Đại hội 19 Đảng Cộng sản TQ và Đảng CSVN (phần 1 và 2)

FB Minh Hữu Quang

Phần 1

Tháng 7 tới đây thì Đảng CSTQ sẽ tiến hành Đại hội 19 cho vấn đề đường lối và nhân sự mới. Trong bối cảnh chuyện Đảng CSTQ luôn ảnh hưởng vào chuyện VN và chuyện Đảng CSVN nên cũng muốn đánh giá vài vấn đề.

1/ Áp lực bên trong của Đảng CSTQ

Sau khi đắc cử ở Đại hội 18, chủ tịch Đảng CSTQ bắt đầu thực hành chính sách “hạt nhân lãnh đạo” để tập trung quyền lực. Những công thần cao cấp của Đảng CSTQ một thời như Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai và nhiều cán bộ trung cao cấp khác bị thanh trừng dưới chiêu bài chống tham nhũng chỉ vì khác biệt về đường lối đã tạo ra nhiều vấn đề bên trong nội bộ TQ.

Giới quan sát nhận thấy rằng ông Tập có nhu cầu đi theo con đường Mao Trạch Đông nhưng có vẻ không thành công như ông ta mong đợi. Sự thanh trừng các thế lực cũ đã làm nổi lên các nhóm thế lực mới. Ví dụ như Vương Kỳ Sơn, cánh tay phải một thời giúp ông Tập củng cố quyền lực thì nay đã bắt đầu có phần thế lực thách thức lại quyền lực của chính người tạo thế cho mình..

Người ta cho rằng ông Tập đi theo con đường làm hoàng đế như Mao là dễ, nhưng có trở thành “Mao thứ 2” hay không là việc khác, nhất là trong bối cảnh nội bộ đảng, nội bộ TQ, các quan hệ với Nga-Mỹ và EU đã không còn như xưa, và có vẻ như ông Tập khó có thể làm được.

Các trung tâm quyền lực mới bắt đầu hình thành và cát cứ sau khi nhóm cũ bị thanh trừng bao gồm phe cánh của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang, Vương Kỳ Sơn và thế lực của riêng Tập Cận Bình đều có mong muốn người đứng đầu phe mình thắng cử tại ĐH 19. Theo truyền thống chính trị của TQ thì hoàng đế luôn duy trì 2 thế lực đối trọng “đánh nhau” dưới tay mình một cách cân bằng để vị trí của hoàng đế có thể ổn định thì có vẻ như ông Tập đã bỏ qua.

Hãy nhớ lại chuyện vua Khang Hy với Minh Châu và Sách Ngạch Đồ, Càn Long và Hòa Thân-Lưu Dung, Mao Trạch Đông với tứ nhân bang và nhóm Chu Ân Lai… Trong chiến dịch đả hổ diệt ruồi của mình, Vương Kỳ Sơn, dù vô tình hay cố ý, đã thay và cùng ông Tập phá vỡ sự cân bằng ảnh hưởng đó.

Chiến dịch đả hổ diệt ruồi để thanh trừng phe cánh khác đường lối của nhóm ông Tập có vẻ làm Đảng CSTQ vững mạnh hơn khi nhìn bề ngoài nhưng gây ra nguy cơ phân tán và sụp đổ từ bên trong. Những công thần dù lớn dù nhỏ và các hoàng tử thái tử đảng bắt đầu lo ngại, không biết mình sẽ chết lúc nào chỉ vì trái ý lãnh đạo cấp cao hơn là một điều hiển nhiên.

Theo những thông tin mà phía Mỹ biết được thì không chỉ những người không thuộc phe ông Tâp lo ngại cho mình, mà bộ khung từng sát cánh với ông Tập và quyền lực chỉ kém hơn một chút như Lý Khắc Cường, Trương Đức Giang… cũng không biết mình ra sao về sau và họ có toan tính riêng là quy luật phải có.

Lối thoát cho họ là đòi hỏi dân chủ pháp trị để tự mình có thể bảo vệ mình hơn là phó thác tính mạng của mình và dòng họ, phe cánh vào ý muốn của hoàng đế mới với cái bình cũ. Điều này gây áp lực không nhỏ cho cuộc giữ bình của ĐH 19 tới đây. Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Ngụy Kính Sinh, vẫn còn có khả năng ĐH 19 của Đảng CSTQ chưa chắc diễn ra tốt đẹp như ý chí ông Tập đang mong muốn.

2/ Bối cảnh quốc tế tác động bên ngoài

Nội bộ thì như thế, bối cảnh quốc tế cũng gây áp lực không nhỏ lên đường lối và chính sách mà ông Tập đang thực thi. Sau một thời gian diễn cương quá đà, nhục mạ cả tổng thống Mỹ thì có vẻ Trung Quốc đang bị phản đòn.

Chính quyền Mỹ với việc Trump lên cầm chịch đã thực thi một chính sách cứng rắn hơn, từ việc tái lập lại khối đồng minh Mỹ-Anh-Pháp cho đến đứng sau trục đồng minh Nhật-Úc-Ấn-Việt để tấn công toàn diện vào TQ ở cả 2 mặt trận chủ chốt của TQ là Triều Tiên và Biển Đông đã đẩy ông Tập vào thế lúng túng. Một chuyến đi Mỹ trong tư thế “người có nhu cầu trước” đã đẩy uy thế của TQ xuống thấp hơn và uy tín của ông Tập trong nội bộ Đảng CSTQ không còn hùng mạnh như thời Obama bị Đảng CSTQ hạ nhục ở Bắc Kinh.

Song song đó là con đường bành trướng về phía Nam qua VN của TQ cũng gặp trở ngại lớn sau khi ông Tập đạt được nhiều ưu thế lớn trong ván bài ASEAN. Sự chủ động lobby đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để gặp Trump đã làm uy thế của ông Tập giảm sút thêm với nội bộ phía TQ.

Sự chủ động của “nhóm thân Mỹ” trong việc phá bỏ vòng kim cô mà Đảng CSTQ đang tròng vào cổ VN là một bằng chứng cho sự thất bại của một chính sách quan trọng của ông Tập. Nếu một khi VN vẫn chủ động giương cao ngọn cờ “gần Mỹ xa Trung nhằm cân bằng ảnh hưởng” thì quyết định của các nước ASEAN khác sẽ trở thành khó đoán cho TQ. Lá bài VN mà ông Tập nghĩ rằng có thể dùng nó để chiến thắng bàn cờ ASEAN lại lần nữa trở thành con bài domino tiềm ẩn bùng nổ khó lường.

Chúng ta có thể thấy rõ trong diễn đàn Một vành đai-Một con đường mà TQ tổ chức vừa qua, không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang được xếp ngồi cạnh ông Putin của Nga. Trung Quốc muốn chuyển cho Đảng CSVN một thông điệp rằng dù ông Quang có đi con đường Putin của Nga thì TQ vẫn chấp nhận miễn là Đảng CSVN và VN vẫn giữ quan hệ răng-môi với TQ sau khi cuộc đấu nội bộ của VN ngã ngũ dù là phe nào thắng.

21 phát đại bác cùng bắn đón Tổng Bí thư và Chủ tịch nước của VN đã cho thấy Đảng CSTQ đã học được bài học chính trị của Mỹ, đó là bắt cá 2 tay và không dồn trứng vào một giỏ.

Dĩ nhiên ông Tập hiểu rằng sau khi giáng một cú đòn vào nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để làm chậm lại vấn đề VN chuyển hóa, thì nhóm kế thừa của ộng Dũng với sự “quay đầu” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bao gồm hiện nay là các ông Quang, Phúc, Tô Lâm, Thưởng, Bình Minh… đang đoàn kết lại với nhau. Những bài học mà ông Tập làm trong việc thanh trừ Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai cũng chính là bài học lớn mà nhóm ông Quang đã thấy rõ.

Vụ việc ông Đinh La Thăng, dù trở thành có “kim bài miễn tử” khi được vào Bộ Chính trị nhưng vẫn bị đánh bật ra là tấm gương mà nhóm ông Trần Đại Quang dĩ nhiên phải dùng để soi rọi lại mình.

Trung Quốc cũng thừa biết một khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thoái vị, thì tổng bí thư mới lên, dù là ai, cũng kém quyết tâm giữ bình hơn tiền nhiệm của mình và một chính sách đối ngoại hàng hai với Đảng CSVN là điều ông Tập phải thực thi.

Điều này đã được chứng minh qua việc phái đoàn đi Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không có bộ trưởng quốc phòng nhưng vẫn có bộ trưởng công an dù an ninh biển Đông có trong nghị trình mà Mỹ-Việt bàn thảo trong phạm vi trách nhiệm của Bộ Quốc phòng. Cũng vậy ở đối thoại Shangri-La năm nay, vốn dĩ dành cho Bộ Quốc phòng các nước hoạt động thì đoàn VN lại cử… Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam tham dự.

Sự thất bại trong chính sách chuyển lửa ra ngoài để ổn định nội bộ của ông Tập trong 2 vấn đề Triều Tiên và Biển Đông (với VN) đã thất bại và dần bị kiềm hãm, cùng với sự “vắng mặt” của Bộ Quốc phòng VN trong các diễn đàn an ninh khu vực, ảnh hưởng vào quan hệ Mỹ-Trung-Việt đang nói lên điều gì?

clip_image002

clip_image004

Phần 2: Việt Nam có 2 năm để tách khỏi ảnh hưởng Trung Quốc

1/ Con tàu quân sự VN trong quỹ đạo Trung Quốc

Như đã nói trong phần 1, Trung Quốc đang bước vào chu kỳ chuyển giao quyền lực và điều chỉnh chính sách, nên sẽ suy yếu và mất ổn định trong 2 năm tới đây.

Hãy nhớ lại bài học Hungary, nước này bắt đầu đổi mới (hay còn gọi là chuyển hóa) từ trước đó nhưng bị Đảng Cộng sản Liên Xô hăm dọa tấn công nên tiến trình thay đổi bị chậm lại, mãi đến năm 1989 khi Liên Xô suy yếu từ bên trong dẫn đến không thể can thiệp mạnh bên ngoài thì Hungary mới có sự thay đổi mạnh.

Việt Nam trong thế chiến lược là vật cản trên con đường bành trướng duy nhất về phía Nam của Trung Quốc thì ai cũng biết. Từ đó chúng ta thấy rằng dù phải làm gì thì Trung Quốc phải ảnh hưởng vào hệ thống quốc phòng và an ninh quốc gia của Việt Nam là điều tất yếu không thể không làm để quân đội Việt Nam không thể đề kháng khi cần.

Các nhà tình báo quân sự Đông và Tây đều hiểu điều đó nên động thái và phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng VN luôn được theo sát.

Trong tư thế tương đồng ý thức hệ XHCN, từ sau Hội nghị Thành Đô, lâu nay Trung Quốc luôn dùng chiêu bài “đào tạo lý luận chính trị XHCN” để lôi kéo các tướng lĩnh quân sự Việt Nam sang Trung Quốc, phía sau học tập lý luận chính là để nắm thóp cá nhân. Tướng lĩnh quân đội VN thì cũng chỉ là con người, có người thoát bẫy và có người sập bẫy. Sự kiện đại tướng Phùng Quanh Thanh bị một bộ phận trong Đảng tước bỏ quyền lực ngay trước thềm Đại hội 12 chính là bằng chứng đỉnh cao của một quá trình suy thoái về chính trị của một bộ phận trong quân đội Việt Nam.

Lâu nay trong hệ thống chỉ huy quân đội VN, nếu vị trí bộ trưởng quốc phòng luôn là người có xu hướng “thân Trung Quốc”, “kiên định CNXH” thì vị trí tổng tham mưu trưởng, nhân vật số 2 luôn được lựa chọn là người có quan điểm ít tương đồng hơn để làm đối trọng và kềm chế lẫn nhau.

Trong tư thế phải xây dựng quân đội “vừa hồng vừa chuyên”, đảng đã đặt ông em quân đội VN vào một lối đi rất hẹp, vừa phải chung lý tưởng xã nghĩa với ông anh quân đội TQ, lâu lâu đưa thóp cho ông anh nắm, vừa phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trước dã tâm thôn tính của ông anh. Từ đó dẫn đến hiện tượng bộ trưởng quốc phòng có xu hướng giữ bình, còn tổng tham mưu trưởng lo giữ sức chiến đấu cho quân đội. Và mâu thuẫn về đường lối và lý luận của quân đội VN cũng sinh ra từ đó.

Tuy nhiên do vị trí chính trị của ghế bộ trưởng cao hơn ghế tổng tham mưu trưởng, nên dù muốn dù không, con tàu quân sự VN dần dần chạy vào bến cảng Trung Quốc. Đây là bức tranh lớn tổng thể về việc Trung Quốc ảnh hưởng vào hệ thống quốc phòng VN.

2/ Vùng vẫy để tự vệ và thoát ra?

Nhận thức rõ vấn đề đó, một bộ phận trong Đảng có tư duy “chống TQ” mà khởi đầu từ 10 năm trước đã đòi hỏi đa dạng hóa và đa phương hóa đối ngoại quốc phòng chính là điều mà VN, dù là thể chế nào cầm quyền, cũng phải cần làm. Bài học lịch sử về việc VNCH “phụ thuộc vào Mỹ” trong khi VNDCCH luôn tìm cách “đánh đu” giữa Liên Xô và Trung Quốc là điều cần thấy.

Nếu chúng ta biết rằng nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi xưa và Chủ tịch nước Trần Đại Quang hiện nay chủ trương mua tên lửa hiện đại của Israel để mang về triển khai ở Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, chúng ta sẽ hiểu TQ “khó chịu và bực bội” trước các bước chuyển hóa này thế nào khi luôn tìm cách cầm nắm quân đội Việt Nam.

Tôi xin đưa ra 1 ví dụ. Khi xưa Mao Trạch Đông đã phạm một sai lầm chiến thuật quân sự nặng nề khi quyết định giao trả Bạch Long Vĩ lại cho Việt Nam để ngày nay quân đội VN, với những tên lửa hiện đại mua của Israel, có thể dễ dàng triển khai ở Bạch Long Vĩ để đập nát căn cứ hải quân đảo Hải Nam của TQ. Với tầm bắn 90 km tính từ khu vực Bạch Long Vĩ, TQ sẽ không có đủ thời gian để triển khai đánh chặn khi Việt Nam khai hỏa. Đó cũng chính là tử huyệt mà Trung Quốc luôn tìm cách che chắn.

Sự kiện máy bay tuần thám Casa 212 của Việt Nam bị rơi và vỡ tan nát trong khu vực Bạch Long Vĩ năm 2016 gần khu vực Trung Quốc khi đó đang diễn tập tàu ngầm cho chúng ta thấy điều gì?

Trong bối cảnh Mỹ chỉ có thể giúp VN một khi xảy ra va chạm quân sự trên biển Đông với lý do “bảo đảm an ninh hàng hải” thì việc TQ muốn bành trướng tiếp tục Biển Đông thì chỉ có thể “thôn tính trong im lặng”. Do đó việc ảnh hưởng và cầm nắm hệ thống quốc phòng VN, mà cụ thể là Bộ Quốc phòng, càng quan trọng hơn bao giờ hết. TQ ra đòn đánh mà VN “không kêu la để phương Tây phải ngồi im” là cái mà Tập Cận Bình cần nhất.

Và tôi cho rằng đó cũng là lý do vì sao trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không có phái bộ quốc phòng đi theo dù biển Đông và an ninh hàng hải có trong nghị trình. Cũng như vì sao Việt Nam không có lãnh đạo bộ quốc phòng phát biểu và tham dự ở Đối thoại Shangri-La trong khi lẽ ra VN, hay cụ thể hơn là Đảng CSVN, phải tranh thủ lòng tin chiến lược của quốc tế, nhất là khi Mỹ cử bộ trưởng quốc phòng trực tiếp tham dự.

Một sự lúng túng vế đường lối trong nội bộ Bộ Quốc phòng và trong Đảng chính là câu trả lời cho vấn đề trên.

Sau Đại hội 12 thì có sự phân hóa trong vai trò của 2 con xe trên bàn cờ an ninh quốc gia. Một Bộ Công an có xu hướng “thân Mỹ” đang đòi chia sẻ quyền ảnh hưởng vào đường lối an ninh đất nước với một Bộ Quốc phòng có xu hướng “thân Trung Quốc”. Một phái bảo thủ đang tìm cách tiết giảm quyền lực của bộ trưởng công an và một phái tiến bộ hơn đang tiết giảm quyền lực của bộ trưởng quốc phòng chính là nguyên nhân sâu xa của những scandal chính trị đang nổ ra gần đây.

Đảng CSVN và VN chỉ có 2 năm để ổn định lại vai trò hướng về quốc gia dân tộc của 2 con xe công an và quân đội để VN bước vào “Đổi mới 2” trong bình yên, an toàn và hiệu quả. Chỉ đáng buồn rằng trong cuộc cờ quan trọng này, vai trò của nhân dận rất mờ nhạt và bị xem nhẹ trong khi kết quả cuộc cờ thì nhân dân là nơi đón nhận đầu tiên dù tích cực hay tiêu cực.

Quân đội từ nhân dân sinh ra, hãy phục vụ cho mong muốn của nhân dân chứ không chỉ để phục vụ cho kế hoạch của hai đảng anh em nào đó, nhất là khi nó tiềm ẩn nguy cơ mất nước.

clip_image006

clip_image008

H.M.

__________

* Trước đó, bài được đăng trên một số trang với nhan đề “TQ thừa biết người kế nhiệm ông Trọng sẽ không giữ bình quí” như tại trang tintuchangngayonlinedanchimviet BVN chú giải)

Nguồn:

Phần 1: https://www.facebook.com/An.Dan.Nguyen2010/posts/140329163194101

Phần 2: https://www.facebook.com/An.Dan.Nguyen2010/posts/141307456429605

This entry was posted in Đảng CSVN. Bookmark the permalink.