An Linh
Tôi thì nghĩ hầu hết những người hay nói “Cách mạng 4.0”, “Bẫy thu nhập trung bình”… không hiểu chúng có nghĩa gì cả. Cứ bô bô để hù thiên hạ thôi.
GS Trần Hữu Dũng – Viet-studies
Dân trí “Tôi nghe thấy nhiều tuyên bố lạc quan đến giật mình như Việt Nam đi đầu trong cuộc Cách mạng 4.0 (Cách mạng Công nghệ lần thứ 4). Tuy nhiên, Việt Nam chuẩn bị được những gì, chỉ có tốc độ internet cao có thể chớp cơ hội Cách mạng 4.0 hay phải cải cách và khuyến khích sáng tạo ra làm sao?”.
Đây là chia sẻ của TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) sáng nay 23/6 tại hội thảo vừa diễn ra ở Hà Nội xung quanh chủ đề Tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Cách mạng 4.0 sẽ thay đổi nền sản xuất Việt Nam nhưng muốn làm được chúng ta phải cải cách mạng mẽ.
Theo TS Doanh, thế giới đang ở trong kỷ nguyên mới của Cách mạng 4.0, với tiến bộ khoa học và công nghệ sẽ thay đổi toàn bộ lực lượng sản xuất, chuỗi sản xuất và giá trị sản phẩm.
Tại Việt Nam, gần đây cụm từ Cách mạng 4.0 đã được nói nhiều nhưng những tiền đề, cơ sở cho nó có hoạt động hiệu quả tại Việt Nam chưa được xây dựng. “Tôi nghe thấy nhiều tuyên bố lạc quan đến giật mình như Việt Nam đi đầu trong cuộc Cách mạng 4.0. Tuy nhiên, chúng ta cần chuẩn bị những gì, cải cách thể chế kinh tế, khuyến khích sự sáng tạo, chấp nhận sự tranh luận, đóng góp ý kiến…. ra làm sao để thể hiện sự tự do trong ý tưởng”, TS Doanh nói.
Ông Doanh đề nghị: Phải làm cách nào đó phân tích ra cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 trong quan hệ sản xuất sắp tới, Việt Nam cần chủ động tạo nền tảng, đi và thực hiện thế nào?
TS Doanh bày tỏ: Không thể chỉ đưa ra những tinh thần lạc quan, những cơ hội không trong khi chúng ta thấy được cơ hội của Việt Nam dẫn đầu về Cách mạng 4.0 là bao nhiêu? Cơ sở nào và ai sẽ làm. Để rồi chúng ta quá kỳ vọng nó tự đến và chúng ta tự nắm bắt được.
“Mỗi người lao động phải sáng tạo, thích nghi với Cách mạng 4.0, nếu không chúng ta sẽ bị tụt hậu – bị loại ra khỏi dòng chảy nhân loại”, TS Doanh nói.
Trên thực tế, để nắm bắt lợi thế của Cách mạng 4.0, nhiều nước phát triển đã và đang xây dựng tiền đề, cơ sở và tận dụng nó vào phát triển. Cách mạng 4.0 là đỉnh cao của chuyển đổi cách mạng công nghiệp lần thứ 3 sang cách mạng công nghệ và khoa học kỹ thuật ở trình độ cao. Nơi đó, máy móc, rô bốt sẽ thay thế phần nào đó vào công việc của con người ở những khâu, đoạn khó mà con người không thể hoặc tạo ra ít giá trị gia tăng.
Sự phát triển Cách mạng 4.0 được diễn ra mạnh mẽ ở các nước có nền Khoa học Kỹ thuật phát triển như: Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, khối nước EU… ở các ngành như: công nghệ thông tin, cơ khí chính xác cao (ô tô, máy bay, điện tử thông tin vô tuyến và tin học); kiến trúc, hội hoạ và y học…
Chia sẻ với báo giới mới đây, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ KH&ĐT nghi ngờ về khả năng tận dụng Cách mạng 4.0 để thay đổi nền kinh tế Việt Nam bởi nước ta có lợi thế nguồn lao động trẻ, có nhận thức cao và có ngành công nghệ thông tin phát triển.
TS Hồ nói: Trước đây chúng ta hay nói và đặt trọng tâm công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho ngành cơ khí, sau này lại nói về phụ trợ cho ô tô, tiếp sau là công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử khi Samsung đầu tư vào.
Gần đây chúng ta lại nói đến kinh tế tư nhân, khởi nghiệp, với hàng loạt ưu tiên, ưu đãi nhưng cũng chưa làm đến đâu. Vẫn chỉ là lời nói, chính sách, thiếu cam kết thiếu thực tế thực hiện.
Ông Hồ nói: “Hiện nay, từ khóa nóng nhất là Cách mạng 4.0. Những tiến bộ của cách mạng công nghệ, cho sản xuất, kiến trúc, in ấn 3D… hứa hẹn nhiều thay đổi bằng trí tuệ nhân tạo, bằng tự động hoá. Chúng ta rất nhanh biết, nhanh thấy nhưng rồi chúng ta lại nhìn lại mình. Cách mạng công nghiệp, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, công nghiệp hóa nhà xưởng, dây chuyền đã làm được chưa mà nghĩ đến 4.0″.
A.L.