Lại giải mã tiếp vì sao sói dữ Tàu Cộng chưa “nhe nanh cười” đã quắp đuôi bỏ về

1. Trung Quốc nói gì về ‘hủy giao lưu quốc phòng Trung-Việt’?

 

clip_image002Ảnh: LINTAO ZHANG/GETTY IMAGES – Thượng tướng Phạm Trường Long (trái) là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Giải Phóng Quân

Báo Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo, hôm 21/6 đã xác nhận giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam – Trung Quốc bị hủy bỏ.

Tờ báo cũng xác nhận Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam tuần này.

Tuy vậy, tờ báo không nói có hay không mâu thuẫn giữa hai nước, mà chỉ nói nguyên do vì “sự sắp xếp công việc”.

Rút ngắn hay bị mời về?

“Phía Trung Quốc quyết định hủy cuộc gặp quốc phòng ở biên giới vì nguyên do liên quan sự sắp xếp công việc”, tờ báo dẫn lời một viên chức thông tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Hoàn cầu Thời báo nói phái đoàn Thượng tướng Phạm Trường Long, rời Bắc Kinh hôm 12/6, thăm Tây Ban Nha, Phần Lan rồi đến Việt Nam.

Tờ báo hoàn toàn không nhắc có mâu thuẫn gì dẫn đến việc cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam.

clip_image003Ảnh: XINHUA – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thượng tướng Phạm Trường Long tại Hà Nội hôm 18/06

Trả lời thảo luận trên Facebook Live của BBC Tiếng Việt hôm 22/06, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu người Việt ở Singapore nói theo ông biết thì “phía Việt Nam đã mời Thượng tướng Trung Quốc về” vì các phát biểu của ông ta.

Tân Hoa Xã tường thuật rằng ông Phạm trong chuyến thăm đã nhấn mạnh rằng “toàn bộ các đảo ở Biển Nam Hải [là tên gọi Trung Quốc dùng để chỉ Biển Đông] đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời thượng cổ”.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng nói tuyên bố của Tướng Phạm “như một lời đe dọa quân sự” đối với Việt Nam.

Ông cũng cho hay so với chuyến thăm lần trước (03/2016) của Bộ trưởng Thường Vạn Toàn thì chuyến thăm này còn cao cấp hơn vì ông Phạm Trường Long là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và Ủy viên Trung ương Đảng CSTQ.

Trong khi đó, ngày 22/6, tờ báo lớn đặt tại Hong Kong, South China Morning Post, cũng dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc về sự việc.

Theo giới quan sát Trung Quốc, việc hủy giao lưu dường như thể hiện bất mãn của Bắc Kinh về việc Việt Nam định khai thác dầu khí ở Biển Đông, và nỗ lực gần hơn với Nhật.

Hồi tháng Giêng, Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với hai đối tác Việt Nam.

Hôm 13/6, tàu Echigo của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thăm Đà Nẵng và có các hoạt động huấn luyện chung trên biển với Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2 tại Đà Nẵng.

Nhân dân không thích nhau

Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải đặt tại Trung Quốc, nói với South China Morning Post:

“Một nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc cắt ngắn chuyến thăm của ông Phạm có thể là vì Bắc Kinh xem Việt Nam nuốt lời hứa không khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp ở Nam Hải”.

Ông này nói: “Việt Nam gần đây cũng quan hệ nhiều hơn với Mỹ và Nhật”.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã thăm liên tiếp Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Trong khi đó, GS Ngô Vĩnh Long nói với Diễn đàn Bàn tròn của BBC hôm 22/06:

“Điểm khai thác ExxonMobil ký với Việt Nam nằm trong thềm lục địa của Việt Nam nên không phải là vùng tranh chấp”.

Ông Trương Minh Lượng, chuyên gia từ Đại học Tế Nam, nói quan hệ hai nước có thể sẽ xấu đi.

“Trung Quốc và Việt Nam đang ở trong thế nghịch lý”.

“Về chính thức, hai Chính phủ nỗ lực xây dựng quan hệ tốt hơn nhưng ở phía không chính thức, nhân dân hai nước đang có thái độ ngày càng tiêu cực về nhau”.

clip_image005

XINHUA – Phái đoàn quân sự Trung Quốc gồm các Tư lệnh, Phó tư lệnh của Tham mưu, Hải lục không quân đến Hà Nội hội đàm với Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 18/06. Người mặc đồ dân sự là Đại sứ Hồng Tiểu Dũng.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40369761

 

2. Diễn biến mới vụ tướng Trung Quốc ‘đột ngột bỏ về’

 

clip_image007

Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long

Việc ông Phạm Trường Long, quan chức quân sự đầy quyền lực của quốc gia láng giềng phương Bắc, mới đột ngột cắt ngắn chuyến thăm “quốc gia cộng sản anh em” tiếp tục gây ra nhiều đồn đoán.

Ông Nguyễn Vinh Quang, cựu Phó đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, nói với VOA Việt Ngữ rằng đây là một chuyện “chưa từng có”: “Chưa có trường hợp tiền lệ. Tôi cũng cảm thấy đột ngột về chuyện này”.

Với một chuyến đi như vậy, phải tổ chức, sắp xếp từ trước, có thể hàng năm trời rồi, nhưng mà bây giờ thay đổi thì chắc nó có vấn đề nào đó trong quá trình trao đổi giữa hai bên. Cũng có thể liên quan đến ý kiến khác nhau của hai bên về Biển Đông, một trong những vấn đề căng thẳng và phức tạp – Tiến sĩ Trần Công Trục.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra thông cáo ngắn gọn, trong đó nói rằng vị tướng của họ phải hủy sự kiện giao lưu trên biên giới với phía Việt Nam vì lý do “sắp xếp lịch làm việc”.

Tuy nhiên, ông Trần Công Trục, Cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho rằng gốc rễ của vấn đề có thể xuất phát từ chuyện tranh chấp lãnh hải.

Ông nhận định tiếp: “Với một chuyến đi như vậy, phải tổ chức, sắp xếp từ trước, có thể hàng năm trời rồi, nhưng mà bây giờ thay đổi thì chắc nó có vấn đề nào đó trong quá trình trao đổi giữa hai bên. Cũng có thể liên quan đến ý kiến khác nhau của hai bên về Biển Đông, một trong những vấn đề căng thẳng và phức tạp”.

clip_image008

Phát ngôn viên Cảnh Sảng hôm 22/6 trả lời câu hỏi về vụ ông Phạm Trường Long.

Khi được hỏi liệu có thể xác nhận rằng việc Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến đi vì bất đồng về Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 22/6 không trả lời thẳng vào câu hỏi.

Các nước liên quan cần phải kiềm chế không có các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình tại vùng biển tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan cùng làm việc với Trung Quốc để cùng duy trì quan hệ song phương và bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực – Phát ngôn viên Cảnh Sảng.

Ông Cảnh Sảng nói: “Với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước trong khu vực, tình hình Biển Đông đang nguội đi và tiến triển theo chiều hướng tích cực. Đó là một thành tựu đạt được sau nhiều nỗ lực và nên được tất cả các bên trân trọng”.

“Các nước liên quan cần phải kiềm chế không có các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình tại vùng biển tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan cùng làm việc với Trung Quốc để cùng duy trì quan hệ song phương và bảo vệ hòa bình và ổn định của khu vực”, người phát ngôn Trung Quốc nói.

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ở Hong Kong hôm 22/6 dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc nói rằng “một lý do trực tiếp dẫn tới việc cắt ngắn chuyến thăm của ông Phạm có thể vì Bắc Kinh cho rằng Việt Nam đã phá vỡ cam kết không khai thác dầu tại các vùng tranh chấp ở Nam Hải (Biển Đông). Việt Nam gần đây cũng đã liên hệ nhiều hơn với Mỹ và Nhật”. Đầu năm nay, tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ đã ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với Việt Nam.

clip_image010

Tin nói ông Phạm Trường Long nói với Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (ảnh) rằng Biển Đông là “lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa”.

Tới ngày 22/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa hồi đáp email của VOA Việt ngữ về thông tin mà vị tướng chỉ đứng sau Chủ tịch Tập Cận Bình trong Quân ủy Trung ương Trung Quốc tuyên bố trước Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch rằng Biển Đông là “lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa”.

Tiến sĩ Trục cho rằng tuyên bố như vậy từng được Trung Quốc nêu ra, nhưng đáng chú ý là nó phát ra từ ông Phạm Trường Long, trong cuộc gặp với quan chức cấp cao của nước chủ nhà.

… Những người có thiện chí, có ý muốn rõ ràng cùng nhau ngồi đàm phán giải quyết tranh chấp thì không vì quan điểm khác nhau đó mà tự ái, hay có thái độ bất bình thường, – Tiến sĩ Trần Công Trục.

Cựu quan chức từng xử lý vấn đề biên giới của Việt Nam nói thêm: “Trong cuộc gặp với các lãnh đạo Việt Nam, ông ta là người đại diện cho Trung Quốc nêu ra chuyện này, thì rõ ràng, một lần nữa thể hiện lập trường hết sức cứng rắn của Trung Quốc”.

Ông nói tiếp: “Trong quá trình hai bên đàm phán với nhau, việc mỗi bên thể hiện lập trường của mình là chuyện bình thường để rồi từ đó hai bên bàn bạc với nhau để có được thỏa thuận cần thiết. Những người có thiện chí, có ý muốn rõ ràng cùng nhau ngồi đàm phán giải quyết tranh chấp thì không vì quan điểm khác nhau đó mà tự ái, hay có thái độ bất bình thường”.

Tới tối ngày 22/6, báo chí do nhà nước kiểm soát của Việt Nam không đưa bất kỳ thông tin nào về việc ông Phạm cắt ngắn chuyến công du, cũng như không có lời giải thích từ phía Hà Nội.

clip_image011

Trong cuộc gặp với ông Ashton Carter năm 2015 ở Lầu Năm Góc, ông Phạm cũng tuyên bố rằng Nam Hải (Biển Đông) thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa.

​Một số nhà phân tích cho rằng việc Việt Nam xích lại gần với Hoa Kỳ và Nhật, nhất là chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với các tuyên bố về Biển Đông sau đó, đã làm mếch lòng Trung Quốc.

Bản thân tướng Phạm Trường Long, trong cuộc gặp với người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2015, đã thúc giục quân đội Hoa Kỳ “giảm bớt các hoạt động hải quân và không quân ở Biển Đông cũng như duy trì quan điểm không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp tại đó nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Trong cuộc gặp với ông Ashton Carter khi đó, ông Phạm cũng tuyên bố rằng Nam Hải (Biển Đông) thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa, cũng như tuyên bố rằng Bắc Kinh có quyền xây dựng và thiết lập các cơ sở quân sự trên đó, theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Bộ này năm ngoái cũng đưa tin rằng Phó Chủ tịch Quân ủy Phạm Trường Long đã tới quần đảo Nam Sa, tức Trường Sa, và đã gặp các sĩ quan cũng như binh sĩ đồn trú trên đó. Tin cho hay, quan chức quân sự này cũng đã được cập nhật về tiến độ xây dựng đảo.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/dien-bien-moi-trong-vu-tuong-trung-quoc-dot-ngoi-roi-viet-nam-ve-nuoc/3911468.html

3. Trung Quốc và Việt Nam sẽ đụng độ quân sự trên biển Đông?

 

Kính Hòa

clip_image012

Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc (phải) và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tại Bắc Kinh hôm 29/8/2016. AFP photo

 

Tờ báo Mỹ the New York Times đưa tin nói rằng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, đã rút ngắn chuyến viếng thăm Việt Nam.

Một trong những lý do của việc này được một số nhà phân tích đưa ra đưa ra là Bắc Kinh không hài lòng về chính sách ngoại giao của Việt Nam ngả về các cường quốc như Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Lý do cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á cho Kính Hòa đài RFA cuộc trao đổi về chuyện này. Trước tiên ông cho biết.

Trong thời gian qua, sau khi khủng hoảng giàn khoan năm 2014 xảy ra, quan hệ Việt Nam Trung Quốc đã có những cải thiện thể hiện qua những cuộc thăm viếng của lãnh đạo cấp cao hai bên. Tuy nhiên, những khúc mắc cơ bản trong quan hệ song phương vẫn còn, đặc biệt là vấn đề biển Đông.

Trong hoàn cảnh đó, hoàn toàn dễ hiểu là Việt Nam tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với các cường quốc chủ chốt trong khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong khi vẫn cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Mục tiêu của Việt Nam là nâng cao vị thế chiến lược của Việt Nam trước Trung Quốc, đặc biệt là trong hồ sơ biển Đông.

Trong thời gian qua những nỗ lực này của Việt Nam đã có những bước tiến triển khá là rõ nét. Thể hiện qua một loạt sự kiện như chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam, tiếp đó là chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ.

Trong thời gian gần đây thì có hai chuyến thăm gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế, là sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Hoa Kỳ. Ông là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Và sau đấy là chuyến thăm cũng của ông Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản.

Trong những chuyến viếng thăm này thì có một điểm đáng chú ý là nội dung về hợp tác quốc phòng giữa hai bên, Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như Việt Nam và Nhật Bản, được nêu bật, đặc biệt là trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hai bên sẽ thảo luận việc để tàu sân bay của Hoa Kỳ vào cảng Cam Ranh. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến cho Trung Quốc không cảm thấy thoải mái, và rõ ràng là Trung Quốc muốn gây sức ép để Việt Nam không nghiêng quá gần về phía Hoa Kỳ hay Nhật Bản, vì Hoa Kỳ và Nhật Bản là những đối thủ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong khu vực này.

Những hoạt động của Việt Nam trên biển đụng chạm tới lợi ích của Trung Quốc và như thường lệ, Trung Quốc sẽ tìm cách để mà ngăn cản các hoạt động này của Việt Nam – Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Trong thời gian qua đã có những tiếng nói ở Trung Quốc bày tỏ sự bất bình trước những động thái này của Việt Nam. Ví dụ như trên tờ Hoàn Cầu Thời báo, có một bài xã luận chỉ trích những hành động ngoại giao này của Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, cũng dễ hiểu là trong chuyến thăm Việt Nam của ông Phạm Trường Long, phía Trung Quốc nêu lên những vấn đề này. Một số báo đài đã đưa tin là ông Phạm Trường Long khẳng định những đảo trên biển Đông là thuộc Trung Quốc từ thời thượng cổ. Những diễn biến đó cũng như những diễn biến trong quan hệ giữa Việt Nam và các cường quốc như tôi vừa nói, cho thấy quan hệ song phương vẫn có những mâu thuẫn cơ bản chưa thể giải quyết được.

Bên cạnh đó cũng có những tin tức cho rằng việc này có liên quan đến các hoạt động trên biển giữa hai bên gây ra khúc mắc dẫn tới sự đối đầu. Những thông tin này có lẽ chúng ta cần chờ thêm thời gian.

Một lần nữa chúng ta thấy vấn đề biển Đông là vấn đề mấu chốt dẫn tới căng thẳng.

Kính Hòa: Những thông tin ông nói chưa được kiểm chứng có phải là người ta nói rằng Việt Nam cho phép các công ty nước ngoài tiến hành khai thác ở bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam vào năm 2011 không ạ?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Do chưa có thông tin chính thức nên tôi chưa thể bình luận gì về vấn đề này, nhưng theo tôi hiểu thì trong thời gian qua, Việt Nam có bị một sức ép về việc duy trì tốc độ tăng trưởng nên có bàn luận việc tăng cường khai thác dầu mỏ trên biển Đông.

Những hoạt động của Việt Nam trên biển đụng chạm tới lợi ích của Trung Quốc và như thường lệ, Trung Quốc sẽ tìm cách để ngăn cản các hoạt động này của Việt Nam. Vì vậy cũng không có gì khó hiểu nếu như mâu thuẫn trên biển Đông có liên quan đến vấn đề khai thác các nguồn lợi trên biển. Và có lẽ đây là nguyên nhân dẫn tới quyết định của ông Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam.

Thỏa thuận gì giữa VN và TQ

Kính Hòa: Theo thông tin từ Giáo sư Carl Thayer từ Học viện quốc phòng Úc thì có khả năng là Tướng Phạm Trường Long yêu cầu Việt Nam ngừng việc khai thác dầu ở bãi Tư Chính. Và điều này là phía Trung Quốc muốn cho Việt Nam thấy rằng Việt Nam đã không tuân thủ các thỏa thuận giữa hai đảng.

Ông có bình luận gì về nhận xét của Giáo sư Carl Thayer, và cái thỏa thuận đạt được giữa hai đảng là gì?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Tôi đồng ý với nhận định của Giáo sư Carl Thayer. Trung Quốc rõ ràng là muốn gây sức ép với Việt Nam để Việt Nam ngừng các hoạt động này. Việc mà họ cho là Việt Nam không tuân thủ thỏa thuận giữa hai đảng, theo tôi có nghĩa là nội dung hai bên không làm phức tạp thêm tình hình.

Cái này nó cũng tùy thuộc vào sự diễn dịch của mỗi bên. Việc Việt Nam hoạt động thăm dò, khai thác dầu trên thềm lục địa của mình, hoàn toàn không làm phức tạp thêm tình hình, vì Việt Nam có chủ quyền trên vùng đó.

Tuy nhiên phía Trung Quốc xem đấy là khu vực tranh chấp, và các hành động như là thăm dò, khai thác dầu đơn phương có thể là hành động làm phức tạp thêm tình hình.

Kính Hòa: Cũng thông tin từ Giáo sư Carl Thayer thì Trung Quốc đang triển khai 40 tàu và máy bay vận tải đến khu vực khai thác của Việt Nam. Và việc này có khả năng gây ra đụng độ trong vài ngày tới.

Ông nhận định thế nào? Có khả năng diễn ra đụng độ quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không?

Nếu Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình và tiếp tục thăm dò, thì đương nhiên sẽ xảy ra đụng độ với Trung Quốc – Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Cái này tôi cũng chưa có thông tin, và chúng ta cần thời gian. Theo tôi hiểu thì các giàn khoan cũng như tàu của Trung Quốc đi từ khu vực đảo Hải Nam xuống cũng cần thời gian. Cho tới lúc này tôi cũng chưa khẳng định được khả năng xảy ra đụng độ hay không.

Tuy nhiên theo như Giáo sư Carl Thayer nhận định, nếu điều đó diễn ra thì nó sẽ là một thử thách rất lớn với quan hệ song phương, có thể ngang bằng hoặc lớn hơn cuộc khủng hoảng giàn khoan hồi năm 2014.

Kính Hòa: Nhưng bên cạnh đó, về mặt chính thức, ngoài bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu Thời báo, thì báo chí nhà nước hai bên đều nói về chuyến đi của ông Phạm Trường Long như một sự thành công?

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Sự việc đang diễn tiến và những cái đụng độ vẫn chưa xảy ra trên thực tế, cho nên tôi nghĩ là hai bên vẫn đang dàn xếp, hoặc là có các trao đổi để ngăn chận khủng hoảng. Theo tôi nghĩ thì hai bên đều không muốn có sự căng thẳng trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

Hai bên đều chưa công bố các thông tin. Ngay cả thông tin ông Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến viếng thăm Việt Nam cũng chưa được các báo chí chính thống của Việt Nam đưa tin. Đấy là một cơ sở cho chúng ta tin rằng hai bên vẫn có mong muốn ngăn chặn cái căng thẳng trong thời gian tới để mà giải quyết cho ổn thỏa.

Tuy nhiên tôi nghĩ là sự đụng độ trong thời gian tới có được ngăn chặn hay không là một câu hỏi tương đối khó, bởi vì cả hai bên đều khó đưa ra những nhượng bộ. Ví dụ như phía Việt Nam, lâu nay vẫn khẳng định khu vực bãi Tư Chính là thuộc thềm lục địa Việt Nam, và không thuộc khu vực tranh chấp. Nếu bây giờ Trung Quốc đưa các phương tiện tới, ngăn cản những hoạt động thăm dò của Việt Nam thì Việt Nám sẽ xử sự ra sao?

Nếu Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình và tiếp tục thăm dò, thì đương nhiên sẽ xảy ra đụng độ với Trung Quốc.

Trong trường hợp Việt Nam nhường bước, rút các tàu thăm dò của mình thì vô tình mặc nhiên nhìn nhận khu vực đấy ít nhất là khu vực có tranh chấp. Và như vậy sẽ làm phương hại đến các lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Chính vì vậy, trong trường hợp này, tôi nghĩ rất là khó để hóa giải các mâu thuẫn. Vì vậy xác suất xảy ra căng thẳng nếu Trung Quốc đưa tàu tới đây, sẽ rất là cao.

K.H.

 

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-cn-military-clash-in-scs-kh-06222017074018.html

This entry was posted in Ngoại Giao. Bookmark the permalink.