Công bố dự thảo thanh tra ở Đồng Tâm: Một phép thử trái luật

Trịnh Anh Tuấn

clip_image002Quang cảnh buổi công bố dự thảo kết luận thanh tra. Ảnh: báo TP.

Hà Nội thanh tra chậm trễ và công bố dự thảo thanh tra là trái luật

Ngày 20/04, ông Nguyễn Đức Chung về Mỹ Đức đã công bố quyết định thanh tra đất đai Đồng Tâm trong vòng 45 ngày. Tuy vậy, ngày 21/06, hơn 60 ngày sau, Đoàn thanh tra mới công bố kết thúc cuộc thanh tra. Như vậy, thời hạn thanh tra đã bị chậm đến hơn nửa tháng.

Theo luật, sau khi kết thúc thanh tra, đoàn thanh tra có 15 ngày để gửi báo cáo và có thêm 15 ngày nữa để ra kết luận thanh tra chính thức. Đến nay, chính quyền chưa có kết luận thanh tra chính thức.

Ngày 07/07, Thanh tra Hà Nội bất ngờ công bố dự thảo thanh tra vụ đất đai Đồng Tâm, một việc làm chưa có tiền lệ. Tuy vậy, theo Điều 13, Luật Thanh tra 2010 nêu các hành vi bị nghiêm cấm: “4. Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức...”

Như thế, việc công bố dự thảo thanh tra khi chưa có kết luận thanh tra chính thức, chính quyền đã vi phạm vào các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Thanh tra.

Một phép thử của chính quyền Hà Nội?

Vì sao chính quyền Hà Nội lại vội vàng công bố dự thảo thanh tra, mà không đợi kết luận thanh tra chính thức? Nguyên nhân thì thật khó đưa ra, nhưng dưới đây là một vài phân tích.

Đầu tiên, là tiến trình thanh tra đã chậm trễ khi mất hơn 60 ngày so với 45 ngày như quyết định thanh tra. Trong khi đó, người dân Đồng Tâm và dư luận vẫn chờ đợi kết quả thanh tra. Càng để lâu thì chính quyền Hà Nội lại nhận phần áp lực trước công chúng với sự chậm trễ của họ.

Thứ hai, chính quyền rất muốn xử lý người dân Đồng Tâm để tránh tiền lệ cho những tranh chấp đất đai sau này. Tuy nhiên, không thể xử dân khi những nghi ngờ về đất đai chưa được làm rõ, ít nhất bằng các quyết định hành chính để làm căn cứ.

Thứ ba, là phía Thanh tra Hà Nội cũng thực sự bị áp lực trước sự ồn ào cũng như sự quan tâm vô cùng lớn từ dư luận. Nếu dự thảo được công bố bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, Hà Nội bảo rằng đó chỉ là dự thảo, chưa phải là chính thức. Và chẳng có ai phải chịu trách nhiệm khi chưa có một văn bản đầy tính pháp lý được đưa ra.

Thứ tư, lý lẽ của người dân Đồng Tâm là không dễ dàng bỏ qua, nhất là khi họ đã đứng lên phản kháng một cách mạnh mẽ và chấp nhận rủi ro bằng việc bắt giữ 38 nhân viên công quyền. Những người sống lâu năm ở địa phương, từng là quan chức và đích thân hiến đất cho dự án như ông Lê Đình Kình, khẳng định rõ ràng là Viettel đã lấy 59ha đất nông nghiệp không nằm trong 47,36ha đất sân bay Miếu Môn.

Cuối cùng, nếu kết luận thanh tra cho rằng, quyết định của người dân là đúng, thì mọi trách nhiệm đổ vào các cấp chính quyền Hà Nội khi người dân đã khiếu nại nhiều năm mà không được giải quyết. Khi đó, phần đất nông nghiệp phải trả lại cho dân. Các nhóm lợi ích có quyền lợi trong vụ việc này không dễ dàng buông bỏ như thế.

Nếu kết luận thanh tra đúng như dự thảo thanh tra, nghĩa là tố cáo của người dân là sai; chắc chắn sẽ nhận được phản ứng từ người dân và dư luận. Nếu phản ứng không lớn, mọi chuyện sẽ dễ dàng theo ý chính quyền. Nếu phản ứng của dư luận quá mạnh, có thể có những yêu cầu thanh tra lại và sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ. Những lần trì hoãn như vậy, sẽ bào mòn ý chí chiến đấu và tinh thần đoàn kết của người Đồng Tâm giữa nguy cơ có thể bị khởi tố bắt giữ bất cứ lúc nào. Và có thể, chính quyền cũng đợi những sự kiện khác lấn át dần và làm dư luận quên dần Đồng Tâm. Lúc đó, họ có thể hành xử theo cách họ muốn; khi công chúng đã quá mệt mỏi với hai từ Đồng Tâm.

Có lẽ, chính quyền Hà Nội đã đưa ra một phép thử khôn ngoan với toan tính dẹp yên mọi sự phản kháng người dân. Tuy nhiên, việc công bố dự thảo thanh tra của Hà Nội là trái luật.

T.A.T.

Nguồn: http://baotiengdan.com/2017/07/08/cong-bo-du-thao-thanh-tra-o-dong-tam-mot-phep-thu-trai-luat/

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.