là do một số anh em trí thức có những đồng cảm, những nhận thức giống nhau trước tình hình đất nước, tập hợp lại với tư cách những cây bút độc lập, trong đó mỗi người cũng có những nét riêng của mình. Nay hình thành Câu lạc bộ Phan Tây Hồ (CLB PTH) vì về nhân sự cũng có một vài thay đổi, có người di chuyển đi nơi khác hoặc tham gia vào địa bàn rộng hơn, lại có thêm những anh em khác tham gia thêm, bổ sung vào. Về tư tưởng, nhận thức cũng có sự phát triển mới, trước đây là những suy nghĩ cá nhân nay thấy cần tập trung vào một hướng, lấy tư tưởng của cụ Phan Tây Hồ, tức Phan Chu Trinh làm nền tảng, làm trụ cột, từ đó mà cập nhật hóa vào những vấn đề của thực tế xã hội, của thực tiễn tiễn ngày nay.
TQT: Được biết trước đây ít lâu ở Quảng Nam cũng xuất hiện Viện Phan Châu Trinh rất hoành tráng, có tư cách pháp nhân, được nhà nước ưu ái công nhận và tài trợ. CLB PTH cũng đề cao tư tưởng Phan Châu Trinh nhưng không được sự ưu ái đó, vậy giữa hai nơi có gì giống nhau hay khác nhau thưa ông?
HNT: Quan sát sự tiến triển của xã hội trong thời gian gần đây chúng ta thấy tư tưởng Phan Châu Trinh trở thành điểm gặp gỡ của nhiều xu hướng khác nhau ở trong nước, từ phía chính quyền đến các nhóm Xã hội dân sự. Tuy vậy sự tiếp cận tư tưởng Phan Châu Trinh có thể từ những góc độ còn ít nhiều khác nhau, về mục tiêu cũng có thể khác nhau. Ví dụ có thể nhấn mạnh PCT như một nhà giáo dục, nhà văn hóa có tư tưởng canh tân đất nước. Còn CLB PTH, những bài viết của các anh Nguyễn Xuân Tụ, Mai Thái Lĩnh thì nhấn mạnh tư tưởng PCT trong con đường cứu nước và phát triển đất nước, PCT là một nhà dân chủ rất sớm và rất phù hợp với xu hướng dân chủ hiện đại nhất của thế giới ngày nay. Con đường cứu nước đó có sự khác biệt rất lớn so với con đường của Phan Bội Châu hay con đường của Nguyễn Tất Thành. CLB PTH của chúng tôi nhấn mạnh sự khác biệt đó.
TQT: Nhưng Viện PCT thì được nhà nước tài trợ, còn CLB PTH thì không được như thế?
HNT: Thực tế có như vậy, nhưng chúng tôi tự lập ra một CLB thì đó là việc riêng của những anh em cùng quan điểm, là một tổ chức hay một nhóm trong “Xã hội dân sự” tự nguyện nên chúng tôi chủ trương không nhận một sự tài trợ nào của Nhà nước hay của ai cả.
TQT: Qua những câu trả lời vừa rồi của ông về sự ra đời của CLBPTH ông nhấn mạnh tinh thần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhóm Xã hội dân sự để cùng tiến đến mục đích chung, dù có thể có những sự khác biệt nhau nào đó, về nhận thức hay về ý này ý khác. Nhưng sự đoàn kết tổng thể như vậy liệu có gặp trở ngai gì không trong khi đất nước này vẫn chỉ một đảng Cộng sản độc quyền cai trị?
HNT: Ý này xin để ông Huỳnh Nhật Hải sẽ trả lời, nhưng tôi cũng xin nói một ý ngắn. Trước nạn ngoại xâm từ giặc Tàu phương Bắc cũng như trước nhu cầu kiến thiết đất nước đều đòi hỏi toàn dân tộc, dù có khác nhau về mặt này mặt khác, về chính kiến, về đảng phái, về tôn giáo… đều phải cùng nhau đoàn kết lại mới có sức mạnh, đó là nhu cầu khách quan, bức thiết đối với sự tồn vong của dân tộc, nhu cầu ấy vẫn đang nóng hổi chứ không phải một nhu cầu đã qua, nhu cầu ấy không ai được quyền bỏ qua, nhưng gặp trở ngại thế nào xin nhường lời cho ông anh tôi, ông Huỳnh Nhật Hải.
TQT: Xin chào ông Huỳnh Nhật Hải!
HNH: Vâng, xin chào ông!
TQT: Vừa rồi ông Tấn có đề cập nhiều nội dung phong phú về hoạt động của CLB PTH, nêu cao tư tưởng dân chủ và yêu nước của cụ Phan Châu Trinh, nhưng cũng nêu ra trở ngại lớn nhất là làm thế nào đoàn kết được tất cả mọi người, mọi tổ chức để làm sao phát huy được những tư tưởng đó. Vậy theo ông Hùynh Nhật Hải thì cái gì là trở ngại nhất trong cái xã hội độc đảng của nước ta thưa ông?
HNH: Thưa ông Thành, Đảng Cộng sản (ĐCS) lãnh đạo đất nước hơn 40 năm qua tuy cũng làm được một số việc nhưng nhìn chung kết quả không được như toàn dân mong muốn, như các đảng viên – cán bộ mong muốn. Cái bất cập lớn nhất là đường lối của ĐCS có những cái không hợp lý, không hợp thời, từ đó tạo điều kiện cho giặc Tàu xâm chiếm nước ta một lần nữa. ĐCS này chủ trương đi với Tàu, kết với Tàu để làm ăn, đặc biệt là để bảo vệ cái ngôi vị của ĐCS. Nhân dân đã thấy rất rõ nguy cơ này và muốn ĐCS phải thay đổi để làm sao cho toàn dân cùng hợp sức bảo vệ đất nước, nhưng ĐCS chưa làm đượcđiều đó, đó là trở ngại chính. Sự lãnh đạo độc quyền độc đoán đang cản con đường đi lên của dân tộc. Đảng vẫn đem chủ nghĩa Mác-Lê áp đặt lên toàn xã hội nhưng điều đó không còn hợp thời, không hợp với nguyện vọng của nhân dân. Chủ nghĩa xã hội có thể là ước mơ của Hồ Chí Minh, của ĐCS nhưng thực tế hơn 40 năm qua nó đã gây ra rất nhiều tiêu cực, rất nhiều mặt trái mà nhân dân không chấp nhận được. Cần vượt qua trở ngại đó để xã hội đi lên, để đủ sức ngăn cản giặc bành trướng.
TQT: Vậy theo ông Huỳnh Nhật Hải muốn cho đất nước có thể đổi mới để đi lên thì công việc của chúng ta phải làm là gì hay cứ phải duy trì mãi chế độ độc đảng hiện nay?
HNH: Sau 1975 toàn dân từ Nam chí Bắc đều mong muốn có một đất nước tự do dân chủ giàu mạnh, nhưng ước mơ đó không được đáp ứng trọn vẹn bởi ĐCS cứ đem cái ý thức hệ của của mình áp đặt lên toàn dân tộc, bắt dân phải chấp nhận con đường đó trong khi con đường ngày càng bộc lộ những điều tiêu cực, điều không tốt, không hề tạo đà gì cho dân tộc phát triển đi lên cả. Dân muốn ĐCS phải có những thay đổi căn bản nhưng từ 1976 tới nay ĐCS mới chỉ thay đổi về mặt kinh tế, cái thay đổi căn bản ảnh hưởng đến cái chung phải là thay đổi chính trị thì ĐCS VN chưa chấp nhận con đường thay đổi này. Con đường CS mà Đảng đang đi là con đường mờ mịt u tối bi đát dân không chấp nhận được. Nhân dân VN đòi hỏi Đảng phải mạnh dạn bước thêm một bước nữa, thay đổi toàn bộ thể chế chính trị của mình, chấp nhận con đường dân chủ-đa nguyên, con đường tự do dân chủ để người dân có tiếng nói chính thức trong điều hành đất nước, dân được cử ra đúng những người đại diện chân chính cho mình ở những cơ quan lãnh đạo cao nhất. Đã hơn 40 năm nay nhưng con đường vẫn hầu như còn mờ mịt lắm.
TQT: Vâng, xin cảm ơn ông Huỳnh Nhật Hải.
Tác giả gửi BVN.