Vũ Minh Trí
Nhắc tới nghệ sĩ Đức Khuê, nhiều người nhớ ngay tới vai bệnh nhân tâm thần mà anh đóng rất đạt trong chương trình Gala Cười 2003, với câu nói lặp đi lặp lại: “Giá trị đảo lộn hết cả, chẳng biết đằng nào mà lần”. Thói đời, “Rượu nhạt uống lắm cũng say / Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”. Câu chuyện của thím Tường Lâm (nhân vật trong truyện “Chúc phúc” của Lỗ Tấn) về đứa con trai nhỏ bị chó sói ăn thịt bi thương là thế song thím kể mãi còn khiến người nghe khó chịu, vậy mà khá lâu sau Gala Cười 2003, dân chúng vẫn cứ nhắc đầy ngụ ý: “Giá trị đảo lộn hết cả, chẳng biết đằng nào mà lần”, có lẽ bởi sau mấy chục năm, họ mới được công khai mở miệng về một thực trạng xã hội, dẫu rằng việc mở miệng ấy chỉ là nhại lời một vai diễn kẻ tâm thần.
Trước đó, dưới chế độ dân chủ cộng hòa rồi chế độ cộng hòa xã hội chủ nghĩa, đối với dân thường, “mở miệng” là việc khó tới mức vị lãnh tụ tối cao của chế độ phải nhắc nhở: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Đã có những người bị đi tù, cải tạo tập trung, đày đọa nhiều năm vì hát “nhạc vàng”, “nói xấu lãnh đạo”, sáng tác ra các tác phẩm văn học – nghệ thuật phản ánh đúng thực trạng xã hội nhưng trái ý nhà cầm quyền… Nói chung, người ta chỉ dám “mở miệng” một cách thầm vụng, ám chỉ. Đơn cử câu chuyện sau, cũng về chủ đề “giá trị đảo lộn hết cả”: Gà trống, chó, ngựa, rệp được chi bộ xét kết nạp cùng một đợt. Ưu điểm của từng con vật rất rõ: gà trống đẹp mã, cứng cỏi, tín nghĩa, luôn gọi mọi người thức dậy đúng giờ; chó trung thành, cảnh giác, nhanh nhạy, giữ cho nhà cửa, vườn tược khỏi bị trộm cắp, phá phách; ngựa khỏe mạnh, cần cù, dẻo dai, đưa người và hàng hóa đi khắp nơi. Riêng rận là loài ăn bám, kí sinh, chui rúc, chẳng có ưu điểm gì. Ấy vậy mà cuối cùng gà trống bị loại vì hay đạp bậy (khuyết điểm về sinh hoạt), chó bị loại vì đôi lúc cắn càn (khuyết điểm về đoàn kết), ngựa bị loại vì thi thoảng còn đá hậu (khuyết điểm về đấu tranh), chỉ rệp được kết nạp vì luôn mang trong mình dòng máu – tức là bản chất – của giai cấp công nhân.
Kể từ Gala Cười 2003 tới nay đã 14 năm, câu Đức Khuê từng nói hiếm được nhắc lại nhưng không phải vì sự đảo lộn về giá trị không còn mà vì nó đã trở nên phổ biến, ngang nhiên tồn tại. Không ít thứ xoay 1800 nhưng vẫn khiến người ta chẳng biết đằng nào mà lần, tỉ như mấy chục năm trước, có chuyện vui là một cô gái bảo bạn mình: “Hồi tìm hiểu tớ, lão nói lão là lái xe, lấy nhau rồi mới biết lão là phó tiến sĩ”; giờ thì chẳng cứ cán bộ nhà nước, đảng viên cộng sản mà ngay cả dân thường cũng đua nhau kiếm lấy mảnh bằng thạc sĩ, tiến sĩ… để có cơ thăng tiến, mở mày mở mặt với đời.
Sự đảo lộn giá trị được thiên hạ đề cập rất nhiều, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa một bên là chừng 90 triệu dân thường lâu nay được tôn xưng là “chủ”, là “ông bà chủ” với một bên là mấy triệu cán bộ, đảng viên cộng sản tự nhận mình là “đầy tớ”, là “công bộc thật trung thành” của dân. Vì đảo lộn kiểu gì thì ranh giới giữa chủ và tớ vẫn luôn rõ ràng nên dưới đây chỉ nêu một số thông tin cụ thể, xác thực về khối lượng công việc của các đối tượng cùng là giáo viên nhưng thuộc 3 trường đại học khác nhau:
– Học viện Kĩ thuật quân sự (tên bằng tiếng Anh viết tắt là MTA) trực thuộc Bộ Quốc phòng, được nhà nước bao cấp toàn bộ kinh phí hoạt động. Trang web của MTA không có thông tin về số lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên nhưng theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì MTA có trên 1300 cán bộ, trong đó gần 900 là cán bộ giảng dạy. Cán bộ của MTA hầu hết là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tức là ngoài lương, phụ cấp theo ngạch bậc quân đội (cao gấp 1,7-1,8 lần so với công chức hành chính), họ còn được hưởng một số ưu đãi khác như không phải đóng thuế thu nhập (nếu thu nhập chính thức cao hơn hạn mức), có chế độ bảo hiểm y tế cho con cái dưới 18 tuổi và tứ thân phụ mẫu (nếu chưa có bảo hiểm y tế)… Mới đây nhất, theo quyết định số 1487/QĐ-QP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì hàng tháng, mỗi Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ của MTA còn được hỗ trợ lần lượt là 1,7-1,5-1 tháng tiền lương cơ sở. Năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của MTA là 1238, nếu đem chia cho số cán bộ giảng dạy, kết quả gần bằng 1,38;
– Trường đại học Bách khoa Hà Nội (tên bằng tiếng Anh viết tắt là HUST) là trường công lập, được nhà nước cung cấp đất đai, trường sở và bao cấp một phần kinh phí hoạt động. Theo webside của HUST thì tính đến tháng 1-2017, trường có 1935 cán bộ, trong đó 1172 là cán bộ giảng dạy. Chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2017 của trường là 5740, ngoài ra còn có 500 chỉ tiêu đào tạo quốc tế. Nếu không kể số đào tạo quốc tế này thì tỉ lệ số chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2017 trên số cán bộ giảng dạy là 4,9;
– Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (tên bằng tiếng Anh viết tắt là HUBT) là trường tư thục, phải tự lo hết về cơ sở vật chất – kĩ thuật, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên… Năm 2017, HUBT có 1124 giáo viên cơ hữu và được giao chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy là 7.250 (gồm chính quy 5200, liên thông chính quy 2000, bằng 2 chính quy 50). Tỉ lệ số chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2017 trên số cán bộ giảng dạy của HUBT là 6,45.
Nếu so sánh khối lượng công việc đào tạo đại học chính quy trung bình của một giáo viên thì hiện MTA chỉ bằng 28,16 % HUST và 21,40 % HUBT, còn HUST bằng 75,97 % HUBT. Nói cách khác, xét về khối lượng công việc đào tạo đại học chính quy của mỗi giáo viên thì HUBT gấp 4,67 lần MTA, 1,34 lần HUST, HUST gấp 3,55 lần MTA.
Ngoài đào tạo đại học chính quy, giáo viên còn phải đảm đương nhiều công việc khác của nhà trường như nghiên cứu khoa học, đào tạo cao học, hướng dẫn nghiên cứu sinh… Trang web MTA cho biết năm 2017, chỉ tiêu tuyển sinh cao học của MTA là 771, nghiên cứu sinh là 80. Về HUST, không tìm được số liệu. Với HUBT, các chỉ tiêu này lần lượt là 750 và 20. Năm 2017, HUBT còn được giao chỉ tiêu đào tạo vừa học vừa làm 2360, từ xa 1000, hợp tác đào tạo nước ngoài 500, du học 100.
Ông V.I Lê-nin từng khẳng định như thế này: “Xét đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ mới. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một năng suất lao động chưa từng thấy dưới chế độ nông nô. Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại hẳn và sẽ bị đánh bại hẳn vì chủ nghĩa xã hội tạo ra năng suất lao động mới cao hơn nhiều”.
Cứ theo lời ông Lê-nin thì những thông tin cụ thể, xác thực nói trên cho thấy thêm một nghịch lí trong lĩnh vực đào tạo đại học chính quy ở Việt Nam hiện nay, đó là càng thuộc về nhà nước mang danh xã hội chủ nghĩa lại càng ít tính chất của chủ nghĩa xã hội.
Cũng thấy rõ trong số giảng viên đại học, ai mới đáng tự hào.
V.M.T.
Tác giả gửi BVN